| Hotline: 0983.970.780

Dự án ngọt hóa sông Nghèn: "Nghẹn" ở đâu?

Thứ Năm 15/09/2011 , 10:34 (GMT+7)

Phía thượng nguồn đã được hưởng lợi, ngược lại hợp phần kênh trục sông Nghèn tải nước về phục vụ huyện Lộc Hà vẫn còn “treo”, tạo nên nghịch cảnh trớ trêu.

Năm 2001, dự án ngọt hóa sông Nghèn khởi công, mãi đến đầu năm 2008 công trình mới hoàn thành đưa vào phục vụ thau chua rửa mặn. Phía thượng nguồn đã được hưởng lợi, ngược lại hợp phần kênh trục sông Nghèn tải nước về phục vụ huyện Lộc Hà vẫn còn “treo”, tạo nên nghịch cảnh trớ trêu.

Gian nan một dự án

Sông Nghèn nằm trải dài trên địa phận huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), thượng nguồn sông Nghèn được bắt đầu từ cống Trung Lương, huyện Đức Thọ chạy quanh gần 30 km rồi chảy về ngã ba Đò Điệm, Thạch Hà. Bao đời nay, nước ở con sông này chủ yếu là nước mặn lợ nên việc SXNN hai bên bờ luôn bị nhiễm mặn. Dự án ngọt hóa sông Nghèn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2000 với mục đích xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt tại ngã ba sông Đò Điệm và hệ thống kênh trục sông Nghèn, nơi tiếp giáp với biển Đông. Năm 2001, dự án được khởi công và mãi đến 2004 mới thực sự bắt tay vào xây dựng.

Lúa chết khô do thiếu nước

Trong quá trình thực hiện, việc thiết kế và thi công gặp rất nhiều gian nan bởi đây là công trình thủy lợi trọng điểm xây dựng giữa ngã ba sông, nơi giáp ranh mặn ngọt. Khi ngăn dòng chảy để đổ bê tông bản đáy, nhà thầu bao phen “giã tràng xe cát” bởi mỗi lần đổ hàng chục tấn bê tông cốt thép xuống đáy sông, sau một đêm nước thượng nguồn tràn về, gặp thủy triều dâng cao rồi tụt xuống tạo thành một dòng chảy xoáy cuộn tròn, cuốn theo toàn bộ khối lượng bê tông trôi ra biển cả.

Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh nghèo Hà Tĩnh nên Bộ NN-PTNT kiên quyết chỉ đạo phía thi công phải thực hiện bằng được dự án này, nhằm tạo nguồn nước ngọt để tưới tiêu cho trên 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân vùng thượng lưu và hạ lưu của các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Lộc Hà. Sau thời gian vật lộn thi công, đến tháng 3/2008, công trình Bara Đò Điệm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cả dòng sông nước mặn nay nước ngọt đầy ắp, góp phần cải tạo hàng ngàn ha đất bỏ hoang từ một lúa lên thành vùng đất hai lúa. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, vùng hạ lưu Bara Đò Điệm là huyện Lộc Hà, nơi lẽ ra phải được hưởng lợi nhiều nhất thì đến nay vẫn chưa xây dựng được hệ thống kênh mương, khiến bà con nông dân vẫn đang dài cổ chờ nước.

Khát đến bao giờ?

Huyện mới Lộc Hà được thành lập từ năm 2006 bao gồm 6 xã vùng biển của huyện Thạch Hà và 7 xã thuộc vùng hạ Can Lộc hợp thành huyện Lộc Hà với dân số trên 8,6 vạn người; tổng diện tích đất tự nhiên trên 11.500 ha, trong đó đất SXNN trên 9.392 ha. Lộc Hà có 13 xã thì 12 xã không có bất kỳ một nguồn nước thủy lợi tưới tiêu nào, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Có mưa thì có nước, hết mưa ruộng đồng lại nứt nẻ khô cằn.

Đồng ruộng khô nẻ vì thiếu nước

Vậy nên Lộc Hà chỉ SX mỗi năm được một vụ đông xuân. Còn vụ hè thu và vụ mùa chỉ trồng cây màu ngắn ngày như vừng, lạc, đậu… nhưng do không có nước giữ độ ẩm nên năng suất cũng chẳng ăn thua gì, thậm chí nhiều năm nông dân trắng tay vì hạn hán. Đời sống bà con trong vùng vì vậy gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Mạo, nông dân thôn Phú Mậu, xã Thạch Bằng nói: “Nông dân Lộc Hà chúng tôi bao đời nay chỉ biết bắc phui, cấy vùi bởi không có hệ thống thủy lợi, không có nước. Khi nghe tin Nhà nước đầu tư xây dựng cống ngăn mặn giữ ngọt tại ngã ba Đò Điệm, dân rất mừng, chờ công trình hoàn thành để lấy nước về đồng, thế nhưng đã hơn 3 năm hoàn thành không hiểu sao nông dân vẫn chưa được hưởng lợi”.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Thạch Châu phàn nàn: “Năm 2008 sau khi nghe cán bộ thông báo nước ngọt sông Nghèn chuẩn bị về tận thôn xã, trong làng ngoài xóm vui mừng khôn xiết, ai nấy chuẩn bị đắp bờ thửa, khoanh vùng ruộng thấp đến ruộng cao, làm bể chuẩn bị chứa nước sinh hoạt đón nước. Vậy nhưng chờ mãi đến nay đã gần 3 năm trời mà chẳng thấy nước đâu, hàng ngàn ha đất cứ bỏ hoang trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Rời Thạch Bằng, chúng tôi đến xã Thạch Mỹ cũng gặp cảnh nhiều hộ dân ở đây vẫn phải đi mua từng can nước từ bên rú Bể về uống, còn nước sinh hoạt tắm giặt thì nhà có nhà không. Ngặt một nỗi nhà nào khoan được giếng sâu thì mới có nước nhưng hầu hết nước ngầm bơm lên đều bị nhiễm mặn nặng. Nhìn ra cánh đồng, quả đúng như người dân phản ánh, cây cối cằn cỗi, xác xơ. Trời không mưa, lúa má, hoa màu xóa sổ là cầm chắc.

Vốn đã được ghi, nhưng…

Theo thiết kế, để dẫn nước từ Bara Đò Điệm về Lộc Hà thì cần phải xây dựng 2 tuyến kênh cấp I, một tuyến chảy về 7 xã vùng Hạ Can và một tuyến chảy về 6 xã vùng cửa biển với 19 kênh tưới và 19 trạm bơm. Các công trình trên kênh tưới gồm 114 cống tưới, 3 cống tiêu và 1 cầu máng.

Ông Nguyễn Xuân Hành, Trưởng BQL XDCB ngành NN- PTNT Hà Tĩnh cho biết: Hợp phần dự án kênh trục sông Nghèn được xây dựng từ năm 2001, khi Bara Đò Điệm bắt đầu động thổ. Đến nay đã hơn một thập kỷ mà chúng tôi vẫn bó tay bất lực, thương dân lắm bởi nước ngọt đã dâng đầy ắp trên sông Nghèn, thậm chí phía thượng lưu thừa thãi nhưng ngược lại phía hạ lưu, nông dân Lộc Hà vẫn đang “khát”. UBND tỉnh, ngành NN-PTNT chúng tôi rất trăn trở nhưng lực bất tòng tâm vì Hà Tĩnh còn quá nghèo, không biết kiếm đâu ra nguồn để làm kênh mương dẫn nước.

"Chúng tôi đã ra Trung ương rất nhiều lần để xin số kinh phí như trong dự toán đã phê duyệt, nhưng mãi đến tháng 10/2009, mới được ghi vốn với tổng mức đầu tư trên 825 tỷ đồng cho hợp phần kênh trục sông Nghèn. Vậy nhưng 2 năm trời lẳng lặng trôi qua, vốn cũng chưa về và chúng tôi lại một lần nữa thất hẹn với nhân dân Lộc Hà", ông Hành than thở.

 Cũng theo ông Hành, đến thời điểm này số kinh phí thuộc hợp phần hệ thống kênh trục sông Nghèn chỉ mới có 30/825 tỷ đồng để xây dựng cống Đức Xá nhằm cấp bổ sung nước ngọt từ sông La vào sông Nghèn, còn nguồn vốn đầu tư cho hệ thống kênh trục sông Nghèn không biết đến bao giờ mới có (?).

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất