| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 27/04/2016 , 07:01 (GMT+7)

07:01 - 27/04/2016

Vì sao cá chết?

Tôi sợ nếu ngày nào đó không chỉ họ hàng, bạn bè, những người dân quê tôi mà còn ở những nơi khác, mỗi sáng mai thay vì dong thuyền ra phía biển, thì phải quay lưng về phía biển để mưu sinh.

Tôi dân Hà Tĩnh, nhà nội tôi ở trước bến thuyền. Một mùa hè gần 30 năm trước, khi tôi tốt nghiệp phổ thông, bác tôi bảo ông anh con bác dẫn tôi đi biển theo tàu đánh cá.

Ông bảo tôi dù con có đi đâu, làm gì, nhưng con trai xứ biển thì phải biết con cá quê mình nó được bắt như thế nào. Một ngày đêm lênh đênh trên vịnh Bắc Bộ, tôi trở về với một gánh cá được chia phần như những ngư phủ khác, dù tôi chẳng làm được gì suốt một ngày đêm ấy. Bác nhìn tôi và cười, có lẽ, tôi đã được lão ngư này cấp giấy chứng nhận là con trai xứ biển.

Tuổi thơ tôi đã trải qua những ngày nhìn các mẹ các chị ra biển đón thuyền và gánh cá về, rồi nướng lên và mang đi khắp tỉnh bán. Ban mai, ở bãi cát nơi bến thuyền có những đụn khói xanh khi người ta đốt lá phi lao hun thuyền. Thuyền nhỏ đi lộng, thuyền lớn đi khơi, đôi khi ngược ra cửa Hội, xuống cửa Rào, vào Quảng Bình hay ra Thanh Hóa và xa hơn nữa. Vui buồn của người quê, chuyện học hành, cưới hỏi, xây nhà dựng cửa đều trông chờ vào con tôm con cá.

Và những ngày này, con cá quê tôi đang phơi bụng và dạt vào chết đống ở ven bờ, cá chết ở Hà Tĩnh, cá chết tận Quảng Bình, Quảng Trị. Báo chí lên tiếng, quan chức lúng túng, bà nội trợ sợ mua phải cá chết do nhiễm độc, một quan chức thì bảo cứ ăn đi không sao đâu. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài thì nói không có chuyện làm công nghiệp gang thép mà không ảnh hưởng môi trường, “hãy chọn đi, nhà máy thép hay là tôm cá!”

Dân quê tôi chắc chắn không có quyền chọn lựa, họ cũng không được biết là chính quyền- người đại diện cho họ và nhà đầu tư đã có những cam kết gì với nhau. Họ chỉ biết biển hôm nay cá chết trắng bờ và ngày mai, liệu có bao nhiêu chiếc tàu phải nằm phơi trên bến với món nợ ngân hàng và bầy con đang tuổi lớn? Dù công bằng mà nói, họ cũng biết tỉnh nhà đã khang trang hơn. Năm 2009 Hà Tĩnh vừa gia nhập Câu lạc bộ 1.000 tỷ thì chỉ 5 năm sau, thu ngân sách của tỉnh này đã là 12.000 tỷ đồng. Cái nhà máy mà đại diện của nó vừa bảo “hãy chọn đi” ấy đã nộp ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỷ thuế nội địa lẫn thuế hải quan góp phần cho Hà Tĩnh trở thành một trong 20 địa phương có số thu ngân sách cao nhất nước. Cá đã chết và ngư dân điêu đứng, dư luận bàng hoàng, nhưng tôi tự hỏi rằng đó có phải là điều có thể nhìn thấy trước.

Nhiều địa phương cũng từng từ chối những dự án tương tự. Năm 2008 dự án nhà máy thép của Posco tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư khoảng 11,5 tỷ USD (là dự án lớn nhất về sản xuất thép được đầu tư tại Việt Nam lúc bấy giờ) đã bị từ chối với lý do có thể phá vỡ quy hoạch tổng thể và ảnh hưởng môi trường. Gần hơn, vào năm 2011, Đà Nẵng từ chối hai dự án nhà máy thép và nhà máy sản xuất bột giấy với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD vì lo ô nhiễm. Nước thải sản xuất đổ ra biển, cho dù đáp ứng các tiêu chuẩn quy định thì cũng vẫn ảnh hưởng đến môi trường, đó chính là điều mà ông giám đốc đối ngoại của Formosa khẳng định. Và nếu trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải, các biện pháp giám sát lỏng lẻo, hậu quả có thể khôn lường.

Dù sao, chắc chắn phải tìm ra nguyên nhân cá chết. Nhưng tìm ra rồi sao nữa, nếu cá chết vì biển bị nhiễm độc? Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho việc này? Ai sẽ cam kết và chịu trách nhiệm nếu cá sẽ tiếp tục chết do biển tiếp tục ô nhiễm? Những câu hỏi hôm nay lẽ ra phải được đặt ra từ trước và đặt cao hơn bài toán phát triển kinh tế hay thu ngân sách. Nhà máy đã xây xong có được hoạt động nếu vẫn đáp ứng các yêu cầu về chỉ số ô nhiễm qua các đợt kiểm tra nhưng cá vẫn chết và ngư dân gác mái phơi thuyền? Nếu khi làm chính sách, khi phê duyệt đầu tư, người ta không nhìn ra biển thì thật  đáng sợ.

Tôi sợ nếu ngày nào đó không chỉ họ hàng, bạn bè, những người dân quê tôi mà còn ở những nơi khác, mỗi sáng mai thay vì dong thuyền ra phía biển, thì phải quay lưng về phía biển để mưu sinh.