| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi vùng dự án chống ngập

Thứ Hai 17/06/2024 , 06:58 (GMT+7)

Dự án chống ngập, ngăn sạt lở, bảo vệ gần 2.800ha nội ô TP Cần Thơ là hợp lý, phù hợp với thực tế, đa mục tiêu nhưng cần nghiên cứu mở rộng phạm vi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khảo sát thực tế về đề xuất Dự án Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khảo sát thực tế về đề xuất Dự án Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có chuyến khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về đề xuất Dự án “Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị”.

Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Văn Sử khái quát, dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Thời gian triển khai dự án trong giai đoạn 2024 - 2030, nguồn vốn được đề xuất từ ngân sách trung ương.

Cụ thể, mục tiêu dự án là chống ngập vùng nội ô thành phố gần 2.800ha. Bao gồm các hạng mục chính là: Xây dựng bờ kè với tổng chiều dài gần 9km dọc các sông, kênh; xây dựng 1 cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm, 11 cống kiểm soát, 8 cống hộp ngăn triều; nâng cấp các tuyến đường dọc bờ kè...

Xác định việc đầu tư dự án rất cần thiết và cấp bách, UBND TP Cần Thơ đánh giá dự án nhằm chống ngập vùng nội ô thành phố, phát triển đô thị bền vững; giảm tổn thương do ngập, sạt lở vùng trung tâm; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, dự án không chỉ phục vụ riêng cho thành phố, còn góp phần phát huy vai trò là trung tâm của vùng, đảm bảo kết nối giao thông.

Bên cạnh đó, dự án mang tính đa công năng, đa mục tiêu, ngoài chống ngập, sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu còn góp phần sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh rạch. Do đó, ông Hiếu bày tỏ việc đề xuất trung ương đầu tư dự án là rất cấp bách, trong khi đó ngân sách của thành phố khó khăn.

TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng các cống ngăn triều cường, kè trên các sông. Ảnh: Kim Anh.

TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng các cống ngăn triều cường, kè trên các sông. Ảnh: Kim Anh.

Do dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu bước đầu, lãnh đạo Cần Thơ xác định còn phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa để mang tính hiện thực cao. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo lắng nhất của thành phố vẫn là nguồn vốn đầu tư.

Dưới góc độ cơ quan nghiên cứu thủy lợi, ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đánh giá, để giảm ngập trên diện rộng cho TP Cần Thơ, kết hợp bổ sung nước cho vùng Kiên Giang và Hậu Giang mùa khô, cần đầu tư thêm các cống âu thuyền trên các tuyến kênh trục nối với sông Hậu. Đây là giải pháp đầu tư không hối tiếc.

Dẫn một khảo sát thực tế, ông Hùng cho biết, nếu xây dựng các cống kiểm soát triều dọc sông Hậu và sông Cần Thơ sẽ giúp giảm ngập vùng nội đô do triều và lũ. Tuy nhiên, để giải quyết hết ngập kể cả do mưa, thành phố cần hoàn thiện tuyến đê bao dọc theo sông Cần Thơ, hệ thống cống thoát nước, trạm bơm tiêu mưa…

Trước đề xuất của địa phương và trên cơ sở góp ý của các đơn vị chuyên môn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để trả lời đề xuất của TP Cần Thơ cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vấn đề ngập lụt ở TP Cần Thơ, Thứ trưởng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên chủ yếu vẫn do triều cường và mưa lớn.

UBND TP Cần Thơ đánh giá việc đề xuất xây dựng dự án chống ngập cho vùng nội ô, góp phần phát triển đô thị bền vững; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị. Ảnh: Kim Anh.

UBND TP Cần Thơ đánh giá việc đề xuất xây dựng dự án chống ngập cho vùng nội ô, góp phần phát triển đô thị bền vững; phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị. Ảnh: Kim Anh.

“Gần đây, triều cường tăng còn do nước biển dâng, sụt lún nhanh hơn kịch bản biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cao độ của vùng rất thấp, nguy cơ ngập rất cao nếu không có giải pháp”, Thứ trưởng Hiệp phân tích.

Do đó, với đề xuất đầu tư Dự án “Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị” của TP Cần Thơ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tế, phục vụ đa mục tiêu và quy định. Tuy nhiên, cần chi tiết, cụ thể hóa, điều chỉnh để có tính bền vững cao và tiết kiệm hơn, do phạm vi bảo vệ của dự án tương đối nhỏ.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng ủng hộ TP Cần Thơ thực hiện dự án và đề nghị địa phương tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vị vùng dự án. Kết hợp đưa vào các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, nhất là giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng Dự án phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Xây dựng kè các sông Cần Thơ, Cái Sơn, Mương Khai, âu thuyền Cái Khế, Hàng Bàng, các cống ngăn triều và trạm bơm…

Dự án giúp kiểm soát ngập cho trên 2.600ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2024. Tuy nhiên, diện tích kiểm soát ngập này chỉ đáp ứng gần 15% diện tích trung tâm Cần Thơ (hơn 17.700ha). Do đó, nội ô thành phố vẫn còn nhiều vị trí ngập rất sâu khi có triều cường và mưa lớn, ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt của người dân.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.