| Hotline: 0983.970.780

Uẩn khúc quanh dự án du lịch sinh thái 300 tỷ đồng

Thứ Hai 19/10/2015 , 12:05 (GMT+7)

Một dự án du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô lớn có thể sẽ được xây dựng trong thời gian tới ở TP Việt Trì (Phú Thọ). Tuy nhiên, đằng sau dự án này có khá nhiều uẩn khúc, thậm chí là nguy cơ xâm hại đê điều, hành lang thoát lũ...

Mập mờ đất đai, mỏ khoáng sản

Dự án du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái phường Bến Gót (TP Việt Trì) do Cty CP Khoáng sản Tây Bắc làm chủ đầu tư. Phía bắc giáp tuyến đường đê và khu dân cư, phía đông giáp sông Lô, phía tây giáp khu vực sản xuất công nghiệp, phía nam giáp sông Hồng. Tổng diện tích khoảng 16,1 ha.

Từ năm 2010, Cty Tây Bắc đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Phú Thọ xin chủ trương thuê đất. Theo tờ trình này, Cty Tây Bắc lúc đó xin thuê 150.000 m2 đất có chiều dài dọc theo đê 1.200m, đất bãi ven chân đê Tả Thao, trong đó có 36.000m2 đất ở trên cơ đê, 71.983m2 đất bãi bồi ngoài đê chưa sử dụng.

Trong phương án xây dựng dự án bao gồm, một khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu lầu Bạch Hạch, khu khách sạn, khu ẩm thực…

Tham vọng của nhà đầu tư là sẽ xây dựng nên một khu du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP Việt Trì, tăng thêm nguồn thu ngân sách, tăng quỹ nhà ở và góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ.

Năm 2013, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bến Gót.

Theo quy hoạch này, dự án có thể xây dựng một khu khách sạn 3 sao trên diện tích 0,58 ha, lầu Bạch Hạc 1,1 ha, khu ẩm thực 0,44 ha, khu nghỉ dưỡng 3,06 ha...

Tổng mức đầu tư dự án được xác định vào khoảng 299,17 tỷ đồng, triển khai bằng nguồn vốn tự có của DN và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ngày 8/3/2014, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ và đoàn công tác sau khi đi kiểm tra, khảo sát Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Bến Gót đã chỉ đạo: Dự án này có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội, góp phần xây dựng Việt Trì trở thành TP du lịch, lễ hội và cội nguồn dân tộc Việt Nam. Cty CP Khoáng sản Tây Bắc đã có nhiều tâm huyết, nỗ lực, cố gắng nghiên cứu và triển khai dự án, song đến nay tiến độ thực hiện còn chậm, chưa hoàn thành thủ tục thu hồi, giao đất, giấy phép đầu tư...

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ cũng giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND TP Việt Trì tạo điều kiện, hướng dẫn Cty CP Khoáng sản Tây Bắc nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án có hiệu quả...

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án gần 300 tỷ đồng này vẫn còn là một mớ bùng nhùng và quá nhiều nghi vấn.

Theo điều tra của NNVN, năm 2014, Cty CP Khoáng sản Tây Bắc từng được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác mỏ cát lòng sông Hồng với trữ lượng khoảng 356.636 m3 trên diện tích 21,975 ha.

Tuy nhiên ngay sau đó, không hiểu vì lý do gì mà Cty Tây Bắc đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện dự án "đào ao, nuôi cá, trồng rau".

Cụ thể, ngày 14/5/2015, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 972/QĐ-UBND về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực khai thác cát của Cty Tây Bắc.

Nửa tháng sau, UBND tỉnh này lại có văn bản về việc chủ trương nghiên cứu lập dự án đầu tư trồng cây và nuôi trồng thủy sản. Mặc dù dự án chưa được phê duyệt, chưa có hợp đồng thuê đất, nhưng theo ghi nhận của PV, ở thời điểm hiện tại, khu vực bãi bồi chẳng khác gì một công trường xây dựng.

Đất bãi bồi bị đào bới tan hoang, đường được mở ra đến tận mép sông, xe vận tải cỡ lớn liên tục cày xới, khói bụi mù mịt...

Bức xúc với việc làm của DN này, công dân tổ 28, phường Bến Gót đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về việc Cty Tây Bắc tổ chức khai thác, vận chuyển cát, vừa đánh cắp tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vấn đề đất đai cũng đang gây tranh cãi. Theo ông Quách Văn Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ) thì dự án Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phường Bến Gót đang trong quá trình chờ lập phương án bồi thường, bao giờ có đất sạch thì mới giao cho DN. Hiện TP Việt Trì cũng đang lên phương án GPMB xong mới trình UBND tỉnh có quyết định cho thuê đất.

Trong khi đó, theo thông tin của NNVN, trong phạm vi 16,1 ha đất dự án, có khoảng 4.500m2 đất của Cảng Việt Trì quản lý, đã được quy hoạch. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn cố kéo phần đất này vào dự án của mình. Đại diện Cty Tây Bắc cho rằng, đất của Cảng Việt Trì đã được cấp chồng lên quy hoạch.

Liên quan đến vấn đề này, ông Quách Văn Chiến cho biết: Chúng tôi đã làm việc với Cảng Việt Trì và có văn bản báo cáo UBND tỉnh vì đây là khu vực nằm trong quy hoạch chung của tỉnh. Chúng tôi đề xuất tỉnh đề xuất Bộ GT-VT bàn giao lại diện tích đất trên cho tỉnh, tuy nhiên mọi việc vẫn đang trong quá trình "đàm phán". Trong trường hợp không thỏa thuận được thì có thể vẫn triển khai dự án sau đó bổ sung phần đất này.

Lấy cả đất đê điều làm dự án

Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh này đã có văn bản gửi các sở, ngành và các địa phương liên quan để lấy ý kiến quyết định chủ trương đầu tư.

Tại văn bản số 1292/SNN-ĐĐ ngày 19/8/2015 về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ có ý kiến như sau:

Dự án xây dựng khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái Bến Gót được xây dựng trên 5 khu, tương ứng từ K71,2-+-K72 đê hữu Lô và từ K104,150-+-K105,0 đê tả Thao.

Liên quan đến phần đất đê điều và vấn đề xây dựng trong dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái phường Bến Gót, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Thẩm định và Quản lý dự án (Sở KH-ĐT) tỉnh Phú Thọ khẳng định, chắc chắn phải trình Thủ tướng xin ý kiến.
Tuy nhiên với “mớ bùng nhùng” về đất đai như hiện nay thì không biết dự án này sẽ đi về đâu.

Đối với khu vực dự án xây dựng ngoài bãi sông (khu III và khu IV): Căn cứ điều 26 Luật Đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 thì khu IV không được phép xây dựng các công trình và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.

Thêm một vấn đề cực kỳ khó hiểu nữa tại khu vực dự án. Từ năm 2010, căn cứ vào công văn của UBND tỉnh Phú Thọ về việc thuê đất của Cty CP Khoáng sản Tây Bắc, UBND phường Bến Gót (TP Việt Trì) đã xác nhận, trong tổng số 149.010,5m2 đất DN này xin thuê có tới 2.146,80m2 đất hành lang đê.

Tuy nhiên không hiểu bằng cách nào mà đến thời điểm hiện tại, khu vực dự án không còn "vùng cấm" nữa.

 Về vấn đề này, ông Quách Văn Chiến cho biết, nếu không nhầm thì họ đã nắn đê rồi. Đến giờ này tôi cam đoan là không có đất trong hành lang đê nữa. Chỉ còn lại đất nằm trong hành lang thoát lũ nên không được phép xây dựng.

Ngày 12/5/2015, Hạt quản lý Đê Việt Trì, UBND phường Bến Gót và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN địa phương này, sau khi tổ chức kiểm tra thực địa trên địa bàn của phường từ K103,7 đến K105 đã phát hiện Cty CP Khoáng sản Tây Bắc thi công san lấp mặt bằng khoảng 40.000m2.

Việc làm này đã vi phạm hành lang thoát lũ theo Quyết định số 4423/2010/QĐ-UBND ngày 27/10/2010 và điều 12 mục 4 của Luật Phòng, chống thiên tai, điều 7 khoản 7 Luật Đê điều.

Thiết nghĩ, trong lúc dự án còn chưa có chủ trương đầu tư thì UBND tỉnh Phú Thọ, UBND TP Việt Trì cần có những biện pháp thắt chặt quản lý đất đai trong khu vực dự án này.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm