Nông sản xuất khẩu 2024

Vị thế gạo Việt ở thị trường Philippines đang bị cạnh tranh gay gắt

Thanh Sơn - Thứ Tư, 03/04/2024 , 11:06 (GMT+7)

Gạo Việt Nam vốn chiếm phần lớn lượng gạo nhập khẩu của Philippines, nhưng cần cách tiếp cận mới khi thị trường này đa dạng nguồn cung.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Philippines. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên Philippines phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia.

Hàng năm, tùy thuộc vào các điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt khoảng từ 19 đến 20 triệu tấn lúa, tương đương khoảng trên 12,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm khoảng trên 14,5 triệu tấn và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đủ cho 30 ngày là trên 1 triệu tấn. Tổng nhu cầu hàng năm của Philippines khoảng trên 15,5 triệu tấn gạo, vì vậy, hàng năm Philippines phải nhập từ trên 2,5 triệu đến 3,5 triệu tấn gạo.

Thậm chí, trong năm nay, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng gạo nhập khẩu của Philippines có thể ở mức 4 triệu tấn do sản lượng nội địa dự kiến giảm 325 nghìn tấn xuống còn 12,125 triệu tấn. Như vậy, Philippines tiếp tục sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay.

Việt Nam là nhà cung cấp gạo truyền thống và lớn nhất cho Philippines trong nhiều năm qua. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philipines, cho biết, trước đây, khi Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên chính phủ (G2G), thì Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, là hai đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi luật cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và hạn chế nhập khẩu gạo, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Năm 2022, gạo Việt Nam chiếm 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Trong năm 2023, lượng gạo Việt Nam nhập khẩu vào Philippines có giảm và thị phần cũng giảm, nhưng vẫn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.

Gạo Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Ảnh: Thanh Sơn.

Gạo Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Ảnh: Thanh Sơn.

Cũng trong nhiều năm qua, Philippines luôn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 3,13 triệu tấn, trị giá 1,75 tỷ USD, chiếm 38,6% tổng lượng và 37,5% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Tính chung các hàng hóa xuất khẩu sang Philippines, gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, vượt xa về kim ngạch so với các mặt hàng đứng sau như clanke và xi măng (đạt 358,3 triệu USD); các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (352 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (221 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (193,7 triệu USD); thủy sản (133,8 triệu USD); cà phê (152,8 triệu USD); hàng dệt may (125,9 triệu USD); sắt thép các loại (111,4 triệu USD); điện thoại các loại (153,2 triệu USD) ...

Tuy nhiên, những biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới, sự thay đổi chính sách của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, điển hình như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đang làm cho Chính phủ Philippines chú trọng hơn tới vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Trong đó có việc đang dạng hóa nguồn cung gạo.

Cụ thể, nhận ra sự phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung gạo từ Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ Philippines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông quan việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế.

Số liệu nhập khẩu gạo của Philippines trong những tháng đầu năm nay đã cho thấy rõ điều này. Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, theo thống kê của Cục Thực vật (Bộ Nông nghiệp Philippines), tính từ ngày 1/1 cho đến hết ngày 14/3/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines là 887 nghìn tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này trong quý I/2023.

Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp lớn nhất cho Philippines từ 1/1 đến 14/3/2024, với 494 nghìn tấn. Tuy nhiên, tỷ trọng của gạo Việt Nam đã giảm mạnh, xuống còn 55,7%.

Một cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Một cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Trong khi đó, gạo từ nhiều thị trường khác tăng mạnh về tỷ trọng. Gạo nhập khẩu từ Thái Lan là 231 nghìn tấn, chiếm 26%; gạo nhập khẩu từ Pakistan là 110 nghìn tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, Philippines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 49 nghìn tấn, từ Campuchia hơn 1,6 nghìn tấn, từ Nhật Bản hơn 1,8 nghìn tấn, từ Ấn Độ 236 tấn và từ Italy gần 7 tấn.

Việc gạo Việt Nam giảm mạnh về thị phần trong nhập khẩu gạo của Philippines có nguyên nhân do nguồn cung gạo thương phẩm của Việt Nam đầu năm nay không dồi dào vì trong năm ngoái đã xuất khẩu lượng gạo kỷ lục trên 8,1 triệu tấn. Tuy nhiên, Philippines cũng đang cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung của nước này.

Ông Phùng Văn Thành cho rằng, việc Philippines đạt được thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo đang làm cho gạo của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh hơn tại thị trường này.

Trước tình hình đó, để giữ vững vị thế số 1 tại thị trường Philippines, theo ông Phùng Văn Thành, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt, trước hết là hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.

Tại thị trường Philippines, gạo của Việt Nam được đánh giá là có những ưu điểm như phẩm cấp, chất lượng phù hợp, hợp thị hiếu và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp dân cư đông đảo có thu nhập trung bình và thấp; giá phải chăng nên có tính cạnh tranh; nguồn cung ổn định, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên trở, có niềm tin và mối quan hệ bạn hàng lâu năm.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines

Thanh Sơn
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha
Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu
Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu

Kinh tế thế giới dần phục hồi, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, và Việt Nam là điểm đến thu mua nông sản chiến lược.

Thủ phủ sake say men lá Chợ Đồn
Thủ phủ sake say men lá Chợ Đồn

Từ chai rượu được nấu theo phương pháp truyền thống, Hợp tác xã Thanh Tâm đã nâng tầm đưa sản phẩm này chinh phục thị trường Nhật Bản.

Mơ Bắc Kạn được người Nhật ưa chuộng
Mơ Bắc Kạn được người Nhật ưa chuộng

Những năm gần đây, cây mơ tại Bắc Kạn bất ngờ hồi sinh mạnh mẽ, nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ, sản phẩm chế biến xuất khẩu dễ dàng sang Nhật Bản.

Chuối Việt Nam vượt chuối Philippines ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam vượt chuối Philippines ở Trung Quốc

Trước đây, Philipines luôn là nước cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Nhưng đầu năm nay, chuối Việt Nam đã chiếm vị trí này.

Miến dong 5 sao vươn đến trời Âu
Miến dong 5 sao vươn đến trời Âu

Từ sản phẩm truyền thống, miến dong Bắc Kạn vươn mình trở thành mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, nhiều năm liên tục xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hơn 1,5 triệu USD nâng cao chất lượng 4 mặt hàng trái cây chủ lực
Hơn 1,5 triệu USD nâng cao chất lượng 4 mặt hàng trái cây chủ lực

Xoài, bưởi, sầu riêng và chanh leo tại 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang sẽ hưởng lợi từ Pha 2 Dự án GQSP, từ nay đến năm 2026.

Chủ tịch Bình Định 'kéo' doanh nghiệp, ngân hàng tiêu thụ ớt cho nông dân
Chủ tịch Bình Định 'kéo' doanh nghiệp, ngân hàng tiêu thụ ớt cho nông dân

Trước tình hình giá ớt bấp bênh khiến nông dân lâm cảnh ‘đánh bạc’ với cây ớt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra, chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt.

Giá cà phê tăng nhanh, tăng cao thách thức chuỗi cung ứng
Giá cà phê tăng nhanh, tăng cao thách thức chuỗi cung ứng

Giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngành cà phê cần hành động để giữ uy tín cho cà phê Việt Nam.

Mây, tre, cói, thảm lập 'kỷ lục 2 năm', hướng tới mục tiêu 'tỷ đô'
Mây, tre, cói, thảm lập 'kỷ lục 2 năm', hướng tới mục tiêu 'tỷ đô'

Trong tháng 3/2024, nhóm mặt hàng lập kỷ lục cao nhất trong 2 năm qua, đạt 85 triệu USD, tăng 79,9% so với tháng 2/2024 và tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Rau quả nhiều cơ hội lập kỷ lục xuất khẩu 6 tỷ USD
Rau quả nhiều cơ hội lập kỷ lục xuất khẩu 6 tỷ USD

Tăng trưởng mạnh trong quý I/2024, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sắp được mở cửa thị trường... là những tín hiệu giúp ngành hàng rau quả vững tin vào tốc độ tăng trưởng.