Ngô Hoàng Thịnh vào bóng nguy hiểm khiến Đỗ Hùng Dũng gãy chân. Anh đã nhận thẻ đỏ từ trọng tài Vũ Nguyên Vũ. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho Ban kỷ luật VFF. Đây không phải trường hợp đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, và chắc chắn, án phạt dành cho tiền vệ TP.HCM sẽ ở mức thích đáng.
Đã có nhiều dư luận chỉ trích cú vào bóng ấy, thậm chí nâng tầm lên thành "đặc sản" của một lò đào tạo bóng đá nổi tiếng. Tuy nhiên, cần nhìn lại rằng chấn thương không chỉ đến từ một cú vào bóng ở tốc độ cao. Chung kết bóng đá nam SEA Games 30, Đoàn Văn Hậu giẫm vào chân Evan Dimas, khiến tiền vệ Indonesia ngồi xe lăn sau trận. Dù chỉ xa sân cỏ 3 tuần, Dimas vẫn vô cùng tiếc nuối vì không thể làm gì giúp Indonesia thoát thua Việt Nam.
Nhiều chấn thương hy hữu hơn cũng được ghi nhận. Hồi cuối 2019, Son Heung-min trong nỗ lực cản Andre Gomes (Everton) đã xoạc từ phía sau. Đó là cú vào bóng bằng một chân, về lý là ít gây nguy hiểm cho đối phương. Nhưng bằng một cách nào đó, chân của Gomes bị xoắn lại rồi gãy làm đôi. Chính Son cũng không thể ngờ, một pha ham bóng của anh có thể gây ra thảm kịch đến vậy. Tiền đạo Hàn Quốc ôm mặt khóc nức nở, và không thể trở lại thi đấu nhiều ngày sau đó.
Cần phải chắc chắn rằng chấn thương là thứ đã, đang và sẽ song hành cùng những môn thể thao đối kháng, trong đó có bóng đá. Nhìn cách Hoàng Thịnh hay Son Heung-min lao vào, khó có thể phán định, ai ác ý hơn. Nhưng Son lúc ấy chỉ bị thẻ vàng, và không hề nhận chỉ trích nào. Còn Hoàng Thịnh, ngay từ tối 23/3, tiền vệ quê Nghệ An phải đóng Facebook cá nhân, và bị kêu gọi án phạt nặng, thậm chí cấm thi đấu vĩnh viễn.
Trong giây suy nghĩ ngắn ngủi, trước khi quyết định có lao vào đối thủ truy cản hay không, cầu thủ có lẽ chỉ để tâm đến việc bằng mọi giá phải cản quả bóng lại. Giữa ác ý và máu lửa, ranh giới rất mong manh. Nếu chân của Hoàng Thịnh đưa lệch tầm vài chục cm, có lẽ Hùng Dũng đã kịp tránh và thoát khỏi nguy cơ lên bàn mổ. Bản thân cầu thủ TP.HCM cũng hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn mà anh được giao phó.
Tuy nhiên, bóng đá không có chỗ cho chữ "nếu". Mọi thứ đã diễn ra theo cách nghiệt ngã nhất. Một người gãy chân, có thể rời xa sân cỏ một năm. Một người chắc chắn bị phạt nặng, đối diện với búa rìu dư luận. Nếu hỏi ai trong số này thấy "tốt" hơn bây giờ, chắc chắn là khó trả lời.
Là một môn vận động mạnh, va chạm liên tục, bóng đá hiển nhiên không có chỗ cho sự mềm yếu. Gãy chân là một tổn thương nặng, đe dọa mất nghiệp cầu thủ. Nhưng trước khi thành cầu thủ chuyên nghiệp, thi đấu trên sân, chính những cầu thủ đã phải trải qua bao đe dọa khác liên quan đến đôi chân như tập quá sức, thiếu chuyên gia y tế... So về mức độ ảnh hưởng, chúng cũng không khác là bao.
Cú vào bóng của Hoàng Thịnh sẽ được những người làm luật mổ xẻ, tìm ra phương án hạn chế. Nhưng để chấm dứt những pha bóng như vậy là điều không thể, ngay cả ở những nền bóng đá phát triển.