| Hotline: 0983.970.780

Sâm bố chính bén duyên vùng đất cằn

Thứ Năm 15/07/2021 , 15:22 (GMT+7)

Sau 5 tháng trồng thử nghiệm, cây sâm bố chính thích nghi tốt trên vùng đất cằn ở Quảng Ngãi, hứa hẹn, hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng keo.

Anh Khánh bước đầu thành công trong việc đem cây sâm bố chính về trồng thử nghiệm ở Quảng Ngãi. Ảnh: N.Đ.

Anh Khánh bước đầu thành công trong việc đem cây sâm bố chính về trồng thử nghiệm ở Quảng Ngãi. Ảnh: N.Đ.

Trong một lần đi công tác tại Đồng Tháp, anh Nguyễn Minh Khánh (40 tuổi, trú thôn Trung Vĩnh, xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vô tình biết đến loại sâm bố chính. Chứng kiến giống cây này được người dân địa phương trồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh Khánh bắt đầu cảm thấy hứng thú.

Được 1 người bạn cho hạt giống, anh Khánh liền mang về thử trồng gần khu nhà xưởng ở TP. Hồ Chí Minh, nơi anh đang làm việc. Sau một thời gian, nhận thấy sâm bố chính rất dễ chăm sóc, anh đã nhanh chóng nảy sinh ý tưởng đưa giống về quê nhà trồng thử nghiệm.

Địa điểm được anh Khánh lựa chọn để ươm những mầm giống đầu tiên là vùng đất Núi Răm (xã Tịnh Hòa). Những ngày đầu tiên, chàng trai này gặp không ít sự phản đối của gia đình. Bởi, thổ nhưỡng ở Núi Răm vô cùng cằn cỗi, chỉ toàn sỏi đá. Xưa nay, ngoài cây keo thì hầu như không canh tác được 1 loại cây nào khác.

Những cảnh báo đó cũng không phải là không có cơ sở khi suốt 1 thời gian dài, anh Khánh không thể tìm được nguồn nước tưới. Với quyết tâm không chấp nhận thất bại từ khi mới bắt đầu, qua 3 lần thuê người khoan giếng, anh đã tìm được nguồn nước cách địa điểm dự định trồng hơn 500m.

Sâm bố chính giúp người dân ở Quảng Ngãi cải thiện thu nhập. Ảnh: L.K.

Sâm bố chính giúp người dân ở Quảng Ngãi cải thiện thu nhập. Ảnh: L.K.

“Có được cơ sở ban đầu, vợ chồng tôi liền mạnh dạn thuê xe để đào đá, san lấp mặt bằng diện tích 5.000m2 để trồng sâm. Đồng thời, ngay cạnh đó tôi cũng đào thêm 1 bể nước chưa với dung tích 200m2 rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Vì bắt đầu thực hiện từ lúc chưa có gì nên chi phí đầu tư tương đối cao. Tính ra, chúng tôi đã bỏ ra đến gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi cũng rất vui vì công sức, tiền bạc bỏ ra bây giờ có thể nói là đã có những đền đáp khi toàn bộ vườn sâm đều phát triển rất tốt”, anh Khánh chia sẻ.

Cũng theo anh Khánh, sâm bố chính thực ra cũng không phải là loại cây khó chăm sóc. Tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng; làm cỏ sau bón thúc phân chuồng đã ủ hoai ở giai đoạn cây sắp đẻ nhánh; thường xuyên thăm vườn nhằm phát hiện các loại sâu ăn lá và côn trùng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

“Đây là loại cây có giá trị kinh tế rất cao. Với giá bán thị trường hiện nay dao động từ 50 – 80 ngàn đồng/ kg củ Sâm. Mỗi m2 như thế có thể cho sản lượng từ 1 - 2kg củ. Qua 1 năm nếu thuận lợi thì mỗi sào (500m2) sẽ mang lại nguồn thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng." Anh Khánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, năm đầu trồng sâm chi phí cao nhưng những năm sau đó chỉ mất tiền giống, phân bón, tầm 5 triệu đồng/sào nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, hơn gấp 5 - 7 lần so với cây keo mà người dân địa phương đang trồng. Anh Khánh dự định, sau khi mô hình này thành công sẽ hỗ trợ bà con trong vùng cùng thực hiện để nâng cao thu nhập.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.