| Hotline: 0983.970.780

Tưới tiết kiệm, lợi đủ đường

Thứ Tư 03/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn, nông dân giảm từ 20 - 25% công lao động, 20 - 25% lượng nước tưới và 10% lượng phân bón so với cách tưới truyền thống, năng suất tăng từ 10 - 15%.

Lợi đủ bề

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bình Định đã ban hành đề án tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn. Theo đó, đến năm 2025, Bình Định phấn đấu sẽ có khoảng 6.000ha cây trồng cạn trên địa bàn được áp dụng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm theo hướng tự động hóa; trong đó, tưới cho cây hằng năm là hơn 5.150ha và cây lâu năm gần 813ha. Định hướng đến năm 2030, diện tích cây trồng cạn trên địa bàn Bình Định áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm là hơn 10.500ha; trong đó có hơn 7.700ha cây hàng năm và gần 2.789ha cây lâu năm.

Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh này đã đầu tư, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng theo hướng tự động hóa. Đây là hướng phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh nắng nóng ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Phương pháp tưới tự động không chỉ tiết kiệm được lượng nước tưới, giảm nhân công; mà lượng nước tiết kiệm đủ để đảm bảo cung cấp cho cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng.

Tham quan mô hình tưới tiết kiệm bằng hệ thống Mini-pan trong vườn xoài của ông Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tham quan mô hình tưới tiết kiệm bằng hệ thống Mini-pan trong vườn xoài của ông Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có gần 4.720ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Trong đó, có hơn 4.470ha cây hằng năm và gần 249 ha cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn quả.

“Những diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm cho năng suất cao hơn từ 10 - 15%/ha/năm so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Trong khi đó, chi phí công lao động để phục vụ tưới và chăm sóc giảm khoảng 20 - 25%; lượng nước tiết kiệm được so với tưới theo kiểu truyền thống từ 20 - 25% và giảm 10% lượng phân bón. Việc giảm chi phí sản xuất đồng nghĩa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Đề án tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa cho cây trồng cạn nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp. Để thực hiện Đề án này, Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, các HTX Nông nghiệp và doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ưu đãi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Ngọc (bìa trái) ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) chia sẻ về lợi ích của hệ thống tưới tiết kiệm Mini-pan trong vườn xoài của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc (bìa trái) ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) chia sẻ về lợi ích của hệ thống tưới tiết kiệm Mini-pan trong vườn xoài của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Hiệu quả trông thấy

Với hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng béc phun xoay và được điều khiển từ xa, 12ha cây trồng gồm 7.000 trụ tiêu, 1.000 cây bưởi da xanh, 30 cây sầu riêng, 1.000 cây dừa ta, 200 gốc dâu xanh và nhiều cây cam, quýt của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) luôn xanh mướt cả trong những mùa nắng nóng.

Theo ông Cấp, trước đây, để tưới cho hàng ngàn cây trồng kể trên, ông phải thuê 5 lao động và chia thành nhiều ngày để thay phiên tưới. Năm 2016, sau khi ông Cấp chuyển phương pháp canh tác 1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu theo hướng hữu cơ, trang trại của ông Cấp được UBND huyện Hoài Ân đầu tư con đường bê tông nối tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn đến trang trại, 1 trạm điện và hệ thống tưới.

Riêng hệ thống tưới ông Cấp được UBND huyện Hoài Ân hỗ trợ đường ống chính, ống nhánh, còn đường ống kéo đến từng cây trồng thì nhà vườn tự đầu tư mua thiết bị về lắp đặt. Ngoài ra, trang trại của ông Cấp còn được hỗ trợ 2 bồn inox chứa nước, mỗi bồn chứa được 10.000 lít nước. Nước được dẫn đi bằng đường ống và tưới cho từng cây trồng bằng béc phun xoay.

Nước từ bồn chứa trong trang trại cây ăn quả của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) được đưa đến từng gốc cây. Ảnh: V.Đ.T.

Nước từ bồn chứa trong trang trại cây ăn quả của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) được đưa đến từng gốc cây. Ảnh: V.Đ.T.

“Để thuận lợi cho việc tưới, tôi lắp đặt hệ thống đóng, mở tự động ở từng khu, phù hợp với từng loại cây trồng. Khi cần tưới, tôi chỉ cần bật cầu dao điện thì hệ thống béc phun sẽ đồng loạt mở, tưới quanh gốc, rất tiện lợi và không bị lãng phí nước tưới trong bối cảnh nắng nóng đang diễn ra gay gắt như hiện nay”, ông Cấp chia sẻ.

Nhận thấy lợi ích của việc tưới tiết kiệm, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh mới đây, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân kiến nghị tỉnh Bình Định quan tâm hỗ trợ hệ thống nước tưới tự động, tiết kiệm phục vụ diện tích trồng cây ăn quả chủ lực của huyện tại một số địa phương như Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tín…

Vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 4ha của ông Nguyễn Ngọc ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) hiện cũng đang thực hiện phương pháp tưới tiết kiệm bằng hệ thống Mini-pan.

Theo ông Ngọc, trước đây, để tưới nước cho diện tích 4ha xoài, ông Ngọc phải mất đến 4 - 5 ngày và thuê thêm khoảng 5 nhân công kéo dây đi khắp để tưới. Từ khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm bằng hệ thống Mini-pan, ông Ngọc chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ là tưới xong 1.100 gốc xoài mà không mất thêm bất kỳ chi phí nhân công nào. Đó là chưa kể, khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, lượng nước và phân bón thấm dần vào đất, tập trung tại gốc cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, chất lượng theo đó cũng tăng lên.

Phương pháp tưới nhỏ giọt áp dụng Mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới giúp cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28%. Ảnh: V.Đ.T.

Phương pháp tưới nhỏ giọt áp dụng Mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới giúp cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28%. Ảnh: V.Đ.T.

Hoặc như ông Đào Thanh Thung ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), người tham gia trồng rau an toàn tại làng rau Thuận Nghĩa cách đây mấy năm đã xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm trên 450m2 diện tích trồng khổ qua. Ông Thung đầu tư khoảng 2 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống tưới, ống dẫn trên các luống rau; thay vì phủ bạt ni lông nay chuyển sang phủ rơm rạ trên luống.

Phương pháp quản lý bền vững nước tưới trên cây xoài là thực hiện tưới “4 đúng”: Tưới đúng chỗ, đúng thời điểm cây trồng cần nước, đúng lượng nước cây trồng cần và tưới đúng phương pháp.“Hiệu quả hiển hiện của hệ thống tưới nhỏ giọt là tưới đúng liều lượng, đáp ứng nhu cầu nước của cây trồng”, ông Thung khẳng định. 

Áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt theo Mini-pan và bón phân qua hệ thống tưới, cây xoài cho năng suất tăng từ 21 - 28%, giảm từ 25 - 30 công lao động/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 29 - 37% so với phương pháp truyền thống và giảm được lượng nước tưới đến 50% so với phương pháp tưới tràn như trước đây”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.