Tản văn đặc sắc của nhà văn Tạ Duy Anh: Mót khoai

. - Thứ Hai, 19/09/2022 , 08:16 (GMT+7)

Cho dù những củ khoai có ẩn mình kĩ đến đâu, cho dù chúng cùng màu với đất ruộng... thì cũng khó mà qua khỏi hàng trăm cặp mắt hau háu của lũ trẻ.

Trẻ em mót khoai. Ảnh: TL.

Nhiều bạn trẻ bây giờ có thể còn chưa từng nhìn thấy cây khoai lang, ít nhất để phân biệt với cây khoai tây, vì thế nói chuyện mót khoai có vẻ như đang kể chuyện trên trời.

Nhưng thời của tôi, cách nay vài chục năm, thì mót khoai (chủ yếu khoai lang) vừa là thú vui, vừa là công việc nhưng quan trọng nhất chính là một cách kiếm sống vô cùng thực tế.

Có bạn sẽ hỏi: “Khoai ở đâu mà mót”?

Tất nhiên là khoai ở ruộng. Khoai lang có lẽ là thứ cây dễ trồng, dễ tính nhất trên đời. Đã từng có câu: “Trồng khoai gặp buổi gió đông/ Dây đặt lộn ngược vẫn không việc gì”. Câu này là thuần túy nói về việc trồng khoai lang. Còn “dây” ở đây là phần cuống và lá khoai, lấy ra từ chính ruộng khoai vừa thu hoạch, cắt thành từng đoạn nhỏ. Khi trồng, chỉ việc dúi một đầu xuống đất, vun thêm ít đất lên và thế là xong.

Thông thường người ta đã lót xuống một ít phân chuồng. Còn việc chăm bón sau đó vô cùng đơn giản và nhàn nhã. Nhưng gặp vùng đất cát pha, thường gọi là đất “nhẹ vía” thì củ khoai cứ thế âm thầm lớn lên trong lòng đất và cho ra thứ hương vị mà đến vua chúa cũng không thể bỏ qua. (Tiện thể nói thêm: Các nghiên cứu gần đây cho thấy khoai lang có thể ví như một thứ sâm đất, chữa nhiều thứ bệnh, nhưng hiệu quả nhất là bệnh táo bón về già. Bản thân người viết từng thấy một đại gia tiền chất cao đến nóc, nhưng mỗi ngày nhất định phải ăn vài khúc khoai lang chấm với vừng đen, mới mong không làm khổ con cháu và mới thấy đời vẫn chưa vô vị).

Trở lại với việc mót khoai. Chả là đến kỳ thu hoạch, hợp tác xã cử xã viên đi “dỡ” khoai. Trước hết người ta cắt trụi phần dây lang đã tàn phía trên, rồi dùng cuốc (thời xưa thường là cày bằng trâu) lật tung luống khoai lên. Sau đó mới đến công việc nhặt khoai cho vào bao hoặc rổ sề. Việc dỡ khoai tuy đơn giản như vậy nhưng nói như các cụ, ăn cơm còn có lúc vãi, nữa là đào khoai từ dưới đất sâu! Khoai sót lại trong quá trình thu hoạch, như một điều bất khả kháng, chính là món quà mọn nhưng không thiếu ngọt ngào mà trời muốn để riêng phần cho bọn trẻ.

Chờ bà con xã viên về hết, những kẻ mót khoai bắt đầu ùa xuống ruộng. Mắt đứa nào cũng tinh như mắt chim cắt, đảo ngang đảo dọc soi mói từng ụ đất, từng màu sắc lạ, từng mầm cây… để phát hiện khoai sót. Và cho dù những củ khoai có ẩn mình kĩ đến đâu, cho dù chúng cùng màu với đất ruộng, cho dù chúng đôi khi chỉ nhô lên mặt đất một tí đầu bé tẹo… thì cũng khó mà qua khỏi hàng trăm cặp mắt hau háu của lũ trẻ. Nhiều củ khoai béo nần nẫn, thực sự giống như cả một kho báu, được moi lên trong niềm thích thú tột cùng của người gặp may. Có đứa háu đói dùng củ khoai chùi ngay vào quần, mài xuống cỏ để làm trướt lớp vỏ mỏng tang mầu hồng tím đầy cám dỗ khiến lộ ra lớp thịt khoai tươi rói, trắng tinh trắng nõn và cứ thế đưa vào miệng cắn đôm đốp, nhai gau gáu. Người lớn trông thấy thì nhẹ là ăn mắng, nặng có thể no đòn vì tội mất vệ sinh. Nhưng cái vị ngọt của khoai sống vừa thanh mát, vừa bùi béo, vừa nồng thơm mùi đất thì luôn có thật, vô cùng khó cưỡng.

Sau một hồi càn quét, chiến lợi phẩm thu được là những củ khoai đủ loại kích cỡ.

Cứ tưởng sau đó có đem sàng đất cũng chẳng thể tìm thêm được củ khoai nào còn sót lại. Nhưng mà ai vội nghĩ thế là lầm to hoặc chưa bao giờ sống ở nhà quê.

Cũng thửa ruộng đó, thường sẽ bỏ hoang cho “đất thở” đến mùa sau. Gặp trận mưa rào đầu mùa, nước mưa nhanh chóng xóa hoàn toàn dấu tích của những luống khoai, để lại là một cánh đồng phẳng như lụa. Những củ khoai ẩn náu lì lợm nhất cuối cùng cũng lộ ra, thường là trên đầu đã kịp có mấy cái mầm óng mượt. Chúng lập tức là mục tiêu của những chú ngỗng có khả năng đánh hơi vượt xa loài chó. Vào những ngày cực kỳ tươi đẹp mà chỉ đời người nào may mắn mới được trời ban cho vài dịp, chủ của đàn ngỗng có thể phải chạy rạc cẳng trên cánh đồng đất cát pha mát lịm gan bàn chân, để nhặt khoai mầm. Lần này thì không một mống khoai nào có thể trốn thoát khỏi những cặp mắt ngỗng! Ngỗng là loài vật mà kể về chúng không thể dùng ngôn ngữ suồng sã được. Chúng thực sự là thiên sứ và chưa ai có thể kết luận chúng được phái xuống trần gian để làm việc gì là chính.

Nhưng với bọn trẻ chúng tôi, thì tạm thời việc của ngỗng là mót khoai.

Những củ khoai mầm, củ nào cũng bị mỏ ngỗng làm sứt một miếng ở đầu, mới thực sự là kho báu của tuổi thơ. Hình như có bao nhiêu ngọt ngào, thơm tho, mát bổ… mà trời đất tích tụ được, đều nhốt cả vào trong củ khoai. Có thể gọt vỏ ăn sống, độ giòn và ngọt không thua gì quả lê đường hảo hạng. Nhưng tuyệt nhất vẫn là vùi thẳng củ khoai vào than nóng đốt từ thân cây phi lao, rồi hồi hộp ngồi xem khoai cựa mình, cựa rất nhẹ, trước khi vỏ khoai ướt đẫm thứ mật mầu nâu với một mùi thơm xộc thẳng vào tận con tì con vị. Đố ai có thể cưỡng lại được để không bới tung đống than lên, chuyền trên hai bàn tay củ khoai nóng hổi, trong khi miệng vừa thổi phù phù vừa nuốt nước bọt.

Nhưng mọi sự kì diệu nhất chỉ lộ ra khi củ khoai bị bửa đôi: Một thứ giống như thạch nhưng thạch không thể so được, màu ngọc phách trong suốt hiện ra khiến ngọc phách cũng phải chào thua, tỏa hương ngào ngạt có thể khiến ta phải phủ phục xuống mà cảm ơn trời đất, mùa màng.

Giờ đây công việc mót khoai hầu như chỉ còn trong những chuyện kể, có hơi hướng của chuyện cổ tích. Nỗi khổ, nỗi kinh hoàng của một thời đói khát là điều chúng ta muốn quên đi và cầu mong nó không trở lại. Nhưng bạn trẻ nên nhớ, sự giàu có, ngọt ngào của mỗi cuộc đời, đôi khi, lại được bắt đầu từ những cơ hàn, cay đắng…

Tạ Duy Anh

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.