| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ Bảy 30/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên trên Nông nghiệp Radio tưởng niệm 23 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa dương gian, với chương trình phát sóng lúc 20h tối nay (30/3).

Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Bửu Chỉ.

Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của Bửu Chỉ.

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở nên đặc biệt vì gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng của ông. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ngày 1/4/2001, ở tuổi 62. Dù 23 năm đã trôi qua, hình bóng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng công chúng, bởi lẽ “nhạc Trịnh” tiếp tục khơi dậy bao nhiêu rung động cho giới mộ điệu.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bày tỏ: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi, đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Thế nhưng, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã mang đến cho chúng ta những bản tình ca thổn thức lại không bao giờ có được hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn. Nhiều bóng hồng lặng lẽ xuất hiện trong đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại những “chuyện tình khó quên” qua từng giai điệu xao xuyến khôn nguôi.

Không ai phủ nhận nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tài hoa lừng lẫy bậc nhất trong đời sống nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Vì vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có sự nhạy cảm khác thường trong tình yêu, như ông thổ lộ: “Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.

Từ ca khúc đầu tiên “Ướt mi” công bố năm 1959, thì hầu hết ca khúc của Trịnh Công Sơn đều mang dấu vết của một “chuyện tình khó quên”. Năm 1960, người đẹp Bích Diễm ở xứ Huế thơ mộng đã lướt ngang miền tơ vương nhung nhớ của Trịnh Công Sơn mà thành ca khúc “Diễm xưa” nhiều day dứt: “Trên bước chân em âm thầm lá đổ/ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”.

Năm 1962, Trịnh Công Sơn vào Quy Nhơn học cao đẳng sư phạm và gặp gỡ người đẹp đồng môn Tôn Nữ Bích Khê. Cuộc tương phùng ấy khá ngắn ngủi, vì Tôn Nữ Bích Khê được gia đình đưa về đoàn tụ ở Nha Trang. Chút duyên nợ bẽ bàng ấy được Trịnh Công Sơn viết trong ca khúc “Biển nhớ” đầy hoài niệm: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê, trời cao níu bước sơn khê”. Khái niệm “bước sơn khê” trong ca từ được khéo léo ghép tên Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê.

Năm 1964, Trịnh Công Sơn trở lại cố đô. Trong một lần ghé thăm người đẹp “Diễm xưa”, Trịnh Công Sơn tình cờ gặp gỡ và xao xuyến trước Dao Ánh, là em gái của Bích Diễm. Vẻ đẹp nữ sinh Dao Ánh ám ảnh tâm trí Trịnh Công Sơn suốt những năm ông đi dạy học ở Bảo Lộc, và ông đã viết thư tỏ tình với cô gái Huế nhỏ hơn mình 9 tuổi. Trong những lá thư ấy, Trịnh Công Sơn không ngần ngại dùng những ngôn từ tha thiết: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng”.

Không chỉ có hơn 300 lá thư nồng nàn, Trịnh Công Sơn còn viết cho người đẹp Dao Ánh rất nhiều ca khúc, mà tiêu biểu nhất là ca khúc “Mưa hồng” đắm đuối: “Ngày em đã khóc chiều mưa đỉnh cao/ Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu/ Em đi về cầu mưa ướt áo/ Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau”.

Năm 1967, người đẹp Dao Ánh lấy chồng và sang Mỹ định cư. Dù Trịnh Công Sơn tự an ủi mình “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, thì mối tình lỡ làng với người đẹp Dao Ánh cũng lưu lại trong ông những vết dấu đớn đau. Và hai thập niên sau, năm 1987, người đẹp Dao Ánh trở về Việt Nam và gặp lại Trịnh Công Sơn ở TP.HCM. Khoảnh khắc trùng phùng giữa hai người, được Trịnh Công Sơn viết thành ca khúc “Xin trả nợ người”.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh qua nét vẽ Lê Sa Long.

Trịnh Công Sơn và Dao Ánh qua nét vẽ Lê Sa Long.

Sau biệt ly người đẹp Dao Ánh, nhiều cuộc hẹn hò nữa đã đến với Trịnh Công Sơn. Có cuộc hẹn hò do ông chủ động, có cuộc hẹn hò do người khác sắp xếp và cũng có cuộc hẹn hò do thị phi thêu dệt. Thế nhưng, có một người đẹp đã được Trịnh Công Sơn giới thiệu với bạn bè và gia đình để chuẩn bị làm lễ cưới là người phụ nữ Nhật Bản Michiko Yoshii        

Michiko Yoshii là một nghiên cứu sinh của Đại học Paris từng sang Việt Nam để tìm tư liệu làm luận án về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Michiko Yoshii sinh sau Trịnh Công Sơn hai thâp niên. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, người dân đô thị phương Nam thường thấy Michiko Yoshii lui tới căn nhà trong con hẻm 47 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 để thăm viếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Michiko Yoshii từ yêu nhạc mới đến yêu người. Ngược lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cảm tình với Michiko Yoshii. Dù từng nhủ không kết hôn, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở tuổi 50 đã có ý muốn cưới Michiko Yoshii làm vợ.

Các em của Trịnh Công Sơn chia sẻ, khi biết tin hai người chuẩn bị cho cuộc trăm năm vuông tròn, thì gia đình rất hân hoạn. Người nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ở Canada háo hức đi sắm đồ cưới. Còn tại Việt Nam, mẹ ruột của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đặt mua cặp nhẫn cưới cho hỉ sự của con trai.

Vì sao đám cưới giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii không thành? Có nhiều lời giải thích khác nhau. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, ông chỉ cười lặng lẽ khi nhắc chuyện này. Tuy nhiên, theo những người quen biết thì lý do chia uyên rẽ thúy cũng hơi bất ngờ.

Lúc đó, Michiko Yoshii cho biết do ba mẹ của cô đã rất già không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thay thế cha mẹ, đại diện nhà gái trong ngày hai bên gặp gỡ nhau. Theo phong tục cưới của người Nhật Bản, ông bà đại sứ phải ngồi để Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii quỳ gối xuống lạy tạ. Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này với lý do người mẹ sinh ra ông nhưng cả đời ông còn chưa quỳ xuống lạy bao giờ, thì không lẽ nào ông lại quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật Bản. Vậy là đám cưới bị hủy bỏ.

Trịnh Công Sơn vẽ Michiko Yoshii năm 1988.

Trịnh Công Sơn vẽ Michiko Yoshii năm 1988.

Nhiều người hâm mộ đã không giấu được sự nuối tiếc cho lương duyên giữa Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii. Cũng như nhiều người hâm mộ đã không giấu được sự ngậm ngùi cho những năm cuối đời cô đơn hiu quạnh của Trịnh Công Sơn.

Tuy nhiên, chính Trịnh Công Sơn hài lòng với chọn lựa riêng mình, như ông từng bộc bạch: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thiệt, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại một ý nghĩ bền vững: cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.

Chuyên mục “Chuyện tình khó quên” với chủ đề “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” được giới thiệu lúc 20h ngày 30/3 trên Nông nghiệp Radio.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.