Vùng cao nguyên Kenya đối mặt với quá trình tăng trưởng dân số nhanh chóng, biến đổi khí hậu, tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực và căng thẳng giữa các cộng đồng trong khu vực. Cùng với đó, xung đột giữa con người và động vật hoang dã ngày càng gia tăng.
Tuy Chính phủ Kenya đang tích cực phát triển các chính sách cấp quốc gia nhằm thúc đẩy nông nghiệp tái tạo, thì ở cấp địa phương lại có rất ít hoạt động nhằm thay đổi thói quen xã hội. Theo đó, các địa phương thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả, không đủ nguồn lực tài chính để khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực và suy thoái môi trường.
Do đó, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên hợp tác với Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học của CGIAR (Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) để thành lập Trung tâm Đổi mới Hệ thống Lương thực Thực phẩm. Tọa lạc tại Kenya, trung tâm mới này nhằm phát triển các giải pháp nông học, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đồng thời bảo tồn thiên nhiên.
Trung tâm Đổi mới Hệ thống Lương thực Thực phẩm hướng tới quá trình chuyển đổi sang hệ thống thực phẩm tái tạo, nhằm bảo vệ môi trường và sinh kế của cộng đồng. Trung tâm kết nối các cộng đồng, chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và tư nhân. Qua các sản phẩm và mô hình công nghệ cao, Trung tâm tích hợp các cơ hội hợp tác công - tư, đầu tư, quản trị và năng lực thể chế.
Trung tâm này sẽ phát triển các hệ thống quy hoạch, giám sát, đánh giá chất lượng nguồn nước cho các vùng sinh thái lân cận. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ đầu tư, thử nghiệm và giám sát các phương pháp tái tạo nhằm sử dụng hiệu quả đất, nước, đưa ra giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc điều hành khu vực châu Phi (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên) Ademola Ajagbe cho biết: “Việc thành lập Trung tâm Đổi mới Hệ thống Lương thực Thực phẩm là cấp thiết. Hoạt động nghiên cứu sẽ giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên. Tổ chức của chúng tôi và CGIAR sẽ tích cực hợp tác để khai thác công nghệ khoa học hiệu quả, góp phần cải thiện xã hội”.
Gần đây, nền nông nghiệp toàn cầu đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng đồng thời gây suy thoái môi trường, suy kiệt đất đai, nguồn nước, hệ sinh thái, tăng khí thải nhà kính. Do đó, các nhà sáng lập Trung tâm Đổi mới Hệ thống Lương thực Thực phẩm đặt mục tiêu giải quyết những thách thức phức tạp trên, phát triển nông nghiệp bền vững.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên sẽ đóng vai trò chính để triển khai các hoạt động của Trung tâm. Các chính sách bao gồm tận dụng dữ liệu, kiến thức khoa học; xây dựng năng lực xúc tiến đầu tư; thúc đẩy đổi mới, phát triển sản phẩm mới, sáng kiến kinh doanh và năng lực quản trị. Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học sẽ phát huy chuyên môn khoa học, nghiên cứu, qua đó cung cấp các giải pháp nông học dựa trên cơ sở khoa học. CGIAR sẽ tư vấn các mô hình thâm canh bền vững, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của nông nghiệp đối với môi trường.
Giám đốc Sáng kiến Nông học Xuất sắc (CGIAR) Mandlenkosi Nkomo cho biết: “Chúng tôi đề cao của sự hợp tác của các bên liên quan nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới, bao gồm hệ thống lương thực và tài nguyên thiên nhiên của châu Phi. Cùng nhau, chúng ta sẽ triển khai các giải pháp nông học, tạo ra hệ sinh thái lương thực bền vững ở vùng cao nguyên Kenya - một khu vực quan trọng đối với hệ sinh thái và nền nông nghiệp của quốc gia này.”
Năm 2020, CGIAR khởi xướng Sáng kiến Xuất sắc trong Nông học (Excellence in Agronomy - EiA) nhằm giúp các nông hộ nhỏ sản xuất bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy hợp tác công - tư mà còn tăng cường trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu nông học.