| Hotline: 0983.970.780

Tuổi 40 của cao su Tây Nguyên: [Bài cuối] Phát triển bền vững

Thứ Năm 12/12/2024 , 05:48 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương 'Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững' của VRG, các công ty cao su ở Tây Nguyên cũng đang từng bước đi vào phát triển bền vững.

Một số chứng nhận chất lượng bền vững mà Công ty Cao su Chư Mom Ray đang thực hiện. Ảnh: Thanh Sơn.

Một số chứng nhận chất lượng bền vững mà Công ty Cao su Chư Mom Ray đang thực hiện. Ảnh: Thanh Sơn.

Tìm cách nâng cao giá trị sản xuất trên đất cao su

Nhờ giá cao su tăng cao cộng với việc để lại nhiều mủ cao su từ năm ngoái, nên chỉ trong quý 1 năm nay, Cao su Ea H’leo đã sớm hoàn thành chỉ tiêu về lợi nhuận 2024 do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao. Sự thành công của Cao su Ea H’leo trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh những năm qua, còn đến từ giải pháp hợp lý của công ty khi thực hiện thanh lý và tái canh vườn cao su, để đảm bảo luôn giữ được sản lượng và doanh thu tốt cho từng năm, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, ban lãnh đạo của Cao su Ea H’leo lại dành nhiều thời gian để chia sẻ những toan tính về việc thực hiện chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động theo chủ trương và hướng đi mới của Tập đoàn.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Cao su Ea H’leo, tiết lộ, hiện công ty đã có chủ trương từ Tập đoàn và đang đi từng bước chậm mà chắc, làm sao phải bảo đảm rằng khi chính thức triển khai thực hiện, phải mang lại hiệu quả cao và tương xứng. Đây không chỉ là nỗi trăn trở của riêng Cao su Ea H’leo, mà đang là nỗi trăn trở của lãnh đạo VRG, khi mà nông nghiệp công nghệ cao được xếp vào 5 nhóm ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn nhưng đến nay vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.

Với Cao su Chư Sê, phát triển khu công nghiệp được coi là một trong những giải pháp quan trọng để công ty có thể sớm thoát khỏi giai đoạn khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Cao su Chư Sê, cho biết, công ty đang tập trung cho khu công nghiệp rộng 191ha, với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký vào hoạt động với diện tích đã đăng ký lên tới hàng chục ha.

Bên cạnh đó, Cao su Chư Sê đang tính đề nghị địa phương quy hoạch một số diện tích có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nguồn nước thuận lợi… rồi xin Tập đoàn cho phép được chuyển cây cao su ở vùng đất này sang những cây trồng khác có ứng dụng công nghệ cao, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trên đất cao su.

Phát triển bền vững cho cao su Tây Nguyên

Theo chủ trương “Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững” của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các công ty cao su ở Tây Nguyên đang từng bước triển khai thực hiện các giải pháp phát triển bền vững.

Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Cao su Kon Tum. Ảnh: Thanh Sơn.

Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Cao su Kon Tum. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng Giám đốc Cao su Kon Tum, cho biết, trong những năm qua, công ty không ngừng áp dụng các hệ thống quản lý ISO để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Công ty đã xây dựng và được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích vườn cây cao su, diện tích 3 nông trường được cấp chứng chỉ rừng (2.105 ha).

Trong những năm tới, Cao su Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững, hệ thống Chuỗi hành trình sản phẩm PEPC-CoC và mở rộng diện tích rừng cao su có chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững theo hệ thống PEFC-FM. Đồng thời, công ty kết nối với những khách hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao su có chứng nhận PEFC, đảm bảo nâng cao giá trị tiêu thụ của sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, công ty áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vào sản xuất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, góp phần tích cực thực hiện chiến lược “Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững” của Tập đoàn.

Tại Cao su Ea H’leo, công ty đang thực hiện hợp đồng tư vấn để triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Cao su Sa Thầy, chia sẻ, thực hiện theo chủ trương của Tập đoàn, năm 2022, Cao su Sa Thầy đã được tổ chức Bureau Veritas Certification Việt Nam đánh giá, cấp chứng nhận cho diện tích hơn 1.700ha cao su thực hiện các hoạt động quản lý rừng phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn VFCS/PEFC ST 1003:2019 và chứng nhận cho chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC.

Đến nay, Hệ thống quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC vẫn đang được Cao su Sa Thầy duy trì theo đúng tiêu chuẩn, được các tổ chức chứng nhận đánh giá giám sát thường xuyên theo quy định.

Một vườn cao su của Cao su Sa Thầy. Ảnh: Thanh Sơn.

Một vườn cao su của Cao su Sa Thầy. Ảnh: Thanh Sơn.

Đặc biệt, dù đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Cao su Chư Sê vẫn đang tiếp tục áp dụng Hệ thống quản lý rừng bền vững PEFC-FM, hệ thống Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC, kết nối với những khách hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cao su có chứng nhận PEFC, đảm bảo nâng cao giá trị tiêu thụ của sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Cao su Chư Sê cho biết, công ty đang tích cực áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên nhiên liệu sử dụng trong sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vào sản xuất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, góp phần tích cực thực hiện chiến lược “Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững” của Tập đoàn.

Mới đây, tại Lễ công bố các Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2024 (Chương trình CSI) với chủ đề “Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh”, có 14 công ty thành viên của VRG nằm trong Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2024. Trong đó, Cao su Chư Păh nằm trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững lĩnh vực sản xuất. Ngoài Chư Păh, trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam, còn có 2 công ty khác đến từ Tây Nguyên là Cao su Chư Prông và Cao su Chư Mom Ray. Đây là sự ghi nhận về quá trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong ngành cao su ở khu vực Tây Nguyên.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.