| Hotline: 0983.970.780

Truy xuất nguồn gốc thuỷ sản XK vào châu Âu: Ngư dân vẫn ngơ ngác

Thứ Sáu 11/12/2009 , 14:30 (GMT+7)

Từ ngày 1/1/2010, các lô hàng thủy sản Việt Nam khi vào EU phải có thông tin về truy xuất nguồn gốc. Còn gần 3 tuần nữa IUU có hiệu lực mà ngư dân đánh bắt cũng như DN chế biến vẫn ngơ ngác.

Từ ngày 1/1/2010, các lô hàng thủy sản Việt Nam khi vào EU phải có thông tin về truy xuất nguồn gốc (gọi tắt là IUU). Còn gần 3 tuần nữa IUU có hiệu lực mà ngư dân đánh bắt cũng như DN chế biến ở Quảng Ngãi vẫn ngơ ngác.

Quảng Ngãi với bờ biển dài 130km, có 6 cửa biển lớn nhỏ (Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa huỳnh) nên khá thuận lợi cho tàu thuyền khai thác hải sản. Vùng biển đặc quyền kinh tế của tỉnh rộng khoảng 48.150 km2, ngư trường đánh bắt khoảng 11.000 km2, có nhiều loại hải sản phong phú, khả năng khai thác khoảng 27.000 tấn/năm.

Tính đến hết tháng 10/2009 tổng số tàu thuyềntoàn tỉnh là 5.622 chiếc, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt xấp xỉ 90.000 tấn. Không những thế lượng tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ ngày càng tăng nên ngư dân Quảng Ngãi tham gia khai thác thủy sản trên khắp các ngư trường cả nước.

Về IUU, ông Phan Huy Hoàng- PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi mới nhận được quy định này. Đây là một “rào cản” kỹ thuật mà chúng ta phải vượt qua, nếu không có nguy cơ mất thị trường". Theo ông Hoàng, đương nhiên thực hiện IUU, không chỉ Quảng Ngãi gặp khó khăn mà các tỉnh thành khác đều vướng. Bởi lẽ ngư dân khai thác từng tàu riêng lẻ, còn manh mún với phương thức hoạt động nay đây mai đó, vùng đánh bắt đa dạng, không ổn định nên việc quản lý không dễ. Ngư dân thường trình độ học vấn ít, ngay việc ghi bảng biểu nhật ký đi biển cũng chưa xong.

Ông Trương Đức Trí- PGĐ Cty TNHH Chế biến thuỷ sản XNK Đại Dương Xanh nói: “Cũng mới nghe nói IUU nhưng đã là quy định thì phải thực hiện thôi. Cũng không khó lắm bởi lâu nay DN đã thực hiện quy định sản phẩm XK phải truy rõ nguồn gốc”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Dung- GĐ DNTN Bình Dung cho biết, trước đây DN có xuất cá đi một số nước nhưng do thủ tục rườm rà nên gần đây không XK trực tiếp mà bán thẳng cho các DN ở TPHCM. Các Cty này họ tự lo “thủ tục”.

Anh Dương Văn Rin ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là đầu nậu hàng thuỷ sản thì khẳng định rõng rạc: "Tôi chưa nghe, chưa biết. Tôi thu mua hàng thuỷ sản của gần 30 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản ở Quảng Ngãi bán lại cho các DN khắp trên cả nước mà đâu thấy ai yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ gì đâu”. 

Ông Huỳnh Minh Tỵ, chủ tàu QNg -5367 TS ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) cho biết: “Mấy tháng nay thời tiết diễn biến thất thường và đang tu sửa tàu nên không ra khơi. Vì vậy không biết gì về thông tin này. Vả lại hầu hết tàu hành nghề lưới vây ở đây thường ra Bắc vào Nam, mỗi khi đánh được cá thì bán cho các chủ nậu gần nơi khai thác nhất chứ không quan tâm đến vấn đề cá mình đem bán đi đâu hoặc có XK hay không”.

Khó đáp ứng

Đến nay, chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa quy định của EU có hiệu lực. Hiện các cơ quan quản lý, DN, ngư dân thuộc đối tượng áp dụng của quy chế này đang tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đến thời điểm quy định của EU, hàng thủy sản XK của Việt Nam khó đáp ứng được tiêu chuẩn trên. Trên thực tế, nhiều tàu cá thường xuyên di chuyển nên việc truy ra nguồn gốc thủy sản là không đơn giản. Hơn nữa, nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất vào EU của nước ta bao gồm cả tự khai thác và NK nên thủ tục sẽ càng phức tạp.

Theo các chuyên gia thủy sản, thực hiện IUU là cần thiết nhưng khá...hóc. Mấy ngày gần đây, nhiều DN chế biến Thủy sản kêu ca vì vướng mắc trong XK. Một số DN bị ngưng ký hợp đồng, vì phía nhà NK chưa thấy Việt Nam có động thái gì. Trong khi đó, bản thân các nhà NK của EU cũng đang bị quản lý rất chặt về nguồn gốc thủy sản khai thác nên họ chưa chắc chắn để ký hợp đồng.

Về phía người dân cũng đang lo lắng về thủ tục rườm rà mà luật IUU đặt ra, khai thác thủy sản ở Việt Nam là khai thác đa loài, do đó mỗi tàu đánh bắt có khi có hàng chục sản phẩm khác nhau, trong số đó lại chỉ có một phần được đưa vào chế biến để xuất đi EU. Nếu DN phải kê khai nguồn gốc từng lô hàng thu mua từ hàng chục tàu cá thì sẽ rất mất thời gian.

Hiệp hội Chế biến- XK thuỷ Sản VN (VASEP) đang  tiếp xúc với đại diện Châu Âu để tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, quan trọng nhất là kiến nghị với EU, trước mắt Việt Nam sẽ xác nhận việc đánh bắt hợp pháp của khoảng 17 ngàn tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 sức ngựa, trong tổng số 130 ngàn tàu thuyền của Việt Nam. Sau đó, sẽ áp dụng với những tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.