Tình hình lây nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh trở lại ở một số địa phương trên cả nước. Một thực tế đáng băn khoăn hơn là nhiều nơi vẫn chưa thể đạt tỷ lệ 100% người dân được tiêm vacxin mũi 1. Trong khi đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn bị dương tính với virus corona, thậm chí đã có trường hợp tử vong. Vậy, phải hiểu sao cho đúng về giá trị vacxin để yên tâm thích ứng bình thường mới?
Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 15 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long cho biết việc dự báo về Covid-19, hết sức khó khăn. Các nước cũng chưa có dự báo dài hạn, và Tổ chức Y tế thế giới -WHO cũng chỉ mới đưa ra nhận định đến hết năm 2022 chưa hết dịch và chưa thể khẳng định. Mức độ phức tạp của đại dịch chưa có tiền lệ, nên vấn đề quan ngại hiện nay là Covid-19 quay trở lại các địa phương.
Dự báo từ đây đến cuối năm tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường. Do các địa phương được chuyển sang sống thích ứng linh hoạt theo Nghị định 128 của Chính phủ nên ít nhiều xuất hiện tâm lý chủ quan, người dân không tuân thủ 5K. Ngoài ra thời tiết trở lạnh mùa đông hoặc dịp tết đến có hoạt động cộng đồng cũng sẽ là yếu tố tăng nguy cơ lây lan.
Tư lệnh ngành y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho người dân từ thành thị đến nông thôn. Thế nhưng, vài ngày gần đây, đã có trường hợp tiêm đủ 2 mũi vacxin vẫn mắc bệnh nặng và tử vong.
Vì sao như vậy? Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định vacxin Covid-19 giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng, nhưng với biến chủng Delta, dù người tiêm đủ 2 mũi vacxin vẫn có thể nhiễm bệnh. Khi so sánh ở nhóm bệnh nhân Covid-19 đã tiêm đủ liều vacxin và chưa tiêm vacxin, thì rõ ràng nhóm đã tiêm vacxin cho tỷ lệ nhiễm thấp hơn và tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt.
Thông thường, trường hợp tử vong do Covid-19 rơi vào nhóm có bệnh nền, cao tuổi. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng, không loại trừ người trẻ tuổi, dù tiêm đủ vacxin, có thể mắc bệnh nặng và tử vong. Các trường hợp này thuộc nhóm có cơ địa đặc biệt, gây cơn bão Cytokine. Có những người diễn biến rất nặng, dù chạy ECMO cũng không cứu được. Không nên cho rằng tiêm vacxin thì sẽ miễn nhiễm với Covid-19 và an toàn tuyệt đối, bởi vẫn có tỷ lệ nhỏ nhiễm bệnh.
Chỉ có thể xác tín, khi tiêm đủ liều vacxin phòng Covid-19, nguy cơ nhiễm bệnh, bệnh diễn biến nặng và tử vong đều giảm. Khảo sát cắt ngang thể hiện mối tương quan giữa tiền sử tiêm vacxin và mức độ bệnh nặng - nhẹ trên nghiên cứu từ 349 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho thấy số người được tiêm đủ 2 mũi vacxin đa số có mức độ bệnh nhẹ (88%). Nếu có suy hô hấp, những người tiêm đủ liều vacxin cũng ít phải thở máy xâm lấn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 -TP.HCM, phân tích: Đối với bệnh truyền nhiễm, miễn dịch cộng đồng rất quan trọng. Mức độ miễn dịch cộng đồng có được là nhờ người khỏi bệnh và tỷ lệ tiêm vacxin.
Covid-19 cũng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người nên nó cũng chịu quy luật này. Mục đích của tiêm vacxin là để giảm số ca bệnh trong cộng đồng, chứ không phải không còn bệnh. Vacxin khiến việc lây lan giảm đi chứ không thể ngăn chặn triệt để và giúp người bệnh không bị nặng chứ không phải miễn nhiễm với virus corona.
Tỷ lệ tiêm vacxin dù cao đến mấy cũng không thể có được miễn dịch cộng đồng bền vững. Vacxin cũng không thể giúp miễn dịch 100%. Do đó, sau khi tiêm vacxin đủ tỷ lệ dân số nhất định và bảo vệ được người có nguy cơ cao (lớn tuổi, bệnh nền) thì địa phương phải mở cửa để tạo thêm miễn dịch cộng đồng bền vững. Nhiều người bệnh mà không triệu chứng hoặc rất ít người có tình trạng nặng thì càng có miễn dịch cộng đồng bền vững. Khi các địa phương có tỷ lệ tiêm vacxin đủ 2 liều cho người dân cao, việc đếm số ca nhiễm không còn ý nghĩa quan trọng.
Việc truy vết, cách ly F0, F1 như trước đây cần được thay thế bằng truy vết người có nguy cơ cao bị lây nhiễm vào bảo vệ họ, nếu chưa tiêm vacxin thì nhanh chóng tiêm đủ liều cho họ. Đối với các địa phương đã tiêm đủ vacxin, khi thấy số ca F0 tăng hay người đã tiêm vacxin vẫn mắc Covid-19, thì người dân không nên quá sợ hãi. Tuy nhiên, ở địa phương chưa tiêm đủ vacxin, tình trạng này lại rất nguy hiểm.
Để hiểu hơn về giá trị của vacxin Covid-19, có thể tham khảo các báo cáo khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Một nghiên cứu mới nhất, được thực hiện trên 20.101 người ở 9 tiểu bang có hệ miễn dịch suy yếu.
Trong số này, 10.564 người đã được tiêm vacxin đầy đủ. Dữ liệu so sánh với 69.116 người trưởng thành có hệ miễn dịch bình thường, trong đó, 29.456 người đã được tiêm chủng vacxin Covid-19 đầy đủ. Hiệu quả của vacxin ở người suy giảm miễn dịch thấp hơn nhóm bình thường, chỉ đạt 77% so với 90%.
Song, không phải kháng thể ở tất cả bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch đều đạt được mức này. Nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của vacxin thay đổi đáng kể giữa các nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Cụ thể, với người đã ghép tạng hoặc cấy tế bào gốc, hiệu quả của vacxin sau hai liều chỉ đạt hơn 59%, còn những người bị rối loạn viêm khớp hoặc thấp khớp là 81%.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, thì phát hiện qua các nghiên cứu thực tế đều không gây quá nhiều ngạc nhiên. Bình thường, cơ thể của những người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch đã khó tạo ra kháng thể với mọi vacxin, chứ không riêng gì vacxin Covid-19.
Hơn 50% bệnh nhân ung thư máu, tủy xương, hạch bạch huyết có kháng thể chống virus corona sau khi tiêm vacxin. Người bị suy giảm miễn dịch gồm bệnh nhân HIV/AIDS, ung thư, người được cấy ghép tạng, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân mắc các bệnh di truyền.
Đáp ứng kháng thể giảm có thể do hệ miễn dịch của họ không còn hoạt động tốt. Thuốc mà bệnh nhân đang dùng cũng có thể gây ảnh hưởng tác dụng của vacxin, và mỗi loại bệnh lại được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch khác nhau.
Có nhiều lý do khiến hiệu quả của vacxin Covid-19 ở từng bệnh nhân có tác dụng khác nhau. Tại một quốc gia có nền y tế phát triển như Mỹ, thì người bị suy giảm miễn dịch trung bình đến nặng chiếm khoảng 3% dân số trưởng thành.
Vì vậy, người có hệ miễn dịch bị tổn hại từ trung bình đến nghiêm trọng nên tiêm liều vacxin thứ 3 sau ít nhất 28 ngày tiêm liều vacxin thứ 2. Và ngay cả sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, những người bị suy giảm miễn dịch vẫn thuộc nhóm dễ tổn thương hơn.
Cách tốt nhất là bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nên đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tới nơi đông người và giữ khoảng cách an toàn nhiều nhất có thể, trước khi được bác sĩ chỉ định cần tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4.
Người trưởng thành tiêm đủ 2 mũi vacxin vẫn có thể bị lây nhiễm, thì trẻ em cần được bảo vệ như thế nào? Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thành Long cho biết, đã trao đổi với Bộ Giáo dục Đào tạo, thống nhất không vì lo lắng quá dịch bệnh mà không cho trẻ em đi học. Cũng không nên đợi chờ trẻ em tiêm phủ vắc xin, do rủi ro ở lứa tuổi này không cao, nên các địa phương ở cấp độ 1 và 2 có thể mạnh dạn cho các em đi học bình thường.
Việc tổ chức tiêm cho trẻ em đã tổng kết, căn cứ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, với cách làm là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có bệnh lý nền, và vacxin duy nhất sử dụng là Pfizer đã được cấp phép.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long cũng cam đoan, khi vào cơ thể trẻ em thì vắc xin không xâm nhập hệ gene ADN mà sẽ tạo ra kháng thể, tạo ra kháng thể chống lại xâm nhập virus. Do đó, những ý kiến cho rằng tiêm vacxin gây đột biến, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc phát triển của trẻ đã được khẳng định không có, song vấn đề này vẫn đang tiếp tục theo dõi.