Tùy bút Lê Minh Quốc: Về Tết quê nhà gặp tuổi thơ

Nhà thơ Lê Minh Quốc - Thứ Năm, 08/02/2024 , 13:30 (GMT+7)

Tuổi thơ đã xa hun hút theo năm tháng, chỉ ngày Tết mới đủ sức rũ sạch vết bụi mờ để họ lúc ngoái lại.

Ảnh: Nguyễn Văn Thương.

Ảnh: Nguyễn Văn Thương.

1.

Sau này khi thiên hạ đã lười đọc sách, hễ cầm cuốn sách dày vài trăm trang, lật vội, lướt qua nhanh rồi lại nhẹ nhàng… đặt lên kệ sách, với các văn hào nổi tiếng, tầm cỡ như ngôi sao sáng chói lòa đỉnh trời cũng bị đối xử thế chăng? Có thể lắm. Chúng ta đang sống trong thời đại quá đỗi lạ lùng. Hầu như động tác “đọc” đã thay thế bằng “lướt”? Các con chữ chỉ lướt vội dưới cái nhìn, chứ không còn được chăm chú với tất cả sự suy ngẫm.

Nếu thế, cái nghề viết lách buồn quá nhỉ? Ừ, cứ cho là thế. Quả quyết thế. Chắc chắn thế. Đang sống trong một thế giới đầy biến động này, có thể tôi sẽ không còn đọc các kiệt tác nhưng rồi chắc chắn tôi vẫn luôn nhớ đến một bài đồng dao đã nghe từ thời nhỏ xíu.

Tại sao thế nhỉ?          

2.

Rằng, đến một lúc nào đó, con người ta sẽ “có tuổi”, tức là đã sống mòn theo ngày tháng. Thời gian đã trở nên nhẵn mặt. Ngày như mọi ngày. Không còn gì háo hức chờ đợi nữa. Ngày nào lại không là thế? Vẫn nắng lên. Chiều xuống. Vòng quay 24 tiếng đồng hồ chỉ là sự lặp lại. Không gì vui. Chẳng gì buồn. Đón nhận từng ngày như một lẽ hiển nhiên. Chẳng gì cũ. Không gì mới. Thế nhưng, trong chuỗi thời gian đó, có thời điểm cũng là ngày, cũng là đêm nhưng tâm trạng của con người ta lại rất khác.

Ngày đó là ngày nào thế? Chỉ có thể ngày Tết.

Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng nói dỗi, nũng nịu của con gái tôi, vào dịp đưa ông Táo về trời: “Con mong Tết quá, ba ơi”. Là ngụ ý những ngày này ai nấy cũng chộn rộn rộn sắm Tết, thời tiết se lạnh, cỏ cây đã nhú lá… sao thời gian lại trôi qua chậm? Ước gì, những ngày này phải trôi qua nhanh hơn, bởi sự náo nức đang tràn ngập trong lòng. Mong Tết quá. Tâm trạng của đứa trẻ, và chỉ con trẻ mới có ước mơ trong trẻo này thôi ư? Không đâu. Ngay cả người lớn cũng thế thôi. Cũng mong. Cũng ngóng. Cũng đợi chờ.

Sở dĩ như thế, tôi nghĩ, chỉ có ngày Tết là lúc họ được sống lại cùng ký ức của tuổi thơ. Tuổi thơ đã xa hun hút theo năm tháng, chỉ ngày Tết mới đủ sức rũ sạch vết bụi mờ để họ lúc ngoái lại, nhìn thấy chính mình của ngày tháng lên năm, lên mười... Họ nhìn thấy rõ nét nhất vẫn là lúc về quê ăn Tết. Về với căn nhà mà ngày xửa ngày xưa, đã được đón Tết cùng với ba mẹ, anh chị trong một nhà. Và, khi đã đi qua vòng “lục thập hoa giáp”, tôi đã nhìn thấy, đã cảm nhận:

Về Tết quê nhà gặp tuổi thơ

Thấy tôi nhỏ xíu đứng trông chờ

Mẹ đi chợ về - xuân tươi thắm

Vạn thọ tròn xoe thuở i tờ

Càng lớn, càng già, càng chín, càng từng trải, con người ta càng thấm thía cụm từ “mẹ đi chợ về”. Ôi dào, con trẻ ơi, khoảnh khắc chờ đợi ấy sao mà hồi họp, ngóng đợi đến thế? Mẹ đi chợ về là có món quà nào đó, chẳng gì ghê gớm, chỉ miếng quà tấm bánh nhưng thích lắm. Thích nhất còn là lúc được mẹ ôm vào lòng để nghe mẹ nói câu gì đó, có thể là câu mắng, câu dỗ dành, câu nói đùa… Lần nào cũng thế nhưng vẫn cứ thích. Ngày thường đã thế, chứ huống gì những ngày Tết. Kỷ niệm chỉ có thế nhưng rồi cứ như sóng vỗ âm vang. Tất cả điều này, ngày thường dẫu có nhớ đến, chỉ thoáng qua nhưng lại Tết lại khác. Khác thế nào nhỉ? Khác ở chỗ trong không khí đoàn tụ đầu năm là lúc: Quay lui gặp lại lúc lên mười/ Áo mới thơm tho nắng tốt tươi.

Thấy mình như trẻ con lên mười trong thân xác đã cỗi. Càng thấy ý nghĩa của gia đình thiêng liêng biết dường nào. Qua họp mặt đầu năm của các thành viên trong một nhà, bây giờ có người đã có con, thậm chí thêm dâu rể, tất cả trải lòng tâm tình, càng thấu cảm với các câu mà sinh thời ba mẹ đã dặn dò: Chị ngã em nâng”, “Cốt nhục tình thâm”. “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Một khi ba mẹ không còn, tình anh em lại càng gắn bó hay xa cách? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có câu trả chung khi mà các thành viên cùng có mặt tề tựu thắp hương cho song thân tại bàn thờ tổ tiên. Nén nhang đượm và thơm bay tỏa, đem theo bao lời khấn nguyện của con cháu. Lúc ấy, mới thấy ý nghĩa của câu: “Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình”. Điều này, ngày thường cũng nhớ, chứ cần gì phải đợi đến ngày Tết, ngày Nhất? Đúng là thế. Nhưng ngày Tết, tự bản thân nó đã có ý nghĩa hết sức đặc biệt nên những gì diễn ra trong ngày ấy lại càng sâu sắc.

Tại sao? Trong tập sách Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (NXB Văn hóa Dân tộc - 2000), nhà sử học Trần Quốc Vượng giải thích thấu đáo: “Tết là âm ‘đọc trạnh’ theo lối dân gian của chữ ‘Tiết’ Hán - Việt. Có nhiều thí dụ về lối ‘đọc trạnh’ này, chẳng hạn biên - bên, lượng - lạng (cân lạng), phàm - buồm, phóng - buông, liệt -  lệt (bệt), việt - vượt, viên - vườn v.v… ‘Tiết’ âm Hán có nghĩa: đoạn, khúc, đốt, chẳng hạn ‘trúc tiết’ (đoạn tre, khúc tre, đốt tre) - như câu thơ viết trên tranh dân gian về cây tre (Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết) - chưa ra khỏi mặt đất đã có ‘đốt’ hàm ý tinh thần, khí tiết, tiết tháo (nho phong).

“Trên dòng thời gian liên tục của một năm theo lịch cổ truyền, người ta phân lập ra nhiều ‘tiết’ những sinh hoạt lễ lạt - văn hóa đan xen sinh hoạt đời thường thế tục” (tr.323). Và, ông đã nhấn mạnh: “Thật ra lễ lạt đầu năm mới được gọi là Tết nếu gọi một cách đầy đủ thì dân gian nói là Tết Cả hay gọi theo ‘tên chữ’ (Hán - Việt) - vốn đã từ lâu quen thuộc với dân gian là Tết Nguyên đán. Nguyên đán là đầu tiên, đán là buổi sớm. Theo nghĩa ‘Nguyên đán’ là buổi sáng đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới, Vậy, Tết Nguyên đán là Tết đầu năm mới” (tr.322).

Ngày đầu năm mới ấy, thiêng liêng biết chừng nào. Con người ta khi ấy, dù ở độ tuổi nào trong khoảnh khắc ấy đã gặp lại tuổi thơ của mình bởi lòng đang tưởng nhớ về đấng sinh thành. Và cũng về chung vui cùng con cháu trong lễ “rước ông bà”. Ối dào, ngày Tết ấy mình còn có ba có mẹ, chỉ nghĩ thế, biết bao kỷ niệm từ dĩ vãng đã cựa quậy ấm áp từ trong nỗi nhớ, để rồi càng ý thức hơn nữa về mối gắn kết anh em trong một nhà: “Về Tết quê nhà gặp ngày xưa/ Đầy đủ anh em thuở đầu mùa/ Bền chặt trong nhau từng sợi máu/ Dẫn dắt một đời qua nắng mưa".     

3.

Với tôi, như đã nói sau này có thể không còn đọc lại các kiệt tác văn học, thậm chí có thể quên theo thời gian nhưng chắc chắn có một bài đồng dao không thể quên. Luôn nhớ. Như nhớ lấy tiếng lòng êm đềm mà ngày xửa ngày ngày xưa, ngày còn có ba mẹ, mình mới lên năm lên mười đã nghe và đã nhớ. Và bây giờ hễ vào dịp Tết, tôi lại đọc cho con gái tôi nghe để sung sướng với niềm vui con trẻ: “Xúc sắc xúc xẻ, năm mới năm mẻ”.

Nhịp đi rộn rã. Tươi vui. Và đây cũng chính là ước vọng của mỗi nhà, mỗi người lúc xuân về Tết đến: “Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu/ Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp/ Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm/ Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ/ Vợ ông sinh đẻ, những con tốt lành…”.           

Thế hệ ba mẹ mình đến mình, rồi sau này con của mình cũng hướng về những điều tốt đẹp này.

Nhà thơ Lê Minh Quốc
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.