Hình ảnh Quang Hải cùng đồng đội ăn mừng được đưa lên trang chủ AFC |
“Nhanh về xem Việt Nam”, có lẽ câu nói được nghe thấy nhiều nhất chiều ngày 23/1, khi U23 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bước vào bán kết.
Ngập tràn hình ảnh trong các quán bia, quán café, quán ăn ở vô vàn nơi trên đất nước là màn hình TV chiếu trận U23 Việt Nam gặp U23 Qatar. Thậm chí cả trong các bệnh viện, người ta cũng rôm rả bàn với nhau trước và sau trận cầu lịch sử, đưa “những chú rồng vàng” - biệt hiệu của U23 Việt Nam trên nhiều tờ báo quốc tế, đến trận chung kết.
“Nhanh về xem Việt Nam” là câu mà tôi còn gặp thêm nhiều lần nữa, từ những người không quen tới quen biết, khi đi trên đường. Các bác bảo vệ chung cư gọi nhau kiểm tra điện đóm sớm hơn thường lệ để cùng quây quần bên chiếc tivi. Chị bán tạp hóa vội đưa hàng cho tôi, vừa tranh thủ tắt đèn để đóng cửa, bật TV xem U23. Ngay cả một cậu thanh niên tôi chẳng quen mặt, vào tiệm tạp hóa cùng tôi cũng hồ hởi: “Hôm nay cơ quan cho nghỉ sớm để về xem Việt Nam”.
Bóng đá chắc chắn là môn thể thao số một ở Việt Nam, và chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta đã một lần nghe thấy hoặc được nhắc đến những mỹ từ, đại loại như bóng đá kéo mọi người lại gần nhau, bóng đá chống tệ nạn nọ, bóng đá bài trừ phân biệt kia, nhưng có lẽ đều cho qua vì cho là khẩu hiệu sáo rỗng. Phần lớn thứ bóng đá mà người hâm mộ Việt Nam được sống và cảm nhận kể từ thời điểm quay lại hội nhập bóng đá khu vực vào thập niên 90, hoặc quá xa vời, hoặc không đủ để khiến mọi người cảm thấy đã.
Còn trong một tuần trở lại đây, người hâm mộ Việt Nam thực sự “sống bóng đá, ăn bóng đá và ngủ bóng đá”. Hai người bạn gặp nhau, thay vì câu chào hay cái gật đầu, lại hỏi thăm “Hôm qua có xem Việt Nam không”. Những câu chuyện ở quán nước, hàng cà phê, bến xe đi loanh quanh một hồi rồi đều quay trở về cái chủ đề nóng nhất, thời sự nhất, và cũng có nhiều cái để nói nhất bây giờ: bóng đá.
Khoảnh khắc thiên tài của Quang Hải |
Đâu đó, có trường phổ thông đã thay giờ học ngoại khóa cho học sinh bằng buổi phát sóng trực tiếp U23 Việt Nam. Ngang qua khu bệnh xá gần nhà vào buổi tối trận Việt Nam - Iraq, cũng thấy bệnh nhân ngồi kín phòng bảo vệ, chăm chú theo dõi thầy trò Park Hang-seo thi đấu ở Trung Quốc xa xôi. Có người, một tay cầm chai nước truyền, một tay vẫn cố gắng dựa vào người bên cạnh. Có người ngồi xa màn hình quá, phải mượn tạm chiếc đài phát thanh nhỏ để nghe tạm cho… đỡ thèm.
10 năm kể từ chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá mới đưa người dân Việt Nam đến gần nhau tới vậy. Đó là điều dễ hiểu bởi đây là lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào tới bán kết một giải đấu tầm châu lục ở cấp độ U23 trở lên...
U23 Việt Nam của năm 2018 chơi ngang ngửa với U23 Australia, U23 Iraq hay U23 Qatar, là một sự hứa hẹn cho việc ĐTVN của năm 2019, 2020 đủ khả năng đá năm ăn năm thua với những đại diện hàng đầu châu lục. Tất nhiên, bóng đá không phải môn thể thao mà những suy luận theo kiểu logic như thế luôn chính xác, nhưng ít nhất, nó khiến những người ngồi sau vô tuyến truyền hình Việt Nam có cùng một hướng nhìn, một hy vọng, và một chủ đề quan tâm.
Vô vàn người hâm mộ thông thường có thể không tỏ tường những ý nghĩa cao cả, gắn đằng sau hành trình của thầy trò Park Hang-seo. Điều đó không quan trọng, bởi cái họ cần, là niềm tự hào Việt Nam dạt dào chảy trong huyết quản, là cảm xúc bùng nổ khi U23 Việt Nam lần lượt khiến các “ông lớn” bóng đá châu lục cúi đầu thua trận.
Chẳng cần đến những mỹ từ để thấy tinh thần dân tộc trên mỗi bước chạy của Xuân Trường cùng đồng đội. Duy Mạnh nén đau thi đấu, dù máu mũi đổ ròng ròng. Khoảnh khắc cứa lòng thiên tài của Quang Hải, san bằng tỷ số 2-2 vào lưới Qatar.
Sự thảng thốt, nét bàng hoàng, đau đớn trên khuôn mặt các tuyển thủ Qatar, ánh mắt thất thần của ông HLV đội bạn, đã cho thấy một điều: Dù trước trận chung kết là ai, U23 Việt Nam cũng vẫn là nhà vô địch trong lòng cổ động viên nước nhà.
Trên trang chủ AFC của Liên đoàn bóng đá châu Á, hình ảnh Quang Hải cùng các đồng đội ăn mừng được đưa lên vị trí trang trọng nhất, kèm dòng tựa: Việt Nam đi đến chung kết sau một câu chuyện ly kỳ.