Sự việc “giẫm chân lên nhau” giữa một bên giữ đê và một bên cải tạo luồng lạch của ngành giao thông tại tỉnh Hưng Yên diễn ra không lâu ngay sau cuộc họp mới đây về công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Tại cuộc họp này, các cơ quan chức năng cho biết hiện có khá nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát được cơ quan chức năng cấp phép triển khai.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai hoạt động nạo vét, các đơn vị được cấp phép có dấu hiệu lợi dụng giấy phép để tổ chức khai thác cát ngoài khu vực, thực hiện không đúng đề án nạo vét đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, gây sạt lở, xâm thực, đe dọa an toàn đê sông, đê biển…
Ở phía Bắc, các tuyến sông trọng điểm có khối lượng khai thác lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Kinh Thầy, sông Lai Vu… diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép với hàng trăm phương tiện bơm hút hoạt động ngày đêm, hầu hết số phương tiện này không có đăng ký, đăng kiểm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gay gắt nêu cát tặc là một loại tội phạm mới cần xử lý. Tình hình vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí dùng cả xã hội đen để đe dọa lực lượng chức năng.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an cần tổ chức cao điểm đấu tranh với các vi phạm, điều tra xử lý nghiêm các băng nhóm hoạt động, các đối tượng cầm đầu bảo kê…
Trong khi đó theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT), tính từ đầu năm đến ngày 20/9/2015, cả nước xảy ra gần 1.000 vụ vi phạm về đê điều, nhiều nhất phải kể tới các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình…, tuy nhiên mới chỉ có gần 300 vụ vi phạm được xử lí.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra tới gần 260 vụ vi phạm về đê điều, trong đó chỉ có 25 vụ được xử lí, còn lại tới 233 vụ còn tồn đọng. Hải Dương cũng là tỉnh có tới gần 190 vụ vi phạm chỉ từ đầu năm đến nay.
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nhiều địa phương vẫn rất thiếu kiên quyết trong xử lí vi phạm về đê điều, số lượng vụ vi phạm tồn đọng còn rất lớn, trong đó phải kể tới các hành vi nghiêm trọng, phổ biến như khai thác cát sỏi, xây dựng nhà kiên cố trên thân đê, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê.
Các tỉnh “dẫn đầu” danh sách này phải kể tới Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…