Ở nước ta như thành Thăng Long - Hà Nội, 36 phố phường xưa chỉ thấy lấy tên nghề, tên các mặt hàng buôn bán đặt cho đường phố. Phố Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Gai...
Các khu phố kinh doanh buôn bán ngày nay vẫn có thể lấy tên nghề, tên hàng hóa theo cách đặt tên thời cha ông. Làm vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc mua và bán hàng hóa, đặc biệt với khách du lịch từ xa tới, và hiển nhiên nó đem lại nét đẹp riêng về bản sắc văn hóa tên phố phường.
Tất nhiên, đường phố mà gặp quá nhiều tên nghề, tên hàng hóa, hay tên bằng chữ số 1, 2, 3… tiện ích có thể cao, song về ý nghĩa tinh thần, tình cảm sẽ là sự mất mát đáng tiếc. Bởi vậy lấy tên các danh nhân vẫn giầu ý nghĩa nhất.
Việc lấy tên các danh nhân đặt cho đường phố, trường học (công viên, khu vui chơi, nhà hát, cây cầu, hồ nước…), không nên làm vội vã, ngẫu hứng, làm đại đi cho xong. Các cơ quan chính quyền tỉnh, thành khi thành lập Hội đồng đặt tên phố cần có sự tham gia của các nhà văn hóa, sử học và tham vấn ý kiến nhân dân nơi sở tại. Đây phải được xem là việc mang ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, trọng hiền tài của truyền thống dân tộc. Mỗi khi đặt chân trên một đường phố, dù là người trong nước hay khách du lịch nước ngoài ai cũng cần biết mình đang đi trên phố nào và đi đến đâu. Nếu như việc Đi và Đến ấy còn đem cho con người một nhận biết văn hóa, lịch sử thì quý biết bao.
Để dễ dàng hơn cho nhận biết tên tuổi danh nhân, điều kiện cụ thể cho phép thì tính con đường mang tên danh nhân đó sẽ đi qua những khu phố mà ở đó đã/hay sẽ có những công trình xây dựng nào? Ví như trên đường có các công sở, chính quyền thì lấy tên các danh nhân về chính trị, các anh hùng lập quốc, như Hùng Vương, Đinh Bộ Lĩnh, Quang Trung - Nguyễn Huệ...; khu vực có trường học, các điểm vui chơi sinh hoạt văn hóa lấy tên các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...
Đường có các cơ quan quân đội, công an thì lấy tên tuổi các danh tướng như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trương Công Định... Còn như đường đi qua các khu chung cư, làng nghề nên chăng gợi lại hồn cội nguồn cổ sử Tiên Rồng, lấy tên đường là Âu Lạc, Lạc Việt, Lạc Hồng, Hồng Bàng, Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Lạc Điền…
Thêm nữa, tên các trước tác, tên nhân vật mang tính huyền thoại bao đời được ngưỡng vọng, thờ phụng trong tâm thức nhân dân, như các danh tính, danh tác đã trở thành bất hủ và thơ mộng của nền văn hóa - nghệ thuật đất nước, thời trung cổ đại có: Đại Việt sử ký, Hoàng Lê nhất thống, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Vân đài loại ngữ, Lục Vân Tiên, Nhị độ mai, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính…; thời nay có: Số đỏ, Chí Phèo, Thiên thai, Suối mơ, Tiến quân ca, Nối vòng tay lớn, Một cõi đi về, Đêm đông, Tình ca, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến…; tên các nhân vật huyền sử đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng dân tộc, có: Tản Viên Sơn, Thánh Gióng, Tre Đằng Ngà, Mỵ Nương, Trương Chi, Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm…
Đặt tên như vậy không chỉ có ý nghĩa chính xác về mặt danh tính mà còn gợi nhắc tình cảm lịch sử. Những quận mới, khu phố mới mở rất thuận lợi cho việc quy hoạch công trình công cộng, nhà dân, rất thuận lợi cho việc đặt tên đường phố mới.
Xin hãy hình dung ở một thành phố khi ta đọc tên các con đường, khu phố mà gặp cả một hệ thống những danh thơm tình cổ sử dân tộc như vậy thì hiểu quả văn hóa sử đặc sắc ấy sẽ lưu lại trong lòng ta tình yêu mến biết bao!
Lại còn trường hợp lịch sử tên tuổi công trạng thì lớn nhưng tiểu sử cá nhân lại vướng mắc về quan niệm đạo lý, như trường hợp Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, các vị vua quan nhà Nguyễn... Trước các tên tuổi danh nhân này nếu còn e dè khi sử dụng tên họ riêng, sẽ là thích hợp khi sử dụng tên danh vị, tước hiệu do triều đại phong tặng người có công với nước, chẳng hạn sự dụng danh xưng tước vị Trần Thái Sư, Linh Từ Quốc Mẫu (ngoài thành phố Thái Bình, tới nay 2023, chưa thấy thành phố nào trên toàn quốc đặt tên đường cho hai danh nhân Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung), làm vậy không những đạt sự công bằng, mà tấm tình dân tộc thêm bội phần ngời sáng.
Cũng trong việc này, đường phố ở mỗi thành phố, thị xã các miền quê thì ngoài những tên tuổi các danh nhân tầm vóc dân tộc cũng nên chú trọng nhiều hơn đến các tên tuổi danh nhân trong phạm vi địa phương mình. Tránh tình trạng tên tuổi danh nhân người tỉnh A được mang tên đường ở tỉnh B, trong khi ở chính tỉnh A quê hương thì lại lãng quên danh tính ấy.
Trên mỗi con đường mang tên các danh nhân nên đặt tấm bia - được thiết kế có giá trị nghệ thuật, vị trí đặt hợp cảnh quan kiến trúc, và trên bia ghi tóm tắt tiểu sử, công trạng danh nhân bằng chữ Quốc ngữ và chữ phổ biến thế giới như tiếng Anh, Nhật, Trung, Pháp…
Làm vậy là ta đã làm việc Nhắc vở lịch sử hữu hiệu cho các lớp học sinh và khách du lịch. Biết được rõ về tên tuổi sự nghiệp của danh nhân trên con đường mà mình đang đặt chân lên, là một niềm vui giầu ý nghĩa văn hóa rất cần đạt tới.
Các thành phố ngày thêm mở rộng, vì vậy việc tìm tên tuổi các danh nhân đặt cho khu phố/đường phố dễ bị trùng lặp. Xu thế đặt tên phố tên đường cho những Thành phố Thông minh thời Công nghệ Thông tin đang nghiêng về số hóa, lấy chữ số 1, 2, 3… và gắn mã QR.
Chúng ta vẫn còn nguyên cả kho dự trữ tên rút ra từ các danh từ, tính từ chỉ về các sự kiện lịch sử, hoặc là các mỹ tự hay, cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Như tên các địa danh, danh thắng nổi tiếng của đất nước, có: Hạ Long, Sơn Đoòng, Trường Sa, Hoàng Sa, Trường Sơn, Đông Sơn, Ngọc Lũ, Sứ Bát Tràng, Gốm Chu Đậu…; hay các danh từ, mỹ tự: Hạnh phúc, Tương lai, Vinh quang, Tình yêu, Hò hẹn, An bình, An lạc, Công lý, Sự thật, Chân lý, Dân chủ, Tự do, Phồn vinh, Thịnh vượng, Mùa xuân, Mùa hè, Mùa thu, Mùa đông…; cùng với đường mang tên các loài cây/hoa khi hai bên đường trồng chính loài cây/hoa đó, như: đường Vàng Anh, Hoàng Yến, Lim, Sưa, Hoa Sữa, Bằng Lăng, Hoa Phượng…
Con đường mở ra để nâng bước chân người đi và về. Tên tuổi các danh nhân gọi lên để nâng đỡ, khích lệ tinh thần văn hóa, tình cảm yêu nước, yêu kính người có tài đức trong sử sách. Giá trị văn hóa - tâm linh, giá trị vật chất các con đường mang lại cho cuộc sống con người là không thể đo tính. Vì những yếu tố quan trọng vậy, việc đặt tên đường phố (trường học, nhà hát, công viên, khu vui chơi, cây cầu, hồ nước) chẳng phải là việc làm mang ý nghĩa lớn, rất cần phải suy xét lắm sao!