Ông Phan Văn Tiến ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) nuôi hải sâm mỗi lứa từ 6 đến 8 tháng, đến thời điểm thu hoạch trên diện tích 2,5ha sẽ đạt lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng.
Mô hình nuôi hải sâm tại Khánh Hòa
Khánh Hòa cùng các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong suốt quá trình hình thành và phát triển, thường xuyên phải đối mặt với thời tiết cực đoan như bão lũ cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trước tình hình trên, Viện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 tại Nha Trang đã vận động bà con chuyển sang nuôi hải sâm nhờ đặc tính vùi mình trong cát, loài thủy sản này sẽ có khả năng chống chịu tốt với bão, lũ. Bên cạnh đó, Thức ăn chính của hải sâm là phù du và mùn bã hữu cơ có trong nước biển, vì vậy không tốn chi phí mua thức ăn, loài này cũng ít dịch bệnh nên không phải bỏ công chăm sóc. Là một trong những hộ dân đầu tiên chuyển dịch xu hướng nuôi trồng hải sản sang hải sâm, từ 10 năm trước, đến nay, gia đình ông Phan Văn Tiến đã có những thành quả đáng kể từ sản loài hải sản này.
Ông Tiến cho hay mỗi lứa nuôi hải sâm từ 6-8 tháng, 1ha thả 20.000 con giống. Khi thu hoạch, Công ty Hải sâm Việt Nam thu mua với giá 200.000 đồng/kg (đã mổ ruột). Trên diện tích ao nuôi 20ha liên kết với 8 hộ dân khác và khoảng 2,5ha do mình quản lý đem về cho ông khoảng 360 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm.
Pv: Ông Phan Văn Tiến - Trú thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
“Con hải sâm không có dịch bệnh, không có rủi ro. Không đầu tư hàng ngày chỉ đầu tư giống và thuê mướn đìa, không phải cho ăn…”
Để phát huy tiềm năng nuôi trồng hải sâm, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) đã triển khai Dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines”. Đến nay, dự án đã xây dựng thành công quy trình nuôi ghép hải sâm cát và ốc hương. Cùng với đó, cũng đã xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm bằng bổ sung các nguồn thức ăn chế biến từ rong mơ, mùn bã hữu cơ. Đặc biệt, chương trình đã tạo được mối liên kết giữa nông nuôi và doanh nghiệp thu mua.
PV: TS Nguyễn Đình Quang Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung
’Vấn đề đầu ra là then chốt để ổn định nuôi trồng, người dân lo lắng nhất là đầu ra. Viện – nông dân – doanh nghiệp đã tạo được mối liên kết; Viện hoàn thiện các bước kỹ thuật, quy trình chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp lo bao tiêu đầu ra ký kết hợp đồng bao tiêu với người dân để giúp người dân yên tâm sản xuất’
Ban đầu, nhiều hộ dân như ông Tiến rất lo lắng bởi ít người nuôi loài này, thị trường cũng chưa ổn định nhưng được Công ty Hải sâm Việt Nam đến bao tiêu đầu ra nên nhiều bà con đã quyết định nuôi. Hiện sản lượng thu mua hải sâm một năm ở Vạn Ninh, Khánh Hòa mới chỉ đạt 8 tấn, sản lượng này quá thấp trong khi nhu cầu tiêu thụ hải sâm đang tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, giá xuất khẩu hải sâm khô sang Trung Quốc dao động từ 200 - 400 USD/kg.
Pv: Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT)
“Đối với các dự án của ACIAR tài trợ chúng ta không thể kỳ vọng sẽ đảm bảo hết từ nghiên cứu, đầu vào và đầu ra thương mại sản phẩm. Các dự án để tạo nền tảng công nghệ nâng cao năng lực sản xuất. Các sản phẩm công nghệ từ dự án ACIAR phải có sự đồng hành của chính phủ VN, người dân và doanh nghiệp”
Những dự án do ACIAR hỗ trợ phần lớn tập trung vào tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, về yếu tố môi trường bền vững, những đối tượng của dự án cũng phục vụ bảo vệ môi trường như con trai, hải sâm... những đối tượng có khả năng ăn lọc, làm sạch môi trường tự nhiên. Những đối tượng này không phải đầu tư lớn, không cần thức ăn, nhân công không đáng kể trong khi lợi ích kinh tế đem về lại cao.