| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Thuận Hữu nhặt dọc đường những phút xao lòng

Thứ Bảy 05/04/2025 , 16:43 (GMT+7)

Nhà thơ Thuận Hữu ở tuổi 68, sau nhiều năm cống hiến ở lĩnh vực báo chí, vừa quay lại thi ca bằng tập thơ ‘Nhặt dọc đường’ ra mắt tại Hà Nội.

Nhà thơ Thuận Hữu có nhiều năm làm quản lý báo chí.

Nhà thơ Thuận Hữu có nhiều năm làm quản lý báo chí.

Nhà thơ Thuận Hữu có tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thuận, quê quán xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có nhiều năm làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều người đã quen với hình ảnh một Thuận Hữu lãnh đạo truyền thông, chứ ít ai để ý bóng dáng một Thuận Hữu đam mê thi ca.

Khi còn làm đại diện báo Nhân Dân tại Đà Nẵng, nhà thơ Thuận Hữu từng có tập thơ “Biển gọi” xuất bản năm 2000. Vốn là dân biển miền Trung, ông đưa nhiều ấn tượng làng chài vào thơ. Đọc thơ Thuận Hữu giai đoạn ấy, dễ dàng nhận diện một tâm hồn đa cảm và ngổn ngang.

Đó là nỗi nhớ dằng dặc: “Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió/ Bỏ cả vùng quê vật vã dưới nắng hè/ Trên cát bỏng mình anh đi như chạy/ Ở đâu rồi một bóng nón nghiêng che/ Ở đâu, ở đâu một mái tóc thề/ Như dòng sông chảy qua triền cát hạ”.

Đó là nỗi thương ngơ ngác: “Lạ quá thôi, anh vẫn cứ chờ/ Với dự cảm thế nào em cũng tới/ Như biết em không nghe mà anh vẫn gọi/ Gọi đỡ buồn để rồi lại buồn hơn

Đó là nỗi đau chia lìa: “Rồi đột ngột cha đi chẳng phiền ai chăm sóc/ Buổi sáng ấy nghe tin, con ngơ ngác bàng hoàng/ Mất mát đau thương lớn không gì bù đắp/ Con bỗng thành côi cút giữa thế gian/ Con tha thẩn thả hồn về biển/ Nước mắt rơi trên bình thản những con thuyền/ Và thoáng bóng cha đang vững tay chèo lái/ Đưa đời con đến bờ bến bình yên/ Hạt muối con ăn thắm vị mặn mồ hôi cha đó/ Cha và biển quên thân nuôi con lớn giữa đời/ Chiều nay biển dâng đầy nghìn đỉnh sóng/ Nở hoa trắng viếng Người bát ngát trùng khơi”.

Sau khi ra Hà Nội đảm nhận trọng trách quản lý báo chí, nhà thơ Thuận Hữu khuất dần sau nhà báo Thuận Hữu. Công chúng chủ yếu nhớ đến ông qua bài thơ “Những phút xao lòng” nhiều trắc ẩn: “Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng/ Khi gặp người yêu xưa, với những điều vợ mình không có được/ Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như nuối tiếc/ Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn/ Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn/ Và cảm thấy mình như người có lỗi/ Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói/ Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn”.

Nhà thơ Thuận Hữu ký tặng sách cho bạn đọc, sáng 5/4.

Nhà thơ Thuận Hữu ký tặng sách cho bạn đọc, sáng 5/4.

Bây giờ, ở tuổi 68, nhà thơ Thuận Hữu lại tái ngộ bạn đọc, với tập thơ “Nhặt dọc đường” ra mắt sáng 5/4. Ông thổ lộ: “Tập thơ này, đối với tôi, không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tinh thần mà còn là một phần máu thịt, là tài sản vô giá mà tôi trân trọng từng trang. Khoảnh khắc này, buổi sáng hôm nay, thực sự là một dấu mốc thiêng liêng trong suốt cuộc đời cầm bút của tôi. Trong tác phẩm, tôi đã cố gắng ghi lại một cách chân thật nhất những khát vọng, những cảm xúc đã từng trải qua trong cuộc đời mình. Có lẽ đó là khát vọng được sống một cuộc đời có ý nghĩa, được đóng góp dù chỉ là một phần nhỏ bé cho quê hương, cho đất nước”.

Nhà thơ Thuận Hữu đã “nhặt dọc đường” được những gì? Ông nhặt giây phút bùi ngùi “Anh lặng người khi gặp nhành hoa dại/ Giữa cỗi cằn vẫn tím đến rưng rưng”. Ông nhặt niềm riêng réo gọi “Những đêm khuya nằm nghe tiếng còi tàu/ Nỗi thèm khát ùa về như làm anh nghẹt thở/ Bao giờ anh nhổ neo ra đi như con tàu ấy nhỉ/ Đại dương bao la con sóng vỗ phương nào”. Ông nhặt kỷ niệm vắng xa “Chiều cuối năm con mái đầu bạc trắng/ Lặng lẽ ngồi bên nấm mộ mẹ xanh”.

Hành trình của một nhân vật thành đạt, đã cho nhà thơ Thuận Hữu nhiều trải nghiệm phong phú. Ông đã hồ hởi đặt chân nhiều nơi, ông đã rộn ràng bắt tay nhiều người. Và cảm xúc lắng lại trong ông những suy tư: “Tôi đã đi qua nhiều làng tre/ Qua những rừng dương nghe rì rào biển hát/ Qua những đồi thông xanh ngút tầm con mắt/ Thiên nhiên quanh tôi bao giờ cũng nhắc/ Cây cũng như người phải biết dựa vào nhau”.

Không có cao vọng với thi ca, cũng không đặt nặng sáng tạo ngôn từ, thơ Thuận Hữu kết nối những âu lo giản dị và những rung lắc mơ hồ: “Cũng một ngày kia/ Giữa sóng triều xô đẩy/ Những con ốc chết rồi ruột héo gan khô/ Và hoá thân thành những nấm mồ/ Không chịu cát vùi khoe mình trên mé bãi/ Những vỏ ốc chứa âm thanh trong đấy/ Gió đại dương đi qua ca hát suốt bốn mùa/ Những chuyện vui buồn dưới đáy biển sâu/ Được kể lại bằng những âm thanh kỳ diệu.../ Tuổi thơ không còn và tôi đã đi xa/ Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu/ Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa”.

Một minh họa của Đào Hải Phong trong tập thơ 'Nhặt dọc đường'.

Một minh họa của Đào Hải Phong trong tập thơ "Nhặt dọc đường".

Có được sự nghiệp như nhà thơ Thuận Hữu cũng là ước ao của bao người. Ông đã đắn đo kỹ lưỡng, ông đã chọn lựa khéo léo suốt cuộc đời cầm bút. Với tập thơ “Nhặt dọc đường” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, ông lại được bồi hồi: “Thời gian trôi đi, nhìn lại những gì mình đã viết, tôi càng trân trọng hơn những tình cảm chân thành mà bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến văn chương đã trao tặng. Những tình cảm ấy thực sự là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm cho tôi động lực để tiếp tục trên con đường văn chương đầy gian khó nhưng cũng vô cùng ý nghĩa này”.

Xem thêm
Sức sống làng chài sau một cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Sức sống làng chài khi một trận bão biển kinh hoàng, được đạo diễn Phương Điền mô tả thuyết phục qua bộ phim 'Mẹ biển' dài 45 tập, phát sóng trên sóng VTV1.

Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Liên hoan Diều nghệ thuật dịp 30/4

Liên hoan Diều nghệ thuật tại Bà Rịa - Vũng Tàu dịp 30/4-1/5 sẽ mang đến những màn trình diễn mãn nhãn, quảng bá văn hóa và thu hút du khách.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Bình luận mới nhất