Tản văn Đức Ban: Hoa dong riềng

. - Thứ Ba, 15/11/2022 , 06:10 (GMT+7)

Hoa dong riềng không giống ai, mỗi màu đỏ thâm trầm, với vị ngọt rất riêng lấy đâu từ trong lòng đất, ủ kín đáo vào đáy sâu nhụy hoa.

Hoa dong riềng. Ảnh: Trọng Chính.

Làng tôi tựa lưng vào núi Cài, ngoảnh mặt ra sông Nhe. Đường làng đoạn thẳng, đoạn cong nối với những lối ngõ thường là không có cổng, thông thống vào những ngôi nhà mái lợp tranh tro, thưng phên nứa, thấp, sâm sẫm. Nhà có những tấm rèm bằng lá cọ gài chặt vào bộ khung tre thay cho cửa, chống lên là mở, trập xuống là đóng. Từ nhà bước ra qua ba bậc thềm là sân, thường sân đất. Nhà khá giả thì sân lát gạch đỏ, cạnh sân có cây mít, có giếng nước. Quanh nhà vườn chen chúc những cây cam, chanh, quýt, bười, hồng, na, cau, trầu không, hành tăm, gừng, nghệ, rồi cải, dền, ngải cứu, hương nhu, diếp cá...

Không vườn nào giống vườn nào. Duy dong riềng thì như một mẫu số chung, chung cho mọi nhà. Nó âm thầm khiêm nhường kéo vạt ngoài rìa vườn, dưới bóng tre, bóng tro, hoặc chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo đủ hình dạng, cao thấp. Dong riềng cứ lớn lên, cao lên, lá cứ một màu xanh thẳm. Dường như con người thấy ra sức sống mạnh mẽ và sự chịu đựng bền bỉ của dong riềng mà cho nó ở những khoảnh đất khô cằn mùa hè, ẩm thấp mùa đông vậy.

Thân dong riềng màu tím nhạt, cây cao nhất gần 2m. Lá cây dạng lá đơn, hình bầu dục, mép nguyên, mọc cách nhau hơn 5cm, chót nhọn có mũi, gốc lá thót lại thành bẹ ôm thân, mặt trên lá xanh đậm, mặt dưới nhạt màu hơn, nét viền mép lá màu đỏ tía. Một đường gân chính nằm dọc lá, sống lồi mặt dưới, lõm mặt trên tỏa ra nhiều đường gân nhỏ nằm xiên, song song.   

Cuối tháng sáu sang tháng bảy mưa ngâu, dong riềng nở hoa. Thường là hai, ba búp tròn căng như những ngón tay trỏ kết thành cụm ở đầu cành. Trưa tròn bóng, bọn trẻ chúng tôi đội nắng lách giữa đám cây cao quá đầu tìm ngắt búp hoa, hút chút mật ngọt đọng đâu đấy trong lớp lớp cánh hoa cuốn tròn. Chút mật chạm đầu lưỡi đủ để cảm nhận cái vị ngọt không như ngọt lịm của đường, cũng chẳng như ngọt khay của mật mía mà thanh khiết, vấn vít như sương khói. Mẹ tôi nhắc, đừng ngắt búp hoa, không có búp không có hoa, không có hoa, dong riềng củ ít đi và sượng, mất hết vị thơm bùi.

Đến một ngày những cái búp hình ngón tay trỏ, màu hồng nhạt đọng chút mật thanh ngọt kia nhất loạt mở xòe cánh đỏ, hiển lộ những cái nhụy hoa phơn phớt vàng. Hoa có ba lớp bảo vệ. Đầu tiên là một lá ương có trước cả khi hoa nở; tiếp đến là bao hoa vòng ngoài đến bao hoa vòng trong. Bao hoa vòng ngoài màu nâu, bao vòng trong màu sâm sẫm. Trong vườn có bao nhiêu loài hoa mỗi hoa mỗi sắc, mỗi hương. Riêng hoa dong riềng không giống ai, mỗi màu đỏ thâm trầm, với vị ngọt rất riêng lấy đâu từ trong lòng đất, ủ kín đáo vào đáy sâu nhụy hoa. Tháng tám mưa gió, tháng chín, tháng mười sương muối, hoa dong riềng rủ cánh, lá gãy gốc buông xuội theo thân cây, hoa và lá một màu vàng thẫm. Mẹ tôi bảo, màu đỏ của hoa, màu xanh của lá nó dồn cả xuống đất để nuôi củ hết rồi. Là thế, nhưng nhìn ra cuối vườn thấy những cây dong riềng đứng lặng trong mờ mờ mưa giăng, lòng tôi cứ nao nao buồn.  

Tháng giêng, tháng hai, đất trời rực rỡ sắc màu cũng là thời gian dằng dặc thiếu thốn, đói khát. Ngoài đồng lúa xanh ba lá chơ vơ giữa đất trời mưa bụi lênh loang. Trong nhà thóc dính đáy bồ, khoai khô, khoai deo lưng lửng chum; mọi thứ cứ phải dè sẻn. Đã đến kỳ dong riềng cho củ. Kỳ thu hoạch củ giong riềng kéo dài non buổi. Củ dong riềng thường có hai đến ba nhánh, mỗi nhánh lại là một củ, củ to bằng nắm tay trẻ con, củ nhỏ như lọ mực Cửu Long và đều được bọc bởi những mảnh vỏ lụa mỏng hệt những mảnh ni lông trắng. Tôi theo mẹ và anh trai ra vườn. Anh tôi gom củ bỏ vào chiếc rổ thưa thường để rửa rau, nách vào nhà, còn mẹ thì chọn những nhánh củ mập mạp, da hồng hào, tươi mởn, vùi xuống đất. Mẹ ươm giống dong riềng cho mùa sau. Mẹ bảo tôi lấy thân cây với lá rải đều lên mặt đất để chở che cho củ nẩy mầm.

Vườn hoa dong riềng ở Sơn La. Ảnh: Trọng Chính.

Cữ gần sáng, đất trời còn mờ sương, tôi mở mắt bao giờ cũng thấy thấy mẹ ngồi gập lưng bên bếp lửa rơm. Lửa cháy phần phật, bóng mẹ in trên vách nứa, chập chờn trong ánh lửa, sau làn hơi nước trắng mờ lãng đãng từ trong cái nồi đất tròn xoe bốc lên mang theo mùi thơm dịu ngọt lan tỏa trong gian nhà yên tĩnh. Rồi mẹ dùng cành tre dập lửa và đứng dậy lom khom bê nồi khoai dong riềng đặt xuống nền nhà đất nện. Mẹ dỡ từng củ khoai nóng hổi ra cái mâm gỗ đặt trên trên cái chõng tre màu đen như than rơm. Rồi mẹ lựa những củ khoai non trên đầu còn bọc lớp vỏ lụa trắng xếp trở lại nồi để nấu canh dam cho bận ăn trưa. Mọi người xúm xít chung quanh mâm khoai bốc hơi nghi ngút.

Ăn khoai dong riềng không vội được, cứ phải từ tốn bóc lớp vỏ ngoài, rồi dùng dao cắt từng miếng hình tròn dày gần đốt ngón tay, chậm chậm cắn từng miếng, nghe vị ngọt bùi ngấm vào kẻ chân răng. Tháng giêng, hầu như sáng nào cũng vậy, cả nhà tôi ngồi bên mâm khoai dong riềng, rồi thì người lớn ra đồng, trẻ con đến lớp học hoặc cưỡi lưng trâu...

Trưa về, chúng tôi lại được thưởng thức canh dam dong riềng. Đấy là một món ăn dường như chỉ có riêng ở làng tôi. Nhà tôi bao giờ cũng có hàng dăm bảy chục con dam, anh tôi và tôi bắt ngoài đồng về thả trong vại sành. Mẹ tôi giã dam đến nhuyễn rồi lọc lấy nước qua mảnh vải màn, đựng vào trong mấy cái bát sứ, sau đó cho vào nồi nhôm đã phi trước chút hành mỡ, xong thái khoai sợi chỉ bỏ vào đun tiếp, chừng khi những sợi khoai đã ngấm nước, mềm nhừ, mẹ cho vào nồi một nắm lá mùi tàu thái nhỏ. Mùi thơm ngậy của dam nấu chín, mùi ngọt bùi của khoai, mùi thơm nồng nàn của mùi tàu, quyện với mùi hành mỡ tỏa ra làm nên một thứ hương vị lạ lùng, quyến rũ.

Bây giờ, nhiều khi bên bàn tiệc ngồn ngộn các loại thức ăn Tây, Tàu, miền Nam, miền Bắc, tôi bất chợt thổn thức nhớ khoai dong riềng, mùi bùi ngọt của khoai luộc, mùi thơm ngậy của canh dam. Bao lần tôi về quê, ngồi trong gian nhà bếp ngày xưa mẹ từng ngồi nhìn ra dải đất cuối vườn thẫm bóng tre; chẳng còn thấy dong riềng nữa. Nơi ấy chị dâu tôi trồng những loài cây khác, chắc để thu nhập cao hơn, vườn xanh um những cam, bưởi, chè, ổi, bầu bí, hành, nghệ...

Và dĩ nhiên không còn những chùm hoa đỏ rực trong nắng, mờ ảo trong mưa xuân. Bao người chưa được nhìn ngắm màu đỏ ấy? Bao người chưa được nếm chút mật ngọt thanh nhẹ như sương khói trong búp hoa dong riềng? Bao nhiêu người chưa được ăn củ dong giềng thơm bùi, nóng hôi hổi lúc tưng mưng sáng lặng lẽ sương giăng? Và mấy ai đã được nếm mùi vị lạ lùng, quyến rũ của canh cua dong riềng?

Tôi hỏi mà không trả lời được. Hỏi để rồi trong lòng bỗng dưng có một hẫng hụt, một tiếc nuối mơ hồ và diết da nỗi nhớ thương ngày xưa cũ, ngỡ không bao giờ nguôi.

Đức Ban

.
Tin khác
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.