Thứ Hai, 13/1/2025 18:55 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng gương chuyển đổi thành công hệ thống Lương thực thực phẩm

Thứ Bảy 22/04/2023 , 06:20 (GMT+7)

Trước thềm hội nghị toàn cầu lần thứ 4, TS Juan Lucas, Giám đốc CGIAR toàn cầu về quan hệ đối tác và vận động chính sách chia sẻ nhiều kỳ vọng về sự kiện.

TS Juan Lucas là một trong số các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 24 - 27/4. Ảnh: CGIAR.

TS Juan Lucas là một trong số các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 24 - 27/4. Ảnh: CGIAR.

“Một trong những quốc gia mà CGIAR đã dành rất nhiều nỗ lực và ưu tiên đó là Việt Nam”, TS Juan Lucas Restrepo, Giám đốc CGIAR toàn cầu về quan hệ đối tác và vận động chính sách, kiêm Tổng giám đốc Liên minh Bioversity và CIAT chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Juan Lucas, Việt Nam là một trong những quốc gia CGIAR đã làm việc một cách đồng bộ, xuyên suốt cùng chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, các tổ chức nghiên cứu, khu vực tư nhân và người nông dân. Mục đích là nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm mà Việt Nam đang trải qua.

Nhiều trung tâm, thành viên của CGIAR đã triển khai các dự án và đề ra sáng kiến giúp người dân Việt Nam có chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Mới nhất, hồi cuối tháng 3/2023, Dự án “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK) góp phần giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên thịt lợn bán lẻ tại các chợ truyền thống giảm từ 52% xuống 24%.

Phát huy những kết quả đã có, CGIAR cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng và thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm Minh bạch, Có trách nhiệm và Bền vững, kết quả từ quá trình tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm của Liên hợp quốc (UNFSS).

Chuyên gia của CGIAR tham gia thử nghiệm giống lúa mới tại vùng ĐBSCL. Ảnh: CGIAR.

Chuyên gia của CGIAR tham gia thử nghiệm giống lúa mới tại vùng ĐBSCL. Ảnh: CGIAR.

Là một đối tác toàn cầu hợp nhất các tổ chức quốc tế tham gia nghiên cứu về an ninh lương thực, CGIAR đã làm việc với hàng trăm quốc gia để giới thiệu khoa học và đổi mới nhằm giảm nạn đói và thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu.

Từ việc phát triển cây lương thực, xây dựng hệ thống thủy lợi, tác động chính sách, các tổ chức của CGIAR trên toàn cầu đã đưa ra nhiều sáng kiến mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người nghèo trên thế giới. Nghiên cứu của CGIAR không chỉ dừng ở tăng cường an ninh lương thực, cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho con người mà còn hướng tới quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Đây cũng là những vấn đề được Việt Nam - nước chủ nhà - cùng các quốc gia, tổ chức, cá nhân tham dự Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững đặc biệt quan tâm.

Thông qua hội nghị, Giám đốc của CGIAR về quan hệ đối tác và vận động chính sách bày tỏ mong muốn, các bên sẽ tăng cường trao đổi và truyền động lực, cảm hứng cho nhau để đi tới những hành động cụ thể, thiết thực trong phát triển hệ thống LTTP. Đặc biệt, là việc thực hiện các lộ trình quốc gia để chuyển đổi hệ thống LTTP, hướng tới thời điểm đánh giá của Liên hợp quốc vào quý III/2023.

“Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là một diễn đàn, nơi những tấm gương thành công như của Việt Nam có thể được chia sẻ với các quốc gia và khu vực khác, tạo cơ sở trong việc thảo luận về cách thức điều chỉnh cũng như nhân rộng các mô hình thành công”, ông Juan Lucas bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông kỳ vọng rằng hội nghị sắp tới sẽ giúp tăng cường đối thoại giữa ngành nông nghiệp và môi trường.

TS Juan Lucas cho rằng những thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy dinh dưỡng gia tăng… hiện vẫn được giải quyết theo tính chất đơn ngành. Nếu không có một cơ chế mới, cải tổ năng động về quan hệ đối tác, kiến ​​thức, tài sản, những thách thức trong cuộc “khủng hoảng lương thực mới” như quyền được đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng với giá cả phải chăng, đảm bảo sinh kế, bình đẳng xã hội của người dân sẽ gặp thách thức.

Trên quan điểm ấy, tầm nhìn xuyên suốt của CGIAR suốt 50 năm qua luôn là xây dựng một thế giới, nơi các hệ thống thực phẩm, đất đai và nước bền vững và linh hoạt, góp phần mang lại chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh, an toàn và đầy đủ.

CGIAR hỗ trợ xây dựng năng lực về chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc. Ảnh: CGIAR.

CGIAR hỗ trợ xây dựng năng lực về chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc. Ảnh: CGIAR.

Về phần mình, 15 trung tâm trải khắp thế giới của CGIAR hợp tác cùng nhau theo hướng tích hợp công việc và các đối tác, tránh phân mảnh và trùng lặp nỗ lực. Mục tiêu chung nhất là duy trì sự hiện diện toàn cầu của CGIAR, đồng thời khuyến khích sự hợp tác giữa các Bộ, ban, ngành khác nhau ở cấp quốc gia; giữa các quốc gia, tổ chức với nhau. Tất cả nhằm giúp các bên liên quan vừa giải quyết các thách thức vừa đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, các trung tâm của CGIAR bao gồm: Liên minh Bioversity và CIAT, Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI).

Luôn đòi hỏi những nỗ lực, sự chủ động nhiều hơn từ các bên, CGIAR hiểu rằng, không có một giải pháp đơn lẻ nào phù hợp, giúp giải quyết tất cả các thách thức. Bởi mỗi giải pháp đều phải dựa trên bối cảnh địa lý, kinh tế, xã hội và cần được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa, tập quán, thói quen canh tác của người dân.

“Điều này rất rõ ràng trong nhận thức của chúng tôi. Đó là lý do tại sao CGIAR đã làm việc với các bên liên quan trong khu vực và quốc gia, bao gồm cả hệ thống đổi mới và nghiên cứu nông nghiệp để xác định chính xác lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP với từng trường hợp cụ thể”, TS Juan Lucas nhấn mạnh.

Từng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, cả ở khu vực công và khu vực tư nhân, suốt 25 năm qua, Giám đốc CGIAR có nhiều kinh nghiệm về chính sách, chuỗi giá trị, thị trường và nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu. TS Juan Lucas - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Colombia tin rằng Hội nghị tại Việt Nam là thời điểm thích hợp để tất cả chung tay kích hoạt quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP ở cấp độ toàn cầu.

“CGIAR đã rất mong chờ Hội nghị lần thứ 4 và sớm có hỗ trợ tổ chức sự kiện từ những ngày đầu. Chúng tôi tin rằng đây là một nền tảng quan trọng để chuẩn bị cho hoạt động đánh giá UNFSS sẽ diễn ra vào ngày 24 - 26/7 tới”, ông Juan Lucas cho biết.

Xem thêm
Gần 1 triệu đại biểu dự hội nghị toàn quốc về khoa học, công nghệ

Sáng 13/1, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Ngộp thở' cảnh kẹt xe ở TP.HCM ngay ngày đầu tuần

'Ngộp thở' cảnh kẹt xe ở TP.HCM ngay ngày đầu tuần. Các tuyến đường hướng vào trung tâm TP.HCM đều trong tình trạng kẹt xe, các phương tiện di chuyển chậm.