Trước khi V-League trở lại sau Tết Nguyên đán, Hà Tĩnh toàn thua cả hai trận. Tinh thần xuống rất thấp, đến độ HLV Phạm Minh Đức phải kêu gọi học trò giữ vững tinh thần. Điều đáng nói, đội bóng miền Trung vẫn giữ được sự chắc chắn ở hàng thủ - yếu tố giúp họ lọt vào top 8 mùa trước, và trụ hạng sớm.
Câu chuyện của thầy trò Phạm Minh Đức khởi sắc dần. 4 trận sau khi giải đấu được nối lại, Hà Tĩnh thắng một, hòa hai, thua một, và thoát khỏi vị trí cuối bảng. Thậm chí, nếu may mắn hơn, họ đã có 3 điểm tại Hàng Đẫy tối 29/3, nếu không sơ sảy phút cuối và bị Hà Nội gỡ hòa.
Sự bùng lên của Hà Tĩnh khiến cuộc đua trụ hạng, hay trước mắt là cuộc đua vào top 8 thêm căng thẳng. Đội đang xếp thứ sáu Bình Dương có 10 điểm, nhưng chỉ hơn đội xếp thứ 10 là SLNA đúng một trận thắng. Giai đoạn một V-League vẫn còn 7 vòng, và với khoảng cách mong manh như vậy, mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra.
Hà Tĩnh không phải trường hợp duy nhất muốn hoàn thành kế hoạch trụ hạng sớm. Bên cạnh họ còn Nam Định. Đội bóng thành Nam từng nhận nhiều ánh mắt nghi ngờ sau ba trận thua liên tiếp, nhưng giờ thầy trò HLV Văn Sỹ chễm chệ ở vị trí thứ bảy. Đó là điều mà các CĐV sân Thiên Trường không dám mơ, nếu nhìn vào những gì CLB quê hương hoạt động trên thị trường chuyển nhượng và việc lẹt đẹt trụ hạng suốt bao năm qua.
Một yếu tố nữa khiến người ta tin V-League giờ không còn đội yếu, đó là thể thức mùa này. Chỉ còn 6 đôi được an toàn sau giai đoạn một, và điều ấy khiến những đội giàu truyền thống cũng như có thực lực là SLNA, Sài Gòn hay TP.HCM sẽ sớm phải dứt mộng vô địch, nếu không cải thiện thành tích.
Việc ép sân và ghi nhiều bàn theo kiểu "ăn sống nuốt tươi" giống các mùa trước không còn. Ngay cả đội bóng đang bay cao trên ngôi đầu bảng - HAGL - cũng phải lựa thế tấn công. Đội bóng phố Núi không hề chơi tấn công dồn dập, mà chỉ dâng lên mỗi khi đối thủ sơ hở và tận dụng tốt các cơ hội tạo ra.
Không còn đội lót đường khiến lối chơi tập thể lên ngôi. Đơn cử như Quảng Ninh. Đội bóng vùng Mỏ vừa chia tay HLV Phan Thanh Hùng và nhiều công thần, trong đó có thủ môn kỳ cựu Huỳnh Tuấn Linh, nhưng đang chễm chệ ở vị trí nhì bảng với chỉ một điểm ít hơn HAGL. Lý do nằm ở bộ khung cũ, gồm những công thần lâu năm như Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, cộng thêm ngoại binh chất lượng Teofilo.
Mùa trước, các đội bắt đầu bứt tốc từ vòng 7. Đó là lúc Hà Nội bắt được nhịp, còn Viettel từ bỏ lối chơi tấn công ào ạt để đá chắc chắn rồi đăng quang vào cuối mùa. Câu chuyện cũ có thể lặp lại mùa này, khi hai đội bóng Thủ đô vẫn còn nguyên cơ hội vào top 6. Vấn đề chỉ còn là họ sẽ giải quyết những đội vốn bị coi là chiếu dưới như thế nào, để tránh rơi vào kịch bản như Hà Nội trước Hà Tĩnh hay Viettel trước Hải Phòng.