Trang trại nổi nuôi ‘bò quý cô’ gây chú ý ở châu Âu

Văn Việt - Thứ Sáu, 22/03/2024 , 21:24 (GMT+7)

Trang trại nổi trên mặt nước đang được coi như giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, song hiệu quả còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh và điệu kiện cụ thể.

Đàn bò của gia đình Van Wingerden trên trang trại nổi tại cảng Rotterdam tháng 11/2023. Ảnh: AP.

Đàn bò của gia đình Van Wingerden trên trang trại nổi tại cảng Rotterdam tháng 11/2023. Ảnh: AP.

Trên tầng cao nhất của một công trình kiến trúc ba tầng neo đậu gần trung tâm Rotterdam, Hà Lan, những con bò với bộ lông nâu trắng đang gặm cỏ khô được thả từ băng chuyền phía trên đầu chúng và vỏ cam lấy từ máy ép trái cây của siêu thị ở thành phố cảng. Những tán cây trên cao bảo vệ đàn bò khỏi ánh nắng mặt trời và thu nước mưa để chúng uống.

Thỉnh thoảng, ba con bò Maas, Rijn và Ijssel, được đặt tên theo ba con sông ở Hà Lan, bước tới chiếc máy tự động vắt sữa, hoặc tránh đường cho một robot đang chạy ngang qua để dọn chất thải và biến thành phân hữu cơ.

“Chúng tôi gọi những con bò của mình là những quý cô thượng hạng”, Minke van Wingerden, quản lý trang trại nổi ở cảng Rotterdam cho biết.

Trang trại nổi tại Rotterdam hoạt động từ năm 2019 và tự nhận mình là trang trại đầu tiên trên thế giới theo đuổi mô hình này. Nhưng ý tưởng về nó không phải mới. Những nỗ lực đưa sản xuất nông nghiệp xuống nước đã có từ thời xa xưa. Người Aztec từng xây dựng các hòn đảo nhân tạo để trồng trọt từ lâu ở khu vực ngày nay là Mexico.

Nhưng đây là ý tưởng đang nhận được quan tâm như một cách giải quyết cả an ninh lương thực lẫn những thách thức của biến đổi khí hậu. Và nó không cần phải phức tạp như trang trại tại Hà Lan, hình thành sau khi chồng của Van Wingerden, Peter, chứng kiến cảnh cơn bão Sandy tàn phá New York vào năm 2012 và khiến tình trạng thiếu lương thực xảy ra ở thành phố.

Tại các khu vực ven biển và vùng trũng của Ấn Độ và Bangladesh, một tổ chức phi chính phủ đang khôi phục phương pháp truyền thống là tạo ra những chiếc bè nổi có thể giữ cây con ở trên những vùng nước lũ gió mùa vốn trước đây sẽ làm chết mùa màng.

Diễn đàn Môi trường Nam Á, trụ sở tại Kolkata, Ấn Độ, đã thực hiện một số cải tiến công nghệ cho cái mà họ gọi là “nông nghiệp nổi có khả năng phục hồi khí hậu”. Những chiếc bè tre được đóng lớn và nặng hơn để chống chịu bão tốt hơn. Lớp phủ nhựa và lưới che bảo vệ những cây dễ gãy, đồng thời máy bơm chạy bằng năng lượng mặt trời thu nước mưa để tưới cho cây con.

Tổ chức này đã hợp tác với các viện nghiên cứu địa phương để cung cấp cho nông dân những hạt giống có khả năng chống chịu khí hậu tốt nhất và truyền đạt kiến thức về kiểm soát sâu bệnh. Theo giám đốc truyền thông Amrita Chatterjee, tình hình có thể trở nên cấp bách hơn khi sâu bệnh sinh sôi nảy nở trong thời điểm nắng nóng cực độ, như mùa hè, khi nhiệt độ lên tới 45 độ C ở một số nơi.

Chatterjee cho biết những chiếc bè nông nghiệp này “không phải kiểu canh tác thông thường” và cần phải kiên nhẫn để làm quen với chúng. Nhưng chỉ trong vài năm, số lượng trang trại nổi đã tăng hơn gấp đôi, lên 500, xuất hiện ở nhiều ngôi làng của Ấn Độ. Các loại rau và cây gia vị. như rau muống hay ớt, là những sản phẩm thường được trồng trên giàn nổi. Nông dân cũng có thể kết hợp nuôi cua để bán.

“Dần dần, mọi người đều cảm thấy hứng thú”, Chatterjee nói.

Cô cho hay với tình hình gió mùa ngày càng thất thường, những chiếc bè này đã giúp đảm bảo an ninh lương thực. Chúng cũng tỏ ra hữu dụng khi bang Tây Bengal của Ấn Độ phải hứng chịu một cơn lốc xoáy có một không hai, sau đó là Covid-19 vào năm 2020.

Những nông dân canh tác bằng bè nổi hiện có thể tự nuôi sống mình và bán một phần thức ăn dư thừa tại chợ địa phương. Nhóm của Chatterjee hy vọng ý tưởng này có thể được nhân rộng để khả thi hơn về mặt thương mại.

Minke van Wingerden bên đàn bò trên trang trại nổi. Ảnh: AP.

Minke van Wingerden bên đàn bò trên trang trại nổi. Ảnh: AP.

Craig Jenkins, giáo sư xã hội học tại Đại học bang Ohio, cho biết các trang trại nổi rõ ràng sẽ có khả năng mở rộng trong những thập kỷ tới ở Đông Nam Á, nhưng việc giáo dục về công nghệ này có thể là một trở ngại đối với nỗ lực ứng dụng chúng ở một số nơi.

Trở lại Rotterdam, chủ sở hữu của trang trại nổi tại đây nêu ra một số lý do khiến họ quyết định đưa nó lên mặt nước. Theo đó, quá trình đô thị hóa đưa nhiều người đến thành phố hơn, và việc trang trại ở gần đô thị sẽ giúp đưa thực phẩm đến người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Cách tiếp cận của họ còn thích ứng tốt với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra lượng mưa lớn và lũ lụt ở các thành phố và vùng đất nông nghiệp.

Jake Boswell, phó giáo sư kiến trúc cảnh quan tại Đại học bang Ohio, cho hay thành công của các trang trại nổi có thể sẽ rất khác nhau tùy theo khu vực. Theo ông, trong khi phần lớn dân số thế giới sống ở những vùng ven biển, chỉ một nhóm nhỏ trong số đó làm nông nghiệp ở những khu vực thường xuyên hứng chịu lũ lụt hoặc bão. Điều này có thể khiến việc đầu tư vào nhà nổi hiệu quả hơn so với trang trại nổi trong nỗ lực thích ứng với mực nước biển dâng.

“Trang trại nổi ở Rotterdam là một minh chứng khá thú vị”, ông nói. “Tôi không nghĩ đây là một dự án có thể nhân rộng”.

Daniel Petrovics, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Amsterdam, người đã nghiên cứu mở rộng quy mô một số biện pháp can thiệp khí hậu, cho rằng tăng tính ứng dụng của trang trại nổi và trang trại thẳng đứng đối với hệ thống cung ứng thực phẩm đô thị là một thách thức.

“Bạn cần  xem xét những thứ như chế độ ăn uống của người dân địa phương là gì, mọi người ăn những thứ gì? Ai sẽ được hưởng lợi từ chúng”, Petrovics nói. “Liệu chúng có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu lương thực trong một thành phố thực sự hay chỉ là chiêu quảng cáo từ một tập đoàn nào đó đang muốn thu hút đầu tư”.

Các chủ sở hữu trang trại nổi ở Hà Lan đã bắt đầu mở rộng mô hình, không chỉ áp dụng cho đàn bò của họ. Hai vợ chồng van Wingerde có kế hoạch bổ sung thêm một trang trại nổi thứ hai trên cùng bến cảng dể trồng cây thẳng đứng với ánh sáng lấy từ đèn trên các luống trồng và tưới nước được lọc một phần bằng nhiệt từ phân bò.

Minke van Wingerden coi nông nghiệp trên mặt nước là một giải pháp khả thi trước lũ lụt và tình trạng mực nước biển dâng cao, đồng thời là cách đưa sản xuất lương thực đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải carbon.

“Khi có trang trại nổi, bạn sẽ thích nghi được với khí hậu”, bà nói. “Vì vậy, bạn có thể tiếp tục sản xuất thực phẩm tươi sống, tốt cho sức khỏe của thành phố”.

Văn Việt (Theo AP)
Cá ngừ chật vật tái lập kim ngạch xuất khẩu năm 2023
Cá ngừ chật vật tái lập kim ngạch xuất khẩu năm 2023

Thẻ vàng IUU, biến động thị trường, hạn ngạch khai thác và những quy định mới khiến doanh nghiệp khai thác thủy sản lúng túng trong việc thích ứng.

5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông
Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông9

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp
Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ
Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ

‘Không bỏ đi thứ gì’, nhiều nông hộ áp dụng chăn nuôi tuần hoàn, tận thu phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm
Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm

Sản phẩm mới không chỉ an toàn với sức khỏe của người phun thuốc và pha thuốc mà với đặc tính hòa tan tốt, thuốc dạng cốm này còn an toàn hơn cho môi trường, giảm thất thoát thuốc và giảm lượng thuốc đưa xuống đồng ruộng.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha
Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất
7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất

Ngày Trái đất 2024 kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe cộng đồng.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản
Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu
Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu

Kinh tế thế giới dần phục hồi, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, và Việt Nam là điểm đến thu mua nông sản chiến lược.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn

Nuôi vịt chuồng sàn tăng được mật độ nuôi, dễ chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao.