“Khi con chip lên ngôi” của tác giả Nguyễn Trung Dân, chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng của những con người đã góp phần định hình thế giới công nghệ ngày nay. “Khi con chip lên ngôi” còn đặt ra vấn đề và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Cơ hội và thách thức nào dành cho Việt Nam trước ngành công nghiệp tỷ đô này trong hiện tại và tương lai?
Tác giả Nguyễn Trung Dân có học hàm Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ, hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của bán dẫn, từ các ứng dụng cơ bản đến các ứng dụng hết sức đặc biệt như máy tính quang tử và lượng tử... Hiện nay, tác giả Nguyễn Trung Dân đang là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York, Mỹ.
Việt Nam đang chủ động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, Việt Nam đang đón những dấu hiệu đáng mừng khi Jensen Huang, CEO của NVIDIA - công ty chip lớn nhất thế giới vừa ký kết với chúng ta một hợp đồng phát triển công nghệ chip bán dẫn. Không ít người cho rằng Việt Nam được chọn làm nơi sản xuất chip, nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong việc nắm bắt cơ hội ngàn năm có một này.
Trong cuốn sách “Khi con chip lên ngôi”, tác giả Nguyễn Trung Dân cho rằng, chip bán dẫn là “hệ thần kinh” của tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại, máy tính cá nhân, máy giặt, lò vi sóng cho đến máy móc thiết bị y tế phức tạp, các loại vũ khí hiện đại nhất về phòng thủ và tấn công đòi hỏi mức độ chính xác cực kỳ cao như máy bay, tên lửa. Không có chip bán dẫn, tất cả những thứ này chỉ còn là những khối kim loại vô dụng không hơn không kém.
Có thể nói chip là “vũ khí” không có tiếng nổ nhưng tác động thì bao trùm toàn xã hội và có sức mạnh gấp triệu lần vũ khí. Tập đoàn iPhone có thể ngừng sản xuất vài tuần và không ai nhận ra, nhưng nếu nhà máy sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC ngừng hoạt động vài tuần, nhiều ngành công nghiệp sẽ ngừng trệ hoàn toàn, kinh tế thế giới đối mặt với thua lỗ hàng trăm tỷ đô và hàng triệu người sẽ thất nghiệp.
Chip bán dẫn đã trở thành mặt hàng chiến lược giống như “vàng đen” không thể thiếu của nhiều quốc gia cũng như nền kinh tế toàn cầu. Việc nắm giữ được công nghệ và làm chủ quy trình sản xuất chip đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước.
Tác giả Nguyễn Trung Dân chia sẻ: Nếu cho Bill Gate cỗ máy thời gian, ông ấy sẽ trả lời mình muốn dùng nó để quay về năm 1947 để chứng kiến sự ra đời của transistor (bóng bán dẫn) trong phòng thí nghiệm Bell Labs huyền thoại của Mỹ. Theo Bill Gate, thiết bị nhỏ bé được gọi là transistor này chính là phát minh vĩ đại có ảnh hưởng lớn nhất cho cuộc cách mạng tin học và góp phần thay đổi căn bản xã hội như ngày nay. Sau này, nhờ không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng các nhu cầu khắt khe của Bộ Quốc phòng Mỹ mà chip bán dẫn đã ra đời. Từ đó đến nay, chưa đến 80 năm nhưng con người đã được chứng kiến sự phát triển bùng nổ, sự vươn mình thần tốc của ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Câu chuyện về sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp bán dẫn khiến người đọc nể phục và trân trọng công sức của những bộ óc phi thường đứng phía sau. Đó là William Shockley, John Bardeen, Brattain, Gordon Moore, Robert Noyce, Morris Chan hay Kim Choong-Ki. Họ là những nhà khoa học và kỹ sư đã không ngừng cố gắng vượt qua những giới hạn để chúng ta tiến vào thời đại tự động hoá và mang những phát minh ấy đi khắp thế giới để chúng phát huy hết tiềm năng phục vụ loài người.
Suốt chiều dài phát triển hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn người ta được chứng kiến sự trỗi dậy, lụi tàn và sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp này tại nhiều quốc gia. Mỹ được biết đến như cái nôi của ngành công nghiệp chip bán dẫn với phát minh transistor của các nhà khoa học từ Bell Labs. Mỹ dẫn đầu cho làn sóng phát triển công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin. Nhiều công ty tư nhân đã không ngừng tận dụng cơ hội để nghiên cứu, sản xuất và cải tiến con chip của mình, những đại diện có chỗ đứng cho đến ngày nay có thể kể đến Intel, Texas Instrument hay Fairchild Semiconductor…
Tuy nhiên, cuốn sách “Khi con chip lên ngôi” cũng tiết lộ, ngành công nghiệp chip bán dẫn là một ngành có đặc tính cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Chỉ cần một quốc gia hay tập đoàn có định hướng phát triển sai lệch, không nắm bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới hay không xoay đủ vòng vốn đều sẽ nhanh chóng bị đào thải, không chỉ khỏi thị trường trong nước mà quốc gia đó còn mất vị thế trên trường quốc tế.
Công nghệ chip bán dẫn đã chứng kiến sự tụt hậu của châu Âu khi mãi chìm đắm trong chiến tranh và những chính sách sai lầm dẫn đến sự kiệt quệ về nguồn nhân lực và không còn là mảnh đất hứa hẹn cho lực lượng khoa học tinh hoa.
Nhật Bản những năm 1970-1980 chính là ví dụ hùng hồn cho sự vươn mình đáng gờm trong ngành khoa học công nghệ. Đáng tiếc thay, một Nhật Bản đã từng khiến Mỹ phải dè chừng lại tụt dốc không phanh. Sự cứng nhắc và khó thích nghi với những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này được cho là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tụt dốc không phanh của ngành bán dẫn tại Nhật về sau. Đây cũng là ví dụ để chứng minh đây là ngành công nghiệp vô cùng cạnh tranh và khắc nghiệt.
Trái lại, nhiều nước biết nắm bắt cơ hội đã biến quốc gia của mình thành trung tâm khoa học công nghệ. Chính nhờ nền khoa học công nghệ cao mà các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Israel cũng được xếp ngồi “chiếu trên” trên bàn cờ thế giới với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay Đức, Anh..