Tương tự như nền kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Trong những tháng gần đây, nước này đã ghi nhận nhiều cơn bão lớn, hạn hán, lũ lụt và nắng nóng, phá hoại mùa màng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực và dẫn đến giá nhu yếu phẩm tăng cao. Những sự kiện này đe dọa an ninh lương thực của Trung Quốc và cho thấy một thực tế rằng, biến đổi khí hậu đang làm suy yếu các hệ thống nông nghiệp trên toàn thế giới.
Bằng cách đăng cai Hội nghị Đổi mới Nông nghiệp Thế giới năm 2024 hồi tháng 10, Trung Quốc đã đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và khả năng phục hồi nông nghiệp. Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới, sự kiện này không chỉ cho thấy vai trò Trung Quốc trong đổi mới nông nghiệp mà còn là cơ hội hợp tác toàn cầu trong việc xây dựng hệ thống lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại thời điểm quan trọng này, Trung Quốc có cơ hội không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai của chính mình mà còn dẫn đầu toàn cầu trong việc giải quyết các thách thức nông nghiệp. Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học, cũng như tăng cường hợp tác Nam - Nam, Trung Quốc có thể giúp định hình tương lai của nông nghiệp theo hướng tăng cường cả an ninh lương thực của chính mình và toàn cầu.
Việc Trung Quốc gần đây phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về nhu cầu cấp thiết đối với các hệ thống nông nghiệp linh hoạt hơn. Sinh kế nông thôn đang bị đe dọa, và giá lương thực đang tăng lên. Điều này đặt ra một thách thức đối với các nỗ lực chấn hưng nông thôn của Trung Quốc, một trụ cột trung tâm trong chiến lược phát triển của nước này. Phát triển nông thôn không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, công việc này phải bao gôm cả việc đảm bảo rằng các khu vực nông thôn có thể phát triển mạnh mẽ trong một thế giới nơi biến đổi khí hậu là mối đe dọa luôn hiện hữu.
Châu Phi, nơi chiếm 60% diện tích đất canh tác của thế giới, cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Tuy nhiên, tiềm năng nông nghiệp của châu Phi đang ngày càng bị đe dọa do hạn hán nghiêm trọng, suy thoái đất và các hình thái thời tiết khắc nghiệt. Đến năm 2030, ước tính khoảng 118 triệu người cực nghèo ở châu Phi sẽ phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt. Sự ổn định của hệ thống lương thực của châu Phi sẽ có tác động sâu rộng đến thị trường toàn cầu và an ninh lương thực, bao gồm cả Trung Quốc, nước nhập khẩu một lượng lương thực đáng kể.
Trong bối cảnh này, kinh nghiệm và vai trò tiên phong của Trung Quốc trong hiện đại hóa nông nghiệp là rất quan trọng. Sau khi chuyển đổi ngành nông nghiệp của chính mình, Trung Quốc có vị thế tốt để giúp thế giới phát triển các hệ thống lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu cao. Thông qua hợp tác Nam - Nam và quan hệ đối tác với các tổ chức như Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), mạng lưới đổi mới nông nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể vừa hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp cho châu Phi, trong khi vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai của chính mình.
Câu chuyện thành công về nông nghiệp của chính Trung Quốc đã cho thấy những bài học quan trọng cho cả tương lai của chính nước này và của thế giới. Vào giữa thế kỷ 20, Trung Quốc từng phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các công nghệ để nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng năng suất cao và sử dụng các kỹ thuật tưới tiêu tiên tiến, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng năng suất nông nghiệp.
Đóng góp vào sự chuyển đổi này là quan hệ hợp tác với các cơ quan nghiên cứu quốc tế như CGIAR. Kể từ khi Trung Quốc chính thức hợp tác với CGIAR vào năm 1984, nước này đã ghi nhận nhiều tiến bộ lớn trong nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa mì và ngô. Nghiên cứu chung đã giúp tăng sản lượng lúa mì của Trung Quốc lên 10,7 triệu tấn (trị giá 23 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3,23 tỷ USD) bằng cách phát triển các giống cây kháng bệnh và thực hành các biện pháp canh tác hạn chế cày xới đất và sử dụng nước hiệu quả.
Trong nhiều thập kỷ, những đổi mới trong nông nghiệp của Trung Quốc không chỉ củng cố an ninh lương thực quốc gia mà còn giúp hàng triệu người ở khu vực nông thôn thoát khỏi đói nghèo. Các chiến lược thúc đẩy điều này, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn và nắm bắt các công nghệ thông minh về khí hậu, có thể được áp dụng trực tiếp để giải quyết những thách thức mà nông nghiệp toàn cầu hiện đang phải đối mặt. Khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày nghiêm trọng, nhu cầu về các hệ thống nông nghiệp có khả năng phục hồi sẽ ngày một lớn hơn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tương lai của nông nghiệp sẽ phụ thuộc vào nghiên cứu và đổi mới. Cây trồng chịu hạn, thực hành canh tác bền vững và sử dụng nước hiệu quả là điều rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng các hệ thống lương thực có thể chịu được các cú sốc về khí hậu. Điều này cho thấy sự hợp tác của Trung Quốc với CGIAR sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng.
Tháng 7/2024, CGIAR và Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã nhất trí mở rộng hợp tác nghiên cứu nông nghiệp. Sự hợp tác này tập trung vào việc cải thiện nguồn gen cây trồng và chia sẻ các công nghệ nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Những đổi mới này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc mà còn hỗ trợ các quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức tương tự, đặc biệt là ở châu Phi.
Là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới và đi đầu trong đổi mới nông nghiệp, Trung Quốc có cơ hội hỗ trợ xây dựng các hệ thống lương thực bền vững trên khắp Nam bán cầu. Hợp tác Nam - Nam, đặc biệt là với châu Phi, có thể hỗ trợ các quốc gia châu Phi khi họ hiện đại hóa hệ thống lương thực và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tương lai nông nghiệp của Lục địa Đen rất quan trọng đối với chính các nước châu Phi cũng như phần còn lại của thế giới. Châu lục này có tiềm năng to lớn để trở thành một nhân tố dẫn đầu về lương thực trên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không đầu tư vào R&D và công nghệ, tiềm năng này có thể không bao giờ thành hiện thực. Trung Quốc đã cam kết 360 tỷ nhân dân tệ cho việc phát triển châu Phi, tập trung vào hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa và phát triển xanh. Những khoản đầu tư này rất quan trọng để đảm bảo hệ thống lương thực của châu Phi, từ đó sẽ có tác dụng ổn định thị trường lương thực toàn cầu.
Tương lai của an ninh lương thực, cả ở Trung Quốc và trên toàn cầu, sẽ phụ thuộc vào việc tiếp tục hợp tác và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Báo cáo Ceres2030 nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng gấp đôi khoản đầu tư vào nông nghiệp trên toàn cầu để đáp ứng bền vững nhu cầu lương thực của thế giới. Trung Quốc, với khả năng nghiên cứu hiện đại và cơ sở nông nghiệp phát triển, có vị thế tốt để dẫn đầu trách nhiệm này.
Đổi mới nông nghiệp trong lịch sử đã mang lại lợi nhuận cao. Ví dụ, nghiên cứu của CGIAR đã liên tục đem về lợi nhuận gấp 10 lần số tiền đầu tư. Bằng cách đầu tư vào R&D và hợp tác với CGIAR, Trung Quốc có thể bảo vệ nguồn cung lương thực của chính mình cũng như giúp xây dựng các hệ thống lương thực linh hoạt hơn ở các khu vực dễ bị tổn thương như châu Phi.