Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị sinh năm 1955 tại thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở quê nhà, Bùi Mạnh Nhị theo học khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi chuyển vào công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM từ năm 1977.
Ở đất mới phương Nam, thầy giáo Bùi Mạnh Nhị không chỉ giảng dạy mà còn tham gia sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian. Ngoài những công trình in chung, Bùi Mạnh Nhị có hai cuốn sách riêng là “Sen Tháp Mười” và “Phân tích tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, khi luận án Tiến sĩ khoa học của Bùi Mạnh Nhị bảo vệ tại Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga vào năm 1995, có chủ đề “Thi pháp trữ tình dân gian Việt Nam nhìn từ góc độ lý luận folklore học Nga”.
Xuất thân từ nông thôn, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị có tình yêu đặc biệt với văn học dân gian. Đối chiếu phong vị trữ tình Bắc Bộ từng nuôi mình khôn lớn, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị phát hiện: “Ca dao dân ca Nam Bộ cũng có hệ thống biểu trưng riêng. Chẳng hạn, hình ảnh cá sấu, cọp là biểu trưng cho thiên nhiên hoang sơ, dữ dằn trong buổi đầu cha ông ta “hành phương Nam” khai khẩn, còn con nước lớn là biểu trưng của những gian nan, vất vả... Chính vì không bị gò bó nhiều vào khuôn mẫu của những ước lệ, nên ca dao dân ca Nam Bộ có khả năng rộng mở, tạo nên và sử dụng những từ ngữ đầy sáng tạo”.
Đồng thời, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị cũng kiến giải: “Xu hướng thẩm mỹ của người dân Nam Bộ là thích hướng về sự giản dị, chân thực trong nội dung cũng như hình thức thể hiện các đối tượng, hiện tượng. Người dân Nam bộ thích nói những gì chân thực và thích cách nói giản dị, phù hợp với tâm tư tình cảm mọi người vùng đất này. Chính ngôn ngữ mộc mạc, chân chất, có khi gồ ghề như lời nói thường, nhiều khi lại thành cái duyên giãi bày”.
Quá trình lặn ngụp với văn học dân gian, cũng tạo cảm hứng để tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị sáng tác thơ. Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị viết về cây lúa Việt Nam: “Ai đặt cho cây lúa/ Những tên Nàng thân thương/ Này Nàng Đào, Nàng Quốc/ Này Nàng Thơm, Nàng Hương/ Phải tên nàng con gái/ Tần tảo trên cánh đồng/ Suốt một đời nhẫn nại/ Lo cho con cho chồng/ Hay phải vì cây lúa/ Cũng duyên như con người/ Duyên lặn vào hạt gạo/ Chắt chiu bao nhiêu đời/ Tên lúa sao hồn hậu/ Thương như là ca dao/ Hương quê trong hương lúa/ Hạt gạo dâng ngọt ngào”.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị hiền lành với đời và tận tụy với nghề, có được học hàm Phó Giáo sư cũng bình thường. Chỉ có điều khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên là tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị lại ung dung trở thành một cán bộ quản lý. Sau một thời gian làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo, rồi đảm nhận cương vị Chánh Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
Thế nhưng, dù thành đạt với vai trò gì, thì tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị vẫn xác định: “Văn học, đối với tôi, là đam mê, là nghề, là nghiệp, là cõi thiêng. Văn học nâng con người trưởng thành hơn và luôn gọi ta, phía trước”.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị trình bày quan niệm về thưởng thức văn chương: “Bình văn là cái thú tao nhã, uyên thâm của sinh hoạt văn hóa dân tộc. Xưa, cha ông đã bình văn ở Hội Tao đàn nhị thập bát tứ (thế kỷ 15), Chiêu Anh Các, Bình Dương thi xã (thế kỷ 18), Bạch Mai thi xã (Thế kỷ 19). Thậm chí, chẳng đợi phải có các tổ chức thơ văn như thế, khi bằng hữu tri kỉ gặp nhau, các cụ vẫn bình văn. Bên kỷ trà. Cùng rượu. Dưới trăng. Cốt là có bạn hiền và thơ hay. Chính từ truyền thống độc đáo ấy mà văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông đã lưu giữ được những lời bình bất hủ”.
Tuy chưa in tập thơ nào, nhưng thơ luôn có vị trí đặc biệt trong tâm hồn Bùi Mạnh Nhị. Thời đôi mươi, Bùi Mạnh Nhị đã có bài thơ “Mương con gái” viết tặng đội thủy lợi nữ làng Vòng, Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi vào sống ở phương Nam, Bùi Mạnh Nhị tham gia Hội Nhà văn TP.HCM và tiếp tục sáng tác những vần điệu bay bổng: “Sài Gòn ơi những thương yêu/ Bầu trời như giấy lụa điều đề thơ/ Gửi ra nhắn bạn làng Hồ/ Câu thương lẫn nhớ câu chờ chiều nay”.
Vốn đa cảm, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị luôn âm thầm nhìn vào lòng mình: “Trái tim, bình thường nghe chẳng rõ/ Bỗng đập to hơn tiếng biển vỡ quanh người/ Vang quanh tôi những bài ca cuộc đời/ Hát về những điều không thể nói”. Cho nên, ông thảng thốt trước không gian xao động: “Những âm thanh xô vào ngực tôi/ Những âm thanh bốc lửa trong đầu tôi/ Những âm thanh đập đập vào mười ngón tay tôi/ Tôi nghẹt thở trước âm thanh kì diệu/ Trời đất ngả nghiêng quanh chỗ tôi ngồi/ Buổi hòa nhạc ngừng rồi/ Tôi đi như chạy ra khỏi nhà hát/ Tìm những người yêu nhau lưu lạc/ Tìm tiếng khóc trẻ con yên tĩnh nhất trên đời/ Tìm những con chim vặt lông mình làm tổ/ Những cuộc đời chẳng có gì che chở/ Gió bão ngập đường, người tìm gọi: Người ơi!”.
Một nhà sư phạm chừng mực như tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị, rất ý thức kiềm chế cảm xúc nghiêng ngả. Không có nhiều câu thơ mơ mộng và cũng không có nhiều câu thơ đắm đuối, nhưng thỉnh thoảng Bùi Mạnh Nhị có những niềm riêng xa vắng: “Rót cho đầy ly cạn/ Uống cho cạn ly đầy/ Ta uống đừng bảo ta tỉnh/ Ta uống chớ nói ta say/ Ly này thật thà như trẻ/ Ly này cao sâu như già/ Rót đất trời vào ly nhỏ/ Thiên địa rung rinh lòng ta/ Rót cho đầy vĩnh cửu/ Uống cho cạn thoáng qua/ Sao em nhìn ta bật khóc/ Rượu này có nước mắt pha”.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Nghị kết hôn với nữ đồng nghiệp Trần Quỳnh Nga ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, và có hai con gái Bùi Trần Quỳnh Ngọc và Bùi Trần Bảo Ngọc. Tổ ấm hạnh phúc ấy, được tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị nâng niu: “Một trăm năm trước ta chưa có/ Trăm năm sau ta có cũng như không/ Chỉ tình yêu chúng mình còn mãi/ Để anh và em lặng khuất giữa vô cùng”.
4 giờ 15 phút ngày 5/4/2023, tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị lặng lẽ rời khỏi dương gian. Ông giã biệt trang sách lẫn trang đời, bùi ngùi như câu thơ thuở nào ông viết: “Xin trả cho trời những ngôi sao xa thẳm/ Những nàng tiên không tìm thấy bao giờ/ Xin trả cho trời những cô đơn hoang vắng/ Cho anh sà về mặt đất ấm xanh”./.