Hiếm có tờ báo nào được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, viết bài cho số ra đầu tiên và quy tụ được những nhà trí thức lớn, những chuyên gia đầu ngành về Nông nghiệp như: Hoàng Văn Đức, Đồng Sỹ Hiền, Vũ Công Hậu, Bùi Huy Đáp…
“Tấc đất tấc vàng”
Cái tên “Tấc đất” đọc lên, người nghe nghĩ ngay tới câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng”. Và quả đúng như vậy, vào thời điểm 70 năm trước, mọi tấc đất trong cả nước đều được tận dụng để đưa vào SX, chống “giặc đói”. Vì thế, ngay chính những vườn hoa ở giữa Thủ đô Hà Nội cũng đã trở thành những luống khoai hay nơi trồng rau màu.
Báo “Tấc đất” số đầu tiên ra đời ngày 7/12/1945. Tờ tuần báo có 2 trang, khổ lớn 50cm, ra ngày thứ Sáu hằng tuần, giá 7 hào. Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên là Kỹ sư Canh nông Hoàng Văn Đức (1918-1996), Giám đốc Nha Nông chính Việt Nam. Trụ sở tòa báo được đóng tại số nhà 20 phố Lý Thái Tổ, vốn trước đây mang tên Đô đốc Cuốc-bê. Tờ báo do Bộ Canh nông bảo trợ và là cơ quan cổ động SX.
Trong thư "Gửi nông gia Việt Nam" đăng trên số báo đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã viết:
Câu tục ngữ “Tấc đất tấc vàng” ngày nay có hai ý nghĩa.
1 - Báo Tấc đất sẽ chỉ bảo cho anh em chị em nhà nông làm thế nào cho nông nghiệp mau chóng tiến bộ. Sự chỉ bảo của Tấc đất cũng quý hóa như Tấc vàng.
2 - Loài người ai cũng “dĩ thực vi tiên” (nghĩa là trước cần phải ăn), nước ta thì “dĩ nông vi bản” (nghĩa là nghề nông làm gốc). Dân muốn ăn no thì phải giồng giọt [trồng trọt - PV] cho nhiều. Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp. Vậy chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào hết. Chúng ta phải quý mỗi tấc đất như một tấc vàng.
Cuối thư, Hồ Chủ tịch kêu gọi nông gia: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”, và kêu gọi nông dân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
Chỉ dẫn về Nông nghiệp
Từ số 15, ra ngày 29/7/1946, Báo Tấc đất có Chủ nhiệm là Đồng Sỹ Hiền, Chủ bút là Vũ Công Hậu. Hai vị Chủ nhiệm và Chủ bút tờ báo đều là những chuyên gia Nông nghiệp hàng đầu.
GS Vũ Công Hậu (1918-1996), có 53 năm gắn bó với ngành khoa học nông nghiệp và người nông dân Việt Nam, tác giả của nhiều cuốn sách về cây trồng như “Kỹ thuật trồng cây mãng cầu”, “Kỹ thuật trồng cây mít”, “Trồng cây ăn quả ở Việt Nam”…
GS.TSKH Đồng Sỹ Hiền (1918-2010), nguyên Tổng Thanh tra Bộ Canh nông, con chim đầu đàn về lĩnh vực nghiên cứu Lâm nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Lâm chính từ năm 1946…
Báo Tấc đất cổ động bầu cử cho 3 đại biểu Trung ương
Như tên gọi, Tấc đất chủ yếu dành các bài cổ vũ và hướng dẫn các hoạt động Nông nghiệp của nhà nông. Trước “giặc đói” lăm le đe dọa, mục Chỉ dẫn về Nông nghiệp đã dành nhiều trang để giới thiệu các bài viết hướng dẫn cách trồng và công dụng của nhiều loại cây trồng có khả năng cứu đói cấp tốc. Đó là bài “Phải cấp tốc làm vườn gây dây khoai” hay bài “Một thứ cây nên trồng khắp mọi nơi: Cây chuối”.
Trong bài “Một thứ cây nên trồng khắp mọi nơi: Cây chuối" đã giải thích rõ: đất xứ ta chỗ nào cũng có thể trồng chuối được. “Củ chuối rất có ích, những khi đói kém củ chuối nấu có thể thay cho cơm ăn đỡ đói. Như chúng ta đã thấy trong vụ đói vừa qua ở khắp các chợ chỗ nào cũng có bán củ chuối nấu hay luộc. Củ chuối cũng có ít chất bột ăn sống người được. Xưa nay những người bị lạc vào rừng vẫn phải đào củ chuối để ăn trừ bữa.
Mỗi nhà dù ở thôn quê hay thành phố, nếu có từ một mảnh đất nhỏ trở nên đều có thể giồng chuối được. Sự chăm nom không khó khăn gì, trong khi giồng giọt [trồng trọt - PV] ta lại không bỏ phí những mùn rác vô ích”.
Bên cạnh đó, Tấc đất có những bài viết hướng dẫn cách làm bẫy chuột phá hoại mùa màng. Về sau này, vẫn tiếp nối mạch truyền thống, trên báo Nông lâm và Nông nghiệp, chuyên mục Cải tiến nông cụ ra đời, với những bài viết của phóng viên Xuân Khang, cập nhật các mô hình cải tiến nông cụ như: Máy bơm nước 6/1 - nông cụ cải tiến của HTX thôn Đoài, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, Hà Nam; Bừa cỏ ngô - nông cụ tải tiến trong vụ Đông Xuân 1959 - 1960 của HTX Phú Độ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; anh Phạm Trung Pồn, dân tộc Tày, chiến sĩ thi đua nông nghiệp xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, bị hỏng mắt từ nhỏ đã chế ra cái bừa ruộng ngồi lên cho trâu kéo không phải đập đất; Chữa cày thay bừa của ông Kiều Văn Cường, Chủ nhiệm HTX Tân Phương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (bài của phóng viên Nguyễn Thanh Sâm)…
Nhờ có phong trào cải tiến nông cụ SX cho nên chiếc máy cấy đầu tiên ra đời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống cấy thử nghiệm tại Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông lâm Hà Nội trước sự chứng kiến của các Đại biểu Quốc hội khóa II, sáng ngày 20/6/1960.
Cổ vũ nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc
Không chỉ là cơ quan ngôn luận về kỹ thuật chuyên môn, Tấc đất còn đóng góp tiếng nói cổ vũ nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc. Phương châm được in đậm ngay trên maket trang nhất: “Nông gia khai khẩn từng tấc đất cũng như binh sĩ tranh từng tấc đất với quân thù”. Vì thế, trên các trang báo còn cổ động nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước bầu Quốc hội hợp pháp.
Báo Tấc đất cổ động bầu cử cho ông Nguyễn Thượng Đạt (Hà Tĩnh)
Tấc đất kêu gọi quốc dân đồng bào bỏ phiếu cho các ứng cử viên như: Hoàng Văn Đức, Kỹ sư Nông học, ứng cử ở Hà Nội; Cù Huy Cận, Kỹ sư Nông học, Bộ trưởng Bộ Canh nông, ứng cử ở Hà Đông; Bùi Huy Đáp, Kỹ sư Nông học, ứng cử ở Nam Định. Khẩu hiệu được Báo Tấc đất đưa ra khi bỏ phiếu cho 3 ứng cử viên nêu trên: là chọn người bảo vệ quyền lợi nông gia và phụng sự nông nghiệp.
Ngoài ra, ở các tỉnh, Tấc đất cũng kêu gọi đồng bào Hà Tĩnh bỏ phiếu cho ông Nguyễn Thượng Đạt, Bí thư Bộ Canh nông, “một thanh niên sinh trưởng nơi đồng ruộng, một người nhiệt liệt bênh vực quyền lợi nông dân”.