Xử lý tốt phụ phẩm lúa gạo, ĐBSCL sẽ tiết kiệm được 1,4 triệu tấn phân bón

Lê Hoàng Vũ – Hồ Thảo - Thứ Tư, 03/07/2024 , 06:15 (GMT+7)

Rơm rạ, trấu cứ nghĩ là những thứ bỏ đi và gây biết bao phiền phức nhưng qua tái tạo giờ đây đã trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị cao.

Phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tận dụng rơm rạ giúp ĐBSCL tiết kiệm khoảng 1,4 triệu tấn phân NPK

Các loại phụ phẩm nông nghiệp tái tạo không chỉ tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, ở ĐBSCL, với diện tích canh tác mỗi năm trên 4 triệu ha lúa, nếu xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ, nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 triệu tấn phân NPK.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, khi thu hoạch 1ha lúa, nếu xử lý rơm rạ để làm phân hữu cơ sẽ trả lại cho đất giá trị dinh dưỡng tương đương 100kg phân đạm, 50kg phân lân và 200kg phân kali. Thế nhưng từ lâu, phần lớn phụ phẩm này được nhà nông đốt bỏ hoặc thải ra môi trường, vừa gây ảnh hưởng tới môi trường vừa khiến đất bạc màu.

Mặc dù ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng hiện không ít nông dân vẫn còn đốt rơm rạ trên đồng (đốt đồng), gây nhiều hệ lụy.

Đang đốt đồng hơn 1ha ruộng lúa của gia đình nằm cặp tuyến tỉnh lộ 922 để chuẩn bị làm đất gieo sạ lại vụ hè thu, ông Trần Minh Trí ở xã Định Môn (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi và nhiều bà con ở cánh đồng này từ lâu đã có thói quen đốt đồng để tiêu diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại còn trú ngụ trong rơm rạ. Ngoài ra, việc đốt đồng theo tôi nghĩ còn tạo ra một lượng phân tro từ rơm rạ để làm phân bón cho cây lúa ở vụ kế tiếp”.

Mặc dù ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng hiện không ít nông dân ĐBSCL vẫn còn đốt rơm rạ trên đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ khuyến cáo, vào đầu mùa khô, khi chuẩn bị đất cho vụ lúa hè thu, nhà nông cần cày ải, kết hợp vùi rơm rạ vào đất. Đây là cách làm hiệu quả, vừa ít tốn kém vừa tăng độ dày tầng canh tác, trả lại độ màu mỡ cho đất. Trong mùa mưa bão, nhà nông cũng có thể đưa rơm rạ ra khỏi đồng để xử lý làm phân hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng, vừa giúp giảm chi phí, vừa hạn chế gây biến đổi khí hậu.

“Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại của việc đốt đồng, qua đó đã giúp nhiều nông dân thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang sử dụng cơ giới hóa để thu gom rơm rạ trước khi xuống giống vụ lúa tiếp theo. Đặc biệt thời gian tới đây, TP Cần Thơ thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL. Theo đó, ngành nông nghiệp Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế thấp nhất việc nông dân đốt đồng, nhất là ở vụ đông xuân và hè thu”, bà Hiếu cho biết.

Những năm gần đây, việc đưa máy cuộn rơm vào hoạt động không chỉ giúp tăng thu nhập cho người trồng lúa từ 600 - 700 ngàn đồng/ha nhờ bán rơm mà còn góp phần phát triển nhiều ngành nghề ở nông thôn. Nhờ nguồn nguyên liệu rơm ổn định, hiện nghề trồng nấm rơm phát triển khá mạnh ở ĐBSCL. Đây là cách làm hiệu quả, không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình mà nguồn rơm mục sau khi trồng nấm cũng trở thành nguyên liệu để xử lý làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Hiện nay, có nhiều công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao từ rơm rạ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) cho biết: Công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm giúp đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản. Lợi thế khác biệt của công nghệ này là kết hợp giữa cơ khí (hay vật lý) và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm và chất lượng hữu cơ.

Ngoài việc tạo giá trị từ rơm rạ, việc dùng rơm ủ phân hữu cơ cũng góp phần giảm khí phát thải khí nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch lúa. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm rạ tại đồng là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Tập huấn nông dân sử dụng phụ phẩm lúa gạo

Sản xuất lúa gạo không chỉ tác động đến môi trường do sử dụng tài nguyên đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc hóa học mà các sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ trấu nếu không được thu gom sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Tại Đồng Tháp, thời gian qua nông dân đã được tuyên truyền, tập huấn sử dụng sản phẩm phụ từ sản xuất lúa gạo như thu gom rơm để chất nấm rơm. Bên cạnh đó còn tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, còn vỏ trấu dùng sản xuất trấu viên để xuất khẩu...

Nhiều HTX ở Đồng Tháp hiện cũng tổ chức tập huấn cho các xã viên sử dụng sản phẩm phụ từ sản xuất lúa gạo, chủ yếu là thu gom rơm trồng nấm. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, tạo việc làm trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường, tránh gây ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa tiếp theo. 

Nhờ nguồn nguyên liệu rơm ổn định, hiện nghề trồng nấm rơm phát triển khá mạnh ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Vũ Hiến, kiểm soát viên HTX nông nghiệp Phước Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: HTX có 2.600ha lúa, trong đó 1.800ha canh tác lúa 3 vụ/năm. Hiện HTX đang đầu tư xây dựng các công trình, thiết bị phục vụ sản xuất lúa đồng bộ như: Đường dẫn nước bằng bê tông, cống ngăn đê lộ, trạm bơm điện, đường giao thông nội đồng dài 10km…

Ngoài ra, các xã viên của HTX còn được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” giúp giảm chi phí ở các khâu giống, phân và thuốc BVTV khoảng 30% so với canh tác truyền thống.

Nhiều năm qua, nông dân trong HTX rất phấn khởi và tự tin hơn nhờ hệ thống tưới tiêu khá tốt, lúa trồng trong đê bao nên nông dân rất yên tâm, không sợ mưa lũ gây ngập úng. Bên cạnh đó, HTX còn khuyến khích nông dân tận dụng rơm rạ, thay vì bán hoặc đốt bỏ thì thu gom về trồng nấm rơm để tăng thu nhập. Khi trồng nấm rơm xong, bà con tận dụng rơm mục và sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ hoai thành phân hữu cơ bón cho rau màu và cây ăn trái của gia đình.

Tại Việt Nam, lúa là cây trồng chính, lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cứ 1 tấn lúa được làm ra thì có 1 tấn rơm rạ trên đồng ruộng. Khối lượng rơm rạ lớn mà không được sử dụng hết là nỗi lo về các bãi chứa, đe dọa ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sản xuất lúa vụ tiếp theo nếu không được xử lý đúng cách.

Lê Hoàng Vũ – Hồ Thảo
Tin khác
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc
Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc

STP Group là doanh nghiệp đầu tiên ở phía Bắc nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi trồng rong sụn tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo

Cây chanh leo rất dễ trồng, có thể sống được trên đất sỏi đá hoặc đất cát và đang định hướng phát triển vùng nguyên liệu quy mô 5.000ha tại Sơn La.

Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ
Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ

Dù là thú chơi, thế nhưng, có những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị hàng chục tỷ đồng và có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu.

Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật
Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật

Lê Đức Nam, nghệ nhân nổi tiếng trong làng cây cảnh Việt Nam viết sách chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tạo tác cây cảnh nghệ thuật cho những người yêu cây.

Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe

Nhiều nông dân trồng lúa đã từ bỏ thói quen đốt đồng sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện sức khỏe.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững

Muốn thích ứng một cách nhanh chóng, bền vững với những quy định mới như CBAM, EUDR…, chủ rừng buộc phải chuẩn hóa ngay từ khâu giống và trồng cây xuống đất.

Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn
Dịch vụ khí hậu số trong nông nghiệp: Đã xóa được 'ngờ', cần mô hình bền vững hơn

Dù chứng tỏ được lợi ích trong dự báo thời tiết, sâu bệnh... các dịch vụ số trong nông nghiệp vẫn cần thời gian để bền vững hơn, nhất là trước những thách thức mới.