| Hotline: 0983.970.780

Tượng đài điền kinh Bùi Lương: 85 tuổi vẫn chạy bon bon

Chủ Nhật 25/02/2024 , 09:25 (GMT+7)

'Không có kỷ luật tập luyện nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do chính mình đặt ra, cứ tâm niệm như thế, HLV Bùi Lương đạt được nhiều thành tích ấn tượng khi thi đấu.

Đi qua thời binh lửa

Hơn 60 năm thi đấu, HLV Bùi Lương đã cống hiến, tạo dựng nền móng cho điền kinh Việt Nam, giành huy chương danh giá và đào tạo những thế hệ học trò xuất sắc.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bom lửa, HLV Bùi Lương bước vào đường chạy với đôi chân trần. HLV Bùi Lương nói: “Sống cũng kham khổ lắm. Bữa ăn chủ yếu là ngô, không có ngô thì ăn bo bo hoặc khoai,... Lúc đầu, tôi chỉ tập luyện để cơ thể khỏe mạnh thôi, nhưng lại được nhà trường cử đi thi đấu. Qua các cuộc thi tuyển thì tôi lại được lựa chọn vào đội hình đi thi đấu của thành phố Hải Phòng”.

Năm 1957, HLV Bùi Lương được mời tham gia chạy 5.000m hay còn gọi là chạy đường trường toàn miền Bắc tại Hà Nội. Lúc đấy mới có đôi giày để chạy và về đích ở vị trí thứ ba. Năm 1958, “của hiếm” của điền kinh Việt Nam dự giải Việt dã báo Tiền Phong được huy chương bạc và được thưởng đôi giày bata Thượng Đình. Phần thưởng đó đã gắn bó với ông ngay cả khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Thậm chí, chỉ lúc thi đấu HLV Bùi Lương mới xỏ giày để chạy, chứ tập luyện vẫn chủ yếu là chân đất.

Ở tuổi 85, 'ông già gân Bùi Lương' vẫn đều đặn có mặt tại công viên Thanh Xuân để hướng dẫn mọi người các kỹ thuật chạy cơ bản. Ảnh: Minh Toàn.

Ở tuổi 85, “ông già gân Bùi Lương” vẫn đều đặn có mặt tại công viên Thanh Xuân để hướng dẫn mọi người các kỹ thuật chạy cơ bản. Ảnh: Minh Toàn.

Tuy nhiên đối với ông, có giày đã là có điều kiện. Ông nói: “Nhờ có điều kiện nên thành tích càng ngày càng nâng lên. Sau đó chỉ 3 năm (năm 1961), tôi đã lần đầu tiên giành được Huy chương Vàng và sau đó nữa, một loạt các kỷ lục như đã được ghi dấu lại…”.

Để có tiền tập luyện và thi đấu, HLV Bùi Lương đã xin vào làm việc tại nhà máy Xi măng Hải Phòng ở vị trí xúc clinker với mức lương chỉ một đồng tám bảy xu tư. Ca làm buổi sáng thì “anh công nhân Bùi Lương” tập luyện buổi chiều và ngược lại. Không chỉ tập trung làm việc mà HLV Bùi Lương còn khơi dậy tinh thần thi đấu của các đồng nghiệp trong phân xưởng tập luyện thi đấu, mang vinh quang về cho nhà máy.

Ông nói: “Thế là được thưởng tiền: tổ sản xuất thưởng một hào; phân xưởng thưởng hai hào; nhà máy thưởng bốn hào; Liên hiệp Công đoàn thành phố thưởng bốn hào; Sở Thể thao thành phố thưởng bốn hào. Phấn khởi lắm, lại càng hăng say làm việc và tập luyện. Sau khi được HCB giải Báo Tiền Phong năm 1958, tôi lại còn được tăng lương thêm nữa. Người ta làm việc hai tới ba năm mới tăng lương, tôi chỉ làm việc có 6 tháng đã tăng lương rồi. Từ một đồng tám bảy xu tư tăng lên hai đồng mốt tám xu ba”.

Hơn 60 năm gắn bó với đường chạy, trải qua nhiều thăng trầm của điền kinh Việt Nam, HLV Bùi Lương là chứng nhân của các giai đoạn phát triển của môn thể này. Với HLV Bùi Lương, chức vô địch năm 1970 là chức vô địch cảm xúc nhất.

Rèn luyện mỗi ngày là bí quyết giúp HLV Bùi Lương (áo xanh) duy trì được nền tảng thể lực dẻo dai, ổn định. Ảnh: Minh Toàn.

Rèn luyện mỗi ngày là bí quyết giúp HLV Bùi Lương (áo xanh) duy trì được nền tảng thể lực dẻo dai, ổn định. Ảnh: Minh Toàn.

Năm 1970, HLV Bùi Lương đang là VĐV và đang tham dự thi đấu tại Hòa Bình. Ông kể: “Lúc ấy, chúng tôi đang chạy dọc sông Đà thì máy bay Mỹ bất ngờ ập tới thả bom. Đất đá bay loạn lên, VĐV không kịp để xuống hầm, anh nào cũng mặt mũi lấm lem. Riêng tôi thì bị một mảnh bom bắn lên phần trên đầu gối một chút, vẫn còn vết sẹo. Lúc đấy cũng gần về đích rồi, tôi dùng tay bịt lấy vết thương đó rồi về đích và trở thành nhà vô địch”.

Ông nói thêm, những năm tháng chiến tranh ác liệt, chỉ có tình yêu với thể thao mới giúp các VĐV trưởng thành. Không có kỷ luật tập luyện nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do chính mình đặt ra, cứ tâm niệm như thế, bản thân đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng khi thi đấu.

Lửa nghề luôn “rực cháy”

Năm 2020, sau gần 10 gắn bó với điền kinh Bình Phước, HLV Bùi Lương chính thức xin nghỉ hẳn về nhà. Nói là nghỉ nhưng theo như tâm sự, ông chưa một ngày được nghỉ. Bởi món “chạy bộ” như cơm ăn, nước uống hằng ngày không thể thiếu đối với ông, còn sống là còn chạy, còn đam mê.

Ở tuổi 85, HLV Bùi Lương vẫn có thể chạy hơn 5km mỗi ngày. Để duy trì nền tảng sức khoẻ này ông đã phải tập luyện đều đặn hàng ngày, giữ đúng kỷ luật 9/4 (9h tối đi ngủ và 4h sáng thức dậy). Ngoài ra, “ông già gân” còn có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đặc biệt không sử dụng bia rượu và không hút thuốc lá.

Hằng ngày, ông đều có mặt tại các công viên để hướng dẫn và đồng hành cùng những người yêu chạy bộ phong trào. Mỗi bài khởi động, động tác đánh tay, dáng người khi chạy và cả những bài giãn cơ đều được HLV Bùi Lương hướng dẫn cho bất kỳ ai cần và muốn tập luyện.

HLV Bùi Lương luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tế để giúp mọi người có thể chạy tốt hơn. Ảnh: Minh Toàn.

HLV Bùi Lương luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tế để giúp mọi người có thể chạy tốt hơn. Ảnh: Minh Toàn.

HLV Bùi Lương chia sẻ: “Việc hướng dẫn mọi người chạy bộ đã ăn vào máu, vào suy nghĩ của tôi rồi. Tôi tâm niệm dù không còn huấn luyện cho các vận động viên (VĐV) thi đấu chuyên nghiệp nữa, tôi vẫn mong muốn được cống hiến cho cộng đồng.

Nhưng hiện nay đa phần mọi người đều chạy theo bản năng nhiều. Vậy nên tôi luôn muốn chia sẻ những hiểu biết của mình để giúp cho mọi người tập luyện hiệu quả hơn. Chạy đúng kỹ thuật vừa giúp tiết kiệm sức lực và tránh được những chấn thương không đáng có. Tôi đi rất nhiều các công viên để chia sẻ và tới đâu mọi người cũng hưởng ứng nên tôi cũng phấn khởi lắm. Chỉ mong sao có sức khỏe để cống hiến, chia sẻ thêm về chuyên môn tới bà con thật nhiều”.

Hơn 60 năm thi đấu, huấn luyện HLV Bùi Lương thường xuyên phải xa nhà, xa người thân. Trong suốt quãng thời gian gắn bó với Bình Phước, HLV Bùi Lương liên tục thất hứa với vợ, năm nào cũng xin khất việc mình nghỉ hưu. Việc khó nhất là mỗi dịp Tết lại phải lựa lời để gia đình đông ý cho đi huấn luyện tiếp.

Công tác huấn luyện đòi hỏi các HLV phải luôn sát xao với các học trò, từ bữa ăn giấc ngủ vì vậy “ông già gân Bùi Lương” đành phải đánh đổi thời gian gần gũi với người thân. Tuy nhiên, gia đình luôn là hậu phương vững chắc để ông tiếp tục “say lửa nghề”.

Ông nói: “Từ ngày còn thi đấu hay trong công tác huấn luyện, tôi thường xuyên phải xa nhà, xa người thân, bà xã đã luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi. Bây giờ nghỉ huấn luyện chuyên nghiệp, tôi có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn…”.

Hiện HLV Bùi Lương đã nghỉ hưu nhưng chưa thực sự nghỉ ngơi bởi ông còn gắn bó với các vận động viên phong trào.

Hơn 60 năm thi đấu, cống hiến, tạo dựng nền móng cho điền kinh Việt Nam, ngoài những tấm huy chương danh giá, phá nhiều kỷ lục, đào tạo những thế hệ học trò xuất sắc, HLV Bùi Lương còn từng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1980 và được vinh danh ở hạng mục Cống hiến trọn đời cho thể thao Việt Nam tại lễ trao giải Cúp chiến thắng 2016. Kỷ lục gia Bùi Lương là “của hiếm” của điền kinh Việt Nam. Ông được gọi với những biệt danh như “ông già gân Bùi Lương” hay “người đến chết mới ngừng chạy”.

Xem thêm
Nông nghiệp - PTNT năm 2024: Vượt gian khó lập kỳ tích

14h00 hôm nay (27/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam xin điểm lại một số dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024.

Làm đường hư hỏng công trình thủy lợi, hơn 5 ha đất sản xuất bỏ hoang

YÊN BÁI Cả cánh đồng ruộng bậc thang rộng khoảng 5 ha của người dân thôn Khe Mạng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bởi công trình thủy lợi bị hư hỏng do làm đường giao thông.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.