| Hotline: 0983.970.780

Nông dân trồng khoai tây Kenya để mắt đến công nghệ và thị trường Trung Quốc

Chủ Nhật 30/01/2022 , 08:01 (GMT+7)

Việc tận dụng các công nghệ Trung Quốc sẽ là chìa khóa để chuyển đổi sinh kế của ước tính khoảng 500.000 nông dân trồng khoai tây quy mô nhỏ tại Kenya.

Theo Bộ Nông nghiệp Kenya, khoai tây là cây lương thực quan trọng thứ hai của nước này sau ngô. Ảnh: Getty.

Theo Bộ Nông nghiệp Kenya, khoai tây là cây lương thực quan trọng thứ hai của nước này sau ngô. Ảnh: Getty.

Ngôi làng của tổ tiên Eddie Kamau nằm ở trung tâm của hạt Nyandarua, miền trung Kenya, trong nhiều thập kỷ đã nổi tiếng về sản xuất khoai tây thượng hạng và nhiều loại sản phẩm tươi sống bao gồm cả cải xoăn (kale) và cà chua.

Người nông dân trung niên có tình cảm gắn bó với loại củ luôn phát triển mạnh trong sân sau của mình giữa thời tiết mát mẻ, mưa nhiều và sự hiện diện của đất núi lửa.

Cho dù việc trồng khoai tây ở địa phương của ông Kamau phải đối mặt với một loạt khó khăn và thất bại, chủ yếu là do côn trùng tấn công, cây trồng mắc dịch bệnh, sự biến động của thị trường và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ông vẫn chưa từ bỏ loại sản phẩm nông nghiệp mang lại lợi nhuận lớn và lâu dài cho gia đình mình.

Kamau nói với Tân Hoa xã trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại trang trại của mình: “Các phương pháp trồng khoai tây truyền thống tỏ ra đầy thách thức và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn 'mượn' các phương pháp canh tác hiện đại từ Trung Quốc để hứa hẹn cải thiện năng suất”.

Ông tin rằng việc hợp lực với Trung Quốc để chuyển đổi canh tác khoai tây ở vùng đồng bằng xanh tươi nằm rải rác ở hạt Nyandarua đã trở nên cấp thiết trong bối cảnh năng suất giảm liên quan đến thực hành nông học kém, độ chua của đất và sự xâm nhập của sâu bệnh.

Theo ông Kamau, khi hợp tác song phương Trung Quốc - Kenya trong các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nông dân trồng khoai tây tự tin về một số lợi ích sẽ đến với họ.

Ông lưu ý rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và công nghệ, quan hệ đối tác với chính phủ Kenya có thể giúp chuyển đổi canh tác khoai tây thông qua áp dụng công nghệ và tăng cường liên kết thị trường.

Ông Kamau cho biết: “Chính nhờ áp dụng công nghệ từ Trung Quốc vào canh tác khoai tây địa phương, chúng tôi hy vọng năng suất sẽ tăng lên, mở rộng nguồn thu cho nông dân. Những công nghệ đơn giản như máy bừa, máy cày và máy phân loại khoai tây là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu để nâng cấp công việc yêu thích của mình".

Ngoài ra, thông qua quan hệ đối tác với Trung Quốc, Kenya có thể có vị thế tốt hơn để phát triển các giống khoai tây biến đổi gen có khả năng kháng bệnh, sâu bệnh và hạn hán.

Theo ông Kamau, nông dân trồng khoai tây quy mô nhỏ ở Kenya cũng quan tâm đến việc áp dụng các phương pháp hay nhất về gia tăng giá trị từ Trung Quốc, trong nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài và sinh lợi hơn.

Ông Kamau nói: "Một khi chúng tôi chế biến khoai tây thành khoai tây chiên giòn, chúng tôi sẽ đảm bảo một thị trường ổn định ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các cửa hàng bán lẻ Trung Quốc để tiếp thị sản phẩm của chúng tôi".

Ông nói rằng nông dân ở hạt Nyandarua, nơi sản xuất 32% khoai tây tiêu thụ ở Kenya, đã được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng, bao gồm cả Đường sắt khổ tiêu chuẩn nối Mombasa-Nairobi (SGR) nhờ vận chuyển liên tục sản phẩm của họ đến các thị trường ở xa.

"Với hệ thống đường sắt và đường bộ hiện đại nhờ quan hệ đối tác của chúng tôi với Trung Quốc, tôi có thể vận chuyển khoai tây của mình đến thị trường một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đây là một cột mốc quan trọng đối với đất nước Kenya", Kamau khẳng định.

Đối với ông Jesse Kamutu, 25 năm kinh nghiệm trồng khoai tây đã truyền cho ông đức tính kiên nhẫn, bền bỉ và kiên cường khi đối mặt với những thất bại bao gồm mất toàn bộ đồn điền vì sâu bọ phàm ăn và khoai tây héo.

Ông Kamutu nói rằng nông dân trồng khoai tây ở hạt Nyandarua rộng lớn đã sẵn sàng thay đổi hướng đi vì các phương pháp trồng trọt truyền thống ngày càng trở nên không bền vững.

Theo Kamutu, các đồng nghiệp của ông đã thất thế trên thị trường nước ngoài do không thể trồng được các giống khoai tây chất lượng cao, do đó khiến họ gặp khó khăn về tài chính và sa sút tinh thần.

Niềm lạc quan của ông vẫn chưa phai nhạt khi ông trông đợi vào mối quan hệ đối tác bền chặt giữa Kenya và Trung Quốc để hiện đại hóa việc canh tác khoai tây, đảm bảo vụ mùa có lãi.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực trồng khoai tây là một ý tưởng hay vì nước này có những công nghệ có thể giúp chúng tôi giải quyết những thách thức về năng suất”, ông Kamutu cho biết. "Chúng tôi thậm chí có thể bắt đầu xuất khẩu khoai tây đã qua chế biến sang Trung Quốc và nông dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều".

"Nếu nông dân trồng khoai tây địa phương được hỗ trợ công nghệ thích hợp, được tiếp cận với giống cải tiến, phân bón và thuốc trừ sâu, họ sẽ tạo ra năng suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước", ông khẳng định.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp Kenya chỉ ra rằng khoai tây là cây lương thực quan trọng thứ hai của nước này sau ngô, được trồng trên diện tích khoảng 128.000 héc-ta mỗi năm với năng suất trung bình 8 tấn/héc-ta.

Wachira Kangogo, Giám đốc điều hành của Hội đồng khoai tây quốc gia Kenya, cho biết việc tận dụng các công nghệ của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để chuyển đổi sinh kế của ước tính khoảng 500.000 nông dân trồng khoai tây nhỏ ở nước này.

Ông Kangogo cho biết: "Chúng tôi có khá nhiều công nghệ ở Trung Quốc có thể phù hợp ở đây bao gồm bảo quản và chế biến. Chúng có thể chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị khoai tây và mang lại lợi ích cho nông dân".

(Theo THX)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.