Vượt qua gian khó, có ngày yên vui
Đến thăm Nông trường 3 của Cao su Chư Mom Ray, ai cũng thấy mát mắt trước những vườn cao su bạt ngàn, xanh tốt và khu dân cư trù phú, khang trang của các gia đình công nhân nông trường. Ít ai biết rằng, khoảng 10 năm về trước, những người mới đặt chân tới mảnh đất này để làm cao su, hầu như ai cũng muốn bỏ đi.
12 năm trước, do làm ruộng quá vất vả mà thường đối mặt với rủi ro vì năm nào cũng ngập lụt, lại có sự rủ rê của người nhà đang làm công nhân Cao su Chư Mom Ray, vợ chồng chị Trần Thị Nguyệt quyết định rời quê nhà ở huyện Yên Thành, Nghệ An, vào đầu quân làm công nhân ở Nông trường 3.
Vào thời điểm ấy, đất của Nông trường 3 mới được khai hoang, chưa có cây cao su tạo màu xanh, điều hòa khí hậu như bây giờ nên khi trời nắng thì nắng nung người, trời mưa thì mưa trắng trời.
Đã thế, những hạ tầng cơ bản nhất như điện, đường…, đều chưa có. Vì vậy, ở được khoảng 1 tuần, vợ chồng chị Nguyệt đã thấy chịu không nổi, họ bàn nhau bỏ nông trường, trở về quê. Do đường sá chưa có, 2 vợ chồng phải đi bộ cả chục cây số ra chỗ Nông trường 1 để bắt xe về quê. Ra tới nơi, những người anh em, họ hàng đang làm công nhân ở Nông trường 1 cùng xúm lại khuyên nhủ 2 vợ chồng cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua những thiếu thốn hiện tại để hướng tới một tương lai ổn định hơn.
Nghe lời khuyên nhủ, vợ chồng chị Nguyệt cùng quyết tâm ở lại. Họ lại cùng đi bộ trở về Nông trường 3, tiếp tục làm công nhân cao su. 2 vợ chồng động viên nhau, quyết tâm vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ để bám trụ được ở vùng đất biên giới này.
Dần dà, khi cây cao su được phủ kín các lô và lớn dần lên qua bàn tay chăm sóc của những người công nhân, màu xanh của cao su đã làm vợi đi những khắc nghiệt của mưa, của nắng cao nguyên. Và cũng dần dà, điện lưới được kéo tới, đường đi lối lại qua các lô cao su cũng dần được hình thành, giúp cho người lao động có thể dùng xe máy để đi lại cũng như điện, nước.
Đặc biệt, khi công ty cấp đất để các gia đình công nhân dựng nhà cửa, vợ chồng chị Nguyệt cùng nhiều công nhân khác của Nông trường 3 thực sự cảm thấy đã đến lúc “an cư, lạc nghiệp” với mảnh đất này. Đến nay gia đình chị Nguyệt đã tạo dựng được cuộc sống ổn định ở Chư Mom Ray, với thu nhập bình quân của mỗi người vào khoảng 9-10 triệu đồng một tháng. Cộng thêm nguồn thu nhập từ vườn điều, vợ chồng chị Nguyệt đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Những công nhân cao su của Cao su Sa Thầy, cũng từng trải qua tình cảnh tương tự. Cũng cách đây 12 năm, thấy cuộc sống ở quê nhà (xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) quá khó khăn, vợ chồng anh Hà Văn Cừ đưa nhau tới vùng đất biên giới mà nay là huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum, xin làm công nhân Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy.
Khi ấy, ở đây vẫn chưa có điện, ngoài đường vành đai biên giới do quân đội xây dựng, những đường đi lối lại khác đều là đường đất, đi lại không dễ dàng. Nhìn chung, mọi điều kiện sinh hoạt cơ bản nhất đều thiếu thốn, đến mức ai cũng muốn bỏ về. Tuy nhiên, vợ chồng anh Cừ đã động viên nhau cố gắng vượt qua thiếu thốn để ở lại, vì làm công nhân cao su vất vả, nhưng được đảm bảo công ăn việc làm, lương bổng, chế độ đầy đủ.
Nhờ quyết tâm bám trụ ở lại, đến nay, vợ chồng anh Cừ đã có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới. Trên mảnh đất ở khu quy hoạch dân cư mà công ty cấp, bằng nguồn tiền dành dụm được sau hơn 10 năm làm công nhân cao su, vợ chồng anh Cừ đã xây cất được một căn nhà khang trang, rộng rãi. Khu dân cư giờ đây đã có điện, có đường..., nên mọi sinh hoạt đều dễ dàng hơn hẳn trước đây.
Đưa dân vào làm "cột mốc biên cương"
Trong những công ty cao su ở Tây Nguyên là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Cao su Chư Mom Ray và Cao su Sa Thầy thuộc dạng “sinh sau đẻ muộn”. Cao su Sa Thầy được VRG thành lập vào năm 2006 và một năm sau đó đến lượt Cao su Chư Mom Ray.
Cùng đứng chân ở vùng biên giới phía Nam của tỉnh Kon Tum, ngoài mục tiêu góp phần phát triển kinh tế của địa phương, những vườn cao su chạy dọc đường biên giới của 2 công ty được coi như những “phên dậu” về an ninh quốc phòng trên vùng đất biên cương này.
Ông Trần Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Cao su Chư Mom Ray, chia sẻ, trước đây, ở vùng đất công ty đang đứng chân, gần như không có người dân sinh sống. Mà để bảo đảm an ninh quốc phòng, vùng đất này không thể không có người dân sinh sống ổn định, vì mỗi người dân chính là một “cột mốc biên cương”.
Để đưa dân từ nơi khác vào đây sinh sống, thì phải tạo kế sinh nhai, làm sao để người ta có thể sinh sống ổn định, lâu dài. Sau phân tích, chính quyền địa phương và VRG cùng nhận thấy, chỉ có phát triển cao su và tuyển dụng lao động làm công nhân cao su thì người dân mới vào sinh sống. Đó là lý do mà VRG thành lập thêm 2 đơn vị thành viên ở Kon Tum là Cao su Chư Mom Ray và Cao su Sa Thầy.
Ngay sau khi thành lập, 2 công ty đã nhanh chóng bắt tay vào tuyển mộ công nhân từ các tỉnh phía Bắc. Để người lao động yên tâm ở lại làm việc, 2 công ty đều quan tâm, hỗ trợ đầy đủ các nhu cầu thiết yếu ngay từ khi họ mới chân ướt chân ráo” đến đây.
Ông Thịnh kể, người lao động khi mới tới đây, người ta mang hành lý còn ít hơn mình đi công tác, kể cả nhiều người mang cả gia đình theo, hành lý cũng rất đơn sơ, ít ỏi. Vì vậy, công ty, nông trường phải lo từ chăn, chiếu, mùng mền, gạo, dầu, nước mắm… cho người lao động ngay từ buổi ban đầu.
Với sự hỗ trợ kịp thời ấy của 2 công ty, đa số người lao động đã yên tâm ở lại làm công nhân cao su, dù thời gian đầu, mọi điều kiện sinh hoạt ở vùng dự án đều khó khăn, thiếu thốn. Đến nay, trên vùng dự án của Cao su Sa Thầy, Cao su Chư Mom Ray đã hình thành nhiều khu dân cư, mà người dân chính là công nhân cao su và gia đình của họ.
Bên cạnh đó, thu nhập của công nhân cũng luôn được 2 công ty quan tâm, thực hiện qua nhiều giải pháp khác nhau. Nhờ vậy, theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Cao su Sa Thầy, đến năm 2023, thu nhập bình quân của công nhân công ty là 9,7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công nhân còn có thu nhập từ kinh tế hộ, vào khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi năm.
Còn theo tiết lộ từ ông Trần Xuân Thịnh, mỗi năm, 2 vợ chồng công nhân của công ty có thể tích lũy được bình quân từ 140 đến 150 triệu đồng, có gia đình tới 160 triệu, thậm chí 170 triệu đồng.
Với thu nhập ổn định và cao hơn mặt bằng chung, cùng với các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày đã và đang được cải thiện, nhiều công nhân ở Cao su Sa Thầy và Cao su Chư Mom Ray luôn sẵn sàng vận động anh em, họ hàng ở ngoài quê, vào làm công nhân cao su và định cư lâu dài trên vùng đất biên cương phía Nam của tỉnh Kon Tum.