| Hotline: 0983.970.780

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Không lo lắng việc đem rơm ra khỏi đồng ruộng

Thứ Bảy 01/06/2024 , 12:06 (GMT+7)

ĐBSCL Doanh nghiệp có khuynh hướng sử dụng rơm làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp, giải quyết vấn đề đem rơm ra khỏi đồng ruộng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện đã có doanh nghiệp sử dụng rơm làm nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện đã có doanh nghiệp sử dụng rơm làm nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Ngày 31/5, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị góp ý hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo nội dung đề án, thành viên hợp tác xã (HTX) khi tham gia phải cam kết không đốt rơm hoặc vùi rơm trong ruộng ngập nước mà không có giải pháp hạn chế phát thải khí nhà kính. Đồng thời, xã viên phải thu rơm ra khỏi đồng ruộng theo Quyết định 145/QĐ-TT-CLT của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc nông dân đem rơm ra khỏi đồng ruộng hiện nay rất khó thực hiện.

Trước ý kiến này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, việc đem rơm ra khỏi đồng ruộng là một phần trong quy trình canh tác, đã được đề cập trong đề án. Cách làm này nhằm tái sử dụng rơm với mục đích khác và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo ông Tùng, hiện có nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học cho biết có thể phân hủy rơm bằng việc rải nấm Trichoderma hoặc các chế phẩm, nhưng chưa ai cung cấp được báo cáo chứng minh kết quả. Do đó, để giảm phát thải khí nhà kính, phải đưa rơm ra khỏi đồng ruộng. Vấn đề này, nhiều địa phương cho rằng khó, nhưng phải thực hiện.

Để phục vụ đề án, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Cục Trồng trọt đã phối hợp điều tra thực tế 10.000 hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL. Kết quả cho thấy, trong vụ đông xuân, tỷ lệ người dân có khả năng di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng chiếm 58%, vụ hè thu là 32% và vụ thu đông là 25%.

Từ kết quả trên, ông Tùng nhận định, trong 3 vụ sản xuất lúa, đều diễn ra việc nông dân đưa rơm ra khỏi đồng ruộng ở tất các địa phương. Do rơm có rất nhiều tiềm năng trong tương lai nên việc đưa rơm ra khỏi đồng sẽ ngày càng tăng.

Từ vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Đừng lo về vấn đề rơm không được đem ra khỏi đồng ruộng”. Theo Thứ trưởng, hiện nay, rơm ở ĐBSCL chỉ dừng lại ở việc làm nấm và phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có khuynh hướng sử dụng rơm làm nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp.

“Đã có doanh nghiệp nước ngoài định làm nhà máy ở Hà Tĩnh để luyện thép từ rơm, khi nghe đến đề án, họ đã đổi lại phương án, quay vào Bình Dương làm. Bởi ĐBSCL không có đủ đất công nghiệp để doanh nghiệp này làm với quy mô 200ha”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Việc đem rơm ra khỏi đồng ruộng là một phần trong quy trình canh tác lúa giảm phát thải, đã được đề cập trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Việc đem rơm ra khỏi đồng ruộng là một phần trong quy trình canh tác lúa giảm phát thải, đã được đề cập trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho hay, doanh nghiệp trên có nhu cầu khoảng 1 triệu tấn rơm/năm để phục vụ luyện thép. Để đảm bảo cung cấp rơm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, ngành nông nghiệp các địa phương phải tính toán, để cung ứng liên tiếp giúp nhà đầu tư có thể vận hành được.

Theo dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí lựa chọn, tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các tổ chức, đơn vị bên ngoài, khi tham gia đề án sẽ được hưởng lợi theo quy định của pháp luật, đồng thời được hỗ trợ các cơ chế, chính sách có liên quan.

Về trách nhiệm, phải tuân thủ quyết định 1490 của Chính phủ, quy trình canh tác bền vững và kế hoạch MRV (công cụ để đánh giá hoạt động giảm phát thải khí nhà kính) do Bộ NN-PTNT ban hành, thực hiện liên kết chuỗi giá trị có trách nhiệm.

Mô hình tận dụng rơm để làm phân bón hữu cơ tại HTX New Green Farm, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình tận dụng rơm để làm phân bón hữu cơ tại HTX New Green Farm, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Đối với các tổ chức quốc tế, tham gia đề án sẽ được hưởng lợi từ các quy định về giảm phát thải, kinh tế xanh của Việt Nam. Ngược lại, cũng có nghĩa vụ hỗ trợ nguồn lực cũng như các vấn đề có liên quan khác vào đề án.

Để sớm đưa dự thảo vào triển khai, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Cục Trồng trọt sớm sửa dự thảo theo góp ý của ngành nông nghiệp các địa phương. Đến ngày 7/6, Bộ NN-PTNT tiếp tục ghi nhận góp ý từ doanh nghiệp, tiến tới ban hành chính thức.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.