Giã gạo

. - Thứ Hai, 11/07/2022 , 06:41 (GMT+7)

Giã gạo còn là hành vi đo mức độ hòa hợp tâm hồn! Nó giống phần nào với hành động yêu đương. Tuyệt nhất là vợ trước, chồng sau, làm tăng hương vị cuộc sống.

Tranh "Giã gạo" của họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Nếu cối xay lúa hầu như nhà nào cũng phải có vì không tiện xay nhờ, thì giã gạo nhờ lại là phổ biến trong bất cứ làng quê nào xưa kia.

Có hai lý do giải thích điều này.

Bài liên quan

Thứ nhất, cối xay lúa thường để trong nhà, hoặc trong nhà ngang, là không gian ít nhiều bí mật của người nhà quê. Ngay cả khi gia chủ xởi lởi không coi đó làm điều, thì người ngoài cũng vẫn nên ý tứ tránh, nhất là lúc họ vắng nhà. Trong khi đó cối giã gạo thường đặt ở cuối hiên, vị trí đắc địa nhất là đầu hồi, nơi để cày bừa, cuốc xẻng… và thuộc phần không gian mở. Gia chủ có mặt ở nhà hay không cũng không thành vấn đề với người bên ngoài. Thậm chí họ cứ đến giã gạo khi không thể xin phép chủ nhà trước (do họ đi vắng) cũng không sao. Đang giã mà chủ nhà về, họ hỏi cũng chưa muộn. Hôm sau gặp nói vớt vát cũng chả hề gì.

Nhưng lý do thứ hai mới là chủ yếu: Cối xay lúa là vật dụng thuộc loại “đắt” tiền nhưng dễ hỏng, qua vài vụ là phải đóng lại nên việc xay nhờ thành ra gây thiệt hại cho người khác, trong khi cối giã gạo chỉ cần đóng một lần là có thể dùng đến hết đời. Việc đóng một cái cối giã gạo thường không quá khó và cũng ít tốn kém.

Chỉ cần một khúc gỗ đảm bảo kích thước, bất cứ loại gỗ gì cũng được nên cũng khá dễ kiếm, một chút khéo tay để tạo cái mỏ cối, thường bằng gỗ ổi, gỗ nhãn lại càng không hề hiếm. Ngay cả khi mỏ cối cần gắn vài cái đinh hoặc vật kim khí nhằm tạo ma sát, cũng không quá phức tạp. Cái còn lại là cho nó một không gian cố định. Tất cả những yêu cầu đó đều nằm trong tầm tay của bất cứ gia đình nông thôn nào.

Mặc dù đơn giản thế nhưng lạ ở chỗ, hầu như mỗi làng luôn chỉ có vài cái cối, theo cụm dân cư, mặc dù không hề có sự phân công mang tính chủ ý nào. Đây là điều thú vị về mặt sinh tồn và văn hóa làng. Một nhà giàu có nứt đố, đổ vách nhưng vẫn có thể đi giã gạo nhờ năm này qua năm khác ở một gia đình kinh tế kém hơn mình. Người giã gạo nhờ không hề coi đó là phiền toái, không hề thấy việc giã nhờ ấy là mất thể diện. Trong khi chủ của chiếc cối cũng không mảy may xét nét, bực bội hay gợn lên chút so kè nào. Vào lúc cần yên tĩnh mà cứ có tiếng giã gạo thùm thụp do người khác gây ra, chả đáng để bực mình lắm sao! Bực mình hơn là nhà hắn ta thừa khả năng làm một cái cối nhưng hắn không chịu làm mà cứ chỉ đi giã nhờ. Bất cứ suy diễn thông thường nào thì cũng sẽ là như vậy và phải như vậy.

Nhưng nếu thế thì chúng ta làm gì có cái gọi là văn hóa làng, ít ra là văn hóa làng của một thời, để nương vào đó mà làng quê, dù tai ương, giặc giã, lại vẫn cứ giữ được nét thanh bình?

Thế mới biết nghèo chưa phải là thứ đáng sợ nhất.

Xay lúa: Tranh họa sỹ Ngô Xuân Khôi.

Thông thường giã gạo phải từ hai người trở lên. Một người giã thường tốn sức, mau mệt. Giã gạo là cả một sự khéo léo và mang tính thẩm mỹ cao! Nhà quê, khi chưa cưới hỏi, không bao giờ có chuyện trai gái lạ giã gạo cùng nhau. Sẽ lập tức bị dị nghị, độn thổ cũng không thoát tai tiếng. Vì thế đa phần việc giã gạo đều được thực hiện bởi những người thân trong nhà. Tuyệt nhất là vợ trước, chồng sau, loại bỏ mọi rắc rối của sự đụng chạm. Thậm chí đụng chạm trong trường hợp đó còn có khả năng làm tăng hương vị cuộc sống. Sự nhịp nhàng để cộng hưởng lực, mới chỉ đạt một nửa yêu cầu. Thời điểm nhún tiếp theo khi mỏ cối đã nện xuống là cả một sự kỳ diệu về cảm giác. Nếu mỏ cối vừa chạm gạo (chưa kịp tận dụng hết lực ma sát) mà đã nhún chân, sẽ làm phí mất lực vừa tạo ra, thậm chí có thể dính đòn “phản lực” bong gân như chơi! Nhưng nếu để mỏ cối ở trạng thái “chết” rồi mới nhún tiếp, thì phải mất nhiều lực hơn cho một lần giã mới. Vì thế, phải cảm nhận, phải “nghe” vào đúng khoảnh khắc mỏ cối bắt đầu tự nảy lên theo quán tính để nhún chân. Việc này tinh tế đến nỗi nếu người giã chỉ cần có một chút ý thức về điều đó là hỏng ăn. Nó phải đạt đến mức phản ứng bản năng.

Vì thế, có thể nói không quá: giã gạo còn là hành vi đo mức độ hòa hợp về tâm hồn! Nó giống phần nào với hành động yêu đương. Hai người xung khắc nhau mà làm tình thì chả có tí hứng thú nào, thậm chí tạo ra tội ác. Cũng hai người ấy mà giã gạo thì rất mệt và khiến người ta sợ đến già.

Giã gạo là công việc nặng nhọc chẳng kém gì xay lúa nhưng thú vị và đỡ nhàm chán hơn. Trong khi “xay lúa thì thôi ẵm em”, giã gạo vẫn có thể kết hợp hai việc một lúc trong trường hợp neo người.

Muốn biết người nào nhân hậu, có văn hóa, sống xởi lởi, chỉ cần xem cách họ múc gạo lên từ cối là biết. Họ trân trọng, nâng niu, vỗ về, an ủi những hạt gạo phải qua biết bao khó nhọc và đau đớn mới thành ra hạt ngọc thực. Trong khi nhặt từng hạt bị bắn ra ngoài, họ luôn để lại trong cối một vài lẻ tay cho nhà chủ, tùy họ làm gì thì làm. Kể cả chủ nhà chả bao giờ cần đến số gạo đó và chúng lại thành của người đến giã sau, nhưng nhất định cứ phải để lại thì mới yên lòng, mới ra người tử tế.

Lạ thế cái tình nhà quê!

Tạ Duy Anh

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Người làng... đã thành người phố
Người làng... đã thành người phố

Tốc độ đô thị hóa đáp ứng những nhu cầu mới xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu và tính chất của cư dân nông thôn hiện nay dường như đang phát triển đầy tính tự phát và có nguy cơ dẫn đến phá vỡ những cảnh quan nông thôn bao nhiêu đời nay.

Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Cuối tháng Chạp chộn rộn người xe tất bật, những buổi chợ cũng vội vàng bao nhiêu giọng điệu gợi lên nhiều kỷ niệm xôn xao về năm cũ sắp trôi qua.

Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến
Những người đàn bà đi máy bay Pháp tìm chồng qua vùng giới tuyến

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5/1954, mẹ tôi và nhiều người phụ nữ ở Quảng Bình đã vào tận Huế để tìm và cùng chồng trốn lính trở về quê…

Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức
Đàn trâu của nhà thơ Phạm Đức

Thơ hay thường vận vào người. Chung cuộc, cho tới khi rũ áo ra đi, nhà Thơ Phạm Đức chỉ có một mình. Gia tài ông để lại là căn nhà bên mép sông Bùi còn chưa hết nợ, một tủ sách đồ sộ mấy trăm cuốn. Và đàn trâu…, gần hai trăm con.

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Sự kiện

Người làng... đã thành người phố

Người làng... đã thành người phố

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Cuối tháng Chạp chợt thương một giọng chợ xa xôi

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt