| Hotline: 0983.970.780

Vì sao 'khoáng tặc' hoành hành tại Nghệ An?

Thứ Tư 03/06/2020 , 08:29 (GMT+7)

Người dân địa phương bức bối, không hiểu vì sao đồi núi giữa làng quê đang yên lành bỗng dưng bị "khoáng tặc” đào múc suốt ngày đêm.

PC 03 lập biên bản tại hiện trường vụ khai thác khoáng sản ở xã Bài Sơn.

PC 03 lập biên bản tại hiện trường vụ khai thác khoáng sản ở xã Bài Sơn.

Bắt 17 xe tải, ba máy xúc, 7.000 tấn khoáng sản

Thiếu tá Nguyễn Đăng Long (cán bộ đội 1, PC03) cho hay, sau khi xác minh nguồn tin “khoáng tặc” lợi dụng hai ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khai thác ồ ạt mỏ đất ở xóm 2, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, PC 03 đã cử hai mũi trinh sát lên đường.

Các trinh sát “vào vai” người dân để bám sát hiện trường. Mũi số 1, xác minh địa điểm mỏ đất và đối tượng khai thác. Mũi số 2, quay Camera ghi hình những hành vi vi phạm của "khoáng tặc”.

Mờ sáng ngày 30/4, các trinh sát rời ô tô từ quốc lộ 7, dùng xe máy đèo nhau tiếp cận địa bàn. Do biết, "khoáng tặc” cài cắm người cảnh giới nên trinh sát đi vòng phía chân dãy lèn Bài Sơn rồi nhằm hướng vượt qua một ngọn núi đá.

Vùng đồi núi tiếp theo chỉ thấy nhà dân thưa thớt nhưng trinh sát vẫn đề phòng đối tượng cảnh giới. Rất may, tất cả khu vực phía sau mỏ đất là những trang trại cây keo lá tràm vắng lặng. Trinh sát vừa mai phục vừa tiếp cận khiến "khoáng tặc” không thể biết.

Một góc hiện trường vụ khoáng 'tặc' khai thác trái phép tại xã Nghĩa An.

Một góc hiện trường vụ khoáng “tặc” khai thác trái phép tại xã Nghĩa An.

Ngày 1/5, PC 03 huy động thêm 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp Công an huyện Đô Lương tiếp cận hai mũi trinh sát.

Lúc này, ba máy xúc đang liên tục “ngoạm” đất đổ lên thùng 5 xe tải của tài xế Nguyễn Cảnh Ngọc, Vũ Đình Duệ, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Bá Hiền.

12 xe tải khác đang chờ đổ đất quanh mỏ đất phơi màu đỏ chói dưới nắng gắt. Xe đầy đất qua máy cân rất nhanh rồi rời đi. Lúc 15g30 cùng ngày, khi "khoáng tặc” dồn sức khai thác ào ạt thì lực lượng công an tổ chức vây bắt.

Tại hiện trưởng, công an thu giữ 17 xe tải, 3 máy xúc. Các xe tải mang nhiều biển kiểm soát thuộc nhiều tỉnh khác nhau ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Kiểm tra phiếu cân từ ngày 30/4 đến chiều 1/5, "khoáng tặc” đã khai thác 7.000 tấn. Các tài xế khai, số đất này được tập kết tại nhà máy xi măng Sông Lam (trên địa bàn xã Bài Sơn), cách 5 km.

Theo thiếu tá Long, số đất này được chủ mỏ bán quan một trung gian trước khi trung gian này bán cho nhà máy xi măng Sông Lam.

6.300 tấn khoáng sản đang bị giữ tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

6.300 tấn khoáng sản đang bị giữ tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai.

Thượng tá Phạm Anh Tuấn, trưởng phòng PC03 cho biết thêm, chủ mỏ tên là Ngọc (người địa phương) đứng ra thuê "khoáng tặc” khai thác. Kết quả giám định ban đầu cho biết 7.000 tấn đất nêu trên là đất giàu khoáng sản sắt. Hiện PC 03 đang giám định lần hai để có thể định giá làm căn cứ xử lí vụ án.

Vấn nạn cũ

Trước đó, ngày 27/12/2019, PC 05 cử đội 2 (nay chuyển thành đội 1), chia ba mũi tiếp cận một hiện trường khác ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn.

Mũi số 1 tiếp cận khu đồi đang bị "khoáng tặc” múc đất. Khu đồi này nằm phía sau xóm Đồng Tang, xã Nghĩa An.

Một cán bộ PC 05 cho biết, mũi này có nhiệm vụ mai phục để xác định đối tượng. Trong lúc đó, mũi 2 quay camera, thu thập hình ảnh. Mũi 3, khi dùng ô tô, khi xe máy bám theo từng chuyến xe đến điểm tập kết “hàng”. Tất cả cảnh sát cũng đều “vào vai” dân thường.

Đối tượng của mũi 1 lần lượt xuất hiện với một máy xúc bánh xích Komatsu PC450 (máy cỡ lớn, công suất 240 kW). Máy xúc này một lần dùng hai gàu múc.

Chỉ cần 4-5 lần múc là đổ đầy một xe “hổ vồ” khoảng 30 tấn. Sau máy xúc là 10 chiếc xe tải “hổ vồ” lần lượt thay nhau bịt bạt, chở đất rời mỏ.

"Khoáng tặc” hoạt động liên tục 24/24. Do khu đồi bị khai thác nằm cách nhà dân chưa đầy 500 m, khiến người dân không dấu được bức xúc.

Ông Đ. nói vẻ giận dữ: “Làng tan hoang vì đồi núi đang yên lành nay bị đào bới không thương tiếc. Làng vừa mất đất vừa hứng chịu ô nhiễm mù mịt do xe tải chạy tung bụi đường. Đường làng nhỏ nên giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn khi 15 xe liên tục thay nhau vào-ra mỗi ngày. Dân chịu không nổi”.

Cũng mật phục trong tình cảnh và môi trường đó, một tuần sau “lính” tranh sát mũi số 2 đã quay được một số hình ảnh khai thác chứng minh cho hành vi vi phạm.

Tại đây, trinh sát còn tiếp cận một trung niên tên Toản, thường xuyên đứng đầu cửa mỏ để cảnh giới, ghi sổ, kiểm soát xe chở đất. Chính người này đã lớn tiếng khi phát hiện trinh sát môi trường đang bám theo vụ việc. Ông ta từng “đe”: “Bắt bữa ni thì mai có người thả”.

Mũi số 3 bám theo xe chở khoáng sản lậu tập kết tại xóm 2, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (gần nhà máy xi măng Hoàng Mai), cách mỏ đất 40 km. Mũi này cũng đã xác định bước đầu loại đất bị khai thác có phải khoáng sản hay không. Tại bãi này cũng có một người luôn cầm cuốn sổ để ghi chép số xe vào đổ đất.

Từ kết quả này, lúc 16g 30 ngày 27/12/2019, cả ba mũi đồng loạt xuất diện. Mũi số 1, bắt quả tang một máy xúc, hai xe “hồ vồ” mang biển kiếm soát tại Nghệ An và Thanh Hoá đang múc đất.

Tối hôm đó khi các trinh sát đang gác thì hai tài xế xe tải chống đối, đòi lái xe bỏ chạy. Bị trinh sát không chế, họ loay hoay tìm cách đổ đất ra khỏi xe nhưng đều bị ngăn lại.

Cùng ngày, mũi số 3 báo tin, tổng cọng số đất tập kết tại xóm 2, xã Quỳnh Vinh khoảng 6.300 tấn. Hồ sơ vụ án được chuyển đến Văn phòng cơ quan CSĐT (PC01) Công an Nghệ An để mở rộng điều tra.

Theo PC 01, cơ quan này đã có kết quả giám định số khoáng sản bị khai thác trái phép tại xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn là loại đất giàu chất sắt.

Hiện toàn bộ khối lượng khoáng sản này đang được tạm giữ tại địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai. Vụ án đã được PC 01 khởi tố ngày 27/2 về tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Khởi tố bị can Trần Văn Hạnh (42 tuổi), trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn. Bị can Khánh là chủ đồi đất bị khai thác (bị can Hạnh từng bị Công an huyện Nghĩa Đàn phạt hành chính về hành vi khai thác trái phép khoáng sản).

“Chưa ai được cấp phép khai thác tại khu vực xảy vụ án”

“Khi mỏ đất tại xã Nghĩa An yên lành trở lại, nhiều người dân vui mừng. Có người còn mang cả gà, vịt tặng các trinh sát”, một trinh sát kể lại.

Trong khi đó, tại UBNS xã Nghĩa An, PC 05 nêu câu hỏi: “Vì sao UBND xã chỉ cách mỏ đất khoảng 5 km nhưng lại để khoáng “tặc” khai thác bừa bãi khoáng sản”.

Bí thư, Chủ tịch xã này đều nói: “Dân đã kêu, HĐND đã họp, UBND xã đã xử lí “đầu nậu” Trần Văn Hạnh, 10 triệu đồng”. PC 05 hỏi tiếp: “Vậy nhưng sau khi phạt mỏ đất vẫn bị khai thác trái phép”. Lãnh đạo xã im lặng.

Tại UBND xã Bài Sơn, trả lời câu hỏi của PC 03: “UBND xã biết hay không vụ mỏ đất tại xóm 2 bị khai thác ồ ạt trong hai ngày lễ”.

Ông Thái Doãn Hồng, Phó chủ tịch xã, nói tránh đi: “Xã chưa tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản của bất kì một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”.

Còn ông Đậu Văn Chinh, Phó trưởng phòng Tài nguyên huyện này, nói: “Chưa ai được cấp phép khai thác tại khu vực vụ án xảy ra. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản chỉ đạo kiểm soát việc khai thác khoáng sản trái phép toàn huyện. Giao trách nhiệm cho UBND các xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy vi phạm”.

Vấn nạn khoáng “tặc” khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh. Người dân tại xóm 1, xóm 2 Phúc Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc kêu than và gửi cả Clip ghi cảnh máy xúc, xe chở đất cách UBND xã chưa đầy 1 km cho phóng viên. Đặc biệt vụ khoáng “tặc” hoành hành suốt ngày đêm tại khu vực xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn.

Đội 3 (này chuyển thành đội 2) của PC 05 kì công mai phục, phát hiện 42 xe hổ vồ vận chuyển hàng ngàn tấn đất quặng nhưng sau đó, vụ án bị bỏ dở vì “chưa chứng minh” được. Riêng vụ việc “bỗng dưng bị bỏ dở” đang gây dư luận.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.