Một người vừa nằm xuống

Xuân Ba - Thứ Tư, 27/12/2023 , 17:07 (GMT+7)

Người vừa nằm xuống ấy, một bậc khá cao niên! Thiếu hai năm nữa là cụ hai năm mươi- chẵn trăm tuổi.

Cha con cụ Phạm Quang Lộc. 

… Năm 84 hay tám lăm, chả nhớ chính xác, tôi theo chị Bích Hậu, PV Ban Kinh tế Báo Tiền Phong đến làm việc với Tổng Cục Nông trường ở phố Lò Đúc.

Vị Tổng Cục phó Tổng cục nông trường này vốn là chỗ quen biết cũ với chị Bích Hậu. Những năm sáu, bảy mươi, PV Báo Tiền Phong Nguyễn Thị Bích Hậu và cánh nhà báo thi thoảng lại về đi thực tế lấy tài liệu viết bài ở miền Tây Nghệ An. Ở đó có các nông trường quốc doanh lớn của Trung ương đứng chân. Chị Hậu tươi tắn giới thiệu - Anh Lộc - Tổng Cục Phó đây từng là Phó Giám đốc. Sau là Giám đốc Nông trường Sông Con…

Thấy chàng PV đi theo chị Hậu nói giọng đặc Thanh Hóa, ông Cục phó cười hỏi tôi: “Chứ Thanh Hóa thì ở vùng mô?”

Khi tôi xưng, ông Cục phó có dáng cao mảnh cung cách xởi lởi, cười “Mình ở làng Hoành, sát làng cậu”.

Không khí buổi làm việc tự dưng như thân gần, ấm áp.

Thì ra ông Cục phó quê ở làng Hoành xã Định Tân. Lại kế với làng Duyên Hy của Định Hưng quê mẹ tôi. Nói sát (gần) gì đâu! Con sông Mã chia cắt làng tôi với làng Hoành. Ngày đàng gang nước. Mỗi bận qua đò Hoành để sang quê ngoại mất hàng buổi. Nhưng cái thằng xa quê thấy có người gần làng mình thì cứ vui cái đã!

Làng Hoành. Cái làng có những con đò ngang chở khách qua sông nên có tên là Hoành? Cái làng thèo đảnh ven sông Mã mùa nước cuồn cuộn. Có buổi đợi đò, nhỡ đó mất hàng buổi ấy, mẹ tôi bóp bụng chi cho thằng con háu đói đĩa bánh bèo (quê tôi gọi là bánh tráng bằng bột gạo chấm nước mắm hành mỡ, thứ đặc sản dân làng Hoành chế rất khéo. Thứ khéo nữa là đậu phụ chao nước nghệ vừa bùi vừa béo) Những thứ quà dân dã tạo nên khoản thu nhập ngoài công điểm HTX ấy có vẻ như khiến đời sông dân làng Hoành nhỉnh hơn các vùng xung quanh túng đói quanh năm?

Làng Hoành. Tiện dịp, tiện miệng, tôi đang nhắc đang ôn lại với ông Cục phó đồng hương cái giỗ chung của làng Hoành. Áp Tết Ngọ năm 1966, một đám ma làng Hoành lồ lộ ven sông Mã đã trở thành mục tiêu của bầy máy bay Mỹ. Ở làng Lon bên này sông, lũ chúng tôi chứng kiến những cú bổ nhào sát sạt quái ác của những chiếc phản lực cổ ngỗng thi nhau phóng tên lửa trút bom xuống đám ma và cái làng Hoành thanh bình. Hai chuyến đò ngang chìm úp vì bom. Hàng chục người làng Hoành, lớp chết lớp bị thương!

Chao ôi tôi đâu biết! Câu chuyện cùng kỷ niệm như vô tình như tiện miệng ấy đã khoét thêm nỗi đau của ông Cục phó. Mãi cuối buổi, chất giọng nằng nặng của ông mới hé cho chúng tôi hay, trận bom ấy ông đã mất đi hai cô con gái!

Nhưng vẫn còn may! Người con con trai lớn của ông hôm ấy đi học ở cấp 3 Vĩnh Lộc huyện bên về không may bị nhỡ chuyến đò trước đã thoát chết!

Thời gian sau này cũng có gặp ông ở vài cuộc họp nhưng chưa có cái cớ, cái dịp ngồi  lâu lâu…

Năm tháng vèo trôi. Lần ấy ghé cái quán nước cổng sau Bệnh viện Bạch Mai. Ông chủ quán ngó quen quen? Thôi đích thị là vị Cục phó ngày nào? Và ông cũng nhanh chóng nhận ra tôi… Chuyện quê kiểng. Những gần xa. Ông ới cả bà vợ đang ở gian phía trong ra nhiệt thành giới thiệu người trong quê này khác…

Ông Lộc đã về hưu. Tất nhiên. Hai ông bà bấn bíu lui cui với cái quán nước và mấy đồ tạp hóa lặt vặt nên cũng đỡ buồn có đồng ra đồng vào.  Nhưng ngạc nhiên được tường thêm gia cảnh là cái anh con giai cuả ông Lộc thoát chết chuyến đò ngang áp Tết năm Ngọ ấy nay đang đóng chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa!  

Lần Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyến đi Hoa Kỳ đầu tiên tháng 6/2005. Cánh báo chí tháp tùng chúng tôi được Tùy viên Báo chí của Sứ quán Việt Nam Bạch Ngọc Chiến tận tình giúp cho nhiều việc. Thời gian đợi Hội đàm của Thủ tướng và Tổng thống Hoa Kỳ G.Bush diễn ra khá lâu nhưng với tôi trở nên chóng vánh. Khoảng cách với vị tùy viên này trở nên gần gụi tuy mới biết nhau nhưng có lẽ chúng tôi cùng nhắc nhiều đến một người quen chung? Người đó là ông nội bên vợ, cụ Phạm Quang Lộc.

Anh Hồ Đăng Thành thu hoạch “cam ông Lộc” tại thôn 4 (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê). Ảnh: Hoàng Cư.

Xin biên ra đây một đoạn hồi ức như dạng lý lịch trích ngang của Bạch Ngọc Chiến. Người cháu rể cụ Lộc sau này từng là Phó Chủ tịch Nam Định.

“… Ông nội, ông ngoại tôi mất năm 1976 khi tôi mới 5 tuổi. Ông nội tôi mất năm 1978 khi tôi mới 7 tuổi. Trí nhớ của tôi về các cụ rất mờ nhạt. Qua lời kể của mọi người trong gia đình tôi được các ông rất yêu chiều vì là cháu ngoại đầu tiên của ông ngoại và cháu đích tôn của ông nội.

Tuổi thơ của tôi thiếu hẳn hình bóng của người ông. Cho đến khi “tìm hiểu” vợ tôi bây giờ, tôi được gặp ông. Sau một vài buổi đến nhà uống nước, hỏi chuyện ông bà, tôi được ông mời ăn cơm. Vào bữa, ông hỏi “anh uống được rượu không?” Tôi đáp: “cháu có ạ”. Sau một tuần rượu, ông lại hỏi: “anh uống được nữa không?” Tôi đáp: “cháu có ạ”. Và từ đó, tôi trở thành người “hầu rượu” và “hầu chuyện” ông hơn 20 năm.

Ông sinh năm 1926 ở làng Yên Hoành, huyện Yên Định, cạnh sông Mã. Là người hiếm hoi trong làng được đi học, nên khi trưởng thành, ông rất được người làng trọng vọng. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia lãnh đạo chính quyền xã khi mới vào tuổi 20. Rồi ông đi kháng chiến biền biệt. Trong những lần tranh thủ về thăm nhà, ông bà sinh ra bốn người con được đặt tên theo đợt đi công tác. Bố vợ tôi tên Nghị vì ông về dự một… hội nghị. Chú thứ hai tên Huấn vì ông về tham gia đợt… chỉnh huấn. Cô thứ ba có tên Nghệ vì lúc đó ông công tác ở… Nghệ An. Và cô út tên Hà vì khi đó ông công tác ở… Hà Tĩnh (hai người con gái này của cụ đã bị bom Mỹ sát hại năm 1966 - XB). Sau kháng chiến, ông được đi học tại Liên Xô và khi trở về ông làm việc ở Tổng cục Nông trường cho đến khi về hưu.

Ông là có tướng mạo uy nghiêm, tính tình cương trực và thậm chí nóng nảy trong cả cuộc sống và công việc. Ông nhiều lần thừa nhận là nếu điềm đạm hơn thì ông có thể đã lên chức Thứ trưởng. Nhưng sự cương trực và tính bôn-sê-vích của ông đem lại sự kính trọng của cấp dưới và sự thảnh thơi. Khi về hưu năm 1989, ông bà trông nom một quán tạp hoá nhỏ kết hợp trông xe đạp, xe máy ở vỉa hè của khu tập thể Phương Mai.

Ông có thể nóng nảy và quát tất cả mọi người, trừ một người - vợ ông. Ông biết ơn bà vì bà đã tần tảo phụng dưỡng bố mẹ chồng chu đáo, nuôi dạy các con khôn lớn và chịu đựng bao nhiêu thiệt thòi và đau thương. Ông kính trọng bà vì bà có những kiến giải sắc sảo về nhiều vấn đề của cuộc sống mặc dù bà không bao giờ đi học. Ông luôn tận dụng các dịp trọng thể để nói lời tôn vinh vợ mình. Lúc bà mất, ông khóc rất to và nói “bà ơi, cho tôi theo bà với!” Sáng sớm hôm nay 20/12/2023, ông đã đi gặp bà, hoàn thành một cuộc đời viên mãn.

Đối với người khác ông có thể nghiêm khắc, nóng nảy, nhưng đối với các cháu, ông hết lòng yêu thương và chiều chuộng. Và tôi may mắn được hưởng ké sự yêu thương đó suốt bao năm qua”

Ông Lộc, ông nội bên vợ của Bạch Ngọc Chiến tính nghiêm và nóng này như nào tôi không tường lắm. Nhưng qua những lần chuyện trò lại có một lần cùng về quê với ông chỉ thấy mình được thư thái ấm áp trong một cự ly gần. Ông đọc nhiều. Am hiểu chuyện làng, chuyện huyện. Và nhờ ông, tôi mới biết Bà thần thành hoàng làng Duyên Hy quê mẹ tôi là một người… Chăm. (tôi đã viết về việc này). Cũng như chuyện Vua Lý tại sao lại rước Thần trống đồng (Đồng Cổ) từ Yên Định ra Thăng Long…

Xin bạn đọc hết sức kềm chế chớ vội mắng cái tội khoe! Rằng cụ đọc nhiều tác giả, nhưng có lẽ cái thằng tôi cũng có một chút duyên chăng, mà suốt một thời gian dài khi mắt còn chưa kém, cụ chưa bao giờ bỏ một bài viết của… tôi! Cụ lại còn nhắn ông con giai Phạm Quang Nghị nhớ gửi cho cụ những tờ báo có bài viết của tôi!

Không dám thất thố với người già, thời gian đầu tôi còn trực tiếp đưa báo đến. Và cụ vui vẻ thân ái giữ lại chuyện trò. Nhưng rồi thấy ngại lẫn bất tiện khi cứ vô ra cửa nhà một quan chức? Và vài lần, tôi ngỏ với ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, rồi ông Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành Hà Nội rằng anh thưa lại với cụ cái ngại ấy… Mặc dù ông Nghị vui vẻ gạt đi nhưng tôi đã nhờ được anh giao thông cơ quan đưa những tờ báo đến trạm gác ngay trước cửa nhà ông Nghị!

Nhưng lần ấy tôi lại nóng lòng muốn được gặp cụ!

Cha con cụ Lộc.

Chuyện là thế này.

Khoảng cuối năm 2019, nhiều báo đưa tin, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tặng bằng khen cho ông Phạm Quang Lộc vì có thành tích chọn lọc và phát triển giống cam Sông Con. Nhờ báo, mọi người mới biết thêm, hóa ra tận những năm xa, vào ngày 29/8/1977, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nghiêm Xuân Yêm cũng đã công nhận sáng kiến “Tìm tòi chọn lọc, phát triển giống cam Sông Con” và khen thưởng ông Lộc.

… Những cung bậc cười khà khà cùng chất giọng trầm ấm cụ chủ nhân như đang giải tỏa lời trách của tôi  “chuyện này mà cụ kín tiếng thế?”

Đã kín tiếng. Lại kiệm lời.

Có chi mô anh

Chất giọng Xứ Thanh chỉ vắn tắt đại loại.

Hồi là Phó Giám đốc Nông trường Sông Con cụ để tâm chứng kiến vài cây cam lạ do chủ đồn điền người Pháp trồng còn sót lại trong khuôn viên Nông trường. Giống cam Địa Trung Hải này lạ. Chất lượng quả thơm ngọt. Ông mày mò lấy “mắt” từ cây cam đem lai ghép với gốc bưởi giống ở địa phương.

Sau khi lai ghép, cây cam phát triển rất tốt, khi chín vỏ vàng tươi, ruột mọng nước, vị ngọt thanh, thơm đậm đà rất đặc trưng, số lượng quả hơn hẳn nhiều giống cam khác. Ông đặt tên là cam Sông Con, rồi đăng ký chỉ dẫn địa lý với địa danh Vinh nên một số người vẫn gọi là cam Vinh.

Có lẽ vì thế nên ít người nhớ rồi dần dà đã bẵng đi “Giống cam ông Lộc”?

Thời gian trôi. Giống cam Sông Con - Cam Vinh trở nên nổi tiếng và được các Nông trường: Sông Con, Cờ Đỏ, Xuân Thành, Đông Hiếu, Tây Hiếu và người dân tỉnh Nghệ An trồng khắp nơi. Sau này, giống cam Vinh quý ấy cũng đã bén rễ xanh tốt và cho quả ngọt trên đất Tây Nguyên!

Có lẽ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và cú hích là những tấm lòng thơm thảo liên tài tôn trọng những đóng góp khoa học của lớp người đi trước của Bộ NN-PTNT, cái tên gọi “Giống cam ông Lộc” đã xuất hiện trở lại?

“Thật vui khi được Bộ NN-PTNT ghi nhận công sức đóng góp của tôi. Nhưng mừng hơn là giống cam do mình nghiên cứu, lai ghép thành công được người dân gọi bằng chính tên mình đã được nhân giống và phát triển rộng khắp đem cái mừng ấy cho nhiều nhà”

Về ngẫm lại lời của bậc cao lão, thấy như nhân thêm thông điệp của một nhà hiền triết nước ngoài.

Trồng một cái cây.

Đẻ một đứa con. Và viết một cuốn sách.

Xuân Ba
Tin khác
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.