'Vậy Xuân Thủy dịch đi…'

Xuân Ba - Thứ Sáu, 23/02/2024 , 14:44 (GMT+7)

Nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với thời gian dần phát lộ thêm những cái mới dường như để ứng, để xứng với cuộc đời hoạt động phong phú của Người.

Tôi may mắn được người bạn đồng môn TS Võ Văn Sạch, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm tài liệu Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước cho tiếp cận với một công trình nghiên cứu mới của Tiến sĩ có tên gọi “Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc”.

Một Võ Văn Sạch năm xa từng tất tả năm tao bảy tiết tham gia rinh kho tư liệu Châu bản Triều Nguyễn từ phía Nam ra Trung tâm lưu trữ. Không chỉ có việc cơ bắp hành chính mà ông bạn tiến sĩ ngành Hán Nôm này đã khổ công một thời gian dài những phân loại, sắp xếp, phân tích để thứ báu vật quốc gia này không những được yên ổn trong kho lẫm của nhà nước mà còn tìm nhiều kênh đến với giới nghiên cứu và bạn đọc!

Báo Cứu Quốc - Cơ quan Tuyên truyền cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trong những số báo “Cứu Quốc” trong phạm vi sưu tập, nghiên cứu của TS Võ Văn Sạch đã phát lộ có rất nhiều tư liệu mới quý hiếm. Mới bởi có nhiều tư liệu, bài báo đến thời điểm này vẫn chưa được công bố hay công bố chưa đầy đủ trong các công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nguyên tắc nguyên văn và toàn văn, công trình của tiến sĩ họ Võ này đã hướng tới việc góp phần xác lập một tư liệu khác trước và mới, góp phần việc nghiên cứu về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, nhiều giá trị thực lục của tài liệu không thể phủ nhận!

Chẳng hạn, trong số báo Cứu Quốc (số 128 ra ngày 28-12-1945) đăng bài Các nhà báo tới phỏng vấn Hồ Chủ Tịch về vấn đề cứu quốc. Nhưng trong Hồ Chí Minh toàn tập 2011 (Tập 4, tr.145-147) đăng lại bị thiếu một đoạn khá dài. Ngay Bản Tuyên Ngôn Độc Lập thiếu mất danh sách 15 người ký tên công bố Bản Tuyên ngôn, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh và 14 vị Bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Công hòa ở phía cuối văn bản. Rồi bản Quốc lệnh ngày 26-1-1946 được công bố trên Cứu Quốc (số 155 ngày 5-2-1946) có 2 người ban hành là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần. Nhưng bộ Hồ Chí Minh toàn tập 2011 ( tập 4, tr.189-190) đã bỏ sót tên Nguyễn Hải Thần?

Cái thuở ban đầu dân quốc ấy trên báo Cứu quốc có nhiều chi tiết, câu chuyện thú vị.

Chả hạn, sự kiện Hồ Chủ tịch đến chùa Quán Sứ dự bữa cơm chay với các thiện nam tín nữ (Báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17-10-1945). Sau bữa cơm chay, có việc bán đấu giá bức ảnh chân dung Chủ tịch.

Cụ đã vui vẻ luôn trong giờ bán đấu giá bức ảnh của Cụ. Hai bên Phật giáo, Công giáo tranh nhau nâng giá bức ảnh. Thoạt đầu, Cố vấn Vĩnh Thụy đặt giá 100 đồng. Anh Tiến, một tín đồ Phật tử và là nhân viên trong Ban tổ chức trả vượt lên 100 đồng nữa. Sau cùng ông Ngô Tử Hạ một người công giáo trả một vạn đồng. Anh Tiến trả vượt lên 100 đồng nữa. Nhưng sau anh Tiến đã nhường lại cho ông Ngô Tử Hạ bức ảnh với giá cuối cùng là một vạn một trăm bạc để kỷ niệm tinh thần đoàn kết giữa hai tôn giáo.

Phóng viên Báo Cứu Quốc tường thuật

Thư Hồ Chủ tịch gửi Đại hội Sinh viên (báo Cứu Quốc số 1028 ra ngày 1-9-1948). Trong thư ấy, Cụ dặn dò nhắn nhủ nhiều điều. Về mặt tinh thần thì phải giữ vững 3 câu châm ngôn:

1. Chí công vô tư

2. Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc (Lời ông Đổng Trọng Thư)

3. Yếu tố đại sự, bất tố đại quan (Lời ông Tôn Trung Sơn), Cốt là làm việc lớn chẳng màng quan to.

Đến đây, TS Võ Văn Sạch đã làm một việc hơi bị… bạo gan! Nghĩa là TS đã dẫn và chú lại đầy đủ nguyên văn cùng tên tác giả mà Cụ Hồ đã dẫn… lầm! Đó là câu “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Câu ấy được rút trong bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống!

Tiếp cận công trình nghiên cứu của Võ Văn Sạch cùng những số báo Cứu Quốc, tôi bất ngờ ngạc nhiên và thú vị bởi được tường thêm hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng!

 Ấy là bài báo Hồ Chủ tịch đi thuyền thăm mặt trận (Báo Cứu Quốc, Chi nhánh Liên Khu IV, số 3, ra ngày 19-5-1949).

(Bất ngờ bởi có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bài Nguyên tiêu ra đời Rằm tháng Giêng năm 1948?).

Xin trích ra đây một đoạn trong bài báo. 

… Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm Mặt trận X. gần sông Y.  (sau này công khai rồi, mọi người mới biết đó là sông Phó Đáy. Phó Đáy là một chi lưu bên tả ngạn sông Lô, có thượng lưu và trung lưu chảy trên địa bàn vùng núi và trung du phía Bắc, còn hạ lưu chảy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc- XB) chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau thuyền là thuyền của Ban chỉ huy, vài nhà báo và Đội vệ binh.

Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với ban chỉ huy và dặn đi dặn lại, cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh đã chạy sang hàng ngũ ta. Đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công, v.v. Rồi Cụ quay sang nhủ chúng tôi “các nhà báo phải hiểu quân sự. Cái gì bí mật thì đừng đăng. Các chú hay phạm phải điều ấy lắm”.

Bản dịch Nguyên tiêu của Văn Lư.

Gần khuya, trăng lạnh sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nghĩa của bài thơ là:

Đêm nay rằm tháng giêng trăng vừa tròn

Cảnh sông xuân nước xuân tiếp liền với trời xuân

Giữa nơi khói sóng mù mịt

Nửa đêm về thuyền đầy ánh trăng.

Cụ đọc xong, ông Xuân Thủy nói: “Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”.

Cụ bảo: “Trong câu thứ hai có chữ xuân thủy… Vậy Xuân Thủy dịch đi”.

Ông Xuân Thủy trầm ngâm trong giây lát rồi cất giọng:

Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Mọi người đều vỗ tay khen dịch mau.

(Cũng cần nói thêm, qua ông bạn Nguyễn Ngọc Báu, nguyên phóng viên thông xã Ba Lan PAP và sau  này là PV Báo Tiền Phong, cháu gọi nhà thơ Xuân Thủy bằng bác ruột, người hiện còn giữ nhiều tài liệu bút tích về nhà ngoại giao kiêm thi sĩ Xuân Thủy. Anh Ngọc Báu đã đưa tôi thêm hai bản dịch sau này của Xuân Thủy về bài Nguyên tiêu. Xin được dẫn ra đây:

Rằm xuân vằng vặc trăng soi

Xuân sông, xuân nước, xuân trời đẹp thay

Việc quân bàn giữa sương dày

Khuya về bát ngát thuyền đầy ánh trăng.

Bản dịch nữa.

Rằm tháng giêng trăng tròn vành vạnh

Liền sông xuân, nước xuân trời xuân

Nơi khói sóng luận bàn quân sự

Khuya thuyền về ăm ắp trăng ngân.

Ít lâu sau, bản dịch đầu cùng hai bản dịch nói trên đã được đưa vào Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn Học 2000.

Nguyên tiêu, các thủ bút của Xuân Ba.

Như mọi người biết, Xuân Thủy còn dịch nói đúng hơn là chuyển ngữ nhiều bài thơ của Bác như Tin thắng trận (Báo tiệp), Đêm thu (Thu dạ), Tặng Bùi Công, Vô đề, Thất cửu… khá đạt và lọn nghĩa. Mọi người hẳn nhớ bài Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi) của Bác. Sau này có nhiều người dịch. Có vị mới ngó đầu đề bài thơ đã vội vàng suy diễn ngớ ngẩn thất cửu là chín lần chín - nghĩa đen là rất chín chắn (!?), mà không biết được Bác đã dùng lại cái cách gọi, kiểu biểu đạt tuổi của người xưa.

Đó là cách dùng số nhân để chỉ tuổi.

Như cụm từ chỉ tuổi người con gái độ mười sáu trăng tròn, người ta dùng hồng trang nhị bát (2x8). Trong bài Long thành cầm giả ca Nguyễn Du cũng dùng cách nói này đối với người đẹp kiêm ca sĩ,  nhạc công thành Thăng Long Dư ức thiếu niên tằng nhất kiến/Giám hồ hồ biên dạ khai yến/ Kỳ thời tam thất (3x7) chính phương niên (Hồi trẻ ta từng gặp em một lần bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến, em thuở ấy trẻ trung tuổi chừng 21).

Cách dùng số nhân để chỉ tuổi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm tiêu đề cho bài thơ Thất cửu (7 x 9 = 63) của mình (Sáu mươi ba tuổi). Và cũng chỉ Xuân Thủy mới nắm bắt được thông điệp của Bác qua ngữ nghĩa cô đọng hàm súc bằng cách chuyển ngữ tài tình. Có thể nói đến thời điểm này chưa có bản dịch nào vượt qua được bản dịch của ông quan cỡ trên cả thượng thư kiêm thi sĩ Xuân Thủy?

Chưa năm mươi đã kêu già

Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai

Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng ngày dài thung dung.

Và với Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng xuất thần trên con thuyền năm ấy trên sông Phó Đáy vẫn là một bản dịch được coi là trọn vẹn và thần thái!

Tác giả, nhà văn - nhà báo Xuân Ba.

Bản dịch Nguyên tiêu của Xuân Thủy đăng trên Báo Cứu Quốc thời điểm đó đã lần lượt được công bố hơn nửa thế kỷ nay. Đáng chú ý, Nguyên tiêu trong các bản dịch sau, trong câu đầu Xuân Thủy đã thay cụm từ trăng đẹp bằng lồng lộng. Và từ cuối chữ tươi bằng chữ soi. Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi thành rằm xuân lồng lộng trăng soi.

Bây giờ, vẫn chưa rõ việc thay từ như thế được thực hiện trong thời gian nào? Hậu thế bây giờ vẫn dùng, vẫn dẫn một cách bền bỉ hào sảng lẫn tự tin, “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”.

Đã hơn 70 xuân qua đi, mỗi lần thưởng lãm ánh trăng Nguyên tiêu hình như thêm những sắc thái mới?

Xuân Ba
Tin khác
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.