Tôi vừa có một bài báo nhỏ nhắc về cái cây sung cổ thụ hơn trăm năm từng nằm ở một con đường rất đẹp ở thành phố Pleiku khi Pleiku đang còn là thị xã. Cách đây khoảng trên dưới ba chục năm nó bị chặt đi để... mở đường. Liên hệ với một vài cây cổ thụ trên đường Hồ Chí Minh sau này, khi mở đường người ta đã lượn qua để tránh nó, như cái cây đa khổng lồ ở xã Diên Bình, Đắc Tô, Kon Tum, con đường Hồ Chí Minh khi qua đấy đã lượn để tránh cây đa, giữ cho vùng ấy một ký ức cây và một hiện tại xanh. Báo ra có vài ý kiến rằng, không thể áp đặt tư duy hôm nay vào thời ấy, và muốn phát triển thì phải... hy sinh.
Thì quả có thế, có điều, những cái gọi là “hy sinh” của chúng ta hôm nay nhiều quá.
Khi tôi lên Pleiku nhận công tác vào năm 1981, rừng còn bao quanh thị xã. Tôi được các bậc trưởng lão nhiều kinh nghiệm gọi lên căn dặn đủ điều, mà đại loại là chiều tối không được ra phía ngoại ô, phía ấy rừng um tùm, nguy hiểm vì Fulro ẩn nấp trong ấy. Dưới mắt các bác ấy tôi vẫn là cậu sinh viên mới tốt nghiệp nghệch ngạc chỉ quen đường nhựa. Thi thoảng lên Kon Tum, khi ấy chưa chia tỉnh, về khuya, thỏ rừng đóng đèn pha ô tô đứng im giữa đường chờ anh lái xe... xuống bắt.
Và có cả một buổi chiều muộn, tôi đi công tác cùng xe với chị Bình - Chủ tịch huyện Chư Prông, cách Pleiku chừng 40 cây số, thì gặp hổ, con hổ rừng đầu tiên tôi thấy trong đời. Chiều vàng, cỏ tranh, đất đỏ bazan và con hổ vằn vện nhưng rất mềm mại lướt qua đường như... cổ tích.
Tây Nguyên, không thể khác, phải gắn với rừng. Càng ngày người ta càng thấy sự quan trọng của rừng Tây Nguyên, không chỉ với Tây Nguyên, mà cả với đồng bằng ven biển miền Trung. Mà không chỉ thế, mới đây một anh bạn tôi, chuyên gia về nông nghiệp, nói rằng không chỉ liên quan tới vùng đồng bằng ven biển miền Trung mà cả miền Tây nữa. Bởi rừng nó không chỉ là lâm thổ sản, là môi trường khí hậu, nó còn là như cái thùng tố nô vĩ đại điều tiết nước cho đồng bằng. Giờ hết rừng, nước thông thống chảy, chả cứ miền Trung lụt, mà cả miền Tây cũng bị ảnh hưởng.
Trưa nay, khi tôi đang ngồi viết bài này ở ngay nhà tôi, trung tâm thành phố Pleiku, thì bỗng rung lắc khá mạnh. Đầu tiên lại tưởng xe tải nặng chạy, nhưng lát sau thì biết ngay, động đất. Trước đấy tỉnh Kon Tum bị liên tục hàng chục cơn động đất. Dân mạng hài hước chế đùa là do đất Tây Nguyên đang bị “thổi giá” ghê quá nên động đất. Mà quả là, Tây Nguyên đang bị xáo trộn ghê gớm vì đất. Không chỉ xáo trộn đời sống tiền nong, mà xáo trộn cả tâm hồn con người, nó biến con người như những cỗ máy mộng du, chỉ thấy đất đất và đất.
Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum... đều phập phồng mất ngủ vì đất. Mất ngủ thật vì anh bạn tôi 2 giờ sáng đã dậy đi xếp hàng ở “một cửa” để làm giấy tờ đất. Nhưng cái đấy là một khía cạnh. Khía cạnh khác, là một số nhà khoa học lên tiếng, ấy là ảnh hưởng của các hồ chứa nước thủy điện gây nên rung chấn động đất. Đầu tiên là sông Tranh (Quảng Nam) giờ tới Kon Tum, rồi Gia Lai.
Tất nhiên có một sự mâu thuẫn rất lớn giữa bảo tồn và phát triển, bao giờ và ở đâu cũng thế. Tây Nguyên vốn dĩ là rừng, con người sống chan hòa thân thiện với rừng. Người và rừng vỗ về bảo bọc nhau, đời này đời khác làm nên một văn hóa rừng, văn hóa làng rừng, văn hóa Tây Nguyên.
Rồi phát triển. Rừng phải hy sinh cho nhiều mục đích. Đầu tiên là chống đói. Rừng bị phá để... trồng sắn. Cái công cuộc trồng sắn một thời cũng rất nhiêu khê. Tỉnh Gia Lai đi mua hom sắn từ tỉnh khác, rồi về phân xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống làng. Khi đi mua hom cũng thế, tỉnh bạn làm gì có, cũng phải thu mua từ hộ lên dần. Đến khi cắm được hom sắn xuống thì cũng cả tuần tới mươi ngày, hom sắn kịp khô hoặc mất sức hết. Tôi học đại học ở Huế, ăn sắn tới cứng dạ dày.
Năm 1981 lên Tây Nguyên, nghĩ sẽ thoát kiếp sắn, ai ngờ còn... đói hơn, ăn sắn nhiều hơn. Rồi sau này khi hết đói (bỏ ngăn sông cấm chợ và bỏ luôn hợp tác xã là hết đói) thì rừng lại phải hy sinh vào những việc khác, vĩ đại hơn, hợp lý hơn, là phát triển. Thế nhưng có vẻ như số diện tích rừng tham gia vào phát triển cũng tương đương với rừng chui vào nhà riêng và các công sở.
Mà rừng thì làm nên văn hóa Tây Nguyên.
Phong tục tập quán, lối sống, từ sống tới chết, các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa người với thiên nhiên vân vân đều có mối tương hỗ và quan hệ khắng khít...
Giờ rừng hết, văn hóa Tây Nguyên trở nên... bơ vơ.
Tôi là người luôn xa xót vì sự biến mất hay thay đổi tiêu cực. Tất nhiên, bao giờ cũng thế, sự phát triển luôn tỉ lệ nghịch với văn hóa. Ngay giữa văn minh và văn hóa cũng đã có sự đối nghịch rồi. Chúng ta đang sống giữa thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ, của văn minh, ông Nguyên Ngọc nói Văn hóa là cái phanh là vô cũng chính xác. Và cái phanh thì bao giờ cũng ngược chiều với tốc độ. Vấn đề là, có những cái mất đi do quy luật phát triển, nhưng cũng có nhiều cái mất đi là do con người. Điều này mới đau xót.
Ở Tây Nguyên, văn hóa truyền thống đang bị biến dạng đau đớn, những lai căng kệch cỡm đang chiếm chỗ của những nền nã nhân văn của bản sắc…
Nguy hiểm nhất là bây giờ lễ hội đang biến thành chỗ… kinh doanh. Ngày xưa lễ hội là do nhân dân tự làm, giờ lễ hội nếu không phải nhà nước làm thì cũng do một tổ hợp nào đó kinh doanh, và người ta làm lễ hội bằng ý chí, bằng sự hiểu biết nông cạn.
Ví dụ ở Tây Nguyên, làm gì có lễ hội cồng chiêng hay lễ hội đâm trâu. Cồng chiêng, ăn trâu… chỉ là một thành tố của lễ hội thôi, nhưng giờ người ta bóc tách nó ra thành “lễ hội” riêng, rồi vác lên phố tổ chức, cũng xanh đỏ tím vàng rồi sân khấu rồi giám khảo rồi diễn viên rồi khán giả… Lễ hội khi bị bóc ra khỏi môi trường của nó, nó chỉ còn là văn nghệ quần chúng mà thôi. Trong lễ hội truyền thống không có diễn viên không có khán giả, mà ai cũng là một phần của lễ hội…
May nhất là năm nay, ngay những ngày tháng 4 này, tỉnh Gia Lai đang tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Gia Lai lần thứ nhất”, cái khác nhất và được nhất của liên hoan này là giao toàn bộ cho bà con tự làm như chính đời sống thường ngày của họ, nhà nước đứng ngoài, không thi thố, không sân khấu, không đạo diễn... họ chơi chiêng, uống rượu, đan lát, làm tượng... như họ vẫn làm hàng ngày ở nhà.
Thực ra thì Gia Lai đã tổ chức nhiều cuộc rồi, nhưng lấy cuộc này là “lần thứ nhất” chắc là để đoạn tuyệt những cách làm cũ, mang chiêng, trống, xoang (múa) lên sân khấu xanh đỏ tím vàng loằng ngoằng dây dợ rồi một ban giám khảo ngồi dưới giương mục kỉnh gật gù chấm điểm.
Nhưng nhận thức không phải lúc nào cũng... dài như sự phát hiện ra sai lầm. Người ta đã từng tung hô thủy điện như một cách đột phá để phát triển kinh tế, giảm tới nhỏ nhất khả năng ô nhiễm môi trường so với nhiệt điện. Giờ mới phát hiện ra, không phải thế. Nó cũng phá rừng ghê gớm. Nó cũng gây ô nhiễm ghê gớm, và giờ, nhãn tiền, những hồ chứa nước khổng lồ treo cao cách mặt nước biển hàng ngàn mét là những quả bom nước lơ lửng trên đầu con người. Chưa kể là những dư chấn động đất mà trước đấy là ở sông Tranh, và giờ ở Konplong đang gây hoang mang dư luận, mà trong nhiều nguyên nhân, người ta nói có nguyên nhân từ những hồ chứa nước thủy điện. Rồi những con đập khổng lồ vân vân...
Cách đây hơn ba chục năm, khi người ta mở rộng thành phố Pleiku, một thành phố đặc trưng Tây Nguyên với dốc (toàn bộ thành phố được xây dựng trên mấy ngọn đồi, và tất nhiên kèm theo đấy là thung lũng. Đồi và thung lũng được hình thành nên từ hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ), với thông, với sương mù vân vân, người ta đã triệt hạ gần như toàn bộ những cây thông cổ thụ, vốn là đặc trưng rất lớn của Pleiku, tôi đã làm bài thơ “Gửi những cây thông thời quá khứ” và nó cũng đã làm tôi lên bờ xuống ruộng thời ấy. Cũng sau đấy, có lẽ để... chuộc lỗi, người ta lại làm mấy cái nhà rông khổng lồ trên phố, coi như một cách bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Rồi vì kệch cỡm quá, người ta lại phá nó đi...
Tôi thì, cứ mong một Tây Nguyên hồn nhiên như nó vốn có. Chúng ta tôn trọng Tây Nguyên bằng cách để nó phát triển thuận tự nhiên. Các quy hoạch phải dựa vào hiện trạng. Các chính sách phải hợp với tập tục và truyền thống. Cái cách mà tỉnh Gia Lai đang tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số Gia Lai” ở Pleiku là một cách tiệm cận giá trị nguyên bản của văn hóa, dẫu tổ chức trên phố chứ không phải làng. Nhưng thôi, biến một khúc phố thành không gian làng, ở đấy, các nghệ nhân sống đời sống của họ, mọi người đến, nhập vào, cùng là chủ thể của những gì tinh túy nhất của làng, của Tây Nguyên...
Tây Nguyên đang có những biến đổi rất dữ dội. Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, tôi chỉ là người sáng tác văn chương và viết báo, tôi cảm nhận Văn hóa Tây Nguyên theo cảm xúc. Tôi nhìn Tây Nguyên bằng con mắt của người từng gắn với nó hơn nửa đời người, và tôi mong, Tây Nguyên vẫn sẽ hồn nhiên như những gì vốn có, dẫu sự hồn nhiên bây giờ hết sức khó khăn, như người ta từng hồn nhiên biến năm mươi ngàn héc-ta “rừng nghèo” thành “rừng không nghèo” dạo nào?