| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau thủy canh tuần hoàn tiết kiệm nước, giá bán cao

Thứ Ba 30/07/2024 , 09:40 (GMT+7)

Mô hình trồng rau thủy canh tuần hoàn trong nhà màng đang được nhiều trang trại áp dụng ở Lâm Đồng nhờ tiết kiệm nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nhân thu hoạch rau trong nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn của Công ty Phong Thúy. Ảnh: Sơn Trang.

Công nhân thu hoạch rau trong nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn của Công ty Phong Thúy. Ảnh: Sơn Trang.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản Phong Thúy là một doanh nghiệp sản xuất rau quy mô lớn ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Công ty hiện có trên 100 ha sản xuất rau, trong đó có 30 ha sản xuất công nghệ cao trong nhà màng. Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường hơn 12 nghìn tấn rau, củ chất lượng cao. 

Trong 30 ha sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Phong Thúy, có 10 ha đang sản xuất rau thủy canh tuần hoàn. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Giám đốc Công ty Phong Thúy, chia sẻ, đây là quy trình được chuyển giao bởi Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam.

Nhờ sản xuất rau thủy canh tuần hoàn, Phong Thúy đã tiết kiệm được đáng kể lượng nước tưới. Cụ thể, với rau trồng trên đất, mỗi ngày, lượng nước tưới cho 1.000 m2 là 5-6 m3. Nhưng cũng với diện tích như vậy, trồng rau thủy canh tuần hoàn, mỗi ngày chỉ phải bổ sung thêm khoảng 2-3 m3 để bù đắp lượng nước hao hụt đi do cây hấp thụ và bay hơi.

Ngoài tiết kiệm nước tưới với mô hình sản xuất rau thủy canh tuần hoàn, Công ty Phong Thúy còn áp dụng một giải pháp khác là xây dựng bể trữ nước có thể tích lớn ngay trong trang trại để thu hồi nước mưa từ mái các nhà màng trồng rau. Nước mưa rơi xuống mái nhà màng được dẫn theo đường ống về bể chứa và được sử dụng để sản xuất rau thủy canh.

Ông Thắng cho biết, nước mưa có độ pH không cao và cũng không quá thấp. Trồng rau thủy canh cần nguồn nước sạch. Nước mưa chỉ cần xử lý một chút là có thể đưa vào trang trại thủy canh. Do đó, có thể nói nước mưa là nguồn nước trời ban cho để làm rau thủy canh.

Không những thế, việc đào hồ trữ nước mưa còn giúp cho các trang trại trồng rau trong nhà màng của Phong Thúy không làm tràn nước mưa ra bên ngoài, gây ngập lụt xung quanh.

Một nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn. Ảnh: Sơn Trang.

Một nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn. Ảnh: Sơn Trang.

Ngoài trang trại Phong Thúy, nhiều trang trại khác ở Đức Trọng cũng đang sản xuất rau thủy canh tuần hoàn và tiết kiệm được một lượng nước khá lớn. Ông Lê Công Thôn, nông dân ở tổ 34, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng rau hàng chục năm. Quá trình sản xuất rau thủy canh tuần hoàn, ông Thôn nhận thấy, mô hình này tiết kiệm được 1/3 lượng nước sử dụng so với trồng rau trên đất.

Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cho biết, hiện có trên 300 ha trồng rau thủy canh tuần hoàn ở Lâm Đồng.

Quá trình áp dụng của nông dân cho thấy, đây là mô hình sản xuất tiết kiệm nước, giúp các trang trại tiết kiệm khoảng 40% lượng nước so với sản xuất rau trên đất. Bên cạnh đó, toàn bộ nước mưa rơi trên mái nhà màng được nhiều trang trại dùng các giải pháp thu gom và sử dụng trong sản xuất rau.

Ngoài tiết kiệm nước, sản xuất rau thủy canh tuần hoàn còn giúp nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao khi rút ngắn thời gian sản xuất của mỗi chu kỳ từ 20 ngày đến một tháng, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 10% so với mức 30% của sản xuất thông thường. Rau thủy canh được trồng trong nhà màng, ngăn chặn rất tốt sâu bệnh xâm nhập nên hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên thường có giá bán cao hơn nhiều so với rau thông thường … Chẳng hạn, vào giữa tháng 7, giá xà lách trên đất là 15.000 đồng/kg, nhưng xà lách thủy canh của Công ty Phong Thúy được bán với giá 35.000 đồng/kg.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.