Khi bị mất chức, bố tôi chỉ đòi được nhận chăn một con trâu cày cho Hợp tác xã để lấy công điểm. Đó là một con trâu cái.
Trước khi về nhà tôi, con trâu đã có chửa. Mẹ tôi không biết điều đó. Vì thế bà rất lấy làm phiền muộn. Có thể bà đã quá sợ phải chứng kiến chuyện sinh nở. Nhưng rồi bà vẫn xắn tay áo lên vào cuộc khi con trâu chuyển dạ. Và nó đẻ ra một con nghé đực rất đẹp.
Không hiểu sao tôi bén duyên với con nghé ngay từ khi nó còn đi chưa vững. Lúc nào tôi cũng lo nó bị mẹ giẫm chết. Ngày nào tôi cũng chơi đùa với nó. Nó càng lớn càng tinh nghịch. Có bận mẹ tôi phơi tương, con nghé lẻn vào tha sạch những miếng vải màn bằng xô mẹ dùng để che ruồi. Tôi đã giấu không khai cho mẹ biết thủ phạm.
Khi con nghé được hai tuổi thì Hợp tác xã tiến hành hoá giá, trả cho gia đình tôi một ít tiền theo quy định để biến con nghé đó thành của chung. Mẹ tôi bèn trả lại con trâu cái, giữ con nghé lại nuôi. Nó có cặp sừng dài, chĩa ngang sang hai bên. Tức là chả thể đánh đấm gì được. Với trâu đực, thế là chỉ còn nước kéo cày. Xem ra thì nó cũng có phần giống tôi. Có thể vì thế mà chúng tôi thân nhau.
Ngày nó bị thiến là một ngày tôi không bao giờ quên. Người ta ngáng qua bụng nó một cái thang rồi buộc dây thừng vào hai chân sau của nó, cử hai người thật khoẻ kéo choãi ra để nó không thể khép lại hoặc đá về phía sau. Một người khác nhanh chóng rạch cái bìu nhỏ của nó để moi ra hai hạt cà đỏ rực, rồi sát vào đó ít muối. Máu phun ra trong tiếng kêu oán hận và thê thảm của nó.
Từ bấy nó trở nên lầm lì, cam phận và ngoài kéo cày ra hoàn toàn vô tích sự. Không con trâu cái nào làm bạn với nó, như lẽ đời vẫn vậy. Nhưng có thể nó cũng nuôi mối cừu thù với con người từ bấy. Vì thế khi được tôi chăn dắt, mặc dù biết tôi vô can, thỉnh thoảng nó lại hục hặc gây sự với tôi.
Phần lớn nó tìm cách chạy lồng lên, giật dây thừng khỏi tay tôi rồi lao đi thục mạng, mặc cho tôi vừa đuổi theo vừa khóc. Có vẻ như nó muốn bảo, cậu cứ tha hồ mà khóc đi, cậu làm sao hiểu nỗi đau mà con người các cậu trút lên tôi. Làm thằng đàn ông như tôi thì sống khác gì chết! So nỗi bực tức của cậu với nỗi đau của tôi thì chỉ như con muỗi đậu lên con voi thôi.
Bị tôi phạt bằng cách buộc ghì mũi vào gốc cây, nó thở phì phì đầy vẻ đe dọa. Nghiêm trọng nhất là lần ấy nó lừa cho tôi trèo lên lưng rồi bất ngờ gồng mình hất tôi xuống. Tôi ngã nằm sấp trong một búi cỏ cao ngập nửa thân người lớn, may chỉ ngất đi một lúc mà không gẫy xương. Trở dậy tôi cứ ôm ngực ho, cổ co rút liên hồi vì nghẹn thở. Chẳng biết vì đã thoả mối thù hay phải chứng kiến nỗi đau đớn có phần oan ức của tôi, mà từ bấy con nghé tỏ ra ngoan hẳn lên, như kiểu nó thấy ân hận với việc làm ác độc của mình. Nó không lồng nữa, cũng không thở phì phì đe dọa tôi mỗi khi lên cơn cáu tiết.
Một lần tôi trượt chân bị ngã nằm ngửa, gáy đập xuống đất, ngất đi khá lâu. Khi tỉnh lại tôi thấy con trâu nằm phủ phục bên cạnh, mũi áp sát vào mặt tôi. Có lẽ nó đã nằm như thế từ khi tôi bất tỉnh, mặc cho lúa đang thì con gái, thơm chết người, vốn là món nó rất thích, kề sát miệng.
Một lần khác nó cho tôi cưỡi. Hôm đó trời mưa, tôi khoác theo chiếc ni lông rách. Con nghé mài miệng xuống gặm những búi cỏ lá tre cằn cỗi bằng vẻ nhẫn nại. Những hạt mưa nhỏ xíu cứ như cù vào mặt, vào mi mắt tôi. Rồi tôi cứ ngồi trên lưng nó mà ngủ lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy vì thấy nhói đau ở bả vai, tôi mới biết mình trượt theo bụng con trâu xuống đất, nằm gọn giữa bốn chân của nó từ lúc nào. Con trâu sợ bước lên sẽ giẫm vào tôi, vì thế nó chọn giải pháp đứng yên. Trong tầm với của nó ra bốn xung quanh không còn một sợi cỏ nào.
Sau bận ấy chúng tôi gắn bó với nhau như anh em. Nó kém tôi hơn chục tuổi, là phận dưới. Tôi âu yếm gọi nó là Ngưu Đệ, ngược lại nó luôn nghe lời tôi. Những buổi sáng tôi đều phải dậy sớm đưa Ngưu Đệ ra khỏi chuồng để nó đi đái, tranh thủ vơ váo thứ gì đó nhai tạm. Bao giờ nó cũng tìm ra trò gì đó để trêu tôi.
Rồi chúng tôi tạm chia tay nhau. Ngưu Đệ chờ người của Hợp tác đến đưa đi cày, còn tôi thì tới trường. Từ trường trở về tôi phải chạy hộc tốc đi đón nó. Nhiều hôm đến muộn, Ngưu Đệ bị ông thợ cày buộc hếch mõm lên (Để không thể dứt đứt dây thừng chạy ăn tự do) bên một cây phi lao. Những bận như vậy tôi chỉ muốn khóc vì thương nó. Tôi cứ lẩm bẩm xin lỗi nó. Còn Ngưu Đệ thì cảm nhận được tình cảm của tôi nên không bao giờ hục hặc phản ứng trách móc, mà ngoan ngoãn gặm cỏ. Nó cũng biết gặm khẩn trương vì buổi chiều còn cày tiếp. Phải khi nào tận tay giao nó cho ông thợ cày, tôi mới trở về ngồi xuống nhai những miếng cơm lạnh ngắt mẹ để phần. Sau đó tôi ngồi vào bàn học hoặc tiếp tục ra đồng nhổ mạ, lấy rau lợn, cắt cỏ cho trâu ăn đêm. Chiều tối lại đi đón Ngưu Đệ, rong nó đi tìm những vạt cỏ mà nó ưa thích.
Ngưu Đệ có đặc tính mà như các cụ vẫn nói “Con nhà lính nhưng tính nhà quan”. Gặp phải loại cỏ không hợp khẩu vị, kể cả đói thóp bụng nó cũng không ăn, dù chỉ một sợi. Vạt cỏ non mấy, ngọt mấy nhưng đã bị con trâu nào đó vừa gặm qua, nó nhất định không thèm ăn lại. Tôi luôn luôn khổ sở với cái thói đài các đó của Ngưu Đệ. Nhưng chưa bao giờ tôi thuyết phục hoặc ra lệnh được cho nó. Nó thà nhịn đói. Mà tôi thì không chịu nổi phải nhìn hai bụng nó thóp lại. Thế là tôi đành nhượng bộ, đưa nó đi tìm những nơi có cỏ mà nó thích.
Nhiều vụ cày, Ngưu Đệ bị rạn vai, đau đớn vô cùng. Mỗi khi chiếc vai cày khoác lên cổ nó, Ngưu Đệ lại co rúm người vì đau. Nhưng không thể vì thế mà cho nó nghỉ. Chỉ còn cách ngày nào tôi cũng phải đái vào vai nó rồi dùng tay bóp. Nước tiểu của người, nhất là nước tiểu trẻ con, khi mới vọt từ trong cơ thể ra, vừa nóng vừa sạch, có tác dụng sát trùng và làm lành vết thương rất tốt. Chỉ một bài thuốc đó là chữa được bệnh rạn vai cho trâu bò. Về sau Ngưu Đệ nghiện nước tiểu của tôi. Mỗi khi thấy tôi đái là nó vội chạy đến hứng mũi vào. Thậm chí dù đang ăn rất ngon lành, thoáng thấy tôi có ý định vạch quần, nó đã lao bổ đến. Thoạt đầu tôi xấu hổ vội quay về hướng khác. Nó liền chạy vòng quanh. Nó cứ như muốn bảo, làm gì mà phải xấu hổ, ai chả thế. Về sau tôi chủ động “chĩa” thẳng vào mũi nó khiến nó rất thích.
Mùa đông là thời điểm chúng tôi buồn nhất. Phải dắt trâu đi dưới mưa phùn, gió bấc, trong khi chân đất, quần áo không đủ ấm, là cả một nỗi cơ hàn. Nhưng đáng sợ hơn là không thể dễ dàng kiếm đủ cỏ cho Ngưu Đệ. Những vạt cỏ đều lụi tàn, già khú đế, rất chát, y như rau muống cuối mùa. Nhìn Ngưu Đệ mài mòn cả răng hàng thôi dài mới đủ một miếng, lòng tôi xót xa vô cùng.
Thế là có hôm tôi đành liều mạng dắt nó vào những vườn ươm cây của các cụ, hoặc những bờ ngăn ruộng đang mùa lúa con gái, vốn là nơi bị Hợp tác xã cấm nghiêm ngặt. Bất ngờ gặp tuần hoặc các cụ bảo vệ, nhiều phen cả tôi và Ngưu Đệ phải chạy thục mạng lên tít những cánh đồng của thôn khác, chờ an toàn mới dám mò về. Nhưng thể nào buổi tối họp đội bố mẹ tôi cũng bị nhắc nhở. Có lần tôi bị mẹ quật cho mấy roi về tội cho trâu vào vườn ươm và bị các cụ phản ánh.
Nhưng tôi vẫn cứ vi phạm vì không thể chịu nổi phải nằm trong đêm với gió bấc thổi đùng đùng bên ngoài cửa sổ, để nghe Ngưu Đệ rút mái gianh trẹo mồm nhai cái thứ không còn tí chất bổ béo nào, chỉ để đánh lừa cái bụng rỗng. Rồi sáng dậy thể nào mắt nó cũng đỏ hoe. Nó không bao giờ trách tôi nhưng tôi thì không thể tha thứ cho mình.
Những đêm đông giá lạnh, mặc dù co ro vì rét trong tấm chăn mỏng, ngoài cửa sổ gió hú lên từng hồi, nhưng tôi cứ thao thức hướng về phía vườn, nơi tôi biết Ngưu Đệ cũng đang rùng mình vì từng đợt gió buốt thịt da. Có đêm không chịu nổi, tôi trở dậy, soi đèn tù mù về phía chuồng trâu. Tôi nhận ra Ngưu Đệ vẻ mặt vô cùng buồn bã, đầy cam chịu. Nước mắt tôi cứ thế tứa ra trong sự bất lực. Tôi chỉ biết ném vào cho Ngưu Đệ mấy nắm rơm khô - bất chấp lời bố dặn là chỉ thật cần thiết mới dùng đến thức ăn dự trữ - để Ngưu Đệ hiểu được tấm lòng của tôi. Nó vẫn rùng mình vì rét nhưng có thứ nhấm nháp bụng sẽ ấm hơn. Nhiều hôm trở lại chỗ nằm, nghe Ngưu Đệ cọ sừng, lòng tôi như xát muối. Tôi chìm vào giấc ngủ mà tưởng mình đang hoá kiếp.
Nhưng đau thương nhất là những buổi sáng toàn thân Ngưu Đệ đỏ máu vì bị muỗi cắn. Riêng nạn muỗi thì tôi hoàn toàn bó tay. Dùng đủ mọi cách, từ hun khói, tẩm dầu hỏa lên người Ngưu Đệ, cũng không sao xua được lũ háo máu sống. Sau này thì tôi biết, Ngưu Đệ đã vô tình kéo lũ muỗi về phía mình khiến chúng buông tha chúng tôi. Vì thế tôi thường bù đắp lại bằng việc ngày nào cũng tìm bắt rận cho nó. Những con rận trâu là loài ký sinh bám dai nhất trong nghề ăn bám. Đắp bùn, chà xà phòng, tưới nước điếu… cũng không thể làm nó bật khỏi vị trí mà nó có thể hút máu bất cứ lúc nào. Chỉ còn cách tìm từng con, dùng vật nhọn tách nó ra rồi di cho nát bét.
Cứ như vậy Ngưu Đệ dần dần già đi còn tôi thì ngày một trưởng thành.
Sau khi tôi rời làng, Ngưu Đệ được trao cho chủ khác chăn dắt. Đó là một gia đình ở sát rìa làng, nghèo xác và lười chảy thây, chuyên trộm cắp vặt. Ngưu Đệ nhanh chóng bị vắt kiệt sức, bị bỏ đói, tha hồ cho muỗi đốt. Rồi nó ngã bệnh. Những giây phút cuối cùng của cuộc đời nó, chẳng hiểu sao tôi lại có mặt. Nó nằm trên một con mương cạn, chỉ còn da bọc xương, thở thoi thóp, hai mắt ướt nhoèn và bờ mi dính vào nhau vì nhử. Nó không còn đủ sức để xua đuổi đám ruồi thi nhau bu lại hút nốt chút máu cuối cùng của nó. Ấy vậy mà khi tôi ngồi xuống vuốt ve nó, thì mũi nó bỗng phập phồng. Rồi từ hai hố mắt nó bò ra hai vệt nước. Nó như muốn bảo: “Thôi, trước khi chết mà được gặp lại huynh là đệ mãn nguyện rồi. Huynh ở lại rồi đi sau nhé”. Tôi cũng ứa nước mắt, nói với nó lời vĩnh biệt: Kiếp sau mình đổi nhé, để Đệ nếm tí kiếp người xem nó có sướng như Đệ nghĩ, còn Huynh cũng muốn hưởng chút kiếp trâu.
Hôm sau thì nó chết.
Tôi nhẩm tính Ngưu Đệ hưởng dương được khoảng 18 năm. Tưởng nhớ Ngưu Đệ, tôi viết truyện ngắn Hóa Kiếp, lấy lại cái tên Sừng Măng đã xuất hiện trong Bước qua lời nguyền.