TS Lê Văn Vàng (ảnh), Trưởng Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ với NNVN, việc loại bỏ các loại thuốc BVTV độc hại ra khỏi danh mục là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông, việc xác định một loại thuốc BVTV nào đó độc hại hay không, có nên loại nó ra khỏi danh mục… cần có những nghiên cứu và đánh giá của các nhà quản lý và chuyên môn.
Để hạn chế tồn dư của thuốc BVTV trên nông sản và trong môi trường, công tác BVTV cần phải thực hiện theo hướng tổng hợp và bền vững, trong đó ưu tiên các biện pháp sinh học an toàn, việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.
Vì sao nông dân rất ít sử dụng thuốc BVTV sinh học, dù đã có nhiều khuyến cáo của cơ quan BVTV?
Đúng là nông dân vẫn chưa dùng nhiều. Điều này có thể do một số nguyên nhân: Chủng loại và khối lượng của thuốc BVTV sinh học ít hơn rất nhiều so với thuốc BVTV hóa học. Do chủng loại ít và đối tượng phòng trị hẹp, thuốc BVTV sinh học không đáp ứng được đầy đủ đối với nhiều chủng loại sâu bệnh hại cây trồng, dẫn đến nông dân buộc phải dùng thuốc BVTV hóa học.
Mặt khác do tập quán của nông dân thường muốn phòng trị dịch hại cây trồng nhanh với hiệu quả càng cao càng tốt. Trong khi đó, hiệu quả của thuốc BVTV sinh học thường chậm và thấp hơn so với thuốc BVTV hóa học.
Trong ngắn hạn, áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trị dịch hại cây trồng thường có chi phí cao hơn, do mức bị thiệt hại (cả về năng suất và giá trị cảm quan của sản phẩm) cao hơn so với thuốc áp dụng thuốc BVTV hóa học. Trong khi đó, giá nông sản SX có sử dụng thuốc BVTV sinh học và hóa học hiện tại không khác biệt nhau.
Vậy muốn thực hiện biện pháp BVTV an toàn cần phải làm gì?
Để thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp BVTV an toàn theo hướng sinh học cần tạo ra thị trường cho sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo hướng này. Cách khuyến khích tốt nhất là bằng lợi nhuận, khi người nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học thu được lợi nhuận cao (nông sản dễ bán với giá cao) thì sẽ khuyến khích họ sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Ở khía cạnh khác, SX nông nghiệp được đầu tư theo hướng tập trung, hình thành nên những vùng SX chuyên biệt với diện tích canh tác lớn, nông dân cần phải tính toán kỹ lưỡng chi phí phòng trừ dịch hại và chất lượng sản phẩm, sẽ thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp BVTV bền vững, sinh học và an toàn.
Song song đó, thuốc BVTV sinh học cần phải được phát triển đa dạng về chủng loại để có thể phòng trị nhiều loại dịch hại cây trồng và luân phiên trong sử dụng.
Ông có thời gian nghiên cứu thuốc BVTV sinh học và ứng dụng hiệu quả trên cây trồng. Theo ông, hiện nay thuốc BVTV sinh học có khả năng thay thế thuốc hóa học?
Ngay cả những nước phát triển như Mỹ, thuốc BVTV hóa học vẫn giữ vai trò chính trong phòng trừ dịch hại và thuốc BVTV sinh học vẫn còn chiếm một tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là ở số lượng chủng loại, so với thuốc BVTV hóa học.
Do số lượng chủng loại ít, thuốc BVTV sinh học chỉ có thể đáp ứng trên một số loại dịch hại cây trồng nhất định. Ngoài ra, để tránh sự kháng thuốc cần luân phiên sử dụng nhiều loại thuốc BVTV khác nhau, điều này càng làm giới hạn khả năng thay thế thuốc BVTV hóa học của thuốc BVTV sinh học.
Để thuốc BVTV sinh học có thể thay thế thuốc BVTV hóa học, ngay cả ở mức 50%, đòi hỏi phải nghiên cứu và phát triển thêm một thời gian dài nữa. Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực BVTV ở Bộ môn BVTV, Trường ĐH Cần Thơ tập trung theo hướng sinh học, bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường. Một số sản phẩm từ các công trình nghiên cứu của Bộ môn đã cho kết quả khá tốt.
Tuy nhiên, việc phổ biến bằng hình thức thương mại hóa các kết quả nghiên cứu đạt được thì vẫn còn hạn chế. Có một điều đáng mừng là bản thân thuốc BVTV hóa học, do sức ép của các biện pháp sinh học, cũng đã được phát triển theo hướng ngày càng an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Trong tiêu chuẩn canh tác theo GAP, thuốc BVTV hóa học vẫn được phép sử dụng.
Nếu so sánh đối chiếu SX nông nghiệp ở Nhật Bản hay một số nước tiên tiến, cách sử dụng thuốc BVTV ở nước ta có thể học hỏi, ứng dụng được gì?
Sự khác biệt trong cách sử dụng thuốc BVTV giữa Nhật Bản hay một số nước tiên tiến với Việt Nam vẫn nằm ở yếu tố thị trường và cách thức SX nhiều hơn là ở khía cạnh kỹ thuật.
Do thu nhập bình quân trên đầu người cao, chi phí cho lương thực, thực phẩm chỉ chiếm một tỷ lệ thấp, người dân sẵn sàng mua sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được canh tác theo hướng an toàn và thân thiện với môi trường với giá cao, nên khuyến khích người SX áp dụng các biện pháp BVTV theo hướng sinh học an toàn để phòng trừ dịch hại.
SX nông nghiệp ở các nước phát triển hầu hết theo kiểu trang trại với đầu ra là các siêu thị phân phối; giữa người tiêu dùng, người phân phối và người SX có sự ràng buộc rất chặt chẽ. Để bán được sản phẩm người SX bắt buộc phải canh tác theo quy trình được kiểm định nghiêm ngặt (như GAP), điều này làm cho ảnh hưởng tiêu cực của thuốc BVTV được giới hạn.
Gần đây theo xu hướng khuyến cáo giảm dùng thuốc BVTV hóa học, việc SX kinh doanh thuốc BVTV sinh học quảng cáo khá nhiều. Vậy làm sao để nông dân nhận biết, tin cậy sử dụng?
Đây là một tín hiệu tốt cho thấy khía cạnh sinh học đã có tác động lớn đến người sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, để các quảng cáo đúng thực chất với thông tin ghi trên sản phẩm, cơ quan chức năng cần có tiêu chí, biện pháp kiểm soát và chế tài chặt chẽ các chương trình quảng cáo về thuốc BVTV.
Xin cám ơn ông!