Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Nguyên Phong - Thứ Hai, 25/03/2024 , 15:30 (GMT+7)

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Phan Châu Trinh (1872 - 1926)

Bài liên quan

Thư thất điều” do chí sĩ Tây Hồ Phan Châu Trinh kí gửi đi ngày 15/7/1922 đã vạch ra 7 tội của vua Khải Định với lời lẽ đanh thép, thẳng thắng vạch trần những tội mà vị vua này đã gây ra. Nhiều ý kiến cho rằng vua tôi nhà Nguyễn lúc đó, đứng đầu là vua Khải Định sẽ lờ bức thư này đi hoặc giả sẽ có một cuộc trả thù đẫm máu với cụ Phan Châu Trinh? Lần giở trang sử triều Nguyễn chúng ta thấy không hẳn như vậy.

Trước hết, cần nói rằng Hoàng đế Khải Định là người có đường lối thân Pháp ngay từ trước khi lên ngôi đến khi băng hà (năm 1925). Quan điểm đó được thể hiện ở lời Dụ ngay khi Khải Định vừa lên ngôi năm 1916.

Theo “Đồng Khánh Khải Định chính yếu” (NXB Thời đại, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN 2010. Nguyễn Văn Nguyên dịch) năm 1916, Hoàng đế Khải Định Dụ cho thần dân 3 lí do cần phải có Đại Pháp bảo hộ, đó là: “Nước ta sở dĩ không thể thiếu được quý bảo hộ đại khái bởi ba nhẽ. Hiện thời phong trào văn minh ở mọi miền đất đang lên đến cực điểm. Những nước đông dân lắm của đang hăng hái đua nhau tranh giành quyền lợi trên vũ trường. Nước ta nghèo khổ đã lâu, chân nguyên còn chưa phục hồi, liệu có thể đương đầu được không? Đó là một nhẽ. Người châu Âu bản tính can đảm, nhiệt thành, mỗi khi bị ngoại bang khinh rẻ chèn ép thì sẵn sàng xả thân chiến đấu. Trong khi người Nam ta tính khí vốn mềm yếu, nhân tâm chẳng còn được thuần phác như xưa, như thế liệu có thể bảo vệ cương thổ của mình được chăng? Đó là nhẽ thứ hai.  Đất đai có nhiều tài nguyên mà không biết làm cho sinh lợi, người đông có dư sức mà lại không tính về các mẹo mực làm ăn, cứ cắm cúi vào làm mà thiếu hiểu biết. Quý bảo hộ mà không chế tạo ra xe cho người Nam thì liệu ta có tự hiểu được nguyên lí cách thức hay không? Đó là nhẽ thứ ba”.

Và tháng 3/1922, Khải Định “ban dụ về việc ngự giá qua Tây để tỏ rõ tình nghĩa giao hảo giữa hai nước Pháp - Nam và mừng vũ công cáo thành” (Theo Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỉ. Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu. NXB Văn hóa Văn nghệ 2012).

Tuy nhiên, đối với cá nhân Phan Châu Trinh, kể từ sau “Thư thất điều” gửi đến tay Khải Định, vị vua này có những quan điểm và nhận định không giống với những quần thần xung quanh. Sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỉ” có ghi chép về việc này.

“Tháng 9 (tức là thời gian sau khi Khải Định đã từ Pháp về Việt Nam được 1 tháng), vua nhân cùng các địa thần bàn tới ý nghĩ việc làm của Phan Châu Trinh (Châu Trinh người Quảng Nam, đỗ phó bảng can án phát phối Côn Lôn, mãn hạn xin cư trú ở nước Pháp sinh sống. Lúc bấy giờ vua ngự giá tới đô thành nước Pháp, Châu Trinh có đưa thư tới trước ngự tiền, lời lẽ phần nhiều ngông cuồng bậy bạ). Nguyễn Hữu Bài tâu: Châu Trinh hôm nay đã thành gã ngốc rồi. Trước đây y gửi thư cho chính phủ Đại Pháp thì lời lẽ còn gần có lí, đến nay thì quá ngông cuồng khích động. Thử xem lời y đại để chuyên nói tới việc xây cất, tuy như gần đúng nhưng so với chi phí xây dựng không biết bao nhiêu mà kể của liệt cường văn minh thì việc xây dựng ở nước ta thua kém rất nhiều, lời lẽ của Châu Trinh đề là lời ngớ ngẩn. Vua Khải Định nói: Cần gì so đo với y. Nhưng từ việc xây dựng tầm thường ở nước ta mà nói, tức như nhà ngục Thanh Hóa dự trù tới 120.000 đồng thì các khoản khác nên làm thì làm, có gì là xây cất”.

Tiếp sau đó, “Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỉ” ghi lời tâu của Thượng thư bộ hình Tôn Thất Hân: Thần cùng các quan đã khẩn thiết nói về việc Châu Trinh với Khâm sứ đại thần, lại bàn xin đề đạt với triều đình nước Pháp có cách xử trị. Vua Khải Định nói: “Cần gì như thế. Đại khái lời y nói không trúng nhưng cũng không sai lắm, về phía ta phải hết sức làm những việc cần làm mà thôi. Nếu vì lời lẽ mà bắt tội thì Thủ tướng Poincaré ở Pháp sẽ bị họ cùng công kích chỗ yếu, báo chí hàng ngày xúm vào thì làm sao có thể nhất nhất bắt tội. Huống hồ kẻ công kích không dùng lời nhọn mà dùng dao sắc, như Nga hoàng Nicolai II còn làm gì chuốc oán đâu? Chỉ vì quan tướng chuốc oán mà quốc quân gặp nạn thì làm sao được? Vả lại, Châu Trinh mệt mỏi về việc nước, y dự liệu ngược rằng tương lai tộc loại sẽ có ngày gặp sự khốn khổ lớn nhưng tính toán mà không biết làm sao, dần dần đến nỗi đầu óc tối tăm, rơi rụng thành gã khùng. Huống hồ những người y ngao du ở nước Pháp phần nhiều là kẻ ở tầng lớp dưới, kiến thức nghĩ chắc cũng tầm thường không đáng đếm xỉa… Lúc trẫm hồi loan Bộ Thuộc địa Pháp bàn bắt Châu Trinh nhưng trẫm không nghe”.

Trong lời thoại này của vua Khải Định, bỏ qua những ngôn từ kém hòa nhã thì có 2 điểm cần chú ý: Một là Khải Định đã đọc và suy nghĩ rất kĩ về “Thư thất điều” của Phan Châu Trinh, qua đó mới kết luận nội dung bức thư đó “không đúng nhưng cũng không sai lắm” và đặt ra câu chuyện cho Triều đình là “về phía ta ta phải hết sức làm những việc cần làm mà thôi”. Điều đó có nghĩa, Khải Định không phản bác hoàn toàn nội dung bức thư và dường như 7 tội mà cụ Phan Châu Trinh vạch trần Khải Định cũng làm cho vị vua này phải suy nghĩ mà tính chuyện làm sao để “hết sức làm những việc cần làm”, cố gắng làm cho công việc được tốt hơn. Hai là Thư thất điều đã làm Khải Định phải suy nghĩ rất nhiều về cá nhân nhà vua cũng như về chí sĩ Phan Châu Trinh, dù không nói ra nhưng rõ ràng Khải Định cũng đã “soi mình” được rất nhiều khi xem bức thư đó. Và theo logic suy luận thì Khải Định tuy không vui vẻ vì những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” nhưng trong lòng cũng hết sức kính trọng và nể phục Phan Châu Trinh, cho nên mới có hành động không đồng ý cho Bộ thuộc địa Pháp lúc đó bắt Phan Châu Trinh: “Lúc trẫm hồi loan Bộ Thuộc địa Pháp bàn bắt Châu Trinh nhưng trẫm không nghe”. Đặt một giả thiết, nếu vua Khải Định nhỏ nhen, cay cú, thù oán Phan Châu Trinh mà để Bộ Thuộc địa Pháp bắt Phan Châu Trinh lúc đó thì lịch sử sẽ có những dữ liệu khác và cụ Phan sẽ không còn được về nước để diễn thuyết và hoạt động nữa.

“Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỉ” chép lời Thượng thư bộ học Thân Trọng Huề để khẳng định thêm ngầm ý của vua Khải Định: “Khâm sứ đại thần cũng nói Châu Trinh ngông cuồng bậy bạ nhưng ý vua muốn biểu lộ sự khoan hồng mà thôi”.

Cuối cùng, vua Khải Định kết luận: “Đặt chân tới nước Pháp thì phải nghiên cứu duyên do nước ấy được văn minh, e không phải dễ. Thử theo quan sát bề ngoài mà lấy kiến trúc to lớn làm văn minh chăng, hay lấy việc chế tạo đẹp đẽ làm văn minh chăng? Đều là sai cả. Đại khái Đại Pháp văn minh đại thể có hai điều, một là người ở tầng lớp trên kính giữ pháp luật, hai là người ở tầng lớp dưới đều biết bổn phận. Xem ở đô thành Paris dân chúng phần lớn đều kính giữ kỉ cương, người nghèo khổ cũng coi việc trộm cắp tiền bạc hàng hóa của kẻ khác là điều nhục nhã, nên trên đường không nhặt của rơi. Từ đó nghiệm mà biết việc giáo dục của nước ấy rộng rãi lâu xa”.

Có thể nói, “Thư thất điều” của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh không chỉ gây tiếng vang trong dư luận xã hội lúc đó, mà còn làm cho vua - tôi triều Nguyễn lúc đó phải suy ngẫm. Với vua Khải Định, căn cứ theo những gì “Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỉ” chép, thì rõ ràng chuyến đi Pháp năm 1922 đã mở mang cho vị hoàng đế này rất nhiều. Cùng với đó, việc ứng xử với cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh như sách đã chép ít nhiều thể hiện được sự thay đổi tích cực và dành cho cụ Phan Châu Trinh một sự tôn trọng đáng kể, dù “Thư thất điều” đã khiến vị vua này bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Nguyên Phong
Tin khác
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người
Hồ Chí Minh và vẻ đẹp vĩ nhân luôn tin ở con người

‘Hồ Chí Minh - Người tin ở con người’ là tuyển thơ của tác giả Hải Như, được ấn hành nhân kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay
Tương truyền dấu chữ người thơ xưa & bước chân Đầu Đà người tu nay

Thơ Hồ Xuân Hương có sức ảnh hưởng to lớn đến mức ngoài phần thơ 'chính hiệu', còn trên trăm bài phổ biến trong dân gian cũng được 'tương truyền' là do bà sáng tác.

‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai
‘Đóa hoa sương núi’ ẩn hiện ước mơ những đứa trẻ Raglai

‘Đóa hoa sương núi’ của tác giả Tâm An được ra mắt sáng mồng ba Tết Ất Tỵ tại lễ hội Đường sách TP.HCM, chia sẻ cuộc sống những đứa trẻ dân tộc Raglai.

'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu
'Tắt lửa lòng' của Nguyễn Công Hoan được thắp lại trên sân khấu

‘Tắt lửa lòng’ của nhà văn Nguyễn Công Hoan sau 90 năm xuất hiện trên sân khấu cải lương lại được đưa lên sân khấu kịch nói vào dịp Tết Ất Tỵ.

Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết
Đánh đáo - trò chơi dân gian của trẻ con dịp Tết

Khắp các khoảnh đất, dưới các bụi tre, bên đình đều có xới đáo của bọn trẻ con. Quần áo mới, túi rủng rẻng, mồ hôi, mồ kê bết tóc, hăng say và cay cú.

Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan
Bầy rắn của nhà thơ Hữu Loan

Nhớ năm 1988, Hữu Loan trở lại Hà Nội sau bao năm biền biệt. Đưa cụ Hữu Loan cùng đám bạn bám theo về khu tập thể, chợt tôi lóe ra một quyết định.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Lưu Vũ: Đạo dụ tân kinh

Có câu rằng: “Số thầy thì để cho ruồi nó bâu”.

Lễ nghi Tết chốn cung đình
Lễ nghi Tết chốn cung đình

Huế đẹp không chỉ từ Quần thể di tích Cố đô mà đẹp từ trong ý thức của mỗi người về văn hóa lễ hội.

Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'
Đình nguyên Hoàng giáp Bùi Sĩ Tiêm: 'Còn một lòng âu việc nước'

Cuộc đời làm quan của Bùi Sĩ Tiêm sẽ còn thăng tiến nếu ông không nói lời ngay thẳng để vạch ra những nguyên nhân khiến xã hội lúc đó rối ren, hỗn loạn.

Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời
Truyện ngắn của nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Thăm thẳm vòng đời

Non tháng nữa là Tết nhưng nắng cứ vàng rờ rỡ cả ngày, còn may trời vẫn se se lạnh lúc cuối chiều nên cữ đạp xe thể thao thường nhật của ông Cả Ngưỡng xem ra nhàn nhã khác hẳn ngày hè nóng nực hay tiết thu thất thường khi oi nồng lúc mát mẻ.

Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa
Giao thừa bâng khuâng những hương vị hoài niệm xa xưa

Giao thừa bâng khuâng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, như réo gọi những thanh âm một thời xa xưa từ ký ức vọng về từng đợt nôn nao.

'Trời đã mới người càng nên đổi mới'
'Trời đã mới người càng nên đổi mới'

Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ta hãy cùng đọc, cùng ngẫm để cùng thấm tư tưởng sống này của Phan Bội Châu.