| Hotline: 0983.970.780

Ấp ủ xây dựng Trung tâm ươm nuôi hải sâm tại Nam Trung bộ

Thứ Bảy 27/05/2023 , 06:19 (GMT+7)

Với nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, ít dịch bệnh, giá trị cao, hải sâm là đối tượng nuôi trồng có nhiều tiềm năng phát triển tại vùng biển Nam Trung bộ.

Phát triển ươm, nuôi hải sâm thương phẩm

Hiện có khoảng 1.400 loài hải sâm nhưng có 40 loài ăn được. Trong đó, hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loại hải sâm. Trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều, nhưng do khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt. Nhiều loài hải sâm có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đe dọa bị tuyệt chủng đã được liệt kê trong danh mục những loài cần được bảo tồn (Sách Đỏ Việt Nam, 2003).

Hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loại hải sâm. Ảnh: Linh Linh. 

Hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loại hải sâm. Ảnh: Linh Linh. 

Nhu cầu tiêu thụ hải sâm khô đã và đang tăng mạnh tại các thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với giá bán hải sâm có thể đạt từ 200 - 400 USD/kg, mở ra cơ hội sinh kế lớn cho cộng đồng cư dân ven biển tại các nước Đông Nam Á, Úc và khu vực trung tâm Thái Bình Dương.

Nghề nuôi hải sâm thương phẩm mới xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng bước đầu đã mang lại sinh kế cho người nuôi, từng bước hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản này và góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiện nay.

Tại Việt Nam, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện 3) qua hai đề tài cấp Bộ, giai đoạn 2003 - 2004 là đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang - Khánh Hòa"; và đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung bộ” giai đoạn 2008 - 2009.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 - 2023, TS Nguyễn Đình Quang Duy, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, Viện 3 đã phối hợp cùng Đại học Sunshine Coast (Australia) triển khai Dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines” với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR). 

Môi trường nuôi hải sâm cát tốt nhất là vùng nuôi có độ mặn ổn định, nhiệt độ từ 22 - 35 độ C, chất đáy là cát, cát bùn, pH từ 6,5 - 8.5 và thích hợp ở vùng đầm, vịnh kín gió. Ảnh: Linh Linh. 

Môi trường nuôi hải sâm cát tốt nhất là vùng nuôi có độ mặn ổn định, nhiệt độ từ 22 - 35 độ C, chất đáy là cát, cát bùn, pH từ 6,5 - 8.5 và thích hợp ở vùng đầm, vịnh kín gió. Ảnh: Linh Linh. 

Kết quả các đề tài, dự án đã và đang tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề nuôi trồng hải sâm tại nhiều địa phương trong nước cũng như giúp tăng cường kỹ thuật nuôi trồng để đảm bảo chất lượng nuôi và hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất hải sâm.

Đầu ra là vấn đề then chốt

TS Nguyễn Đình Quang Duy cho biết, đến nay hải sâm cát đã được Viện 3 làm chủ công nghệ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm trên quy mô sản xuất. Năm 2019, loài hải sâm vú tiếp tục được Viện 3 nghiên cứu thành công sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm.

Tại khu vực ươm nuôi thủy sản chung rộng khoảng 40ha, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung dành 4ha để thực nghiệm và ươm nuôi 3 loại hải sâm (hải sâm đen, hải sâm cát và hải sâm vú). Tại đây, các ao nuôi được chia thành nhiều khu vực cả trong nhà và ngoài trời phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hải sâm.

TS Nguyễn Đình Quang Duy đã tham gia cùng ACIAR, các cơ quan đối tác và các nhà khoa học trong nhiều dự án nghiên cứu về hải sâm. Ảnh: Linh Linh.

TS Nguyễn Đình Quang Duy đã tham gia cùng ACIAR, các cơ quan đối tác và các nhà khoa học trong nhiều dự án nghiên cứu về hải sâm. Ảnh: Linh Linh.

Theo TS Duy, hải sâm khi mới hình thành ấu trùng rất nhạy cảm với ánh sáng nên được ươm nuôi trong khoảng 3 tuần - 1 tháng trên những tấm ván có chất liệu phù hợp (khoảng 500 con/tấm) tại bể nuôi trong nhà, sau đó mới được đưa ra ao ngoài trời để phát triển làm con giống. Giai đoạn khó nhất trong nuôi trồng hải sâm là giai đoạn cho sinh sản và hình thành ấu trùng - đây là hai giai đoạn yêu cầu áp dụng công nghệ xử lý nhiều nhất.

Tuy nhiên, ở quy mô trại ao nuôi, hải sâm bố mẹ được kích thích và cho ăn đầy đủ nên có thể liên tục đẻ trong 3 - 4 năm. Đây cũng là một trong những lợi thế khi nuôi hải sâm. Đặc biệt, dự án ACIAR nuôi ghép hải sâm cát với ốc hương, cá chim, thời gian nuôi 8 - 10 tháng, tỷ suất lợi nhuận đạt trên 70%.

Ấu trùng hải sấm sống bám trên tấm nhựa trong môi trường nuôi nhân tạo để phát triển thành con giống. Ảnh: Linh Linh. 

Ấu trùng hải sấm sống bám trên tấm nhựa trong môi trường nuôi nhân tạo để phát triển thành con giống. Ảnh: Linh Linh. 

“Vấn đề đầu ra là vấn đề then chốt để ổn định nuôi trồng và đây cũng là vấn đề người dân lo lắng khi bắt tay vào nuôi trồng một đối tượng mới. Hiện nay, doanh nghiệp và người dân đã tạo được mối liên kết nhất định. Vai trò của Viện và nhà nghiên cứu là hoàn thiện những bước kỹ thuật, khuyến cáo cho người dân nuôi đúng quy trình, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp như Công ty Hải sâm Việt Nam sẽ lo về bao tiêu đầu ra, hợp tác với người dân trên tinh thần thả giống và ký kết hợp đồng để giúp người dân yên tâm sản xuất, tính toán chi phí đầu ra và đầu vào. Đó là bước ban đầu đạt được trong liên kết 3 bên”, ông Duy cho biết.

Con giống tại bể ngoài trời sau 3 tuần - 1 tháng nuôi ươm trong nhà. Ảnh: Linh Linh. 

Con giống tại bể ngoài trời sau 3 tuần - 1 tháng nuôi ươm trong nhà. Ảnh: Linh Linh. 

Theo đó, trung tâm có thể sản xuất được khoảng 2,5 triệu giống/năm và có kế hoạch mở rộng hơn, song vẫn phải cân nhắc giữa số lượng và chất lượng con giống. Theo đại diện Viện 3, Việt Nam là hiện đang là một trong những quốc gia thành công về sản xuất giống và thương phẩm hải sâm ở quy mô thương mại, với uy tín cả về mặt khoa học và thương mại. Với những kết quả tích cực hiện nay, TS Nguyễn Đình Quang Duy ấp ủ có thể phát triển mô hình thành Trung tâm ươm nuôi hải sâm Việt Nam tại khu vực Nam Trung bộ.

Với lượng sản xuất giống và quy mô sản xuất giống như hiện nay có thể đảm bảo không phải khai thác ngoài tự nhiên, doanh nghiệp, các nhà hoa học và cơ quan quản lý nhà nước đã làm việc để bàn giải pháp đưa hải sâm ra khỏi danh sách động vật quý hiếm. 

Dự kiến thu mua 3 triệu hải sâm thương phẩm

Ông Đỗ Phước Kha, Trưởng phòng phát triển vùng nguyên liệu - Công ty Hải sâm Việt Nam cho biết, giá thương phẩm sơ chế công ty ký kết với người dân là 200.000 đồng/kg. Để đảm bảo quyền lợi, công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cung cấp cong giống.

Theo ông Kha, sản lượng thu mua hải sâm một năm ở khu vực Vạn Ninh, Khánh Hòa đạt 8 tấn/năm. Tuy nhiên, con số này vẫn đang thấp so với nhu cầu của thị trường.

“Năm nay, công ty lên kế hoạch thu mua 3 triệu con thương phẩm, tăng gấp 200% so với năm ngoái. Trong những năm sau nữa, lượng thu mua sẽ tăng lên đến 6 - 9 triệu con”, ông Kha cho biết.

Đầu ra sản phẩm hiện nay hầu như phục vụ ẩm thực, song để gia tăng giá trị của hải sâm, công ty sẽ định hướng xây dựng nhà máy chế biến collagen, viên nang, thực phẩm chức năng và nghiên cứu chuyên sâu cho sản phẩm thô.

Ao nuôi hải sâm tại tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III. Ảnh: Linh Linh. 

Ao nuôi hải sâm tại tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III. Ảnh: Linh Linh. 

Anh Phan Văn Tiến ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, Vạn Ninh, Khánh Hòa với gần 15 năm kinh nghiệm trong nuôi trồng hải sâm cho biết thức ăn chính của hải sâm là phù du và chất hữu cơ có trong nước biển, do vậy nó được ví như máy lọc nước làm sạch môi trường. Ngoài ra, hải sâm cát cũng có thể nuôi ghép kết hợp với ốc hương, cá chim, cá dìa; nuôi luân canh với cá mú, tôm sú, tôm thẻ.

“Qua nhiều năm nuôi hải sâm cát, tôi thấy đối tượng này dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnh, đặc biệt làm sạch môi trường ao nuôi”, anh Tiến cho biết. Với diện tích ao nuôi 20ha liên kết với 8 hộ dân khác và khoảng 2,5ha do mình quản lý, anh thả trung bình 20.000 con giống/ha, sau 6 - 8 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch. Với giá bán trung bình khoảng 200.000 đồng/kg (đã mổ ruột), sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh lãi khoảng 360 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đánh giá vấn đề môi trường và xã hội là hai yếu tố cần phải được đảm bảo khi nhắc tới phát triển bền vững. Ông đánh giá, những dự án do ACIAR hỗ trợ phần lớn tập trung vào tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, về yếu tố môi trường bền vững, những đối tượng của dự án cũng phục vụ bảo vệ môi trường như trai, hải sâm... những đối tượng có khả năng ăn lọc, làm sạch môi trường tự nhiên. Những đối tượng này không phải đầu tư lớn, không cần thức ăn, con giống, nhân công không đáng kể trong khi lợi ích kinh tế đem về lại cao.

“Tôi cho rằng những đối tượng tương tự cũng cần được nghiên cứu. Nên chọn đối tượng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế song vấn phải đảm bảo yếu tố bền vững môi trường và đem lại sinh kế cho người dân”, ông Ninh cho biết.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.