Xót tiếc thêm một 'cụ' sưa

Xuân Ba - Thứ Ba, 24/09/2024 , 17:07 (GMT+7)

Có người gọi là nàng nhưng tôi gọi là con mụ Yagi đành hanh quái ác đã hiệp sức với đấng siêu nhiên Tạo hóa gây cuộc hý trường bão bùng tàn phá Hà thành.

Thân cây sưa bị đổ gãy phải cưa bỏ sau bão số 3. Ảnh: Xuân Ba.

Bão Yagi gây thiệt hại người của. Nhỡn tiền là hàng ngàn cây cối có nhiều gộc cổ thụ gãy đổ.

Tôi như chôn chân trước vị trí trước Trụ sở Bộ Ngoại giao, phố Tôn Thất Đàm. Trên đầu là khoảng  không trống huơ trống hoác khổng lồ như tố cáo một sự bi thương. Khoảng không ấy từng um tùm sum xuê tàn cây của gộc cổ thụ - cây sưa trắng bị bão Yagi quật đổ đêm 7/9/2024. Gần như toàn bộ phần ngọn của cây sưa cổ thụ oặt xuống chớm tận cổng Đại sứ Quán Ba Lan đủ biết độ cao lực lưỡng của giống sưa ấy như nào!

* * *

Do công việc mà một thời tôi có nhiều lần lui tới cái cơ quan công quyền danh tiếng này.

Nguyên ủy thời Nguyễn, cái nền của Trụ sở Bộ Ngoại giao này là Trường luyện quân. Thời Pháp bình định xong Bắc kỳ, quanh vị trí này cũng chưa có sự xây cất chi nhiều ngoài Trường Con gái (sau này  là Trụ sở Đại sứ quán Liên Xô, nay là Trụ sở Bộ Tư pháp) được xây khang trang từ năm 1904. Năm 1928, chính quyền thuộc địa quyết định xây trên nền trường luyện quân ngày xưa Sở Tài chính. Kiến trúc sư thuộc địa Ernest Hébrard nổi danh được chỉ định là người thiết kế.

Con mắt sành sỏi của Toàn quyền Đông Dương khi ấy nghĩ ngay ra công trình Louis Finot Museum - Viễn đông Bác cổ - Bảo tàng Louis Finot được gọi Bảo tàng Lịch sử bây giờ (số 1 Phạm Ngũ Lão) khi đó vừa được khánh thành. Người thiết kế công trình nổi tiếng này không ai khác chính là Ernest Hébrard! Có thể nói công trình đó là phong cách kiến trúc Đông Dương được khởi xướng bởi kiến trúc sư Hébrard. Đến tận bây giờ hậu thế vẫn tấm tắc công trình Bảo tàng Lịch sử! Họ tôn vinh những sáng tạo của Hébrard trên cơ sở sao chép các chi tiết kiến trúc gỗ truyền thống Việt. Những mái đua hồi trên khối lối vào hình bát giác. Các cột, dầm và khối mái tất cả đều bằng bê tông cốt thép và đáp vôi vữa.  Tất cả những hình khối độc đáo được đặt ở vị trí ngoặt của đường bờ sông với phố cạnh Nhà hát Lớn nên công trình lại càng nổi.

Để cho khách quan với lại chừng như không tin lắm vào tay nghề của một kiến trúc sư tuy nổi danh nhưng có tính tài tử, ngộ nhỡ có chi sơ xuất lẫn thất thố khi tạo tác Sở Tài chính, người ta vời bốn kiến trúc sư khác vẽ kiểu công trình này. Vậy nên có đến 5 bản thiết kế với 5 kiểu vẽ khác nhau về Trụ sở Sở Tài chính. Nhưng cuối cùng đề án của Ernest Hébrard vẫn được chọn!

Năm 1930, Trụ sở Sở Tài chính được khánh thành. Đẹp lẫn độc đáo như giới kiến trúc thường bình là trong phiên bản chính thức của phong cách Đông Dương này, mái đua và các mái hồi cố gắng tái tạo một bố cục kiến trúc phương Tây trong khi hoàn toàn tách rời các nét đặc trưng truyền thống Việt Nam. Có phải vì lẽ ấy chăng, nên khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, con mắt tinh đời của ngạch hành chánh nào đó đã chọn ngay Sở Tài chính là Trụ sở của Bộ ngoại giao.

Uy nghi và nghiêm cẩn, đầu mối của nền ngoại giao Việt Nam tọa lạc từ bấy đến giờ. Tôi đăm đăm ngó vào ngạch cửa chính được đánh số 1 của Phố Tôn Thất Đàm này để cố mà mường tượng ra những nhân vật sáng giá của ngành ngoại giao những thuở những thời.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Chính phủ Lâm thời kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngày đó trở thành ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.

Hình ảnh cây sưa ở khuôn viên xế bên cửa Bộ Ngoại giao. Xưa & Nay. Ảnh: Xuân Ba.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phụ trách Bộ Ngoại giao đến ngày 2/3/1946. Khi thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, theo chính sách Liên hiệp của chính quyền mới, chức vụ này được giao cho ông Nguyễn Tường Tam, người của Đảng Việt Quốc. Nhưng nhậm chức được hơn 2 tháng, ngày 30/5/1946, Nguyễn Tường Tam đã trốn theo quân đội Tưởng Giới Thạch sang Trung Quốc, mang theo 2 triệu đồng biển thủ từ công quỹ của Bộ Ngoại giao.

Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao cho đến khi chuyển giao chức vụ này cho ông Hoàng Minh Giám vào tháng 3/1947. Sau ngày hòa bình lập lại, chức Bộ trưởng Ngoại giao lần lượt do các vị sau đảm nhiệm: Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm từ tháng 8/1954 đến tháng 2/1961, ông Ung Văn Khiêm (2/1961 - 4/1963), ông Xuân Thủy (4/1963 - 4/1965), ông Nguyễn Duy Trinh (4/1965 - 2/1980), ông Nguyễn Cơ Thạch (2/1980 - 8/1991), ông Nguyễn Mạnh Cầm (8/1991 - 1/2000) và ông Nguyễn Dy Niên (từ tháng 1/2000). Rồi những Phạm Gia Khiêm, Phạm Bình Minh, Bùi Thanh Sơn.

(Bà Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ tháng 6/1969 đến tháng 7/1976).

Trụ sở Bộ Ngoại giao trong những ngày đầu thành lập chính quyền nhân dân được đặt ngay trong Phủ Chủ tịch, sau đó chuyển đến số nhà 43 Lý Thái Tổ. Năm 1946, trụ sở Bộ Ngoại giao chuyển đến số nhà 23 phố Hàng Tre, sau đó cùng Chính phủ rời Thủ đô, về ngoại thành, gần Vân Đình - Hà Đông rồi rút lên An toàn khu tại bản Dõn, xã Minh Khai (nay là xã Minh Thanh) thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân, Bộ Ngoại giao đóng trụ sở lâu nhất tại đây, cho đến tháng 7/1954, chuyển sang Đại Từ (Thái Nguyên). Từ sau ngày tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954, trụ sở Bộ Ngoại giao đặt tại địa điểm là nhà số 1 Tôn Thất Đàm, thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội.

Lại thêm chút băn khoăn là không hiểu sao đến bây giờ người ta vẫn gọi tên người con trai Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm, được đặt tên cho nhiều đường phố trong đó có quận Ba Đình (Hà Nội) đều là Tôn Thất Đàm? Nhầm hay khi đặt tên đường, bộ phận nào đó của Hội đồng nhân dân đã tra tộc phả dòng Tôn Thất rồi chợt khám phá ra người con trai trưởng của Tôn Thất Thuyết từng tuẫn tiết thắt cổ chết theo Vua Hàm Nghi có cái tên khác là Tôn Thất Đàm?

Tôi cũng có chút may mắn được dự buổi Lễ khởi công xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao mới ở đường Lê Đức Thọ. Cũng có ý nghĩ chung với nhiều người rằng, bây giờ Trụ sở Bộ Ngoại giao chuyển đi, về đường Lê Đức Thọ, thì lại cũng về đó để ngành thụ hưởng linh khí của một nhà ngoại giao Việt Nam kiệt xuất từng từ chối Giải Nobel! Nước Nam mình phỏng có được bao nhân vật như thế?

Lại nữa, một con số (mà chắc cũng là tình cờ), ấy là số mét đất mà Chính phủ cấp để xây mới Trụ sở Bộ Ngoại giao lại trùng khít với số diện tích mà Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ tọa lạc - 7,1ha. Một vị quan khách trong câu chuyện vui diễn dịch cái ý này. Chừng như Chính phủ và con dân nước Việt muốn và mong ngành ngoại giao hãy cố gắng xứng đáng khi hòa nhập với cộng đồng quốc tế?

Hình ảnh cây sưa nở hoa cạnh trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: Xuân Ba.

Còn việc cải tạo như thế nào những phòng ốc nào trong hàng chục phòng kia của khu nhà 3 tầng lầu sẽ xây mới này, tôi làm sao mà biết? Nhưng chắc nhỡn tiền cái hình phát kèm với cái mục mà bao người  thi thoảng vẫn thấy ló trên truyền hình “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta ra thông báo... Những là rất lấy làm tiếc, chúng tôi cực lực, chúng tôi nhiệt liệt, chúng tôi kêu gọi” vv...và vv... sẽ phải thay bằng hình mới chi đó không phải là hình mặt tiền Trụ sở Bộ ngoại giao cũ, số 1 Tôn Thất Đàm này!

Ngày ấy nghĩ vội vậy thôi chứ chưa thấy cái sự thay mới ấy. Hình như việc của ngành Ngoại giao nước Việt bây giờ đương chạy đều ở cả hai nơi, hai địa điểm ở Lê Đức Thọ và Tôn Thất Đàm.

Sở Tài chính -  ngôi nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao đã được xếp hạng là Di tích lịch sử.

* * *

Xin trở lại với gộc thụ mộc là giống sưa quý vừa bị mụ Yagi quật đổ. Không rõ đây là giống sưa đỏ hay trắng? Có lẽ người ta đã quá quen với hình ảnh ra Giêng cứ xuân cả một vùng trắng xóa tinh khôi li ti sắc hoa sưa chợt bung, chợt giăng kéo có tới cả tháng. Cái giống hoa sưa từ ba gộc sưa sừng sững trong khuôn viên xế bên mặt tiền trụ sở Bộ Ngoại giao kia đấy. Lại lẩn thấn nghĩ thêm, khi làm thủ tục xếp hạng Di tích Lịch sử cho Trụ sở Bộ Ngoại giao không biết có ai nghĩ có ai tính đếm đến ba gộc sưa kia không? Bởi chợt nhớ phát biểu hơi lạ và có lý của cụ giáo sư Trần Quốc Vượng là những cổ thụ  bên Di tích cũng là một phần Di tích?

Nói gì thì nói cũng phải biết ơn cách nghĩ chỉn chu của những đầu óc thực dân khi trị nhậm xứ này. Từ cuối thế kỷ 19, họ đã phân bổ ở những địa điểm khác nhau khắp Hà Thành cho giồng những giống cây quý như muồng, sấu, đa, sưa, phượng… Cái vườn sưa hơn trăm cây ở Công viên Bách thảo có tuổi thọ đã hơn trăm năm được ví như một kho vàng lộ thiên. Tôi cũng đang nghĩ đến thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 211.470 cây bóng mát. Trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80 - 100 năm. Trận cuồng phong mà mụ Yagi vừa gây ra chắc phải hà lạm kha khá vào cái kho cây, quỹ cây của Hà thành?

Tôi không dám chắc ba gộc sưa cổ thụ trong khuôn viên xế bên của Bộ Ngoại giao kia có cùng tuổi đời hay sớm (hoặc muộn) so với ngôi nhà mà kiến trúc sư Ernest Hébrard từng xây cất? Dù gì những mắt lá lớp lớp bao năm ấy, những sồi mấu tuổi tác trên thân sưa cổ thụ ấy dứt khoát đã chứng kiến những đổi thay thời cuộc. Và cụ thể là bao sự kiện diễn ra trong cái khu nhà kia từng được mang danh Sở Tài chánh Đông Dương lẫn trụ sở Bộ Ngoại giao nước Việt.

Thấy dậy lên cảm giác sốt ruột và thon thót. Làm sao giữ cho được hai gộc sưa cổ thụ còn sống sót kia?

Xuân Ba
Tin khác
Những điểm lưu ý về Thông tin EUDR trong chuỗi giá trị cà phê
Những điểm lưu ý về Thông tin EUDR trong chuỗi giá trị cà phê

Theo yêu cầu về Thông tin EUDR, mỗi nhà rang xay/thu mua cà phê tại EU phải thu thập thông tin về chuỗi giá trị của mình, từ nông dân và lô đất ban đầu...

Khu vực tưới ngập - khô xen kẽ chuẩn quốc tế được ưu tiên thanh toán tín chỉ carbon
Khu vực tưới ngập - khô xen kẽ chuẩn quốc tế được ưu tiên thanh toán tín chỉ carbon

Ngân hàng Thế giới đang tích cực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tài chính carbon và thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao trong lĩnh vực lúa gạo.

Công nghệ chỉnh sửa gen: Một số kết quả nghiên cứu tại Viện Di truyền nông nghiệp
Công nghệ chỉnh sửa gen: Một số kết quả nghiên cứu tại Viện Di truyền nông nghiệp

Viện Di truyền nông nghiệp là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được giao thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen. Đến nay Viện đã hoàn thiện và làm chủ quy trình chỉnh sửa gen trên một số giống lúa chủ lực, giống đậu tương, giống sắn, giống ngô…

Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin
Nửa giờ cùng bác sĩ Alexandre Yersin

Alexandre Yersin là vị bác sĩ người Pháp đã gắn bó trọn đời với mảnh đất Nha Trang, có nhiều đóng góp nền tảng, quan trọng về y học, nông nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận với cuốn sách đầu tay 'Tôi & Meet More… more'

TP.HCM Cuốn sách kể về quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận - CEO cà phê nông sản Meet More xuất khẩu sang 12 quốc gia.

Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể vượt 3 tỷ USD
Xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể vượt 3 tỷ USD

Dự báo xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể vượt 3 tỷ USD, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt
Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt

'Tiếng Việt giàu đẹp' là bộ sách được nhiều giới yêu thích, lần đầu tiên có cuộc giao lưu giữa tác giả và độc giả, vào sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM.

Phía sau sự mất mát do bão lũ
Phía sau sự mất mát do bão lũ

Phía sau câu chuyện bão lũ là quá trình nhìn nhận lại các chính sách, ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp thời gian qua.

Giá cà phê Robusta cao hơn Arabia - điều chưa từng thấy
Giá cà phê Robusta cao hơn Arabia - điều chưa từng thấy

Lâu nay, giá cà phê Arabica luôn cao hơn nhiều so với cà phê Robusta. Nhưng năm nay, ở nhiều thời điểm, giá cà phê Robusta lại cao hơn Arabica.

Thụy Điển trồng rau để bán ngay trong siêu thị
Thụy Điển trồng rau để bán ngay trong siêu thị

Một công ty Thụy Điển đang xây dựng các trang trại thẳng đứng trồng rau xanh và trái cây bên trong các siêu thị như một giải pháp thân thiện với môi trường.

Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca
Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca

Chiến sĩ công an Trần Lê Anh Tuấn mang đến đời sống văn chương một giọng điệu thi ca tương đối riêng biệt, qua tập thơ đầu tay có tên gọi ‘Phố trọ’.