Trồng sâm Báo giá tiền triệu/kg
Thứ Tư 06/09/2023 , 09:05 (GMT+7)Không chỉ mang lại thu nhập cao cho bà con, cây sâm Báo còn tô thêm cảnh sắc nên thơ cho bản làng vùng cao, hút khách du lịch.
Tại các bản Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa), mô hình trồng cây dược liệu không chỉ mang lại giá trị kinh tế đối với các hộ gia đình trong khu vực mà còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tại địa phương cũng như toàn tỉnh Thanh Hóa.
Sâm Báo là cây dược liệu mới được đưa vào trồng tại đây. Mô hình này hứa hẹn mang lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp, y dược. Tại 3 bản Son - Bá - Mười, hơn 1ha cây sâm Báo được triển khai trồng thử nghiệm, do 4 hộ gia đình chăm sóc, tập trung chủ yếu ở bản Son.
Cây dược liệu này cho thấy khá phù hợp với khí hậu nơi đây. Vùng miền núi này chia thành hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 10.
Sâm Báo còn có tên gọi khác là sâm Bố Chính hay sâm Thổ Hào, nhân sâm Phú Yên... Tên khoa học của sâm Báo là Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. Còn có các tên khoa học khác là Hibiscus sagittifolius Kurz, Hibiscus abelmoschus L. Cây này thuộc họ Bông (Malvaceae).
Mô hình trồng cây sâm Báo tại các bản Son - Bá - Mười hướng đến mục tiêu tạo ra nhiều giá trị. Ở khía cạnh kinh tế và y học, cây dược liệu này có giá trị kinh tế cao do có nhiều công dụng trong y học và thực phẩm chức năng.
Củ sâm Báo tươi khi thu hoạch hiện được doanh nghiệp thu mua với mức giá dao động từ 800.000 đến 1.200.000 đồng/kg.
Ông Lò Văn Chiến - Phó Chủ tịch Ủy ban xã Lũng Cao (phụ trách nông lâm nghiệp) cho biết: Hiện xã đang chuyển dịch sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất sâm Báo nói riêng theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận hữu cơ, kết hợp với du lịch, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn.
Theo y học, hoa, lá và hạt của cây sâm Báo được sử dụng với mục đích điều trị và hỗ trợ sức khỏe như trị ho và sốt, hỗ trợ phổi yếu, điều trị mất ngủ, kém ăn, suy nhược cơ thể…
Hoa của sâm Báo được người dân thu hoạch phơi khô và pha nước uống giúp bồ bổ, nâng cao sức khỏe.
Với mô hình trồng cây dược liệu, bản Son - Bá - Mười đã có sự chuyển biến tích cực trong cách tiếp cận với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế. Sự khéo léo trong việc kết hợp các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa phương đã tạo ra bức tranh mới, không chỉ thay đổi cảnh quan, phục vụ phát triển du lịch mà còn tạo điều kiện nâng cao thu nhập và sự phát triển bền vững cho bà con.
tin liên quan
Cần Thơ phấn đấu có 48.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp
TP Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2025 xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 38.000ha và đến năm 2030 đạt 48.000ha.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái khu vực Đông Nam Á
Chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái là hướng đi then chốt nhằm thúc đẩy phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, đảm bảo lợi ích kinh tế và chất lượng cuộc sống.
Tiền Giang dành nhiều chính sách sản xuất, quản lý giống cây trồng
TIỀN GIANG Song song với quản lý sản xuất, kinh doanh các cơ sở giống cây trồng, ngành NN-PTNT Tiền Giang sẽ kiến nghị tỉnh ban hành chính sách cho công tác nghiên cứu, phục tráng giống.
Nho Hạ Đen len lỏi tận miền núi xứ Thanh
Với sự nhạy bén và ham học hỏi, sau thời gian ngắn khởi nghiệp, vườn nho Hạ Đen của Hà Việt Huy bắt đầu cho thu nhập.
Sâm Báo - báu vật xứ Thanh
THANH HÓA Sâm Báo được ví như báu vật xứ Thanh bởi giá trị dinh dưỡng ngang sâm Hàn Quốc, giá trị kinh tế luôn cao ngất ngưởng, trên dưới 2 tỷ đồng/ha/năm.
Bồi bổ 'sức khỏe' đất, năng suất mía đạt tới 120 tấn/ha
GIA LAI Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) không ngừng bồi bổ cho đất để nâng cao năng suất mía trong vùng nguyên liệu.