| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/09/2024 , 08:33 (GMT+7)
Hồng Thắm

Hồng Thắm

Nhà báo 08:33 - 26/09/2024

Ước mơ thành phố nuôi trồng thủy sản trên biển

Nếu doanh nghiệp, bà con được giao biển 20 - 30 năm, thậm chí 50 năm hoặc lâu hơn nữa, họ có thể xây dựng cả một 'thành phố nuôi trồng thủy sản trên biển'.

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông và mạnh nhất trên đất liền ở nước ta trong khoảng 70 năm qua. Chỉ sau vài giờ quần thảo, nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc của nước ta đã phải gánh chịu những thiệt hại khủng khiếp.

Ngành nông nghiệp, nhất là ngành thủy sản cũng “điêu đứng” vì bão. Báo cáo mới nhất của Cục Thủy sản cho hay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 23.595 ha; số lồng bè bị thiệt hại khoảng 4.592 ô lồng. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng hơn 2.500 tỷ đồng.

Đầu tư cho nuôi trồng thủy sản nói chung, đặc biệt là nuôi biển luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi đã thế chấp nhà cửa, tài sản để sản xuất. Thế nhưng bão lũ đi qua, nợ nần để lại, người ít thì vài tỷ, người nhiều thì vài chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể nỗi đau mất đi người thân, những di chứng tâm lý không gì có thể đong đếm được.

Doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có khoa học công nghệ giờ đây vẫn đang đau đáu với câu hỏi “tiếp tục hay dừng lại và giải pháp nào để khắc phục?”. Vậy còn những người nuôi nhỏ lẻ, trước đau thương mất mát lớn lao cả về người và của, động lực nào để họ bước tiếp?

Theo Cục Thủy sản, các mạnh thường quân, doanh nghiệp, công ty đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ với số tiền tương đương gần 85 tỷ đồng (tính tới ngày 20/9). Cả cộng đồng chung tay đồng hành cùng ngành thủy sản là động lực mạnh mẽ, giúp người nuôi biển vượt qua khó khăn.

Sớm khôi phục lại nghề nuôi biển là nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt, cần triển khai nhanh chóng các gói hỗ trợ tài chính, khoanh nợ, giãn nợ và cung cấp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi để người dân có thể sớm tiếp cận nguồn vốn, vực dậy sau thiên tai.

Khi thiên tai bất thường đã trở thành chuyện bình thường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cần những kịch bản dài hạn để chủ động phòng, chống thiên tai bất thường trong tâm thế bình thường mới.

Theo khảo sát của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, các lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE thiệt hại không đáng kể, trong khi lồng tre, lồng gỗ bị mất trắng tới gần 90%. Thiệt hại không sao kể xiết.

Với nghề nuôi biển, việc đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ cao sẽ tránh được những thiệt hại đáng kể trước những cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên đang ngày càng khắc nghiệt hơn. Nhưng “cốt lõi vẫn là neo pháp chế để người nuôi gắn chặt với biển”, đó là phương thức quản lý tốt; đó là ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn mà những người nuôi biển phải thực hiện; và quan trọng nhất đó là phải sớm giao khu vực biển lâu dài cho bà con… Đây là những điều kiện căn bản để người dân có sơ sở đầu tư bài bản, với những công nghệ phù hợp nhằm giảm bớt những thách thức của biến đổi khí hậu.

Ý kiến của PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - rất đáng suy ngẫm: “Chúng ta thường hay chê trách bà con ở chỗ làm lồng bè quá đơn giản, quá thô sơ, quá thủ công nhưng cần nghĩ lại tại sao họ lại làm như thế, bởi nếu chỉ được giao biển 1 - 2 năm thì họ chỉ làm vậy thôi, vì hết thời hạn này họ biết kéo lồng bè đi đâu. Thế nên nếu được giao biển 20 - 30 năm, thậm chí 50 năm hoặc lâu hơn nữa, họ có thể xây dựng cả một thành phố nuôi trồng thủy sản trên biển”.

Sau những cơn bão, biển sẽ lại trong xanh và bình yên, nhưng để doanh nghiệp, bà con có thể tiếp tục vững tâm “tiến ra biển, làm giàu từ biển”, cần thắp lên ngọn lửa của niềm tin, biến những tổn thất hôm nay thành nền móng cho một "thành phố nuôi trồng thủy sản trên biển" trong tương lai không xa.