Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Trọng nam khinh nữ và luân lý của hôm nay: Đạo làm dân

Trọng nam khinh nữ và luân lý của hôm nay: Đạo làm dân

Trong một cộng đồng mà thiết chế xã hội chưa hoàn bị thì gia đình, dòng tộc trở thành nơi quan trọng nhất để bảo vệ các thành viên cũng như bảo vệ các giá trị tinh thần.

Có lẽ nên bắt đầu từ một vấn đề quen thuộc: tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhiều người vẫn hay lên án “căn bệnh” này trong xã hội Việt Nam và Á đông nói chung, và coi đó như một cái gì lạc hậu đáng ghê tởm, mà không mấy khi xét đến tính lịch sử của nó. Việc quy kết vấn đề trọng nam khinh nữ cho Nho giáo cũng không đúng hẳn, nếu không nói là trật rất nhiều.

Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, nghèo và lạc hậu, đời sống của con người chủ yếu gắn chặt với những thước đất, nên mới có câu “Tấc đất tấc vàng”. Đa phần dân chúng không có sinh kế gì khác, đất đai ruộng nương là nguồn sống gần như duy nhất.

Trong một cộng đồng mà thiết chế xã hội chưa hoàn bị thì gia đình, dòng tộc trở thành nơi quan trọng nhất để bảo vệ các thành viên cũng như bảo vệ các giá trị tinh thần. Vì thế, yêu cầu giữ gìn cái thiết chế gia đình này trở thành tối quan trọng. Mà sự hưng vong, còn mất, như đã nói, chủ yếu phụ thuộc vào đất đai mà họ sở hữu.

Vậy người xưa đã giải quyết cái nan đề này thế nào? Không chia đất cho con gái. Như thế là thiệt thòi đúng không? Không hẳn, vì con gái đi lấy chồng thì người chồng ấy đã được nhà chồng cho đất. Vậy là vừa giữ được nguồn sống cho cả 2 vợ chồng, vừa duy trì được tông tộc.

Bây giờ thì người ta không làm thế nữa, mà chia đều, nam cũng như nữ. Ví dụ, một gia đình có cả con trai và con gái, đất chia đều; khi những người này lấy chồng lấy vợ, đất bên thông gia cũng chia như thế. Thực ra thì lượng đất mà một cặp vợ chồng sở hữu vẫn là cơ bản không đổi, dù chia theo cách cũ hay cách mới.

 

Ngày xưa, do điều kiện sống quá ngặt nghèo, việc phân công lao động vì thế cũng phải phù hợp. Những việc lên rừng xuống biển hay đồng áng nặng nhọc thì do người chồng gánh vác, người vợ sẽ là “tay hòm chìa khóa”, lo nuôi dạy con cái, giữ lửa cho gian bếp... Vai trò của họ rất quan trọng và được coi trọng, chứ không hề bị khinh rẻ.

Tôi không nhớ đã đọc trong một tài liệu nào, một phu nhân người Pháp sang Đông Dương sinh sống trong thời Pháp thuộc, bà ấy đã rất ngạc nhiên về quyền hành của người đàn bà trong gia đình Việt. Đến nay cơ bản vẫn vậy, trong nhà, người đàn bà rất có quyền, đối với cả chồng và con.

Vấn đề của ngày xưa, như đã nói, việc sinh tồn phụ thuộc hoàn toàn vào đất, nên khi người phụ nữ đi lấy chồng, sống bằng nguồn đất của nhà chồng, nếu có mâu thuẫn gì dù có muốn bỏ đi cũng không được. “Sảy nhà ra thất nghiệp” ngay, vì thế mà họ bị phụ thuộc, phải cam phận, chịu đựng dù hôn nhân không như ý.

Hãy nhìn vào thời chúng ta đang sống đây. Nay, khi người phụ nữ đã có thể tự chủ được cuộc sống của họ rồi, nếu hôn nhân không đạt được mục đích, họ sẽ lựa chọn ra đi chứ không bấm bụng chịu đựng như xưa nữa. Chính việc sinh tồn dễ dàng hơn đã “giải phóng” phụ nữ.

Đánh giá một vấn đề thì phải nhìn vào cái gốc sinh ra nó. Ngày xưa, sở dĩ có cái gọi là “trọng nam khinh nữ” là do điều kiện sống quy định. Con người đã tự tìm ra một cách thích hợp nhất để sinh tồn, và cơ bản họ tự nguyện, thậm chí bảo vệ nó. Cũng phải nói thêm, vì coi trọng gia đình - dòng họ nên gia đình Việt mới có cái đặc thù là không những cố kết rất chặt mà còn thiêng liêng bậc nhất. Người Việt thờ cúng tổ tiên như một thứ tôn giáo bản địa cũng là vì những lẽ đó. Việc phủ nhận quá khứ, coi chừng, sẽ trốc luôn cái gốc vốn là linh hồn của nòi giống.

Vấn đề là phải có một cái nhìn bao quát. Theo Phan Chu Trinh, luân lý có 3 loại: luân lý gia đình, luân lý quốc gia, luân lý xã hội. Chữ “luân lý” được hiểu là đạo đức khi nó biểu hiện ra bên ngoài bằng các mối quan hệ giữa các thành viên trong một cộng đồng. Và theo ông, Việt Nam chỉ có luân lý gia đình, còn luân lý quốc gia thì “dốt nát”, luân lý xã hội, tức cái nghĩa vụ con người đối với con người, thì “tuyệt nhiên không ai biết đến”.

Chỉ cần khảo sát hệ thống đại từ nhân xưng trong tiếng Việt thì rõ về đặc điểm này. Người Việt dùng luôn cách xưng hô trong gia đình cho các mối quan hệ xã hội. Lên ủy ban nhưng ngoài anh, chị, chú, bác, cháu, em..., người ta không biết dùng từ nào để nói chuyện với nhau nữa. Xưng “tôi” vẫn luôn để lại trong cả người nói và người nghe một cảm giác không thoải mái, mà dù có thoải mái đi nữa thì cũng chẳng biết gọi đối phương là gì ngoài “ông”, “bà” - lại cũng vẫn là gia đình. Đó là một bằng chứng và di chứng của quá khứ ngàn năm không thể phủ nhận.

Xã hội Việt Nam, như đã nói, lấy gia đình làm trung tâm, coi nhẹ quốc gia và xã hội, vì thế nó có 2 mặt: vừa xây dựng được luân lý gia đình với nhiều điều đẹp đẽ, nhưng cũng từ đó mà làm thành tâm lý xã hội “ai chết mặc ai, phải ai tai nấy”. Cái quan trọng lúc này là giữ gìn những truyền thống tốt đẹp mà gia đình Việt đã hun đúc qua cả nghìn năm lịch sử nhưng đồng thời nuôi dưỡng luân lý quốc gia và nhất là luân lý xã hội cho được lớn mạnh. Nếu chừng nào mà cái tinh thần “gia đình trên hết” còn ngự trị thì không những sự vô trách nhiệm trước nhân quần và chỉ lo vơ vét về cho người nhà không giảm đi mà còn gián tiếp tàn phá xã hội và quốc gia.

Ngày nay, luân lý gia đình và xã hội được diễn đạt bằng những thuật ngữ chặt chẽ và đã trở nên quen thuộc: (quyền) công dân và (quyền) con người. Khiếm khuyết lớn nhất của người Việt không nằm ở gia đình mà là đối với quốc gia và xã hội (nhỏ là cộng đồng, lớn là nhân loại). Một đất nước mà nếu đa phần người dân chưa nhận thức và hành động xứng đáng với những quyền (và nghĩa vụ) ấy thì đất nước đó chưa có tương lai. Vì nó thiếu hẳn đi nền tảng cho sự phát triển, cả kinh tế lẫn các giá trị tinh thần lành mạnh. Tư tưởng “Khai dân trí” nổi tiếng của Phan Chu Trinh chính là ở chỗ này đây: ý thức công lợi (chứ không phải chỉ tư lợi).

Để giải quyết những tồn dư tinh thần do những quán tính quá khứ để lại, không thể chỉ hô hào, tuyên truyền, “giáo dục”. Chỉ cần cấp cho người phụ nữ những điều kiện sống tương xứng, họ sẽ tự bình đẳng với nam giới. Việc chỉ trích quá khứ một cách kiêu ngạo cũng không giải quyết được gì, thậm chí còn có nguy cơ khiến cộng đồng trở nên vong bản.

Rộng hơn, cần phơi mở cho cộng đồng thấy được sự liên đới nghĩa vụ/trách nhiệm và sự chung đụng thân phận của họ đối với nhau khi cùng chung sống trong một cộng đồng, bất kể lớn nhỏ. Đó là điều kiện tiên quyết cho việc vực dậy quốc gia, kiến tạo xã hội và trường tồn những giá trị mang tính nhân loại thiết cốt.

Nhắc tới nghĩa vụ của một công dân, thông thường, người ta sẽ nhớ ngay đến những “bảo vệ tổ quốc”, “bảo vệ môi trường”, “học tập”, “nộp thuế”..., mà ít ai nghĩ tới một thứ “nghĩa vụ” đặc biệt: làm chủ/làm ông chủ. Không những thế, như đã nói, người Việt mới có ý thức về việc làm chủ gia đình, mà chưa thật sự hiểu đúng và sâu sắc về việc làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.

Làm chủ có nên được hiểu là một thứ “nghĩa vụ”? Khi một người được giao thừa kế sản nghiệp của gia đình, đó vừa là một quyền lợi lớn lao nhưng rõ ràng nó cũng gắn liền với nghĩa vụ: bảo vệ và phát triển khối tài sản ấy. Làm một nhân viên đã khó, làm một ông chủ càng khó hơn. Một cách phổ quát, chúng ta luôn bị gắn với nghĩa vụ làm chủ: làm chủ tài sản, làm chủ thân thể, làm chủ cuộc đời..., cho đến làm chủ đất nước và xã hội của mình.

Nếu chỉ hiểu làm chủ là một thứ quyền thì người ta có thể từ bỏ quyền lợi của mình mà không ai có quyền phê phán; nhưng nếu nhận thức rằng đó là một nghĩa vụ thì mọi chuyện sẽ khác. Đã là nghĩa vụ thì anh không được phép khước từ.

Một người làm chủ thì có nghĩa là phải quản lý, phải giám sát, phải lên tiếng, phải phê phán..., bằng tất cả năng lực và vị trí của mình.

Yêu cầu ấy tại sao lại được đặt ra vào lúc này? Vì trên thực tế có nhiều, thậm chí rất nhiều người dân đang thoái thác cái nghĩa vụ làm (ông) chủ đó của mình.

Trong một trường học đang diễn ra rất nhiều sai trái, nhưng giáo viên im lặng, phụ huynh im lặng, để mặc cho cái xấu và bất công hoành hành. Trong một xóm thôn, ruộng đồng bị phân lô, nguồn nước bị ô nhiễm, công quỹ bị lãng phí..., người dân im lặng thả nổi cho sự phá hoại mặc sức.

Những di tích lịch sử - văn hóa bị xâm hại, những công trình công cộng bị rút ruột, những hợp đồng được ký dưới gầm bàn, dù biết nhưng nhiều người dân đã chọn im lặng, để mặc cho tài sản quốc gia bị tàn hại.

Tình trạng hư hỏng của nhiều cán bộ ở đủ các cấp các ngành ngày càng phổ biến và gây hậu quả khôn lường, nhưng chính người dân, dù biết, vẫn chọn im lặng. Còn nhiều lắm những ví dụ.

Khi nghĩa vụ làm chủ đã bị từ chối, bị thoái thác thì cũng có nghĩa là cái trách nhiệm bảo vệ các giá trị từ quyền con người đến quyền công dân đã vô tình bị lãng quên.

Một quốc gia giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, văn minh hay lạc hậu, trong sạch hay bất công, tự do hay mất tự do..., phần lớn phụ thuộc vào cái nghĩa vụ làm chủ của người dân nước ấy có nhiều hay có ít, hiện diện hay vắng mặt.

Trong rất nhiều nghĩa vụ mà dù có thực hiện tốt đến đâu, nhưng nếu chỉ cần sao nhãng nghĩa vụ làm chủ thì sẽ khó có thể bảo đảm được cho một sự phát triển, cường thịnh, văn minh. Làm chủ, vì thế, phải được đặt lên hàng đầu trong các nghĩa vụ của một công dân.

Chỉ khi nghĩa vụ làm chủ được thực hiện một cách tự giác và thường trực thì những nghĩa vụ khác mới thật sự phát huy tác dụng của nó. Ví dụ gần gũi nhất là về thuế: lúc đó, tiền thuế sẽ được bảo vệ và chi tiêu một cách minh bạch, có ý nghĩa. Còn nếu anh chỉ trung thực nộp thuế rồi bỏ mặc, không giám sát và lên tiếng mỗi khi thấy các công trình công ích bị rút ruột, bị lãng phí thì chẳng khác gì đang tự ném tiền qua cửa sổ. Không những thế, sự vô trách nhiệm đối với việc làm chủ này còn gián tiếp làm hư hỏng đội ngũ công chức, làm suy thoái xã hội, bào mòn niềm tin và phá vỡ các nền tảng quản trị xã hội do để nạn tham nhũng hoành hành.

Chính bởi ý nghĩa trọng đại của “nghĩa vụ làm chủ” như thế mà nó xứng đáng là hạt nhân, là chân móng của các giá trị lớn nhỏ sẽ phát sinh hay được bảo tồn. Xưa nay, người ta hay nói đến đạo làm con, đạo làm trò, đạo làm quan..., nhưng ít ai nói “đạo làm dân”. “Nghĩa vụ làm (ông) chủ” sẽ quyết định khuôn mặt hiện tại và tương lai của một xã hội, vì thế, nó thể hiện một cách sâu sắc nhất cho đạo làm dân, nếu ta thừa nhận có một cái “đạo” như thế.

Chừng nào mà cái ý thức  về nghĩa vụ làm ông chủ đối với xã hội và đất nước của mình còn chưa có hay chỉ mờ nhạt, chừng đó đất nước và xã hội ấy còn phải hứng chịu những rủi ro to lớn và không có được một hi vọng chắc chắn nào ở tương lai phía trước.

Bắt đầu một năm mới cũng là khởi sự cho những dự phóng và hi vọng. Nhận thức đúng thực tế, giữ gìn những giá trị truyền thống, học hỏi để lấp đầy những khiếm khuyết, cốt xây cho được nền móng tinh thần là ý thức công lợi mà cụ thể là ý thức về việc làm ông chủ, đó chính là những sứ mạng không những lớn lao mà còn cần kíp hơn bao giờ hết đối với một cộng đồng.

Thái Hạo

Tin khác

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 1h trước
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 4h trước
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 17/11/2024
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 13/11/2024
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/11/2024
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/11/2024
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/11/2024
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 01/11/2024
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/10/2024
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/10/2024
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/10/2024