Tản văn Tạ Duy Anh: Nhà ngang

Tạ Duy Anh - Thứ Ba, 23/08/2022 , 06:40 (GMT+7)

Bất kể gia đình nhà quê Bắc bộ nào, hễ có chút cơ hội, là nhất định sẽ dành sẵn chỗ, để bất cứ lúc nào cũng có thể cho mọc lên căn nhà ngang.

LTS: Nhà văn Tạ Duy Anh trở lại với bạn đọc NNVN qua những câu văn mộc mạc nhưng ý tứ sâu sắc, hóm hỉnh. Sự tài tình của nhà văn ở chỗ chỉ bằng có nghìn từ ông giúp chúng ta sống lại một thuở chưa xa. Xin kính mời bạn đọc.

Nhà văn Tạ Duy Anh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Không phải gia đình nhà quê Bắc bộ nào xưa kia cũng có nhà ngang. Khi ăn còn chả đủ, một chỗ chui ra chui vào chưa thưng kín vách, nền đất vẫn mối đùn chuột rúc thì nhắc đến nhà ngang chẳng khác nào nói mỉa ngọt nhau.

Một gia đình cơ nghiệp chưa có, hoặc lưng vốn còn mỏng, chưa bị áp lực phải có thêm không gian, chắc chắn chưa cần phải có nhà ngang, Một gia đình mới ra ở riêng sau khi tách hẳn khỏi bố mẹ, cho dù đủ điều kiện kinh tế, cũng chưa nghĩ đến nhà ngang làm gì. Nhiều việc khác quan trọng, cấp thiết hơn phải làm trước. Vả lại, đời còn đủ dài để mà xây đắp, ước muốn.

Bài liên quan

Nhưng bất kể gia đình nào, hễ có chút cơ hội, là nhất định họ sẽ dành sẵn một chỗ, để bất cứ lúc nào cũng có thể cho mọc lên căn nhà ngang.

Nhà ngang là vật chứng cho một gia đình có bát ăn bát để, thuộc hạng phong lưu, cần phải có nơi chứa riêng những thứ được coi là của nả, tách hẳn ra với nơi ở chính.

Trong quan niệm về không gian có phần cảm tính của người nhà quê, chính diện là chiều dọc, cũng là chiều của nề nếp, quyền lực. Vì thế, gọi nhà ngang vì nó nằm vuông góc với nhà chính, ở phía mắt phải đưa ngang nhìn sang mỗi khi bước vào nhà chính hoặc mỗi khi từ nhà chính bước ra, có tính chất phụ, chứ không phải căn cứ theo chiều khổ đất hay phương hướng quy ước nào? Điều chắc chắn là nhà ngang luôn phải thấp, nhỏ hơn nhà chính, thường chỉ ba gian mà rất ít khi có thêm hai chái.

Nhà ngang, một khi xuất hiện, lập tức đảm nhiệm gần như mọi chức năng. Nó thay vai trò một cái kho khi là nơi chứa tất tật mọi thứ mà một gia đình làm nghề nông phải có như dụng cụ sản xuất, dụng cụ chế biến lương thực như cối xay lúa, cối xay bột, nồi lớn, chảo đại… Tất tật đều cất ở nhà ngang.

Rồi nào là cỏ dự trữ cho trâu bò, cám cho lợn, khoai sắn chưa dùng đến… cũng đều để tạm ở nhà ngang. Nhà nhiều thóc lúa thì một phần sẽ cất ở nhà ngang. Nó, căn nhà ngang, cũng chia bớt nhiệm vụ với cái bếp khi nhà có khách hoặc khi có đánh chén, cần phải nấu nướng nhiều thức ăn. Bình thường nhiều gia đình dùng ngay nhà ngang làm nơi ăn cơm, nhất là vào mùa đông tháng giá.

Ấm áp nhà xưa. Tranh của họa sỹ Trần Nguyên.

Thậm chí, lúc cần thiết nhà ngang còn có thể là nơi nhốt tạm thời gà vịt ngan ngỗng khi chúng còn nhỏ, trước khi đem ra chợ bán hoặc mỗi khi có dịch cần một nơi sạch sẽ để cách ly giữa con mắc bệnh và con chưa bị mắc bệnh. Nhà có chó đẻ thì một là ở bếp, hai là nhà ngang, không mấy khi được ở nhà chính.

Tuy thế nhà ngang dứt khoát không phải là cái kho, không phải là cái bếp phụ, càng không bao giờ là chuồng trại. Nó là một ngôi nhà thực sự, ngôi nhà dành cho việc ở, sinh hoạt của con người. Từ kết cấu không gian đến vị trí sinh thái trong cái tổng thế kiến trúc, trật tự của một gia đình đều toát lên cái chức phận to lớn ấy. Nhà ngang không bao giờ là nhà tạm (thêm, khác xa với tạm), vì thế nó thường là được chuẩn bị công phu về vật liệu để xây kiên cố, y như nhà chính, tất nhiên là luôn nhỏ hơn, thấp hơn.

Vì thế, nhà ngang thực chất là không gian mở rộng, nối dài của ngôi nhà chính.

Chỉ có một thứ không bao giờ được đặt ở nhà ngang, ấy là chiếc bàn thờ. Chính sự khác nhau này mà nhà ngang vĩnh viễn chỉ là ngôi nhà thêm nếm, đóng vai trò phụ trợ.

Tuy nhiên mọi thứ không cố định trong cái trật tự mang tính quy ước ấy: Có hai trường hợp xảy ra sẽ biến nhà ngang trở thành hoàn toàn là một ngôi nhà.

Thứ nhất: Khi người con trai trưởng lấy vợ mà chưa thể tách khỏi bố mẹ, hoặc trong thời gian chờ để thay vào vị trí của bố mẹ (trước khi hai cụ về giời), thì nhà ngang là nơi ở, sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ. Thời gian có thể kéo dài nhiều năm, hoặc nhiều chục năm nếu vẫn không có điều kiện tách hộ sang một không gian khác biệt lập.

Thứ hai, điều này ngày nay hầu như đã chấm dứt, ông gia trưởng muốn cưới thêm một bà vợ lẽ. Khi đó nhà ngang là nơi ở của người đến sau. Khi bà ta sinh con, đẻ cái thì chúng cũng ở luôn cùng mẹ, trừ một số trường hợp đứa con nào đó được gia trưởng đặc cách cho ở nhà chính. Dù với bất cứ lợi thế nào, thì việc phân chia lãnh địa vẫn không mấy khi thay đổi. Nhà chính của bà cả, thuộc loại “vợ cái con cột”, còn nhà ngang của bà vợ lẽ. Nó xác định dứt khoát vai vế chính-phụ trong đại gia đình.

Một gia đình nhà quê truyền thống xưa kia ở vùng Bắc bộ nhất định cứ phải có cái nhà ngang sau căn nhà chính, nếu muốn khép kín một không gian sinh tồn mơ ước, nơi mà tính biểu tượng luôn được đề cao hơn mọi giá trị thật.

Tạ Duy Anh
Tin khác
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.