Mạch nha Thi Phổ
Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.
Cùng sở làm. Anh em kết nhau trong cơ quan không nhiều nên thuộc nhau.
Nhưng lần ấy tôi sững người khi họa sĩ Việt Tuấn vuột ra tiếng, “thày”.
Là lần đầu tôi được diện kiến nhà văn Kim Lân, thân phụ Việt Tuấn!
Dân xứ Thanh vùng tôi gọi bố là thày!
Mà khi ấy tôi mới mất bố. Âm sắc “thày” gợi bao nhiêu những nỗi niềm. Nhưng với bố bạn, chỉ dám xưng ông, con.
…Ông bạn điêu khắc kiêm họa sĩ Khúc Quốc Ân người Thuận Thành (Bắc Ninh) tay không bắt giặc xoay xỏa thế nào đó tậu hẳn được một cái nhà sàn đặt ở chỗ Láng Hạ.
Thời ấy nhà sàn uỵch ở thủ đô cũng còn đương là của hiếm. Không phải là thứ nhà sàn đã biên chế đẽo gọt mà là nguyên bản rinh ở Hòa Bình về. Lại tạo cả không gian gầm sàn cây cối gà qué chó mèo xôm tụ. Như lạ hẳn như khang khác khi xuýt xoa huơ tay quanh cái bếp củi trên sàn tuôn ra cửa sổ thứ khói lơ mơ xanh.
Chả phải ông bạn họa sĩ này tốt mời mà là có duyên sao đó? Vậy mới quây mới tụ được quanh cái bếp ấy những hai bố con cụ Hoàng Cầm với ông con Hoàng Kỳ. Rồi cụ Kim Lân. Cả nhà văn Nguyễn Khải trong Nam ra cũng xuống nhà sàn Láng Hạ huơ huơ tay quanh bếp những lúc vàng mặt giời hay nhọ mặt người. Đám viết lách Hà Thành kéo về xúm nhau huơ tay bên cái bếp này cũng lắm. Chả mấy ai để ý đến bốn chữ “Tinh Hoa Hội Tụ” mà cụ thư pháp gia Lê Xuân Hòa trực tiếp viết tặng cho Khúc Quốc Ân. Cụ yêu mà vống lên đó thôi! Cứ như thể tụ họp ở đây toàn là tinh hoa đất Hà Thành cả!
…Đêm lạnh thuở ấy. Đỗ Chu tóc cắt bốc. Cũng chưa râu ria lỉnh kỉnh. Người ấy rõ lịch duyệt. Vốn rộng chữ, rộng tập tục, thêm cái hoạt khẩu, nhớ dai, dài khiến mấy em bên Đại học Văn hóa, thôi thì suốt buổi sưởi cứ mắt chữ O mồm A. Bên bếp lửa, mắt lão ánh lên những tia là lạ khi khoát hoạt giảng giải cho mấy em cơn cớ tác giả “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”…
Rồi lão đột ngột cái đùng.
- Mà này mấy em mấy cháu có biết tại sao cụ nhà văn này có cái tên Kim Lân không?
Những cung bậc rủ rỉ của Đỗ Chu, ngay cả những người đã quá quen với tích tuồng “Sơn Hậu” cũng muốn ngay tức thì coi lại vở tuồng khuyết danh xửa xưa của chính người Nam mình chế ra từ tích Tàu. Tình bạn giữa Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá là bản chất của người Việt dám xả thân vì nghĩa lớn, là chính phải thắng tà. Là nghĩa là lòng nhân. Mà Đỗ Chu căn cứ hẳn vào sự tiết tháo mà phán, mà ấn định rằng chẳng phải ngẫu nhiên mà anh học trò làng Phù Lưu, anh thợ làm guốc sơn Nguyễn Văn Tài khi trình làng truyện ngắn đầu tiên của đời văn mình “Đứa con trai người vợ lẽ” đã lấy bút danh Kim Lân.
- Cái nhà anh này…
Cụ Kim Lân hay có câu mắng yêu Đỗ Chu như thế. Bên bếp lửa nhà sàn, cụ lại sẽ cười như để chuyển chuyện sang một khúc khác. Nhưng nhà văn Nguyễn Khải cố hữu hự hự cái cười trong cổ mà rằng, “Thì cứ để cho lão làm em xi (MC) tí”.
Nguyễn Khải? Là tôi đương vuột ra cái khó chả riêng của chính mình rằng, khó mà có sự nói và viết tròn vành rõ chữ về ông nhà văn này? Nhưng chả hiểu sao thời ấy, ông xúi lẫn xui trong đó có việc giới thiệu tôi và mấy người nữa vào Hội viết! Ấn tượng lần chuyện ấy, ông cứ như bâng quơ rằng trong Nam ra Hà Nội, ông thường mất thời giờ nhất ở hai chỗ ngồi là nhà số 4 Lý Nam Đế - Văn nghệ Quân đội và nhà cụ Kim Lân.
Nhà cụ Kim Lân thèo đảnh ngoắt ngoéo tít trong ngõ có cái tên Hà Hồi. Cứ lấy làm kinh kinh khi nghĩ Việt Tuấn mỗi bận xỉn thì lộ trình của lão mò về nhà như nào nhỉ?
Cũng trên những lối rẽ khúc khuất ấy. Một chiều, cái dáng nghiêm cẩn cụ Kim Lân mọi khi sải những bước đĩnh đạc là thế chợt có gì như thất thểu. Cụ cứ thế thập thững bước thấp cao trong cái ngõ sâu ken đặc những người. Gạn hỏi, mới hé việc con sáo cụ nuôi lâu nay khôn lắm không biết bay lạc đâu mất? Thoảng nghe cụ bộc bạch mà cứ bừng bừng lên một ý nghĩ rằng, nhà văn Kim Lân, tác giả của “Làng”, “Vợ nhặt” cùng những “Con chó xấu xí”… sở hữu những nhân vật thuộc phe nước mắt là phải định cư ở những yên tĩnh sinh thái này nọ chứ đâu phải ngày mấy lối men theo cái ngõ nồng nặc hơi người và chen chúc trong căn hộ sâu tít của Hà Hồi mấy chục mét vuông từ năm 1958 với 7 người con.
Nhà ở Hà Hồi tất nhiên chật chội. Phòng khách của cụ Kim Lân là chỗ ngồi vẩy ra trên lối đi rộng chưa được 5 mét vuông. Chỗ bàn nước ấy toòng teng cái lồng sáo khuất góc kề tấm thư pháp ẩn hiện đôi chữ “Kim Lân” theo lối thảo của họa sĩ Phạm Minh Hải tặng.
Mất nhiều thời gian? Là bao nhiêu để hai đấng Kim Lân Nguyễn Khải những nhẩn nha những tri âm ở cái nơi chả phải sơn lam thủy tú này?
Tiếc không có cái hình nào ghi lại? Hay là mai này phải cậy nhờ một tay viết khủng nào vỡ vạc cái hình ảnh cùng trạng huống ấy?
Mà chắc có lắm cái lạ? Lạ như cái lần ghé Nam được ngồi lâu với nhà văn Nguyễn Khải. Ông buông ra một câu lạ đánh độp như này mà chắc ông chả mong cái thứ hạng tôi rốt ráo một câu trả lời.
- Này anh có biết tại sao cụ Kim Lân sau này chả muốn viết gì thêm nữa không?
Đám hóng hớt như chúng tôi lần ấy cũng được cụ bà Kim Lân nhẩn nha nhắc cho chi tiết rằng trên cái nền nhà kề kia kìa.
Kia kìa là những Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng… hàng ngày phải đều đặn ôm cặp xuống Thái Hà ấp ngồi với nhau để… tự kiểm thảo. Căng và buồn. Một bữa để giải tỏa, Kim Lân lần ấy đã chủ động làm một việc tụ. Tất nhiên phải có cụ bà Kim Lân góp sức lẫn chút tài chính thì mới thành. Cuộc tụ ấy lại có mặt của các bà vợ nữa.
Buổi ấy đã ngà ngà. Nguyễn Tuân rút cái bút dạ ra và bảo Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng cùng Kim Lân và các phu nhân tất thảy ký tên vào cái vỏ chai Bách Lan Địa (mãi sau này tôi mới tra, tầm ra âm tàu hắn là “Pải Lản ti”, một thứ cô nhắc của Tàu?). Đâm lây cái tiếc của cụ bà Kim Lân như cụ thuật lại là cụ giữ cái chai ấy cho mãi đến những năm 80 thì lạc đâu mất?
Rồi cả cái khúc nhôi cụ bà chứng kiến cùng một tối mấy ông viết tụ lại bên bếp lửa, Nam Cao đã đốt 3 chương một cuốn sách đương viết trước mặt bạn bè! Cũng chẳng hay vì cơn cớ gì? Hay như cụ nhà Kim Lân sau này thủng thẳng, “chưa thích thì cứ gọi là hóa vàng thôi!”.
Và cũng trên vạt chiếu kia kìa. Lần nọ tôi được hầu chuyện hai đấng thông gia Kim Lân - Hoàng Công Khanh. Cô con gái đáo để Phạm Thị Đào là vợ họa sĩ Việt Tuấn. Cứ váng vất mãi chi tiết. Có lẽ nhà chức việc cũng ưu ái bố trí cho ông nhà văn Kim Lân hơi chút “có vấn đề” với những “Con chó xấu xí” (mà sau này cụ bộc bạch rằng chơi với người chán thì chơi với vật vậy) được gặp lại được ngồi với một ông bạn viết đồng thời cũng là thông gia đương có chút “vấn đề nhân văn” Hoàng Công Khanh tại một “Trại cải tạo ở xứ đồng rừng”!
Nhớ cữ đầu đông tháng mười được bám càng theo cái U oát Khúc Quốc Ân mượn, xuất phát từ nhà sàn Láng Hạ đưa các đấng Hoàng Cầm, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ về Kinh Bắc. Là hứng lên, nhổng cho vui theo cách nói của Hoàng Cầm. Rủ cụ Kim Lân về quê Kinh Bắc được cũng nhờ tài thuyết của Đỗ Chu vậy!
Mà trên xe tuyền người Bắc Ninh. Không hiểu sao Đỗ Chu gọi hai ông con thi sĩ Hoàng Cầm, Hoàng Kỳ là anh nhưng với cụ Kim Lân thì cứ ông ông con con ngọt xớt? Đỗ Chu chính tông Bắc Ninh đã hẳn. Thi sĩ Hoàng Cầm với Khúc Quốc Ân quê xứ “Mưa Thuận Thành”. Làng Phù Lưu của cụ Kim Lân lên Bắc Ninh cũng độ hơn chục cây số. Thi sĩ Trần Ninh Hồ cố quận ngay vùng Sen Hồ.
Thị xã Bắc Ninh những mái ngói ta đã ngả thâm chen với vài ba nhà tầng cũng mới cất. Khi đó sầm uất nhất là cái ngã ba rẽ phải đi Phả Lại và Bắc Giang chứ còn đang tẻ lạnh, đìu hiu…
- Phới mạch là Nhã Nam ông Hồng…
Cái khoát tay của cụ Kim Lân như gợi lại một quá vãng với nhà văn Nguyên Hồng.
Xe không phới thẳng về ấp Cầu Đen nơi Nguyên Hồng đùng đùng bỏ Hà Nội, bỏ phồn hoa Hà thành, vứt sạch chế độ tem phiếu này khác của thời khốn khó, chọn cho mình và vợ con cái chốn thâm sơn cùng cốc. Nguyễn Huy Tưởng từng lên ở Cầu Đen hơn tháng để hoàn tất “Sống mãi với Thủ đô” và Kim Lân cũng tá túc Cầu Đen non tháng để viết “Con chó xấu xí”.
Rẽ qua lối chắn đường sắt tới nhà Đỗ Chu. Tò mò cung cách xây cất nửa mới nửa cũ nhà Đỗ Chu có gác lửng có sân sướng hơn là tìm hiểu nơi phát tích của người viết tài hoa này? Cũng nghe nhiều chuyện nhà văn này hầu mẹ rất có hiếu. Bên bình tích chè xanh với cái điếu cày, cụ Kim Lân tương kính chuyện trò với bà cụ thân sinh Đỗ Chu hồi ấy còn khỏe.
Chiếc U Oát rẽ. Xuôi về Phù Lưu.
- Ta đi đâu thế này các vị? - Đỗ Chu nhắm tịt đôi máy hấp hay thao thao tiếp.
- Đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...
Xe rộ lên tiếng cười, cụ Kim Lân khơ khớ hích nhẹ vào hông Đỗ Chu “cái anh này”… Thì ra Đỗ Chu đang đọc thuộc lòng cái đoạn trong truyện ngắn “Làng” có nhân vật ông Hai thích khoe làng.
Phù Lưu nơi chôn rau cắt rốn của anh thợ sơn guốc Nguyễn Văn Tài sau này là nhà văn Kim Lân. Là làng của nhà báo Hoàng Tích Chu, cũng là quê NSND Nguyễn Đăng Bảy anh vợ Kim Lân. Quê của nhạc sĩ Hồ Bắc. Giáo sư Chu Xuân Diên dạy văn học dân gian của tôi hồi Tổng hợp Văn cũng quê làng này… Nhưng sải bước trên con đường lát đá xanh độc đáo, cụ Kim Lân chỉ nói nhiều về cụ Tổng đốc Bắc Giang Hoàng Thụy Chi là người Phù Lưu đây. Cụ Tổng đốc đã có công vận động hào phú cùng dân Phù Lưu góp công sức tiền của xây đình và lát đá xanh cho con đường làng gần 2 cây số. Cụ Kim Lân chỉ xuống những vuông đá xanh nhẵn thín lên nước bóng mịn rất bắt mắt do thời gian (đầu thế kỷ XX) cùng ngàn vạn dấu chân cứ xuýt xoa… Qua cụ, loáng thoáng biết đường làng Phù Lưu được lát bằng 5 hàng đá xanh, mỗi viên khổ 50x50cm. Đá lấy tận Đông Triều. Giá thành khi đó mỗi viên hào, quy gạo khoảng 3 yến (30kg).
Sải bước chán chê trong làng, Đỗ Chu giục đi Thuận Thành. Cứ băn khoăn sao cụ Kim Lân không dẫn về nhà mình? Cái làng Phù Lưu mà Kim Lân từng thăng hoa thành “Làng”, từng đau đáu một thuở một thời?
Khi ấy chưa kịp cũng như chưa tiện hỏi… Đỗ Chu biết nhưng đã ý nhị, lờ lớ lơ? Mãi sau tôi láng máng biết, một người cháu con bà cả (cụ thân sinh Kim Lân có ba bà, nhà văn là con bà ba) đã hóa giá cái nhà của tiên tổ ở Phù Lưu chỉ để lại cho cụ Kim Lân một cái buồng con nhưng không có lối vào! Con cái cụ Kim Lân bức xúc lắm nhưng nghe lời cha dặn tuyệt đối không được kiện tụng gì! Sau này giá nhà đất lên vùn vụt, người cháu này bất ngờ… động viên cụ kiện lấy lại để chuyển đổi giá cao hơn (!?). Nhưng cụ cũng gạt đi! Chao ôi, Kim Lân là thế.
Đêm ấy ngủ lại tại ngôi nhà cổ của Khúc Quốc Ân ở Thuận Thành. Mà có ngủ đâu. Tàn canh là các Thúy Hường, Khánh Hạ con nuôi của cụ Kim Lân và đoàn quan họ Bắc Ninh làm trọn một đêm quan họ xôm trò với những vang rền nền nẩy…
Lại chớm một tiết đông 7 năm sau ngày mất, chừng như những sải chân chầm chậm của cụ Kim Lân lại lững thững về Kinh Bắc bằng “phương tiện” 351/QĐUB của UBTP Bắc Ninh quyết định đặt tên cho một đường phố ở thành phố mang tên Kim Lân.
Tôi và họa sĩ Việt Tuấn, con út cụ Kim Lân lặng đứng trước tấm biển màu xanh chữ trắng trang trọng cái tên Kim Lân ở đầu con phố chiều dài khoảng 700m trải nhựa, hai ô tô tải tránh nhau thoải mái. Hai đầu phố lại liên thông với hai vườn hoa nhỏ. Hơi bị hợp với tính cách lặng lẽ khiêm nhường của cụ?
Lại lạ nữa, phố Kim Lân chỗ thì ăn thông chỗ gối đầu nhau lên các phố Tô Ngọc Vân, Tản Đà, Nam Cao, Văn Cao.
Bên những sải bước thư thả của Việt Tuấn, chợt nhớ cái năm theo người con út cụ Kim Lân về Phòng dự Lễ gắn biển cho một đường phố Hải Phòng tên người bạn chí thiết của cụ Kim Lân và cũng là ông bố vợ Việt Tuấn, nhà thơ, kịch sĩ, nhà văn Hoàng Công Khanh!
Đã bao năm khoảng trống của nhị vị đa đề ấy khuyết, vắng vẫn chưa kịp liền lại! Mà sở hữu cái tiếng “thày”, âm thanh “thày” chả riêng chi của vợ chồng họa sĩ Việt Tuấn?
Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.
Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.
Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.
Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.
Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.
Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.
Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.
Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.
Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.