Trao đổi

Về chống ngập, thoát nước và xử lý nước thải nói chung, tại TP.HCM nói riêng

KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn - Thứ Hai, 05/08/2024 , 16:58 (GMT+7)

Thoát nước và chống ngập là hai bộ môn khoa học của hai ngành khác nhau. Phải đủ kiến thức của hai ngành này mới có thể giải quyết trọn vẹn bài toán chống ngập.

1. Về công trình chống ngập, thoát nước và xử lý nước thải nói chung

Thoát nước và xử lý nước thải là hai bộ môn được dạy ở trường Đại học Xây dựng. Các công trình thoát nước và xử lý nước thải là công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Khái niệm “chống ngập” và “công trình chống ngập” chưa từng được định nghĩa, nhưng có thể cho rằng chống ngập thuộc bộ môn thủy nông (tưới, tiêu) được dạy ở trường Đại học Thủy lợi. Các công trình chống ngập (tiêu thoát nước nông nghiệp) của bộ môn này nằm trong số công trình thủy lợi (gồm: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết trên sông, suối...); tràn xả lũ; cống lấy nước, cống tiêu nước, cống xả nước; kênh, đường ống dẫn nước; đường hầm thủy công; trạm bơm tưới - tiêu và công trình thủy lợi khác) hoặc công trình đê điều (gồm: đê sông; đê biển và các công trình trên đê, trong đê và dưới đê) theo quy định tại  Phụ lục I nói trên.

Sau khi có Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM (viết tắt là Quy hoạch 1547TTg), Chính phủ đã bổ sung các công trình đê, cống dưới đê ngăn triều thuộc nhóm công trình phụ trợ có mục đích chống ngập úng vào hệ thống thoát nước (giải thích từ ngữ tại khoản 10 Điều 2 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải).

Giải thích từ ngữ này dẫn tới vấn đề gây tranh cãi về mặt học thuật: Các công trình đê, cống dưới đê ngăn triều thuộc nhóm công trình phụ trợ có mục đích chống ngập úng (sau đây viết tắt là Công trình chống ngập) là công trình thủy lợi, đê điều hay là công trình thuộc hệ thống thoát nước đô thị?

Nếu chỉ căn cứ vào giải thích từ ngữ trên đây tại Nghị định của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải thì câu trả lời đơn giản là thuộc hệ thống thoát nước đô thị (bao gồm cả xử lý nước thải). Tuy nhiên, câu trả lời này dẫn tới mâu thuẫn là hệ thống thoát nước đô thị vốn được quy ước tính từ cửa ra bể tiêu của hệ thống thoát nước trở vào trong, nay lại bao gồm cả các Công trình chống ngập nằm ở phía ngoài xa cửa ra của hệ thống thoát nước.

Căn cứ vào nội dung báo cáo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trước Thường trực Chính phủ ngày 08/7/2015 về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng, điều chỉnh phân kỳ đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch 1547TTg thì các Công trình chống ngập vẫn thuộc công trình thủy lợi, đê điều:

Để khắc phục tình trạng ngập úng chúng ta có 3 đối tượng cần kiểm soát: Kiểm soát nước mưa; Kiểm soát nước lũ; Kiểm soát nước triều.

Để kiểm soát nước mưa chúng ta cần có một hệ thống tiêu thoát tốt, quản lý hệ thống tốt, ý thức bảo vệ công trình của cộng đồng cao. Song việc kiểm soát nước mưa không thể làm riêng rẽ, độc lập với việc kiểm soát lũ, kiểm soát triều, vì toàn bộ nước mưa trên vùng đô thị cuối cùng đều phải thoát xuống các bể tiêu là kênh rạch bao quanh (đang chịu ảnh hưởng của những biến động do triều). Một nguyên tắc cơ bản trong tiêu thoát phải tuân thủ nữa là thoát dưới trước - trên sau”.

Thực tế ở TP.HCM: Các công trình chống ngập vẫn được tính chi phí đầu tư theo định mức, đơn giá xây dựng nói chung (không tính theo định mức đơn giá xây dựng công trình thoát nước), do Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm thẩm định, trình phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế, dự toán…, nhưng quản lý đầu tư xây dựng chúng lại do cơ quan chống ngập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đảm nhiệm.

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm sau khi cải tạo đã giúp cải thiện môi trường rõ rệt. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

2. Nguyên tắc: “Thoát dưới trước - trên sau” chưa được tuân thủ

Chuyện gây tranh cãi này không chỉ là vấn đề học thuật, mà còn liên quan đến phân công trách nhiệm quản lý nhà nước: Các công trình thuộc bể tiêu, từ kênh rạch bao quanh hệ thống thoát nước đô thị trở ra (gồm các kênh tiêu có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển tải tiêu thoát nước cho hệ thống thoát nước đô thị, các công trình chống ngập) nên giao cho đơn vị nào thuộc cơ quan quản lý nhà nước nào quản lý đầu tư thì phù hợp, hiệu quả hơn?

Thực tế, trước đây thành phố giao cho Trung tâm Chống ngập thành phố (do Sở Giao thông Vận tải thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố quản lý), thời gian gần đây (từ cuối năm 2018 trở đi) giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (do Sở Xây dựng thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố quản lý). Cần phải nói rằng, trong suốt thời gian ấy cho tới nay, nguyên tắc cơ bản trong tiêu thoát nước: “thoát dưới trước - trên sau” đã không được tuân thủ: Kinh phí đầu tư cho đào mới, mở rộng, nạo vét các trục tiêu được giải ngân rất chậm, hầu như chỉ tập trung giải ngân cho thi công các công trình cống thoát nước. Hệ quả là kinh phí giải ngân nhiều, hệ thống ống cống thoát nước của thành phố ngày càng dài hơn, to hơn, rộng hơn nhưng hiệu quả thoát nước không cao vì nước ở bể tiêu không thoát đi được thì ống cống có to hơn đến mấy cũng không làm cho nước tiêu thoát được nhanh hơn. Nước bị nghẽn lại trong hệ thống ống cống của mạng lưới thoát nước nhưng chủ đầu tư ít quan tâm điều này.

 Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I (Dự án Giải quyết ngập do triều) có tác dụng ngăn triều, hạ thấp mực nước ở bể tiêu đã tạm dừng thi công từ ngày 15/11/2020, cho đến nay đã gần 4 năm rồi vẫn bế tắc, chưa có dấu hiệu khởi động trở lại, mặc cho người dân ta thán do bị ngập nước mỗi đợt triều cường và doanh nghiệp đầu tư ngày đêm lo lắng, bứt đầu bứt tai kêu khổ vì lỗ lãi.

Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình hình này như hiện nay thì tình trạng ngập nước ở thành phố không biết bao giờ mới kết thúc được!

3. Trong 3 đối tượng cần kiểm soát ngập, đối tượng nào là nguyên nhân chính?

Trong 3 đối tượng nước cần kiểm soát ở TP.HCM (nước mưa, nước lũ, nước triều), đối tượng nào là nguyên nhân chính cần quan tâm hơn cả?

a) Kiểm soát nước mưa

Mưa là yếu tố khó kiểm soát nhất (“Gió mưa là chuyện của trời”), là nguyên nhân chính gây ngập khi cường độ mưa lớn hơn cường độ trận mưa tính toán thiết kế. Tuy nhiên, nó lại không phải là nguyên nhân chính của tình trạng ngập úng ở TP.HCM hiện nay. Bởi mạng lưới thoát nước vốn được thiết kế làm việc tự chảy nhưng mực nước tại bể tiêu ở cửa ra của mạng lưới thoát nước lại cao hơn mực nước tiêu thiết kế của nó trong phần lớn thời gian nên thực tế nước chảy trong cống với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng thiết kế. Có thể kiểm tra, đối chiếu vận tốc thiết kế trong các tuyến cống đã đầu tư xây dựng để thấy rằng chúng đều nhỏ hơn vận tốc tối thiểu cho phép rất nhiều. Khi đó sẽ phải bố trí trạm bơm ở trước cửa ra để đưa mực nước ở hố bơm của trạm bơm xuống bằng hoặc thấp hơn mực nước tiêu thiết kế nhằm đảm bảo điều kiện làm việc tự chảy cho mạng lưới thoát nước. Thành phố đã có khoảng trên dưới 30 trạm bơm trạm như vậy nhưng vẫn luôn có khoảng trên dưới 20 điểm ngập khác xuất hiện thêm.

Khi điều kiện làm việc tự chảy được đảm bảo, lưu vực thoát nước của một mạng lưới thoát nước sẽ không bị ngập nếu gặp trận mưa nhỏ hơn trận mưa thiết kế, hoặc sẽ bị ngập nếu gặp trận mưa lớn hơn trận mưa thiết kế. Thời gian ngập lâu hay mau phụ thuộc vào chênh lệch về độ lớn giữa trận mưa xảy ra với trận mưa thiết kế. Nếu  điều kiện chảy tự do được đảm bảo mà thời gian ngập được cho là quá lâu (tức có hiện tượng quá tải) thì cần có biện pháp bổ sung: Hoặc là bằng biện pháp tăng cường diện tích mặt cắt ngang của cống thoát nước, hoặc bằng bơm. Sử dụng Hệ thống thoát nước bằng tổ hợp thoát nước song song bằng bơm có áp lực cao theo đề xuất của KS. Lê Văn Hào (https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17732/he-thong-thoat-nuoc-bang-to-hop-thoat-nuoc-song-song.aspx) đơn giản và hiệu quả hơn các trạm bơm tạm của thành phố vì chúng độc lập với tuyến cống hiện hữu, không phụ thuộc vào độ dốc địa hình, cũng không phụ thuộc vào mực nước ở bể tiêu, cần được thí điểm, nhân rộng.

Giải thích dài dòng như thế để thấy: Nguyên nhân chính (về mặt kỹ thuật) của tình trạng ngập úng do mưa ở TP.HCM hiện nay chủ yếu là do mực nước tiêu ở bể tiêu không đảm bảo điều kiện chảy tự do cho phần lớn mạng lưới thoát nước đô thị. Còn tại sao nó lại không được đảm bảo là do không tuân thủ nguyên tắc vàng: “Tiêu làm từ dưới lên” như đã nêu ở Mục 2 ở trên.

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé góp phần cải thiện đáng kể môi trường đô thị. Ảnh: Vnexpress.

b) Kiểm soát lũ

Ảnh hưởng của lũ đối với TP.HCM đang được hạn chế khá tốt: Theo báo cáo của Công ty Khai thác thủy lợi miền Nam, năm 2023 Công ty chỉ phải xả 4 đợt qua tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng với lưu lượng xả chỉ từ 36-200 m3/s. Có được kết quả này một phần do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới năm 2023 đối với khu vực Nam Bộ nói chung và lưu vực hồ Dầu Tiếng nói riêng là không lớn, một phần là do kết quả cố gắng vận hành giảm lũ cho hạ du của Công ty. Nhìn chung, khả năng kiểm soát lũ của hồ Dầu Tiếng hiện nay là rất khả quan và còn có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

c) Kiểm soát triều

Nguyên lý hoạt động của các công trình thuộc Quy hoạch 1547TTg chính là ngăn lũ, ngăn triều kết hợp hạ thấp mực nước ở bể tiêu, trong đó Dự án Giải quyết ngập do triều có nhiệm vụ ngăn triều chống ngập kết hợp hạ thấp mực nước ở bể tiêu. Chỉ cần thực hiện tốt các dự án giải quyết ngập do triều theo nguyên lý hoạt động của Quy hoạch 1547TTg là kiểm soát được ngập do triều cho vùng được bao đê. Làm xong tới đâu kiểm soát được tới đó, miễn là phải khép kín được vùng dự án. 

Tổng hợp lại, trọng tâm của công tác chống ngập, thoát nước ở TP.HCM trong thời gian tới phải là hoàn thành dứt điểm Dự án Giải quyết ngập do triều (sẽ chống được ngập cho vùng có diện tích 570 km2) và đầu tư mạnh vào các công trình nạo vét, mở rộng các trục tiêu nhằm hạ thấp mực nước ở bể tiêu, trong đó khâu then chốt cần đột phá là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thi công.

4. Về công tác xử lý nước thải

a) Những đổi mới trong tư duy quản lý về bảo vệ môi trường nước

TP.HCM dẫn đầu trên cả nước về công tác xử lý nước thải nhờ 03 dự án đầu tư bằng vốn vay ODA ở thành phố (dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án Cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm). Đặc điểm chung của 03 dự án này là đầu tư gắn thoát nước với xử lý nước thải và chỉnh trang đô thị dọc bờ sông, kênh rạch.

Từ kinh nghiệm của các dự án này và nhu cầu của cuộc sống mà Chính phủ có Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải năm 2003, Nghị định về thoát nước đô thị và khu công nghiệp năm 2007, đến năm 2014 đổi tên thành: Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải, trong đó quy định: “Nước mưa, nước thải được thu gom; nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định”. Đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 được nâng lên thành “Nghiêm cấm xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường” với mức độ đòi hỏi tuân thủ cao hơn hẳn. Đó là dấu mốc những chặng đường thay đổi trong tư duy quản lý về bảo vệ môi trường nước của Nhà nước trên cơ sở thực tế nguồn lực của đất nước ngày càng dồi dào hơn.

b) Những bài học kinh nghiệm

Mặt trái duy nhất của 03 dự án trên là quy mô, kinh phí đầu tư quá lớn, mặc dù được vay vốn ODA nhưng vẫn không đủ để đầu tư đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài:

Kênh Tàu Hủ sau nhiều nỗ lực thi công đã trở nên xanh - sạch - đẹp.

- Sau 13 năm thực hiện, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ là dự án duy nhất về cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị bàn giao giai đoạn II (https://www.htv.com.vn/dua-vao-khai-thac-va-phuc-vu-doi-song-nguoi-dan-du-an-kenh-tau-hu-ben-nghe);

Hình ảnh xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP Thủ Đức).

 - Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Đã xong phần cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ thống cống thoát nước và cống bao thu gom ở bên bờ hữu sông Sài Gòn từ năm 2012, đang thực hiện giai đoạn 2 (xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống thu gom bên bờ tả, chuyển nước thải từ bờ hữu sang bờ tả để đưa về nhà máy https://ilotusland.com/dau-tu-gan-6-000-ty-dong-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-nhieu-loc-thi-nghe/) nên từ 2012 đến nay nước thải thu gom được vẫn phải xả trực tiếp ra sông Sài Gòn;

Dòng nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm đen kịt lẫn rác thải, bốc mùi tanh hôi. Ảnh: Yến Nhi.

- Dự án Cải tạo, nâng cấp kênh Tân Hóa - Lò Gốm: “Sau hơn 8 năm kể từ ngày được nạo vét, chỉnh trang kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dài 6,8 km, chạy qua các Quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú) vẫn chưa hết ô nhiễm do chưa có nhà máy xử lý nước thải”, “Trái ngược với hình ảnh sạch sẽ khang trang trên bờ là dưới lòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi tanh hôi. Vào những ngày nắng nóng, dòng kênh này càng bốc mùi hôi nồng nặc” (https://laodong.vn/xa-hoi/chi-hon-5000-ti-dong-cai-tao-kenh-tan-hoa-lo-gom-van-chua-het-o-nhiem-1208871.ldo).

TP.HCM còn có dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sử dụng vốn trong nước cũng ở trong tình trạng tương tự: Thi công kéo dài nhiều năm, đã xây dựng xong đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải nhưng lại chưa có hệ thống cống bao thu gom đưa nước thải về cho nhà máy xử lý.

Có vẻ như đây là bài học kinh nghiệm về quy mô đầu tư, không đồng bộ trong đầu tư nhà máy xử lý nước thải và tuyến cống bao thu gom nước thải về nhà máy. Nói chung, cần lựa chọn quy mô lưu vực xử lý nước thải phù hợp hơn cho các khu vực thoát nước thải còn lại.

5. Về điều chỉnh các quy hoạch liên quan chống ngập, thoát nước và xử lý nước thải ở Thành phố Hô Chí Minh

a) Thành phố đang trong quá trình điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị TP.HCM, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM và điều chỉnh Quy hoạch 1547TTg.

- Theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, sẽ không thực hiện việc điều chỉnh đối với Quy hoạch 1547TTg mà tích hợp nó vào 2 quy hoạch còn lại. Quy mô vùng bao đê của các dự án giải quyết ngập do triều mới (nếu có) cần làm nhỏ hơn như Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã khuyến cáo (xem tài liệu: "Dự án Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập úng khu vực TP.HCM" do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam lập tháng 02/2013).

- Việc điều chỉnh các quy hoạch này phải tuân thủ 04 nguyên tắc quan trọng quy định tại Điều 4 Thông tư số 15/2021/TT-BXD  ngày 15/12/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung (được ban hành sau khí có Luật Bảo vệ môi trường 2020). Trong đó:

+ Nội dung khoản 1 liên quan lựa chọn quy mô khu vực thoát thải, trong đó cần lưu ý phân biệt khái niệm lưu vực thoát nước (mưa) với khu vực thoát nước thải: Lưu vực[1] là phần diện tích bề mặt đất trong tự nhiên mà mọi lượng nước mưa khi rơi xuống sẽ tập trung lại và thoát vào một lối thoát thông thường. Còn khu vực là miền đất có giới hạn nhất định và có một nhiệm vụ chính trị, kinh tế riêng, thí dụ: Khu vực hành chính (công an khu vực), phần đất dùng vào một việc nhất định và cách biệt hẳn vùng chung quanh. Vì vậy, nên viết: "Lưu vực thoát nước mưa" và "khu vực thoát nước thải", trong đó một khu vực thoát nước thải có thể bao gồm nhiều lưu vực thoát nước mưa.

+ Nội dung khoản 2 liên quan thực hiện quy định: “Nghiêm cấm xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường” trong xử ký nước thải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và khuyến khích sử dụng giải pháp thi công không đào hở cống thoát nước để giảm bớt cản trở giao thông trong quá trình thi công.

+ Nội dung khoản 3 liên quan việc Ủy ban nhân dân các cấp theo phân cấp quản lý có trách nhiệm lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhằm thực hiện chuyển đổi từ mạng lưới thoát nước chung hiện hữu thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng để thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.

+ Nội dung khoản 4 liên quan việc đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa. 

Cho đến nay chưa thấy Thành phố công bố kế hoạch, lộ trình chuyển đổi từ mạng lưới thoát nước chung hiện hữu thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng theo yêu cầu nêu tại khoản 3 Điều 4 nói trên.

b) Điều kiện thực hiện các nội dung nêu tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 4.

Việc chuyển đổi từ mạng lưới thoát nước chung hiện hữu thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng là điều kiện để đảm bảo 100% nước thải + nước mưa bị nhiễm bẩn (là nước mưa rơi xuống, chảy trên bề mặt đường phố, quảng trường, khu dân cư và xí nghiệp công nghiệp trong thời gian khoảng 15 - 20 phút đầu) được xử lý theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. 

Các giếng thu nước mưa hiện đang sử dụng không tách riêng được nước mưa bị nhiễm bẩn và nước mưa quy ước sạch (là nước mưa rơi xuống sau thời gian của nước mưa bị nhiễm bẩn). Việc thực hiện nội dung nêu tại khoản 3 Điều 4 nói trên đòi hỏi phải tách được nước mưa bị nhiễm bẩn từ giếng thu nước mưa, đưa vào mạng lưới thoát nước thải để vận chuyển về nhà máy xử lý, còn nước mưa quy ước sạch được đưa vào mạng lưới thoát nước mưa để xả ra môi trường (không phải qua xử lý). Có thể gọi: Giếng tách nước mưa bị nhiễm bẩn là giếng thu nước mưa có thiết bị tách nước mưa bị nhiễm bẩn ra khỏi nước mưa thu được.

Điều kiện để có thể thực hiện các nội dung nêu tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 là phải có giếng tách nước mưa bị nhiễm bẩn; và điều kiện để có giếng tách nước mưa bị nhiễm bẩn là phải có thiết bị tách nước mưa bị nhiễm bẩn.

Việc chế tạo thiết bị tách nước mưa như vậy bằng cách đơn giản, bằng vật liệu thông dụng, giá thành rẻ là điều có thể làm được, sẽ được thông tin sau (khi vấn đề này được đặt ra).

Sử dụng giếng tách nước mưa bị nhiễm bẩn còn có một ưu điểm nữa là do đã tách riêng được nước mưa bị nhiễm bẩn và nước mưa quy ước sạch nên không còn phải sử dụng cống tách dòng trên tuyến cống bao nữa (đây là một ưu điểm lớn vì kinh phí đầu tư xây dựng,

quản lý vận hành cống tách dòng khá tốn kém, công tác vận hành, bảo dưỡng khá phức tạp, nhất là về mặt an toàn lao động).

6. Kết luận

Tóm lại:

a) Thoát nước và chống ngập là hai bộ môn khoa học của hai ngành khác nhau: Phải có đủ kiến thức của hai ngành này mới có thể giải quyết trọn vẹn bài toán chống ngập, thoát nước cho các dô thị và khu dân cư tập trung. Trong đó, kiến thức thủy lợi được sử dụng để ngăn lũ, ngăn triều, hoặc ngăn cả hai và để đảm bảo điều kiện làm việc tự chảy cho mạng lưới thoát nước đô thị.

b) Công trình thoát nước được sử dụng để thu gom và vận chuyển nước mưa tại chỗ ra khỏi cửa tiêu và được thiết kế theo nguyên tắc tiêu tự chảy. Tùy theo thủy thế ở cửa ra mà có thể phải có máy bơm hoặc không có máy bơm. Công trình chống ngập được sử dụng để ngăn nước ngoại lai (lũ hoặc triều, hoặc cả hai). Tùy theo con triều và có mưa hay không có mưa, mưa lớn hay mưa nhỏ mà phải bơm hay không phải bơm, nhưng đã làm công trình chống ngập thì bao giờ cũng phải có máy bơm kèm theo để hạ thấp mực nước ở bể tiêu khi cần. Công trĩnh xử lý nước thải bắt buộc phải có cống bao và trạm bơm để đưa nước từ cống bao về nhà máy xử lý nước thải để xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra môi trường.

c) Về chống ngập, cần hoàn thành dứt điểm Dự án Giải quyết ngập do triều, quy hoạch bao đê theo mô hình bao đê của dự án này, nhưng với quy mô vừa phải, phù hợp, nhu cầu phát triển tới đâu làm tới đó. Về thoát nước, cần quán triệt phương châm: “Tiêu làm từ dưới lên”, đầu tư mạnh vào các công trình nạo vét, mở rộng các trục tiêu kết hợp chỉnh trang bờ kênh nhằm hạ thấp mực nước ở bể tiêu nhằm phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư, tạo đột phá trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án. Đối với các mạng lưới thoát nước bị quá tải nên chọn sử dụng Hệ thống thoát nước bằng tổ hợp thoát nước song song để xử lý. Về xử lý nước thải, nên quy hoạch nhà máy xử lý nước thải với quy mô vừa phải, đầu tư đồng bộ nhà máy và cống bao thu gom để hoàn thành dứt điểm, đảm bảo hiệu quả đầu tư, không chôn đọng vốn. Quan tâm thực hiện việc xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi từ mạng lưới thoát nước chung hiện hữu thành hệ thống thoát nước riêng hoặc nửa riêng (là việc cần thiết nhằm mục tiêu từng bước thực hiện quy định: “Nghiêm cấm xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường” tại Luật Bảo vệ môi trường 2020).

Về mặt kỹ thuật, ngập do mưa hay ngập do triều ở thành phố đều có thể giải quyết thỏa đáng, chỉ cần làm cho đúng cách chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả mong muốn. Vẫn còn nhiều điều khác có thể góp ý thêm, nhưng trước mắt nên làm trước những việc có thể tạo bước ngoặt chuyển biến như đã nêu.

KS. Thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn Hội Khoa học kỹ thuật Thủy lợi TP.HCM
Tin khác
Siêu bão Yagi và quản trị rủi ro thiên tai
Siêu bão Yagi và quản trị rủi ro thiên tai

Từ thảm họa siêu bão Yagi, chúng ta cũng có thể rút ra những bài học quý giá, không chỉ là về cách ứng phó với thiên tai mà còn…

Thay đổi cách thức trồng xoài để bảo vệ sức khỏe
Thay đổi cách thức trồng xoài để bảo vệ sức khỏe

Việc nông dân trồng xoài thay đổi nhận thức chuyển từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang các thuốc BVTV sinh học giúp an toàn cho người sản xuất và sử dụng nông sản.

Sử dụng máy bay không người lái chăm sóc lúa, tiết kiệm 30% chi phí
Sử dụng máy bay không người lái chăm sóc lúa, tiết kiệm 30% chi phí

Nông dân tại Đắk Nông sử dụng máy bay không người lái vào canh tác, chăm sóc lúa, giúp tiết kiệm chi phí lên đến hơn 30% mỗi vụ.

Năng suất tăng 4 tạ/ha nhờ sử dụng mạ khay, máy cấy, chế phẩm sinh học
Năng suất tăng 4 tạ/ha nhờ sử dụng mạ khay, máy cấy, chế phẩm sinh học

Hà Tĩnh Hậu tích tụ đất đai, người dân áp dụng mạ khay, máy cấy kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đưa năng suất tăng 4 tạ/ha.

Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian
Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian

Ký ức làng xưa bên dòng sông Lam được tác giả Hoa Mai tái hiện một cách sinh động qua tập tản văn giàu chất thơ, có tên gọi ‘Trên đôi cánh thời gian’.

Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi

Thiên tai khắc nghiệt đẩy hàng triệu số phận con người vào hoàn cảnh bi thương, được nhiều thế hệ nhà thơ Việt phản ánh trong các sáng tác thi ca.

'Dốc túi' học nghề, đưa mây tre đan ra thị trường thế giới
'Dốc túi' học nghề, đưa mây tre đan ra thị trường thế giới

Bằng nghị lực phi thường, cựu binh Tăng Tiến Huỳnh đã đưa sản phẩm mây tre đan đến với nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Quan chức Hungary tổ chức họp dưới lòng sông nhằm cảnh báo hạn hán
Quan chức Hungary tổ chức họp dưới lòng sông nhằm cảnh báo hạn hán

Một nhóm các nhà lập pháp Hungary và đại diện của các tổ chức phi chính phủ đã ngồi họp trên một bãi cát dưới lòng sông nhằm cảnh báo về tình trạng hạn hán.

Mở cửa tương lai nhờ lớp tư vấn và dạy nghề
Mở cửa tương lai nhờ lớp tư vấn và dạy nghề

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công bằng về cơ hội việc làm, Gia Lai luôn ưu tiên tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho đối tượng là lao động nông thôn.

10 sản phẩm xoài của nhóm trẻ 9X chinh phục tiêu chuẩn OCOP
10 sản phẩm xoài của nhóm trẻ 9X chinh phục tiêu chuẩn OCOP

Nhóm 3 thành viên 9X tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã khởi nghiệp từ sản vật quê hương, đó là quả xoài. Thay vì bán tươi, họ chế biến để gia tăng giá trị.

Cách phục hồi sinh trưởng cây chè sau khi bị ngập úng kéo dài
Cách phục hồi sinh trưởng cây chè sau khi bị ngập úng kéo dài

Khi nước vừa mới rút cây chè đang trong tình trạng yếu, cây chưa hồi phục tuyệt đối không được bón phân. Cắt tỉa các cành yếu, cành vượt, cành la để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng.

'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ
'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ

‘Tư duy ngược’ được xem như một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống hiện đại, nhưng sự đón nhận của độc giả trẻ cũng có nhiều góc độ khác nhau.

Sự kiện